Kon Tum: Mùa săn ‘chuột quý tộc’ ở vườn Ngọc Linh Kon Tum

Thứ bảy - 12/09/2015 00:16
Từ đầu hạ đến cuối thu là mùa sâm Ngọc Linh trổ hoa, đậu quả dưới tán rừng nguyên sinh. Hoa sâm vàng nhạt, quả sâm chín đỏ, hạt sâm đen nhánh hấp thụ biết bao tinh khí, dưỡng chất của đất trời ở độ cao trên 1.900m lại là… thức ăn của loại chuột tinh khôn sống trên đỉnh núi quanh năm mây vờn. Để bảo vệ vườn sâm, cán bộ, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô nghĩ ra đủ cách săn chuột, biến chúng thành mồi nhậu khoái khẩu, chiêu đãi khách quý…
Thành quả lao động diệt chuột ăn hạt sâm
Thành quả lao động diệt chuột ăn hạt sâm
Trắng đêm săn “trộm”
Chuyến công tác vào vườn sâm mới đây, chúng tôi thật “trúng mánh” khi lên núi đúng vào mùa đồng bào Sê Đăng và công nhân lâm nghiệp săn bắt … chuột. Lũ chuột đồng tầm thường vốn chỉ ăn ngô, khoai, đậu, lúa đã đủ thơm thịt, thì đám chuột “đại quý tộc” chỉ khoái ăn hoa, ăn quả, ăn hạt loại sâm đệ nhất hiếm quý, mà hiện nay trên 20 triệu đồng một ký củ tươi, lùng mua không ra, đủ biết ngon bổ tới cỡ nào!
Màn đêm buông xuống vườn sâm. Nguồn ánh sáng ở các bóng đèn từ máy phát thủy điện nhỏ mờ ảo trong màn sương mù dày đặc. Những chú chuột ban ngày chui nhủi trong các hốc cây hay hang ổ từ ngoài rừng đột nhập vào vườn sâm.
Bộ lông vàng óng màu cỏ cháy, cặp mắt lấm la lấm lét nhìn quanh vườn sâm, hễ thấy không có động tĩnh là những chú chuột nhẹ nhàng trèo lên cây sâm, đưa miệng nhấm nháp những quả sâm ngon lành. Vì vậy, suốt gần bốn tháng sâm ra hoa, đậu quả, ban đêm cán bộ, nhân viên vườn sâm thay nhau thức trắng để rình bắt, tiêu diệt kẻ ăn trộm hạt sâm.
“Thế các anh ngủ khi nào?”- Chúng tôi hỏi. “Ngủ bù một buổi vào ban ngày. Còn một buổi phải làm bẫy, hái lá thông, cắt các bao ni lông quấn quanh chùm quả sâm… để “ông Tí” khó lòng ăn quả”-A Đinh- tổ trưởng tổ chuyên trách bảo vệ vườn sâm cho biết.
“Sáng kiến cột bao ni lông, lá thông quanh thân cây sâm có ngăn được ông Tí ăn trộm quả không?”. “Hạn chế thôi vì vẫn không ngăn được cái giống tinh ranh, hám ăn, cứng đầu cứng cổ. Còn nếu cột trùm bao ni lông kín chùm quả, quả dễ hư úng. Do vậy, chúng tôi phải sử dụng nhiều biện pháp kết hợp với dùng đèn pin công suất lớn soi rọi tìm “Lâm thử”, chuột rừng ăn trộm hạt sâm vào ban đêm. Khi phát hiện ông Tí, chúng tôi tổ chức vây bắt hoặc dùng súng bắn bi đặc chủng tiêu diệt”-A Thủy- bảo vệ vườn sâm kể.
Làm việc nhiều, nhưng các công nhân bảo vệ vườn sâm không một đòi hỏi. Lương A Đinh sau khi trừ bảo hiểm, bình quân một tháng chỉ 3 triệu đồng. “Cốt có tiền hỗ trợ thêm vợ con là vui lắm rồi” – A Đinh cười.
Chuột sâm – Đặc sản quý hiếm
 
chuột sâm ngọc linh
Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang giới thiệu súng đặc chủng diệt chuột sâm Ngọc Linh
Bắt được nhiều chuột, ngoài việc được thưởng tiền, các nhân viên bảo vệ vườn sâm người Sê Đăng lại có thêm món nhậu khoái khẩu. Anh Hoàng Văn Chất-Giám đốc Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) cho đoàn công tác chúng tôi xem một sàng chuột cũ có, mới có mà các nhân viên vườn sâm chưa kịp làm thịt cùng với bó đuôi chuột khô được cột lại cẩn thận để báo công, nhận tiền bồi dưỡng.
Thực phẩm trong bữa ăn thường ngày của các nhân viên vườn sâm ngoài cá khô, rau rừng, còn có đặc sản chuột chiên vàng ươm mà các công nhân Sê Đăng vườn sâm rất ưa thích. Thấy đĩa chuột chiên thơm lừng mùi sả, tiêu rừng, mỗi con chỉ nhỉnh hơn đầu ngón chân cái chút xíu. Chúng tôi gắp thử. Quả là ngon thật! Loáng cái, đĩa chuột chiên hết vèo.
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cởi mở: Tính khiêm tốn 1 ha sâm trồng 10 năm cho thu hoạch trung bình cỡ 7 tạ củ, giá 20 triệu/ký củ tươi . Về lý thuyết, nơi nào trồng được sâm Ngọc Linh mà bảo vệ tốt, nơi đó thu hoạch siêu lợi nhuận.
Công ty hiện đang trả lương hơn 80 lao động biên chế và hợp đồng, trong đó 28 nam công nhân dân tộc Sê Đăng vừa khỏe mạnh, vừa trung thực, lại trung thành, rất phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ. Đa số công nhân, kể cả giám đốc công ty, nhà đều cách vườn sâm đến 70 km. Mùa khô có thể phóng ô tô, xe máy tới tận vườn. Còn mùa mưa phải bỏ ô tô ở lưng chừng núi, đi bộ hoặc chạy xe máy quấn xích kín cả cặp lốp ngược dốc, có đoạn dốc đứng tới 35 độ, trầy trật chạy kiểu “một tiến hai lùi” ngót 5 cây số nữa mới tới nơi.
Ông Chung đã gắn bó với vườn sâm này hơn 15 năm, từ lâm trường Ngọc Linh chuyển sang. Công ty Sâm Ngọc Linh chính thức ra đời từ năm 2003, trên cơ sở sáp nhập 3 lâm trường vào Trung tâm sâm Ngọc Linh, tổng diện tích ban đầu lên tới trên 41.000 ha rừng và đất rừng. Gần đây tỉnh mới thu hồi giao bớt cho địa phương, công ty còn quản lý trên 37.000 ha, trong đó trên 31.000ha là rừng, rừng giàu chiếm hơn 70%. Vườn sâm 11 ha đã trồng được hiện nằm trong vùng rừng nguyên sinh ở độ cao 1.900m, nhiệt độ trung bình quanh năm dao động quanh mức 14-150C.
Từ năm 2010 công ty đã trồng thử nghiệm cây sâm được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nhưng không thành công. Thực tế cho tới nay, theo ông Chung, việc nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô vẫn chỉ mới thành công trong phòng thí nghiệm. Hơn nữa, theo các nhà Dược học đến từ các nước Nhật, Hàn chính thức làm việc với tỉnh Kon Tum về đề tài này, thì tại Nhật và Hàn Quốc đến nay loại sâm nuôi cấy mô vẫn không công nhận là sâm chính gốc.
Trồng từ năm thứ ba trở đi, cây sâm Ngọc Linh sẽ cho hạt có thể gieo nhân giống được. Hạt giống tốt nhất được lấy ở những cây sâm từ 4 tới 9 năm tuổi. Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm đốt trúc, vì mỗi một năm, củ sâm xuất hiện thêm một đốt nhìn như đốt thân cây trúc. Năm 1996, ông Chung may mắn mua được 1 củ sâm dài, đếm được hơn 70 đốt, nặng cỡ 3,5 lạng, giá lúc đó tương đương 3 chỉ vàng – Ông Chung thở dài vì tiếc – Lâu quá rồi, ngâm rượu đãi khách mãi, cụ sâm quý thất lạc mất. Nếu bây giờ, nhà sưu tập sâm nào mà tìm ra được một củ sâm già cỡ đó, chắc khó tính ra tiền nổi, bởi nó là vô giá.
Sẽ có tinh sâm, viên sâm… và không sợ sâm giả
chuột sâm ngọc linh
Sâm cho quả được trùm ni lông quanh chùm quả để chống chuột
Theo anh Hoàng Văn Chất-Giám đốc Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh, nếu cán bộ, công nhân không thức trắng đêm bảo vệ thì sẽ không có hạt sâm để gieo ươm. Ông Tí sẽ ăn hết hạt sâm. Chính vì nâng niu, bảo vệ từng hạt sâm để làm hạt giống, năm nay, Trung tâm trồng mới được 2 ha sâm, nâng diện tích vườn sâm lên 11 ha. Từ Dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng, năm 2013, Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh được UBND tỉnh cho phép chuyển sang hình thức kinh doanh. Tuy nhiên, lâu nay Trung tâm vẫn chưa thu hoạch, chế biến hay đưa củ ra thị trường. Củ sâm thật nếu có trên thị trường là sâm của một số hộ dân trong vùng trước đây tự tìm kiếm giống ngoài tự nhiên, hoặc được Dự án hỗ trợ trồng, nay thu hoạch mỗi lần một vài lạng để lấy tiền chi tiêu.
Trao đổi về việc kinh doanh và phát triển cây sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, hiện trong 11 ha sâm vườn trồng, có 5 ha trên 10 năm, tốc độ tăng trưởng củ chậm lại. Theo kế hoạch mà công ty đã trình lên, chờ lãnh đạo tỉnh và Sở phê duyệt, thì nếu tỉnh đồng ý, công ty sẽ xúc tiến việc khai thác mỗi năm khoảng 0,5 ha sâm, chế biến tinh sâm, viên ngậm…đưa ra thị trường.
Nói về việc sâm giả gây tác động xấu đến thương hiệu sâm Ngọc Linh, giám đốc Chung cho rằng bây giờ sâm còn hiếm, một số người dùng chưa quen, chưa phân biệt được củ sâm Ngọc Linh thật, với các loại củ sâm giả bị bọn lừa đảo chào bán như tam thất điệp, tam thất hoang… Khi đưa sâm Ngọc Linh ra thị trường, công ty sẽ có khuyến cáo, hướng dẫn cho người tiêu dùng, thì việc phân biệt sâm thật, sâm giả không còn khó nữa.
Chuột sâm là món khoái khẩu từ lâu đời của đồng bào Sê Đăng- Ông Chung kể. Khách nào quý lắm, chủ nhà mới tiếp bằng một con chuột hong khô trên gác bếp. Chuột được thui sạch lông, nướng sém vàng rồi chiên, ăn kèm rau cần rừng tươi giòn, thơm dịu nhẹ. Chuột có thể bắt quanh năm, nhưng mùa săn rộ lên từ đầu hè, tháng 5, tháng 6 khi sâm trổ hoa, đến tháng 10 quả sâm chín đỏ. Chuột khoái hạt sâm, đu lên cây. Những cây sâm hơn chục tuổi cao cỡ 80 cm thân mềm, nó leo lên vít xuống để nhằn quả ăn hạt.

Tác giả bài viết: H.Thiên Nga- Văn Nhiên Theo Tienphong.vn

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây