Về một nền nông nghiệp hiện đại
- Thứ ba - 02/06/2015 10:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nước ta có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, nhưng khát vọng trở thành một nước nông nghiệp hiện đại vẫn còn đó những câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, “đầu vào thì cao, đầu ra thì thấp”. Để giải quyết vấn đề này, câu trả lời chính là nhờ vào vấn đề công nghệ.
Nông nghiệp thông minh - xu hướng tất yếu của thế giới
Với xu hướng tất yếu hiện nay trên thế giới, một nền nông nghiệp công nghệ cao, hay còn gọi là nền nông nghiệp thông minh, là một sự đột phá, giúp tăng năng suất lao động lên nhiều lần, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng và hình thành những định chế mới cho nông nghiệp, nâng cao sức mạnh và vị thế quốc gia.
Ở một quốc gia phát triển, nền nông nghiệp có hệ thống giám sát quy mô lớn từ vệ tinh. Qua thông tin vệ tinh thu được, các phân tích không những chỉ ra vùng đất này nên trồng loại cây gì mà còn dự báo về năng suất, vấn đề sâu bệnh, chăm sóc… Từ các thông số kỹ thuật này, các công ty công nghệ cao sẽ đặt cảm biến trong vùng đất đó, tính toán để đưa ra các hướng dẫn canh tác như lượng nước, phân bón,… để đảm bảo chi phí tối thiểu, giảm ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả cao nhất có thể.
Thực tế chứng minh rằng, nông nghiệp công nghệ cao phải được dựa trên sức mạnh của công nghệ thông tin. Để ứng dụng thành công công nghệ thông tin vào nông nghiệp, cần hội tụ đủ các yếu tố: bảo đảm kết cấu hạ tầng tốt; xây dựng được hệ thống thông tin nông nghiệp; đào tạo cho người dân biết khai thác hệ thống thông tin, biết truy cập, sử dụng máy tính, điện thoại di động, và các ứng dụng phục vụ nông nghiệp phải có sự liên thông giữa các bộ, ngành. Trong các yếu tố đóng góp cho nông nghiệp, yếu tố lao động chiếm đến 40% trong khi công nghệ, quản lý, chính sách chiếm đến 60%. Nếu áp dụng công nghệ, quản lý, chính sách vào các yếu tố đất, phân bón, máy móc thì nông nghiệp còn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Nền nông nghiệp dựa trên công nghệ thông tin sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, sạch hơn và có tính cạnh tranh hơn. Sự hội tụ giữa công nghệ thông tin với nông nghiệp tạo ra giá trị mới thông qua việc ứng dụng vào tất cả các khâu, từ sản xuất đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong khâu sản xuất, sử dụng các thiết bị kiểm soát môi trường từ nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, CO2, nước và các yếu tố khác trong các nhà kính trồng rau giúp người nông dân tăng năng suất cây trồng, dùng các thiết bị như máy tính bảng hay điện thoại thông minh kiểm soát các nhà kính thông minh. Các con chíp gắn trên những sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin như nguồn gốc xuất xứ của rau được trồng ở đâu, thu hoạch khi nào…
Hướng mở cho nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam
Một trong những hướng đi mở ra cho nền nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam là Thỏa thuận hợp tác giữa Fujitsu (Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Nhật Bản) và FPT, được ký kết ngày 28/10/2014 và sẽ đi vào thực hiện từ tháng 4/2015. Theo đó, giai đoạn 2015 - 2016, Fujitsu và FPT sẽ ứng dụng thử nghiệm Akisai Cloud (Dịch vụ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây) của Fujitsu tại Việt Nam. Fujitsu sẽ cung cấp giải pháp công nghệ, các thiết bị đi kèm và chuyên gia tư vấn. Ban đầu, Fujitsu sẽ mang toàn bộ thiết bị từ Nhật Bản sang để lắp đặt mẫu, sau đó sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các thiết bị phục vụ cho sản xuất. Về phía mình, FPT sẽ tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ của Fujitsu vào nông nghiệp. Hai bên sẽ thiết lập một hệ thống nhà kính trồng rau quả, sử dụng thiết bị tưới nước, dùng cảm biến để đo chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm. Các dữ liệu sẽ được lưu trữ và phân tích để đưa ra các giải pháp tối ưu cho việc chăm sóc cây trồng, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí canh tác. Đặc biệt là, nhờ quản lý bằng dữ liệu điện tử mà người nông dân - các ông chủ nhà kính có thể chỉ đạo việc chăm sóc cây trồng ở bất kỳ đâu. Đại diện Fujitsu cho biết, có thể sử dụng nhà khung tre và ni-lông để tiết kiệm chi phí quá cao khi làm nhà kính, họ cũng sẽ chú trọng việc nghiên cứu và áp dụng các chất liệu phù hợp với thời tiết ở Việt Nam. Phía FPT sẽ tập trung cung cấp dịch vụ công nghệ này cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào nông nghiệp, nông trại để nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm. Ước tính, người nông dân sẽ có thu nhập cao gấp 3 lần hiện nay. Điều quan trọng hơn nữa là, với những kinh nghiệm trong việc sản xuất theo chuỗi, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, khi vận hành tốt chương trình sẽ hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn khá nan giải với người nông dân Việt Nam.
Do lĩnh vực công nghệ sinh học yêu cầu phòng thí nghiệm, máy móc, trang thiết bị hiện đại, đắt tiền, nên việc cấp bách hiện nay là chú trọng phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và có sự đầu tư xứng đáng để làm tốt các khâu nghiên cứu và chuyển giao cho ngành nông nghiệp.