Chuyện ghè cổ kỳ lạ ở Kon Tum
- Thứ sáu - 29/05/2015 14:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ở vùng đất Kon Tum, bà con còn lưu giữ nhiều ghè cổ với tuổi thọ hàng trăm năm, được xem là vật báu của gia đình, trị giá tới mấy chục con trâu. Và gia đình A Huynh ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) còn lưu giữ tới 4 ghè cổ gắn với những câu chuyện kỳ lạ.
Ghè cổ kỳ lạ
Để hiểu rõ hơn về điều kỳ lạ trong những chiếc ghè của A huynh (33) tuổi, chúng tôi đã tìm lên làng Chốt để nghe những lời kể của anh và bà con trong làng. Theo anh A Huynh kể, nhà anh có 4 cái ghè cổ, trong đó có 3 ghè lớn và một cái ghè nhỏ. Những chiếc ghè này từ thời ông nội để lại và sau nhiều lần thất lạc thì cuối cùng gia đình anh cũng đã tìm lại được.
Ngày xưa chiếc ghè nhỏ cao chừng 20 cm, ông nội đổi cả một con voi mới có được. Và 3 ghè lớn, thì mỗi ghè như vậy giá trị bằng cả mấy chục con trâu to.
Quay về thời xưa, lúc đó nhà nào có nhiều ghè quý được xem là gia đình giàu có, sở hữu nhiều nương rẫy và trâu bò. Chứ người nghèo không dám bỏ ghè quý trong nhà, vì mỗi năm phải làm lễ cúng ghè bằng lễ vật con trâu, con bò hoặc con dê. Hơn nữa, ghè cổ con mang đến sự may mắn, nên gia đình giàu có sẵn sàng đổi hàng chục con trâu để lấy chiếc ghè cổ.
A Huynh cho chúng tôi biết, chiếc ghè cổ nhỏ mà ông nội anh đổi một con voi, thì khi ông nội mất, gia đình đã chôn theo trong lễ bỏ mạ. Nhưng vài năm sau, gia đình bỗng dưng bắt gặp chính ghè của nhà mình ở nơi khác, thế nên đã đem về làm lễ và lưu giữ lại. Không những thế, khi lễ hội lớn của làng, có người khác đến giúp làm rượu ghè, thì rượu bị hư không uống được, mà phải tự tay người trong gia đình làm mới không sao.
Với 3 ghè lớn (mỗi cái cao 0,8 mét), luôn được gia đình A Huynh cất giữ cẩn thận để sau truyền lại cho con cháu. Có một lần A Huynh tình cờ thấy một con chuột rớt vào một chiếc ghè, vô tình anh để con chuột trong ghè. Vài hôm sau, anh nhìn vào thì con chuột vẫn sống bình thường mà không bị chết. Vì sự tò mò, A Huynh lại tiếp tục bỏ con chuột đó vào ghè thứ 2, nhưng nó vẫn sống, mặc dù trong ghè không có gì. Đến khi anh bỏ vào ghè thứ 3, vài hôm nhìn vào chuột đã biến mất. A Huynh cho là chuyện lạ vì với chiều cao của ghè lớn là 0,8 mét thì không thể nào mà chuột có thể thoát ra ngoài được. Từ đó, A Huynh cho rằng những chiếc ghè cổ của ông nội để lại là "ghè thiêng" nên anh cất giữ cẩn thận hơn. Câu chuyện cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm nên đã bị hư cấu, mỗi lần nhắc đến ghè cổ của gia đình A Huynh, trong làng ai cũng biết và bà con xem như thần thánh.
Là vật báu gia truyền
Theo những người già, 4 ghè cổ của gia đình A Huynh có tuổi thọ hàng trăm năm, được truyền từ nhiều thế hệ và cùng nhau lưu giữ vật báu gia truyền đó. Khác với ghè thường, ghè cổ có kích thường thường lớn hơn và có màu nâu đất. Ở những chiếc ghè cổ thường có những trang trí hoa văn đắp nổi rất tinh xảo như, hình con rồng, hình các muôn thú, con hạc và đặc biệt có hình cây rau dớn rừng. Đây là loài rau mọc ở khe suối ẩm ướt – vua của các loại rau và được dùng trong bữa ăn hàng ngày của bà con. Trong tâm thức của họ, ngọn rau dớn cong tròn, luôn được che chở bởi những cây cổ thụ là biểu tượng cho sự ấm cúng, cuộc sống no đủ mà con người hướng tới.
A Huynh bên những chiếc ghè cổ của gia đình từ thời ông nội để lại (ảnh tác giả).
Những chiếc ghè của gia đình A Huynh, nhiều lần có người đến hỏi mua với giá rất cao nhưng anh nhất định không bán. Vì đây là vật báu gia truyền từ thời ông nội để lại, nó còn bảo vệ cho gia đình nhiều may mắn và có sức khỏe. A Huynh còn kể, có lần kẻ xấu đến trộm ghè nhưng khi vào bưng ghè thì tự nhiên ghè lại rất nặng và không vác nổi nên đã từ bỏ.
Trong quan niệm dân gian, người Gia Rai cho rằng, ghè cổ là nơi trú ngụ của Giàng, thần linh và luôn che chở, phù hộ cho gia đình về sức khỏe, làm ăn. Nên mỗi năm có lễ lớn của gia đình hay của làng thì mới đem ra để làm rượu ghè. Bởi, khi làm rượu ở ghè cổ sẽ ngon hơn rất nhiều so với ghè thường và chỉ cần làm một ghè rượu (cao 0,8 mét) thì cả làng uống mãi mới hết được. Và mỗi lần đem ghè cổ ra, thì làng phải cúng một con dê để xin phép Giàng.
Có thể nói, ghè cổ không chỉ mang giá trị vật chất thông thường, mà còn đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng và là báu vật vô giá, lưu truyền của người dân nơi đây.