Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Con đường thắp sáng ngục Đăk Glei Kon Tum

Ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) với biệt danh “bóng tối ảm đạm” là nơi thực dân Pháp giam cầm hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Tuy nhiên, việc hoàn thành dự án đường vào ngục nằm trong tổng dự án nâng cấp đường HCM đã biến nơi “bóng tối ảm đạm” đó thành một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp...
Con đường thơ mộng khiến người đến thăm ngục Đăk Glei ngỡ như đang lên cổng trời
Về “Ngục Tố Hữu”
Đến ngục Đăk Glei, chúng tôi ngỡ ngàng bởi cột mốc km ghi lại dòng chữ: “Ngục Tố Hữu”. Giải thích về điều này, những người thợ thi công tuyến đường suốt hai năm qua cho biết, tất cả người dân xã Đắk Choong ở đây cũng như người dân trên đỉnh Trường Sơn này đều gọi đây là “Ngục Tố Hữu” thay cho tên ngục Đăk Glei. Cái tên ngục Tố Hữu gắn liền với câu chuyện vượt ngục ly kỳ của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu.
Một cụ già ở đầu làng cho chúng tôi biết, A Nhic (người cõng Tố Hữu vượt ngục - NV) giờ đã mất rồi. Người biết nhiều chi tiết bây giờ không còn ai ngoài A Thanh Sắc - con trai của cụ.
Phải rất vất vả, chúng tôi mới tìm được nhà A Thanh Sắc. Mời chúng tôi uống chén trà đậm hương Bầu Cạn, A Thanh Sắc kể về cha của mình: “Lúc còn sống, cha tôi hay kể chuyện hoạt động cách mạng cho con cháu nghe, trong đó có đoạn ông cứu nhà thơ Tố Hữu. Ông kể đi kể lại nhiều lần nên tôi nhớ rõ từng chi tiết”.
A Thanh Sắc nói tiếp: “Cha tôi từ năm lên 10 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng. Cha tôi làm liên lạc, đưa thư cho các chú. Ông biết nhà thơ Tố Hữu khi về hoạt động ở vùng Phước Sơn. Theo sự mô tả của cha tôi, nhà thơ Tố Hữu ăn mặc như người Giẻ Triêng, giả làm người đi buôn để che mắt địch.
Năm 1942, ông bị giặc Pháp đưa lên giam ở ngục Đăk Glei thì cha tôi cũng bị bắt giam ở đó. Gặp lại, hai người nhận ra nhau ngay. Ở trong tù, anh em đặt cho nhà thơ Tố Hữu biệt danh là A Nhoong. “A Nhoong” tiếng Xê Đăng có nghĩa là “em”. Biệt danh ấy có lẽ do vóc dáng nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh của ông”.
Sau này, khi trở lại Đăk Glei sau 30 năm, Tố Hữu đã viết bài “Nước non ngàn dặm” với những câu thơ chất chứa bao tình cảm: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình/ … Tây Nguyên ơi! Bước truân chuyên/ Tuổi trai ta đã từng quen chốn này … Đường lên đỉnh núi Đắk Glei/ Heo heo gió lạnh sương dày vắng chim/ Biết ai mà hỏi mà tìm/ Con đường xưa của trái tim - đường này…/ Con đường từ tuổi thơ ngây/ Nửa vòng thế kỷ hôm nay đường về…”.
A Nhic bị thực dân Pháp nhốt ở ngục Đăk Glei ba tháng. Chúng tra tấn rất dã man nhưng ông vẫn một mực không khai. Trong thời gian này, A Nhic đã vạch kế hoạch vượt ngục cho Tố Hữu. Ngục Đăk Glei vốn lọt thỏm giữa những rặng núi cao vây bủa.
Người vượt ngục nếu không biết hướng đi sẽ luẩn quẩn mãi giữa đại ngàn. Không chết đói chết rét cũng bị thú dữ ăn thịt. Có lẽ ỷ vào điều này nên bọn lính gác ngục hơi chủ quan.
Khoảng từ 2-4h sáng, do không chịu nổi cái lạnh rừng già buốt như cắt thịt, chúng thường bỏ đi đốt lửa sưởi, đôi khi ngủ vùi quên cả gác.
A Nhic và Tố Hữu thống nhất, đến khoảng thời gian bọn lính gác ngủ say, Tố Hữu phải thức chờ sẵn bên trong, còn A Nhic sẽ theo dõi bên ngoài. Nếu thấy thuận, A Nhic sẽ giả tiếng mang kêu cho Tố Hữu biết. Mọi việc quả đúng như kế hoạch.
Một đêm, tên lính gác ngủ say quên khóa cửa, Tố Hữu đã theo ám hiệu thoát được ra. Nhưng những ngày tháng giam cầm đã khiến ông kiệt sức, không đi nổi. A Nhic xốc ông lên vai cõng chạy vào rừng.
“Sau này cha tôi nhớ lại, lúc đó Tố Hữu còn chừng ba chục cân. Ba tháng trong ngục, sức đã đuối mà ông vẫn cõng được Tố Hữu lội một mạch dọc suối Đắk Choong rồi nhằm hướng làng Bê Rê trèo lên. Đến lưng chừng dốc trời hửng sáng phải dừng lại. Bọn cai ngục đang xua lính đi lùng sục, phải nghỉ chờ vài ngày cho tình hình tạm yên và cũng để Tố Hữu lại sức…
Mấy ngày sau đó, họ nhận được tin, chúa ngục không tìm thấy tăm tích Tố Hữu đã bắn chết tên lính gác. A Nhic chuẩn bị cho Tố Hữu một gói xôi, hai ống cá nướng, cơm lam để ăn đường và một con dao đề phòng thú dữ. Ông lấy lá chuối khô dùng than vẽ đường đi, dặn dò thật cẩn thận rồi tiễn Tố Hữu xuống tận sông Đăk My mới quay về”, A Thanh Sắc kể tường tận.
Con đường mới hoàn thành giúp ngục Đăk Glei không còn là nơi “bóng tối ảm đạm” như ngày xưa
Tuyến đường tri ân
Đứng trên đỉnh cao hơn 1.500m, từng cơn gió lạnh đến gai người. Nhìn xuống dưới màn mây trắng thấy đèo Lò Xo hiện về thơ mộng, nơi con đường HCM chạy quanh co như dải lụa trắng quấn quanh dãy Trường Sơn. Khi đến ngục Đăk Glei, nhìn thẳng xuống là thung lũng Đắk Choong hiện ra dưới những cánh rừng xà nu bạt ngàn, nơi đó có làng Lua - khu vực ẩn nấp đầu tiên khi nhà thơ Tố Hữu vượt ngục. Nơi đó cũng là nguồn cảm hứng để tác giả Nguyễn Trung Thành viết tác phẩm để đời - Rừng xà nu.
Chị Tình, một người con của Kon Tum, người đã hơn 20 năm gắn bó với ngành GTVT tỉnh Kon Tum, cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, khi tuyến đường HCM chưa được mở qua đây, chị đã rất khao khát được vào thăm ngục Đăk Glei. Nhưng khổ nỗi mọi người nói phải đi theo đường mòn mất cả ngày đường nên đành gác lại. Không ngờ, bây giờ tuyến đường được mở rộng, chỉ cần ba giờ đồng hồ là có thể vượt 150km từ TP Kon Tum đến thăm ngục Đăk Glei”.
Tuyến đường vào ngục Đăk Glei dài gần 11km, mặt đường rộng 5,5m, nền rộng 6m, được xây dựng bằng bê tông xi măng và thi công từ tháng 8/2012. Số vốn đầu tư chỉ khoảng 64 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn linh hoạt của đường HCM. Nhưng đây lại là con đường mang ý nghĩa đặc biệt, nối đường HCM vào Khu di tích lịch sử “Ngục Đăk Glei”, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử và tri ân của người dân đối với những người có công với cách mạng.
Trong lễ nghiệm thu tuyến đường này, một lãnh đạo huyện Đăk Glei cho biết, tuyến đường hoàn thành có ý nghĩa thiết thực chào đón 40 năm giải phóng Kon Tum vào cuối tháng 10/2014 vừa qua. Nó là con đường của ý Đảng, lòng dân, có ý nghĩa tri ân những anh hùng trung kiên đã bị giam cầm tại nơi “bóng tối ảm đạm này”.

Tác giả bài viết: Văn Tư

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây