Lợi thế nhưng phụ thuộc nhập khẩuKết quả điều tra của Viện Dược liệu gần đây cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng bốn nghìn loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý được thế giới công nhận như: hồi, sâm Ngọc Linh, quế... nhiều loài có trữ lượng lớn, có khả năng sản xuất trên diện rộng để đáp ứng yêu cầu thực tế. Tiềm năng phát triển dược liệu còn tăng hơn nữa nếu đi sâu điều tra các loài tảo, nấm, rêu, nhất là các sinh vật biển có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, do khai thác liên tục nhiều năm, khối lượng khai thác vượt quá khả năng tái sinh khiến số cây thuốc trong tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng, có nhiều loài biến mất và việc khôi phục lại phải mất rất nhiều thời gian.
Trong khi nguồn dược liệu của Việt Nam đang suy giảm, các chuyên gia nhận định nhu cầu sử dụng thuốc ở Việt Nam và thế giới đang có xu hướng ưu tiên các sản phẩm từ thiên nhiên, nhất là những thuốc có nguồn gốc dược liệu vì ít có hại và phù hợp quy luật sinh lý của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc chăm sóc sức khỏe của khoảng 80% số dân tại các quốc gia đang phát triển ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khỏe. Mặt khác, thế giới có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới, thay vì tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm có nhiều khó khăn và nhiều độc tính, các nhà khoa học, các tập đoàn dược phẩm lớn đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên, tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn và ít độc hơn. Tại Việt Nam, đã có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, hằng năm sử dụng hơn 50 nghìn tấn dược liệu. Nhu cầu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các sản phẩm khác từ dược liệu ở nước ta ngày càng tăng. Nhưng một bất cập lớn hiện nay là, dược liệu trong nước mới chỉ cung cấp được khoảng 15.600 tấn/năm, khoảng 70% dược liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Xin-ga-po. Chất lượng dược liệu nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo TS Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu, việc ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 1976/QÐ-TTg ngày 30-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ) là một chủ trương đúng giải quyết thực trạng nêu trên. Theo đó, sẽ quy hoạch tám vùng khai thác tự nhiên để khai thác hợp lý 24 loài dược liệu (vùng tây bắc, vùng đông bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Ðông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ); xây dựng năm vườn quốc gia bảo tồn và phát triển cây thuốc để bảo tồn vững chắc nguồn gen có giá trị và nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện nay, đã khảo sát, đề xuất triển khai xây dựng một số vườn quốc gia và đến năm 2020 bảo tồn được 50% số loài dược liệu và đến năm 2030 bảo tồn được 70% tổng số loài dược liệu Việt Nam. Bên cạnh đó, TS Khởi cũng cho biết, sẽ triển khai quy hoạch tám vùng trồng dược liệu, phát triển 54 loài dược liệu ở nhiều địa phương trên cả nước để đến năm 2020 đáp ứng 60% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và đến năm 2030 là 80% nhu cầu. Hiện, các cơ quan chức năng đã bắt đầu khảo sát thế mạnh, điều tra nguồn tài nguyên dược liệu của từng địa phương và quy hoạch phát triển cho từng địa bàn.
Cần cơ chế phù hợpViệc sắp xếp các vùng trồng dược liệu sẽ là cơ hội đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam. Tuy nhiên, còn không ít băn khoăn từ những người trồng dược liệu. Trao đổi với chúng tôi, ông Ðinh Xuân Hào, chủ trang trại trồng cây cà gai leo ở Hòa Lạc (Hà Nội) nói: "Trồng dược liệu như một mũi tên trúng nhiều đích, đó là nâng cao giá trị gia tăng trên một diện tích đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp và tạo nguồn dược liệu sạch ở trong nước để bảo tồn được giống dược liệu quý, không phải nhập khẩu. Trồng dược liệu cho thu nhập cao hơn các cây nông nghiệp khác nhiều lần, nhưng đòi hỏi vốn lớn để đầu tư cây giống chuẩn, trồng thử nghiệm, hệ thống tưới, nhà sơ chế... Hiện tại, những người trồng dược liệu chưa được hưởng ưu đãi vay vốn; thuê đất, các chương trình khuyến nông hỗ trợ về hệ thống tưới tiêu cũng khó tiếp cận".
Ông Lâm Thanh Vân, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Ðịnh) cũng chia sẻ: "Nhiều năm nay, người dân ở Nam Ðịnh trồng dược liệu như đinh lăng, dây thìa canh; thu nhập từ trồng cây dược liệu là 14 đến 15 triệu đồng/năm/sào, gấp từ bảy đến 10 lần so với trồng cây nông nghiệp khác nhưng đầu ra chưa ổn định. Người dân trồng tự phát nhiều nên HTX chúng tôi đang bị ế hàng tấn dược liệu, đang dỡ bỏ giàn dây thìa canh được trồng nhiều năm nay".
Từ thực tế nêu trên, một số ý kiến cho rằng, để các vùng trồng dược liệu không bị "vỡ trận" do tắc đầu ra, cần có sự vào cuộc của các công ty sản xuất sản phẩm từ dược liệu trong việc định hướng vùng trồng, trên cơ sở nhu cầu của sản phẩm, tránh tình trạng trồng ồ ạt rồi dỡ bỏ sau một thời gian. Thực tế này đã được chứng minh hiệu quả qua mô hình liên kết với người dân của các đơn vị sản xuất như Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Nam Dược, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC... Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật, người dân trồng hái, cho nên đã hình thành các vùng trồng đinh lăng, a-ti-sô, đương quy, cúc hoa vàng, kim tiền thảo, dây thìa canh, kinh giới, nghệ vàng tương đối ổn định.
Với các nhà sản xuất, để phát triển bền vững dược liệu còn phải tính đến việc ưu đãi đầu ra cho sản phẩm có nguồn gốc dược liệu chất lượng cao, được trồng, thu hái theo tiêu chuẩn quốc tế (GACP-WHO). Ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết: "Muốn có đầu ra cho dược liệu, phải nâng tỷ lệ sử dụng thuốc từ dược liệu, ở hệ thống thị trường tự do và cả hệ thống điều trị. Thuốc từ dược liệu cũng cần được chuẩn hóa. Thực tế hiện nay, đấu thầu thuốc giống như cuộc đấu giá, giá rẻ trúng mà chưa có hệ tiêu chuẩn để phân biệt đơn vị sản xuất thuốc tốt và đơn vị chưa tốt. Thuốc chất lượng đòi hỏi nguồn dược liệu chuẩn thì không thể có giá rẻ được, vì thế, những sản phẩm chất lượng chưa có được "sân chơi" công bằng trong hệ thống điều trị". Ông Sản hy vọng việc phát triển dược liệu sẽ chặn dược liệu chất lượng thấp được nhập khẩu ồ ạt về làm nguyên liệu sản xuất thuốc, cho ra những sản phẩm kém chất lượng. Trước mắt, Bộ Y tế cần "dựng" hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu dược liệu cụ thể hơn, cần có tiêu chí về định lượng để loại những dược liệu đã bị rút bớt hoạt chất trước khi được nhập về.
Cùng suy nghĩ đó, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Traphaco - đơn vị đi đầu sử dụng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO chia sẻ: "Tạo cơ chế cho đầu ra của các sản phẩm từ dược liệu rất quan trọng, kích thích sự phát triển dược liệu trong nước. Khi doanh nghiệp sử dụng dược liệu sạch, đạt chuẩn quốc tế để sản xuất sản phẩm thì cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm này. Có thể chính quyền địa phương nơi trồng ra dược liệu cần ủng hộ sử dụng sản phẩm đó trong các bệnh viện hay cộng thêm điểm ở các cuộc đấu thầu thuốc".
Là cơ quan triển khai quy hoạch, Viện Dược liệu cho rằng, Bộ Y tế cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đột phá, tạo đầu ra cho dược liệu và các sản phẩm thuốc từ dược liệu, tạo cơ chế gắn kết giữa cung và cầu. Ðó là giải pháp tích cực để phát triển bền vững ngành dược Việt Nam.