Lý do Việt Nam nên học Israel làm nông nghiệp
- Thứ hai - 20/04/2015 12:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Diện tích chỉ nhỏ bằng một tỉnh của Việt Nam nhưng Israel không thiếu lương thực mà trở thành quốc gia xuất khẩu lớn mạnh.
Tại hội thảo “Israel và sức mạnh đột phá của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” tổ chức hôm 9/12 tại Cần Thơ, ông Matan Nemenoff, Tổng giám đốc Tập đoàn LR ORCA Đông Nam Á, cho biết trong bối cảnh dân số các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng ngày một tăng cao và diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần, thì việc đưa mô hình và công nghệ hiện đại để gia tăng năng suất là cách làm thông minh, có vai trò chủ chốt trong bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia và gia tăng xuất khẩu.
Diên tích nhỏ trong đó 60% là sa mạc nhưng Israel lại trở thành quốc gia xuất khẩu lớn mạnh, theo ông Nemenoff, đó là nhờ 3 nhân tố chính: áp dụng mô hình công nghệ mới, cách quản trị tốt và sự hiệp lực giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Cụ thể, theo ông Matan Nemenoff, thông qua một mô hình có tên gọi là Moshav, tất cả nông dân trong một vùng rộng lớn sẽ được tập trung lại và được chia ra thành nhiều khu vực, mỗi khu vực sẽ chịu sự quản lý bởi một hợp tác xã, và nông dân ở đây được phân công để sản xuất lượng thực, rau củ hoặc chăn nuôi...
Ở khu vực trung tâm của mô hình này sẽ có một trung tâm về công nghiệp nông nghiệp - đây là nơi nghiên cứu và cung ứng về công nghệ sinh học, dây chuyền công nghệ đóng gói, sấy, lưu kho, kiểm định chất lượng và phân phối, và tất cả người dân trong khu vực đều có thể sử dụng hạ tầng này.
Mô hình trên đã đem lại thành công rất lớn cho Israel, từ chỗ 1 người nông dân Israel tạo ra sản lượng lương thực nuôi sống được 15 người vào năm 1955, thì đến năm 2007, con số này đã là 100 người.
Ngoài mô hình trên, khi Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây được trồng ở vùng sa mạc Arava của quốc gia này, thì chẳng những giúp tiết kiệm được nước tưới, phân bón, mà còn giúp tăng năng suất cây trồng lên gấp nhiều lần.
Một số nhà chuyên môn tại hội thảo đánh giá cao về mô hình, công nghệ của Israel - quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay - và khẳng định có thể áp dụng tốt cho sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Trong khi chờ đợi các nhà chuyên môn ứng dụng công nghệ của Israel thì đại gia Đoàn Nguyên Đức đã đi tiên phong trong việc này. Tại Attapeu (Lào), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đức phát triển hơn 35.000 ha cao su, mía đường và cọ dừa với công nghệ "nông nghiệp không đất" học hỏi từ Israel.
"Israel một năm không có giọt mưa, đất thì toàn cát và sỏi đá nhưng họ vẫn trồng bắp với sản lượng 18 tấn/ha trong khi chúng ta chỉ 7 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ, đất không quan trọng. Mấu chốt vấn đề là dinh dưỡng. Cây cần chất gì, cần bao nhiêu ta cung cấp bấy nhiêu chất đó".
Với góc nhìn như thế, phân tích đất là khâu đặc biệt quan trọng của HAGL. Mỗi nông trường lấy 20 mẫu đất, trộn lẫn rồi thực hiện phân tích đất. Sau đó, phần mềm "công thức đất" (cũng mua bản quyền của Israel) sẽ cho đáp số về từng loại lượng dinh dưỡng cần cung cấp cho đất.
Héc ta cao su đầu tiên được thí điểm tưới nước, tưới phân ngay sau đó và phát triển rất nhanh. Ngay lập tức, hệ thống tưới có chiều dài "bằng 4 vòng trái đất" như ví von của ông Đức đã được vận chuyển từ Israel về Attapeu với khoảng 160.000 km đường ống đi ngầm dưới đất. Từ hồ chứa tổng, nước tỏa đi khắp nơi với định lượng mỗi giờ một lít để luôn giữ độ ẩm cần thiết cho cây. Khi cần dinh dưỡng, phân được "hòa" từ bể tổng và cũng theo mạng lưới đường ống này tưới thẳng vào gốc. Kết quả là thời gian cho mủ rút ngắn xuống còn 4 năm rưỡi thay vì trung bình 6 năm như cách trồng truyền thống. Nhưng quan trọng hơn là nhờ tưới nước, lá cao su không rụng nên có thể khai thác quanh năm trong khi ở Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm không khai thác được mủ vì rụng lá. "Chỉ tính như vậy, chúng tôi đã lời trắng một quý. Tăng 30% sản lượng", ông Đức nói.
Tưới nước, tưới phân cũng được tập đoàn này áp dụng với cây mía, nâng thời gian sinh trưởng của mía lên 12 tháng thay vì 8 tháng như ở Việt Nam (Việt Nam thường trồng mía vào tháng 4, khi có mưa ẩm). Nhờ hệ thống tự làm ẩm này, cây mía phát triển dài hơn, năng suất cao hơn. "Sau mỗi mùa vụ chúng tôi lại lấy đất lên đưa về phòng phân tích tại Gia Lai để "khám bệnh" xem thiếu chất gì để bổ sung".
Bài học "nông nghiệp không đất" tiếp tục được ông Đức áp dụng với hơn 5.000 ha tại Campuchia.
“Tôi làm nông nghiệp không phải vì cùng đường, gặp gì thì làm nấy. Từ mía, cao su và giờ tới ngô. Tôi làm nông nghiệp là dựa vào những tính toán kỹ giữa bài toán kinh tế, thu nhập với đầu tư thì tôi làm”, ông Đức chia sẻ. Tất nhiên, có kết quả này phải đầu tư rất lớn vào công nghệ, phải sử dụng công nghệ đồng bộ mới thành công. Điều này Việt Nam chưa thể làm được. Theo đánh giá của bầu Đức, nguyên nhân nông nghiệp Việt không có đất sống là vì hiện nay không có phát minh, không có nghiên cứu nào mang tính quy mô, toàn diện. "Trong khi công nghệ thì lạc hậu, năng suất thấp, chi phí cao thì chết là đúng rồi. Cứ làm nông nghiệp như Việt Nam làm sao giàu được”, bầu Đức nhận định.