Tư duy giá rẻ: Bước cản cạnh tranh
- Thứ hai - 18/05/2015 19:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với yêu cầu của hội nhập sâu rộng, chúng ta cần thay đổi tư duy giá rẻ, nếu không sẽ rất khó cạnh tranh với các nền kinh tế lớn.
“Với tư duy giá rẻ, chúng ta đã bán tài nguyên giá rẻ, nhập máy móc, thiết bị công nghệ cũ kỹ và lạc hậu, sử dụng lao động giá rẻ; tạo ra những hàng hóa giá rẻ làm thế mạnh cạnh tranh với thị trường quốc tế. Điều này đang gây ra những hệ lụy không nhỏ với nền kinh tế, nhất là khi bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển”.
Chỉ nghĩ cho mình, tương lai mặc kệ
. Phóng viên: Thưa ông, trong một phát biểu mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu quyết liệt loại bỏ tư duy giá rẻ, ông đánh giá những tác hại của kiểu tư duy này ở Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?
+ PGS-TS Phương Ngọc Thạch: Ba thập niên qua, Việt Nam đã trải qua một thời kỳ dài tăng trưởng kinh tế dựa vào bán tài nguyên dạng thô như dầu khí, than đá… và dựa vào lao động giá rẻ. Hậu quả là chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Với những gì đang diễn ra, mục tiêu năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có nguy cơ bị đẩy lùi xa hơn.
Ở một góc độ khác, năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá trình độ phát triển của một nền kinh tế. Thế nhưng chính vì tư duy giá rẻ, làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN (trừ Lào, Campuchia và Myanmar), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đang rất thấp.
. Theo ông, tư duy giá rẻ xuất phát từ đâu?
+ Tư duy giá rẻ xuất phát từ những đặc thù trong lịch sự phát triển của chúng ta khi chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có những yếu tố thị trường đã chưa được vận dụng một cách phù hợp trong quá trình chuyển đổi nên những yếu tố cũ vẫn cứ tồn tại và vận hành.
Cạnh tranh phải dựa vào chất lượng lao động chứ không thể dựa vào “cơ bắp” như trước đây nữa. Ảnh: Hữu Luận
Thường tư duy này tồn tại ở các quốc gia chậm phát triển. Như tôi đã nói là nó cần có trong thời kỳ đầu, thời kỳ đất nước còn khó khăn, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, chúng ta phải dựa vào nguồn tài nguyên thô, lao động giá rẻ để phát triển nhưng không thể để kéo dài suốt 30 năm được.
Tư duy giá rẻ còn xuất phát từ ý thức của con người, nhất là cán bộ lãnh đạo. Cứ cái đà như hiện nay sau này không có tài nguyên con cháu chúng ta biết lấy gì khai thác, phát triển. Trong khi các chỉ số về chất lượng nguồn lao động còn rất xa so với bao nhiêu nước trong khu vực.
Từ góc độ tâm lý người tiêu dùng, tất nhiên ai cũng muốn mua hàng hóa giá rẻ và điều này đã tác động nhất định lên chất lượng sản xuất. Nhưng thử hỏi, làm sao hàng hóa giá rẻ mà lại chất lượng cao để mang đi cạnh tranh với người ta. Ở đây phải hiểu rằng do đời sống của đa phần người dân lao động còn khó khăn quá nên dù biết giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng kém nhưng họ vẫn mua để có cái mà dùng. Nhưng nếu “đem chuông đi đánh xứ người” thì không thể mang cái tư duy ấy vào sản xuất để mà cạnh tranh được.
Đừng cạnh tranh bằng "cơ bắp"
. Một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy trong các nước tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên thái Bình Dương (TPP) thì Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp vì dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên. Thưa ông, có ý kiến cho rằng hội nhập mà cạnh tranh bằng “cơ bắp” như thế thì khó quá?
+ Muốn hội nhập quốc tế anh phải có sức mạnh thì mới thắng được. Chúng ta gia nhập vào TPP với công nghệ lạc hậu và cạnh tranh bằng lao động cơ bắp giá rẻ sức mạnh tạo ra từ đâu đây?
Nếu Việt Nam không đẩy mạnh đổi mới tư duy, đưa ra những chính sách tốt thì khó mà thành công khi vào TPP.
. Vậy theo ông, với yêu cầu của công cuộc hội nhập hiện nay, chúng ta phải làm gì để đẩy lùi những hệ lụy của tư duy giá rẻ?
+ Muốn thay đổi được tư duy giá rẻ, trước hết phải tái cơ cấu con người. Phải chọn những người vừa có tài vừa có đức vào làm việc ở những vị trí chủ chốt. Người lãnh đạo ấy phải tập trung xây dựng các giá trị mới cho đất nước chứ không thể xuất phát từ lợi ích cá nhân để vun vén cho mình.
Tiếp đó, phải thay đổi từ tư duy giá rẻ sang tư duy phát triển kinh tế dựa vào nguồn lao động chất lượng cao, năng suất lao động cao và sử dụng công nghệ cao chứ không thể là lao động giá rẻ và đào tài nguyên đi bán nữa.
Chúng ta phải hiểu rằng phát triển được hay không là dựa trên chính đôi chân của chúng ta. Hội nhập là cơ hội, là tiền đề để chúng ta tiếp thu công nghệ, thành tựu của thế giới nhưng tất cả phải tiến lên bằng nội lực. Muốn thế phải thay đổi chất lượng tăng trưởng một cách thực sự.
. Cụ thể, cần phải đổi mới những chính sách gì để đạt điều trên, thưa ông?
+ Muốn vậy, trước hết cần phải cải cách chính sách và chế độ tiền lương hiện hành theo hướng chú trọng chất lượng của giá trị chuyên môn, của sáng tạo chứ không phải chỉ theo chức vụ cơ học, làm mất sự công bằng, triệt tiêu giá trị sáng tạo và cống hiến.
Tiếp nữa cần đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ, vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Bởi vì đây là nhân tố quyết định tăng năng suất lao động thay đổi chất lượng tăng trưởng hiện nay. Và hạn chế dần những ngành lao động gia công, vốn đã biến Việt Nam thành “xưởng gia công” cho các nước phát triển như bấy lâu nay.
Vô cùng nguy hiểm
Tư duy giá rẻ, bao cấp là điều vô cùng nguy hiểm. Cái gì cũng muốn rẻ… Hàng hóa rẻ lấy đâu ra chất lượng và cạnh tranh. Do đó, giá cả phải theo thị trường và tương ứng với chất lượng dịch vụ, nâng tầm giá trị hàng hóa Việt.
Phó Thủ tướng HOÀNG TRUNG HẢI, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của ngành nông nghiệp 2015 ngày 25-12-2014
Động lực tăng trưởng giảm nếu tiếp tục theo lối cũ
Phải sử dụng nguyên tắc thị trường để phân bổ lại nguồn lực. Người dân, doanh nghiệp và bất kỳ ai sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên khoáng sản của đất nước, đem lại lợi ích nhiều nhất cho đất nước thì họ phải được tiếp cận chứ không phải phân biệt đó là thành phần nào.
… Thách thức là những động lực tăng trưởng càng giảm đi nếu chúng ta tiếp tục đi theo đường cũ, như dựa vào khai thác khoáng sản để xuất thô. Trữ lượng thì ngày càng cạn kiệt mà giá lại giảm... Chúng ta đang phải đối mặt với chuyện đó.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT BÙI QUANG VINHtrả lời Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 2-1-2015