Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

http://samtuoingoclinh.com


Những chuyện tình đa quốc gia bên dòng Đak Bla

Chuyện trai gái nước này, nước kia kết tóc se tơ, ăn đời ở kiếp không còn xa lạ nữa. Biết vậy mà trên chót vót Trường Sơn, tôi cứ tới lui ngơ ngẩn bên mái nhà rông Kon Tum K’Nâm, ngôi làng đặc sệt Ba Na của TP.Kon Tum.
Hạnh phúc giản đơn.
“Em đâu có biết!”
Ông anh nhiều năm là thổ công ở Kon Tum quyết định áp dụng bài “test” mạnh tay khi dắt Thibault Sargentini rẽ vô quán... cầy tơ trên đường Đào Duy Từ. Chẳng chút lóng ngóng, chàng trai của TP.Lille cửa ngõ phía bắc nước Pháp, cầm đũa chọn miếng dồi rồi gật gù, tấm tắc “ngon, ngon”. Giờ, trong cặp mắt xét nét của anh, Thibault mới đầy đủ tư cách “làm người đồng bào”. Bên đối diện, Lót (Nino) không chia sẻ thực đơn cánh đàn ông, nhưng nhìn kiểu cô cười, kiểu vuốt ve, thầm thì to nhỏ với Andre’, mới thấy hạnh phúc là điều mà con người ta không dễ gì che giấu được.
Thằng bé Andre’ 1 tuổi là đứa thứ hai của cuộc hôn nhân Ba Na – Pháp. Bé gái đầu Mina được người bố mê phim kinh dị chọn đặt tên theo nhân vật Mina Harker do nữ minh tinh Peta Wilson thủ vai trong một tác phẩm điện ảnh bom tấn. Tôi gặp Thibault Sargentini khi từ trung tâm làng Kon Tum K’Nâm trở ra. Ông Tây dềnh dàng, cao lớn khom lưng chú mục vào màn hình laptop, đón khách qua cái nhìn bối rối. May có Lót kịp về hỗ trợ. Họ quen nhau từ năm 2009. Thibault lần đầu lên Tây Nguyên, lang thang khám phá một nền văn hóa khác. Lót nói được tiếng Anh, nhà ngay cạnh đường chính dẫn vô làng.

chàng rể tây kon tum 1

Thỉnh thoảng, nàng sơn nữ sinh năm 1989 cho phép mình làm một hướng dẫn viên không chuyên. Hai người thơ thẩn suốt ngày, Kon Tum K’Nâm, Kon Tum K’Pâng, Kon K’Lo, Kon H’rachot, giọt nước, nhà rông, bến sông, chiếc thuyền độc mộc. Gặp hôm làng có đám cưới, Lót mời Tơ kơi et xik tơm (xin hãy nếm thử rượu ghè). Thibault nhớ lại: “Bữa tiệc ấy quyết định cuộc đời tôi. Trái tim tôi như có bàn tay dịu dàng nào chạm phải”.
Y Lót cười vang, đắc thắng: “Em đâu có biết, cứ ngỡ chỉ là bạn bè bình thường thôi. Sau liên lạc, thăm hỏi nhau qua thư điện tử, cũng chẳng thấy chàng hó hé gì thêm”. Rồi Lót vào TPHCM theo học khóa điều dưỡng 3 năm. Sài Gòn – Phnom Penh, nơi Thibault Sargentini làm chủ một quán bar lớn ở khu phố Tây, là khoảng cách quá gần để gạo nấu thành cơm. Năm 2013 họ chính thức đăng ký kết hôn. Năm sau thì đưa nhau ra nhà thờ làm lễ.
Có một cô gái Pháp đã tan nát cõi lòng vì lựa chọn của Thibault, nhưng đây không phải chuyện mà anh muốn kể. Hỏi đã bị sấm sét cao nguyên đốn ngã ra sao, người đàn ông 37 tuổi trả lời như sách: “Rất phức tạp để nói ra. Tình yêu đích thực không đơn giản bao giờ”. Lót chìa tay khoe nhẫn đính hôn: “Anh ấy khắc dòng chữ Pháp pour toujours (mãi mãi). Đáp lại, em cũng thổ lộ bằng ngôn ngữ dân tộc mình trên nhẫn tặng Thibault oh oă kow nhong (em thích anh). Anh chàng vui lắm”. 
“Làm quán bar kiếm được nhiều tiền nhưng sự lộn xộn ở đó không phù hợp với mấy đứa nhỏ” - Lót giải thích lý do gia đình chuyển nhượng cơ sở kinh doanh, dắt díu về Kon Tum - “Chờ Mina và Andre’ lớn chút nữa, cả nhà sẽ sang Pháp. Thibault muốn các con học hành, trưởng thành, thụ hưởng chế độ an sinh xã hội bên đó”. Thực ra, ước muốn của ông chồng Tây còn rộng dài, bát ngát hơn nhiều: “Nếu có điều kiện, tôi sẽ đưa Nino và 2 con đi khắp thế giới”.
Cô vợ vội vàng chứng thực: “Người Việt Nam gì mà chưa từng biết Hà Nội, ảnh thường... khiêu khích vậy. Cuối năm 2014, sang Châu Âu, trừ vài tuần lễ ở với ông bà, suốt 3 tháng, vợ chồng con cái ngồi ôtô rong ruổi 7.000km khắp nước Pháp, đi Bỉ, Ý, xuống Địa Trung Hải. Thibault hăng lên, muốn kéo bầu đoàn sang cả Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha... nhưng Mina bấy giờ mới 7 tháng, em bảo thôi. Ở Việt Nam cũng thế, lâu lâu bứt rứt, chồn chân là bồng bế nhau đi Phan Rang, Mũi Né, Vũng Tàu. Tháng 9 tới, vợ chồng người bạn thân của Thibault sang nhận Mina, Andre’ làm con đỡ đầu, cả nhóm sẽ du lịch Lào, Thái Lan”.
Mỗi ngày, ngoài khoảng thời gian người chồng nối mạng với cha mẹ, anh em, bằng hữu bên chiếc máy tính đặt dưới mái hiên, còn đâu, họ cứ đeo dính lấy nhau. Ra chợ, ghé quán Ê Va nhấm nháp ly cà phê trong không gian thấm đẫm hồn cốt miền Thượng, làm bếp, chơi đùa với con, thăm viếng lũ làng... “Xung đột văn hóa” nghiêm trọng nhất giữa họ là cách thức dạy dỗ con cái. “Ông xã muốn con biết thể hiện tình cảm. Sáng dậy phải chào hỏi, ôm hôn cha mẹ, chúc ngày mới tốt lành. Em không quen, cứ để tự nhiên thôi. Lựa chọn ngôn ngữ cũng là thách thức khó khăn cho tụi nhỏ. Có lúc chúng nói loạn xạ các thứ tiếng Ba Na, Việt, Anh, Pháp. Thibault Sargentini đang ấp ủ dự án dạy tiếng Anh trên Internet miễn phí, cho bất cứ ai có nhu cầu”.
Miền rừng mê hoặc
Lót quả quyết học ngoại ngữ, nói tiếng Anh là để thêm một kênh giao tiếp, để mở rộng cơ hội nhìn ra thế giới, chứ rắp tâm lấy chồng ngoại thì không. Quả là khó giải thích cho “làn sóng” hôn nhân đa quốc tịch ở Kon Tum K’Nâm. Ngồi trong sân, nhìn cô gái vung tay chỉ trỏ mà tôi tá hỏa tam tinh: Nhà đối diện là của Ni Li, lấy chồng Mỹ, người Texas. Nhà bên phải, bên trái cũng có rể Boston, Massachusetts. Một hàng xóm khác là Rôs lấy chồng Bỉ. Bạn của Lót - Hyak - lấy một chàng trai người Anh. Nar - chị họ cô - cũng chọn làm dâu xứ sương mù. Hôn nhân của họ là hôn nhân chính thức, được pháp luật công nhận, được quyền lựa chọn, chuyển đổi quốc tịch chứ chẳng phải tạm bợ, gá ghép, bèo dạt mây trôi.
Lấy chồng thiệt đáng tấm chồng. Những cô nàng sơn cước đúng là chả việc gì phải hổ thẹn bởi phối ngẫu với họ toàn bậc “trượng phu” ngon lành cành đào. Chồng Hem là thuyền trưởng, chồng Nar giám đốc ngân hàng, chồng Ni Li là chủ doanh nghiệp, chồng Ni Na dược sĩ. Bét như chồng Rôs thì cũng là tài xế, có công ăn việc làm đàng hoàng, ổn định. Bà Y Híp - mẹ Lót - ngập ngừng tham gia ý kiến: “Lấy ai, ở đâu không quá quan trọng. Miễn con cái hạnh phúc là mình vui”.
Gọi Kon Tum K’Nâm là làng của những cô dâu có số xuất ngoại, tôi chủ yếu căn cứ vào... xu thế áp đảo cho tới thời điểm hiện tại. Người tiềm tàng khả năng bác bỏ lối định danh ít nhiều bộp chộp và ngắn hạn là A Đương đang ngồi “dô, dô” khí thế cùng Thibault Sargentini giữa quán “mộc tồn”. Đương, 28 tuổi - nhân viên Cty Du lịch sinh thái Miền Cao - trắng trẻo, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay, tiếng Tây làu làu như cháo chảy. “Hao gái lắm đấy. Có tới 2 cô Pháp vì hắn mà chết mê chết mệt”, Lót trêu. Đương quay mặt đi, bẽn lẽn: “Nó thương mình... mù quáng luôn. Cô đầu lên Kon Tum làm từ thiện, dự định chỉ 3 tháng, sau dầm dề hơn 1 năm. Cô thứ hai tương tự. Có lần tìm không thấy, ngỡ mình lánh mặt, nó chạy tới nhà ôm bà già ngồi khóc ngon lành. Aurelie hiện dở dang một chương trình xã hội ở Ai Len, bảo tháng 7 qua. Tụi mình đang tính chuyện lâu dài”.
chàng rể tây kon tum
Tôi cứ loay hoay tìm kiếm đầu dây mối nhợ của những chuyện tình đa quốc gia. Đúng hơn, là tìm kiếm sức mê hoặc nơi ngôi làng Ba Na nằm vắt vẻo sườn tây Trường Sơn. Những người có trách nhiệm ở phường Thống Nhất, ở TP.Kon Tum nghe hỏi, chỉ biết cười trừ. Thibault Sargentini vắn tắt: “Người Ba Na thân thiện, nguyên sơ”. Ông Huỳnh Đăng Hải - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Kon Tum - dẫn dắt xa hơn: “Có sợi dây liên hệ giữa văn hóa bản địa với các giá trị văn minh phương Tây, trực tiếp là Pháp. Nhiều trí thức Ba Na từng làm việc với Pháp, là công chức, thầy giáo, bác sĩ, linh mục. Ngoại của Lót - ông A Hun - là trường hợp như vậy. Là giáo viên dạy tiếng Pháp cho đồng bào, từng từ chối cơ hội làm việc ở Hà Nội, ông Hun còn là một nhạc công – nhạc sĩ tài hoa. Nhiều bài hát lễ ở Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (nhà thờ gỗ trên trăm năm tuổi) đều do ông sáng tác”.
Còn gì nữa không? Hay tại sóng nước Bla (Đak Bla), con sông chảy ngược từ đông sang tây, dữ dội, ngang tàng, phóng túng. Giới khoa học xưa nay thường nhắc tới những nền văn minh vùng ngã ba sông. Dân Kon Tum K’Nâm là chủ nhân một dòng sông xứng đáng vỗ ngực xưng tên. Đầu thế kỷ trước, nhà thám hiểm Henri Maitre mô tả ngôi làng như là một thực thể cội nguồn, gốc rễ: “Từ thượng lưu đến hạ lưu, những ngôi làng hợp thành Kon Tum là Kon Tum K’Pâng (tiếng Ba Na: Kon Tum cao) và Kon Tum K’Nâm (Kon Tum thấp)”. Trong cuốn Người Ba Na ở Kon Tum (tên gốc xuất bản tại Huế năm 1937 là Mọi Kon Tum, nhóm tác giả Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi chẳng đã nắc nỏm ngợi khen là gì: “Tục lệ của họ (người Ba Na Kon Tum) chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại, có nhiều điều thuần tuý hơn ta kia”. Thôi, tôi cứ cho là tổng hòa tất cả những lý do tốt đẹp ấy mà ra.

Tác giả bài viết: PHÓNG SỰ CỦA XUÂN NHÀN Theo Báo Lao Động

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây