4 bài học cho Việt Nam từ đất nước Israel
- Thứ bảy - 16/05/2015 05:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà nước lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp, coi trọng nền giáo dục, không bỏ qua doanh nghiệp nhỏ và phổ biến tinh thần khởi nghiệp là 4 bài học từ Israel.
“Năm ngoái, tôi có đến Israel. Có những người 72 tuổi vẫn có thể được nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp, chỉ bằng một ý tưởng, chứ không phải chờ vận hành doanh nghiệp một thời gian rồi có triển vọng rồi mới đầu tư. Đấy là cách Nhà nước Israel đầu tư cho khởi nghiệp”, TS. Trần Lương Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP phần mềm Việt (VietSoftware) chia sẻ.
Dưới đây, chúng tôi xin tóm lược 4 bài học kinh nghiệm từ đất nước khởi nghiệp và sáng tạo Israel được chia sẻ bởi GS. Shlomo Maital – Giảng viên trường ĐH Technion, Israel:
1. Thực hiện chiến lược can thiệp của Nhà nước
Các công ty phần mềm Mỹ thống lĩnh thị trường thế giới, một phần nhờ các khoản đầu tư lớn của công nghiệp quốc phòng vào trường đại học và cơ sở hạ tầng. Internet đã ra đời từ dự án ARPANET của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Đại học UCLA.
Đầu tư của Israel bắt đầu bùng nổ khi Chính phủ lập ra Yozma, công ty Nhà nước chuyên đầu tư mạo hiểm cho công nghệ.
Tại Israel, Nhà nước mở một quỹ đầu tư đầu tiên cho các công ty khởi nghiệp. Họ có thể vận hành công ty trong một thời gian, sau đó tiếp tục gây quỹ bằng cách kêu gọi quỹ đầu tư từ bên ngoài - các quỹ đầu tư mạo hiểm. Như vậy, rủi ro của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước giảm đi 50%.
2. Doanh nghiệp nhỏ là tài nguyên tuyệt vời
Việt Nam là đất nước của công nghiệp nhỏ và tư duy nhỏ. Israel cũng vậy. Doanh nghiệp nhỏ thường thiếu tầm nhìn, công nghệ, vốn. Rất nhiều quốc gia, kể cả Israel từng bỏ qua doanh nghiệp nhỏ, nhưng họ là tài nguyên tuyệt vời. Hãy giúp họ phát triển, và họ sẽ là tài nguyên tuyệt vời để giúp cho Việt Nam phát triển.
“Các bạn có thể tận dụng tinh thần kinh doanh, sự chăm chỉ, quyết tâm của những người đó để họ xây dựng công ty, góp phần làm hùng mạnh nền kinh tế của nước nhà”, GS. Shlomo chia sẻ.
3. Đừng tạo ra kỹ sư thất nghiệp
Việt Nam có các trường học rất tốt. Nhưng cũng giống như Israel, trường phổ thông và các trường đại học cần phải được hiện đại hóa. Hiện các trường vẫn chưa dạy các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần.
“Bạn không thể tạo ra kỹ sư, những người tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm. Đất nước chúng tôi cũng như các bạn cần cung cấp nền giáo dục đào tạo sao cho thế hệ trẻ ra trường có việc làm, giúp họ có tư duy phê phán và hỏi lại giảng viên điều đó có đúng hay không, làm sao để làm tốt hơn”, ông Shlomo nói.
Bí quyết trở thành quốc gia khởi nghiệp của Israel, theo ông Shlomo, là không tuyển những người mà phải nói với họ cần phải làm gì. “Việt Nam cũng không thích những người nói cho mình cần phải làm gì. Hãy khuyến khích các bạn trẻ hỏi câu hỏi thật khó, để cho họ đặt câu hỏi những kỹ năng gì nhà trường có thể cung cấp cho họ để sau này họ có thể làm việc giúp ích cho đất nước”, ông nhắn nhủ.
4. Làm cho tinh thần khởi nghiệp được phổ biến rộng khắp
RAD Data Communications của Israel được thành lập bởi anh em nhà Zisapel năm 1981. Yehuda Zisapel, hiện là Chủ tịch, đã khởi xướng một mô hình trong đó các kỹ sư sáng tạo rời RAD để khởi sự công ty của riêng mình, với sự tư vấn và nhiều khi là tiền từ RAD.
128 công ty đã được tạo ra từ 1 công ty ban đầu.
Kết quả: 128-công ty tạo thành một "liên kết” với 15.000 nhân viên và hàng tỷ Đô la xuất khẩu. Điều quan trọng đối với Việt Nam là làm cho sự khởi nghiệp trở nên lan truyền rộng khắp và nhanh chóng.
Tuy nhiên, GS. Shlomo cũng khuyên Việt Nam nên tránh sai lầm của Israel. “Chúng tôi khởi nghiệp rất nhiều, nhưng chúng tôi không thành công trong việc biến các công ty khởi nghiệp trở thành một công ty khổng lồ. Các công ty đã bị mua lại và rất nhiều người có trí tuệ của chúng tôi đã rời Israel”.
“Việc làm cho công ty phát triển, sau đó bán đi để thu lợi nhuận trở thành một chu trình. Và trong suốt 10 năm qua, chúng tôi không có 1 công ty nào trở thành công ty toàn cầu”, GS Shlomo cho biết.