“Ông già Ozone” với nông nghiệp Việt Nam
- Thứ tư - 21/10/2015 18:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, biệt danh “Ông già Ozone” quá thân quen với nông dân Việt gần 20 năm qua. Ông tận tình, sốt sắng giúp nông dân áp dụng phương cách “giải độc” bằng dùng Anolyte - một thứ nước, với nhiều nông dân không chỉ chung chung “có tác dụng nhất định, nhất thời”, mà ích lợi thiết thực với cây trồng, vật nuôi…
Những chuyện đáng nhớ
Loạt bài “Người Việt, đừng tự đầu độc” trên Lao Động, ông Khải đọc không bỏ sót số báo nào. Hỏi, ông đang bận gì, ông cười khà khà: “Vui lắm, đang hướng dẫn các cháu học sinh trường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) trồng rau sạch như ở Phù Vân, Hải Tây (Nam Định). Cũng đang cùng học trò chuyển Anolyte - nước Ozone lên Lào Cai để một số hộ dân chăm bón rau cải mèo, xử lý táo mèo rồi ngâm rượu”.
Chợt nhớ, cuối năm 2014, từ Lào Cai, ông gọi điện, như mọi bận, rổn rảng: “Đã hướng dẫn bảy cháu học sinh trường THPT Lào Cai I chăm bón rau cải mèo ở Bắc Hà, cách trường các cháu 70 km. Sau gần một tháng, những luống rau cải mèo được chăm sóc bằng Anolyte có sản lượng gấp bốn lần so với những luống rau trồng theo cách truyền thống. Không những vậy lại còn không có sâu, lá xanh hơn, trông đẹp mã hơn.”
Ông Khải vận động bà con miền núi phía Bắc dùng Anolyte từ hơn 10 năm trước. Thường, từ tháng 10 âm lịch, bà con dùng Anolyte phun lên cam, quýt, quất, bưởi chống các bệnh thối nhũn, nhám xi măng, đuổi bọ, diệt các loại nấm đen, trắng, đỏ. Hà Giang dùng bảo quản cam, Lạng Sơn bảo quản quýt, Bắc Cạn bảo quản quýt, khoai môn.
Một số gia đình giáo viên, học sinh biết “Ông già Ozone” từ năm 2001, nhất là sau đợt cứu mận Tam hoa ở Bắc Hà đầu tháng 6.2003, họ thường lấy Anolyte để phun lên các chùm táo mèo. Họ vui mừng kể, khi thu hoạch những quả táo mèo này không hề có nấm mốc, khuẩn, vết nhám, quả to hơn đẹp mã hơn.
“Nhật ký Anolyte 15 năm qua” của ông Khải có nhiều chuyện đáng nhớ, như trong một chương trình trên VTV2 cuối tháng 4.2003, khán giả thấy, khi phun Anolyte loãng lên cây cà pháo, lũ sâu rụng co tròn, rơi rụng xuống đất. Sau một lúc chúng bò đi không quay trở lại cây. Mười năm sau, 2013, dùng Anolyte, bà con Hải Tây (Nam Định) cũng thấy sâu rơi khỏi cây cà chua xuống rãnh đầy nước, bị cá ăn, rơi xuống lá phía dưới chết khô vì nắng, rơi xuống cỏ thì chỉ lúc sau bò đi chỗ khác.
Ngày 24.7.2003, anh nông dân Tô Văn Hòa (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bảo quản thanh long bằng Anolyte xuất khẩu sang Đài Loan sau đó sang Hà Lan. Cũng năm đó, bà Lưu Nguyễn Trà Giang (Vĩnh Long) phát biểu trên đài truyền hình TPHCM: “Tôi thử dùng công nghệ của Australia, Ấn độ để bảo quản bưởi Năm Roi, nhưng không thành công. Được thầy Khải chuyển giao công nghệ bảo quản bưởi bằng Anolyte miễn phí lại thành công, với giá 800 đồng được 20 quả bưởi”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, biệt danh “Ông già Ozone” quá thân quen với nông dân Việt gần 20 năm qua
Hay chuyện nông dân 28 tuổi tên Sang ở Biên Hòa (Đồng Nai) đem 26kg bưởi ra Hà Nội gặp ông Khải để học cách bảo quản bưởi. Sau một tháng, ngày 1.12.2004, anh đem một nửa tới siêu thị Coop Mart (số 2 Trường Chinh, TPHCM) cùng với một nửa do ông Khải mang từ Bắc vào. Siêu thị nhận bán ngay số bưởi này và sau đó bưởi Tân Triều đã được chăm sóc và bảo quản bằng Anolyte. Phóng viên Báo Lao Động đã chứng kiến quá trình phục tráng bưởi Tân Triều này.
Tẩy rửa thuốc BVTV bằng Anolyte
Có lẽ không gì tuyệt vời bằng sự phối hợp giữa Trung tâm khuyến nông Hà Tây (trước kia) cùng bà con xã Song Phương cho phun thuốc bảo vệ thực vật rất đậm lên cà chua, cà pháo, đậu vào lúc 7 giờ sáng ngày 7.4.2003. Sau đó, ba tạ sản phẩm được mang đến Trung Tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) để xử lý bằng Anolyte. Một phần được mang đến để xét nghiệm ở Cục Bảo vệ thực vật, một phần được đưa về làng bảo quản tiếp, phần còn lại được bảo quản tại viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy trên các loại quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn mức cho phép, cà chua bảo quản được tới ba tháng.
Kết quả tương tự cũng đã thấy vào ngày 24.6.2003 tại Sở Khoa học Công nghệ Vĩnh Long có sự chứng kiến nhà báo Phương Yên - Báo Lao Động: Sau khi ngâm rau cải xoong đã được phun đậm các loại thuốc bảo vệ thực vật, vào Anolyte. Năm phút sau đo các thành phần hóa học của nước ngâm rau. Thành phần Photpho, Lưu huỳnh tăng lên rất nhiều, chứng tỏ hai chất này có trong thành phần của các loại thuốc trừ sâu đã được lôi ra khỏi lá rau.
Rất nhiều các nhà nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học đã cùng Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cựu Viện trưởng viện Khoa học Việt Nam xuống Hải Tây vào cuối tháng 4 .2013 để tận mắt nhìn thấy lợn Hải Hậu đang bị dịch tai xanh đã được cứu như thế nào… Rồi những trang trại lớn, nuôi gà nhiều, các xưởng chế biến thủy sản hoặc xuất khẩu trái cây có số lượng lớn mới dùng Anolyte. Có công ty ở Bình Thuận dùng đến ba máy. Điển hình là trại trồng sâm Ngọc Linh của sư ông Thích Huệ Đăng (Đà Lạt) từ năm 2007 đến nay không dùng hóa chất nào ngoài Anolyte để cấy ngô và trồng sâm…
Tháng 8.2015, đang “yên lành” là dân viễn thông và công nghệ thông tin giỏi, ba chàng kỹ sư Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Thiên Hãnh, Nguyễn Văn Hai, lại về xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TPHCM) thuê hơn 6.000 m2 đất ruộng để làm… nông dân trồng nấm linh chi và nấm bào ngư.
Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Lúc mới làm, ba anh em tự tin lắm vì mình có rất nhiều lợi thế, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, cây nấm phát triển không như ý, khu nuôi cấy luôn bị vi khuẩn, nấm mốc gây mùi như những trang trại nấm khác. Đang bí, thì tìm được thông tin trên mạng và biết ông Nguyễn Văn Khải có phương pháp dùng nước Ozone thay thế hóa chất bảo quản rau, củ, quả rất tốt.
Trại nấm của ông Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Thiên và Nguyễn Văn Hai đang áp dụng công nghệ xử lý nước, ánh sáng của đèn chiếu tiết kiệm kiệm kết hợp bắt côn trùng của TS. Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Đ.Hải
Thật bất ngờ và là khi chúng tôi điện thoại kể về tình trạng của trại nấm ở Củ Chi, ông đồng ý vào giúp liền. Sau khi vào thăm trại nấm, ông hướng dẫn, tư vấn chúng tôi áp dụng phương pháp dùng dung dịch Anolyte và bóng đèn compact huỳnh quang làm sạch không khí, khử khuẩn, vệ sinh lán trại…
Trong đó phải kể đến hệ thống dùng nước làm mát và kết hợp giữa hệ thống ánh sáng tự nhiên với ánh sáng của đèn compact, có khả năng diệt côn trùng với tính toán khoa học đã giúp nấm phát triển nhanh và chất lượng đồng đều hơn. Sau thời gian thử nghiệm các phương pháp vật lý của ông Khải vào nuôi cấy nấm, hiệu quả đạt được ngoài mong đợi…”.
Bí mật kinh tế - tính xấu của người Việt
Anolyte là loại nước có thành phần như nước biển được xử lý qua quá trình điện phân loãng, thành phần chính là các hoạt chất oxy hóa, có khả năng diệt khuẩn mạnh. Nguyên liệu chế tạo nước Anolyte gồm nước sạch, dung dịch điện hóa hoạt hóa được làm từ muối ăn có độ sạch 99,7%, pha vào nước theo tỉ lệ 5g/lít. Quá trình chưng cất tạo nên nước Anolyte này khá đơn giản và dễ dàng, tuy nhiên để có thể tạo được chúng, bắt buộc phải có máy sục Ozone.
Anolyte không gây ô nhiễm môi trường vì sau 3-5 ngày, dung dịch sẽ mất hoạt tính. Anolyte từ lâu đã được các nước tiên tiến sử dụng trong việc bảo quản hoa quả, trong chế biến thủy sản, vô khuẩn bệnh viện, khử trùng giống... Ở Việt Nam, công nghệ bảo quản sử dụng Anolyte cũng đã được áp dụng trong bảo quản hoa quả, phòng dịch cúm gà, vô trùng bệnh viện bắt đầu vào khoảng năm 2000.
Phóng viên Lao Động đặt câu hỏi với TS Nguyễn Văn Khải: “Tại sao phương pháp bảo quản và “giải độc” thực phẩm của ông tốt như vậy mà đến thời điểm này vẫn chưa được nhiều người Việt Nam biết đến để áp dụng đại trà?”. TS Nguyễn Văn Khải cười khà khà, dẫn ra thêm hàng loạt dẫn chứng những nơi ông đã từng giúp, dùng Anolyte trong kháng khuẩn và loại bỏ thuốc trừ sâu: Tại Lạng Sơn hiện có 16 xã áp dụng phương pháp dùng Anolyte bảo quản quýt; Bản tin kinh tế - VTV1 lúc 7 giờ 30 ngày 30.9.2015 có nói đến việc áp dụng phương pháp bảo quản hoa quả dùng Anolyte; Cty TMDV thủy sản Cà Mau, 2012, xuất khẩu 70 triệu USD, cũng dùng Anolyte làm sạch thủy sản; Nông trường bò Mộc Châu có máy chế tạo Anolyte 7 năm nay.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Khải, ở Việt Nam hiện có 600 máy điều chế dung dịch khử trùng Anolyte do Trung tâm phát triển Công nghệ cao (thuộc Viện CNMT - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Cty Gia Nguyễn sản xuất. Hiện các các bệnh viện lớn đều có máy sản xuất Anolyte sát khuẩn, như BV Nhi T.Ư dùng từ 2005. Tại Hà Nội có 8 công ty xuất khẩu rau quả dùng máy chế tạo Anolyte, nhưng họ không muốn công bố danh tính. Tại Bình Thuận, một số cơ sở có máy, dùng Anolyte kháng khuẩn, ngâm thanh long trước khi bán, xuất khẩu, nhưng họ cũng không nói là đang sử dụng phương pháp này.
Vì sao? TS Nguyễn Văn Khải trả lời: Đơn giản là “bí mật kinh tế”. Ví dụ, trái cây, rau… không được bảo quản bằng Anolyte sẽ dễ thối, hỏng, bán không được tiền; nếu dùng Anolyte để bảo quản thì rau quả ngon, bán được nhiều, có lời hơn nên họ… không muốn cho người khác biết!" Đó là một tính xấu của người Việt. Nghe vẻ... khôi hài, chua chát, nhưng là sự thật.