Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

http://samtuoingoclinh.com


Con trâu trong nông nghiệp lúa nước của người H'Rê ở KonTum

Dân tộc H'rê có tên gọi khác là Chăm rê, Chom, Krẹ, Mọi Luỹ… Người H'rê ở Việt Nam có dân số 127.420 người, cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk , Gia Lai…. Tiếng nói của người H'rê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, gần gũi với tiếng nói của người Xơ Đăng và Bah Nar.
Con trâu là đầu cơ nghiệp...
Ở Kon Tum, người H'rê có mặt từ rất sớm. Cùng với quá trình phát triển của tự nhiên và tác động của tiến trình lịch sử nên đa phần họ di cư từ Quảng Ngãi lên và chọn vùng đất Kon Plong cư trú từ đó cho đến nay. Trên địa bàn huyện Kon Plong, người H’rê cư trú chủ yếu và tập trung tại vùng đồi núi, trên các vùng thung lũng tương đối bằng phẳng, gần nơi hội tụ các vùng sông suối lớn nhỏ. Chính vì thế trong hoạt động kinh tế của người H’rê bên cạnh hoạt động kinh tế nương rẫy còn có hình thức canh tác lúa nước. Canh tác lúa nước có mặt từ rất sớm, mang tính chất truyền thống của dân tộc H’rê. Có thể nói trong các dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam, người H’rê là một trong số ít các dân tộc thiểu số biết đến lợi ích của cây lúa nước từ thời xa xưa. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, người H’rê sớm biết tận dụng địa hình để mở mang đồng ruộng, sớm biết khai phá cải tạo những vùng đất bằng phẳng, sình lầy làm nơi trồng lúa nước.
Từ xa xưa người H’rê đã biết dùng trâu làm sục bùn trên thửa ruộng. Do đó, với người H'rê con trâu là một thành phần rất quan trọng trong gia tài của họ, nó vừa là tài sản quý giá, vừa là nguồn lực sức lao động của gia đình. Vì vậy, với người H'rê con trâu là người bạn thân thiết là con vật được trân trọng nhất.
Ngày xưa, khi chưa biết đến cày, bừa thì con trâu chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp lúa nước của đồng bào dân tộc H'rê. Không biết từ lúc nào mà đồng bào đã biết sử dụng sức trâu và đôi bàn chân của nó để quần ruộng gieo lúa. Bình thường để quần một thửa ruộng phải dùng từ 10 đến 12 con trâu. Để “chỉ huy” một đàn trâu như vậy phải có 2 người mới làm được. Phải làm sao cho trâu đi đúng hàng lối và quần đi quần lại nhiều lần thì đất mới nhuyễn. 
Con trâu trong nông nghiệp lúa nước của người H'Rê ở KonTum
Dùng trâu quần ruộng
Với đồng bào dân tộc H'rê tại xã Đắk Long, huyện Kon Plong thì việc dùng trâu quần ruộng để cấy lúa hiện nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến và đậm nét. Cụ thể là tại làng Kon Pring, xã Đắk Long, huyện Kon Plong vẫn còn nhiều gia đình sử dụng phương pháp này trong kỹ thuật canh tác lúa nước của mình.
Con trâu trong nông nghiệp lúa nước của người H'Rê ở KonTum 1
Toàn cảnh thửa ruộng dùng trâu quần
Nếu so với kỹ thuật canh tác lúa nước hiện nay như: dùng máy cày, máy bừa hay dùng chiếc cày bắp dài, chiếc bừa và sử dụng sức kéo của trâu vào việc cày cấy…thì việc dùng trâu quần chậm hơn và đất cũng không nhuyễn bằng. Nhưng không phải vì thế mà đồng bào dân tộc H'rê bỏ đi kỹ thuật truyền thống của mình. Bởi với họ con trâu vốn là con vật quý, tài sản quý và là "người bạn" của gia đình họ từ xưa đến nay. Mặt khác, đồng bào dân tộc H'rê canh tác ruộng nước ở những địa hình tương đối phức tạp nên việc sử dụng máy cày, bừa cũng rất khó khăn. Mặc dù, hình thức canh tác này còn lạc hậu nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá cao do ưu đãi của tự nhiên, rừng nhiều, đất rộng, người thưa, đất đai mầu mỡ.
Có thể nói, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sinh sống trên môi trường, địa bàn hết sức thuận lợi như hiện nay mà đồng bào dân tộc H'rê vẫn bảo tồn và gìn giữ được phương pháp canh tác lúa nước truyền thống của mình là một điều hết sức đặc biệt. Trong tương lai, khi khu du lịch sinh thái Măng Đen đi vào hoạt động thì phương pháp canh tác lúa nước dùng trâu quần ruộng của đồng bào dân tộc H'rê ở đây cũng là một điểm đến hết sức thú vị cho du khách đến thăm quan và chiêm ngưỡng.

Tác giả bài viết: Mai Văn Nhưng theo Bảo Tàng Kon Tum

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây