Du lịch cộng đồng ở Kon Tum - Khơi dậy một tiềm năng
- Thứ hai - 19/01/2015 15:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuộc sống càng đủ đầy, hiện đại, dường như càng khiến con người mong muốn trở về với những gì đơn sơ, giản dị, gần gũi thiên nhiên. Vì vậy, “du lịch cộng đồng” chính là chiếc cầu nối để hiện thực hóa sở thích của người lữ hành nơi những miền đất lạ. Nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có điều kiện tự nhiên đặc thù, tập trung nhiều dân tộc thiểu số anh em sinh sống và giàu truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, Kon Tum hẳn sẽ là địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình khám phá và trải nghiệm của du khách.
Làng Kon Kơtu - Điểm đến của “du lịch cộng đồng”
Đã lâu, không có khách đến thăm làng, nhưng ngày nào, chị Y Na cũng miệt mài ngồi tỷ mẩn ráp lại những bộ váy áo thổ cẩm. Làm quen với khung cửi từ khi còn là cô bé 9-10 tuổi, bẵng đi một thời gian khá dài, chị mới có dịp “dụng lại” nghề truyền thống của bà của mẹ. Ấy là từ khi làng Kon Kơ tu của chị có khách du lịch đến thăm. Khách trong nước có, khách nước ngoài có… Khi về, họ không quên mang theo những bộ váy áo có nét đẹp rất riêng của người Ba Na để làm kỷ niệm.
Mấy năm nay, gia đình chị Y Na được sự đầu tư của một doanh nghiệp ở nội thành Kon Tum, đã dựng lại trong khu vườn nhà hai dãy nhà sàn bằng tranh tre, vách nứa để đón du khách. Khách du lịch, mà đa số là người Châu Âu đến đây, tham quan làng theo sở thích và nhu cầu. Thường thì ban ngày, họ thăm và tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, nhà sàn; tìm hiểu cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào địa phương; dùng những bữa ăn mang đậm phong vị của người bản địa với cá suối, măng le, lá mì , rau rừng … Buổi chiều, họ chèo thuyền dọc đoạn sông Đăk Bla chảy qua làng, sau đó trở về, quây quần đốt lửa, say sưa bên chóe rượu cần, hòa mình trong tiếng cồng chiêng và điệu xoang đằm thắm. Nghỉ lại đêm trong căn nhà sàn dân dã, nghe gió núi, tiếng vườn lao xao, tiếng lũ dế, lũ ve ran ran…càng để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách…
Như có một sự “phân công” ngầm giữa vợ chồng Y Na. Anh A Bênh - chồng chị đảm nhận việc tiếp đón, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi cho khách. Y Na thì cần mẫn dệt, khâu những bộ váy áo thổ cẩm truyền thống và lo chuẩn bị những món ăn dân dã khi khách yêu cầu. Chị Y Na bảo, khách du lịch nước ngoài rất gần gũi, thân thiện nhưng cũng không kém phần “khó tính”. Ngay như bộ váy áo vốn đã được dệt bằng chất liệu thổ cẩm truyền thống, nhưng họ hoàn toàn không thích nếu dùng máy may để kết nối các phần thân, viền để thành sản phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ hài lòng khi công đoạn này được làm bằng tay. Hiểu như vậy, nên Y Na luôn phải tỷ mỉ chăm chút từng mũi kim, sợi chỉ. Làm hoài rồi quen, những đường khâu của chị đã trở nên tinh xảo.
Chị Y Na dệt, khâu váy áo thổ cẩm
Kon Kơtu là làng vùng sâu, xa nhất của xã Đăk Rơwa, có 123 hộ với hơn 600 cư dân người Ba Na. Được ưu đãi vị thế đẹp, vừa đứng bên núi, vừa ở cạnh sông và nhờ giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của người Ba Na bản địa, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, duy trì lễ hội cồng chiêng, sinh hoạt văn hóa dân gian… nên Kon Kơtu đã được chọn là điểm đến của du khách trong hành trình ghé thăm Kon Tum. Ban đầu là tự phát theo kiểu “ Tây ba lô”, sau này, những chuyến “du lịch cộng đồng” về Kon Kơtu được tổ chức với sự “ vào cuộc” của các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh như Công ty Du lịch sinh thái Miền Cao, Công ty TNHH một thành viên Du lịch Kon Tum… nên chu đáo hơn. Anh A Bênh cho hay, khách du lịch thường đi một nhóm đôi ba người, nhưng có lúc cả đoàn (chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên ) đến hàng chục người. Họ lưu lại làng trong thời gian ngắn thì từ sáng đến chiều, dài thì nghỉ lại 1- 2 đêm. Cũng có trường hợp “ ngoại lệ” như cách đây 3 năm, cô sinh viên người Pháp tên là A-Mông-Tiêng cùng bạn gái đến sống ở làng cả năm trời, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với gia đình. Đặc biệt, cô gái này đã chịu khó học và dệt được cả những tấm thổ cẩm thật là xinh xắn…Tuy vậy, do khách du lịch đến không thường xuyên, nên thu nhập từ mỗi chuyến tham quan của khách cũng chỉ giúp gia đình chi tiêu tằn tiện và cho mấy đứa con đi học ở trường xã.
Khơi dậy một tiềm năng.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã bước đầu hình thành ở tỉnh Kon Tum. Ngoài làng Kon Kơtu, một số làng đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Kon Tum và các huyện ( Kon Plông, Ngọc Hồi …) cũng là địa chỉ được khách du lịch tìm đến. Ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, khách tham quan được tìm hiểu, khám phá sự độc đáo từ những nhạc cụ truyền thống của người Dẻ-Triêng ; được làm quen với già BRôlVẻ - Một “cây” di sản, niềm tự hào của đồng bào địa phương, được gặp gỡ những người dân thuần phác, hồn hậu luôn nặng lòng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…Tại làng Đăk Mế ( Xã Bờ Y ), thú vị của du khách là chiêm ngưỡng nét độc đáo của loại chiêng Tha, về bản sắc văn hóa của dân tộc Brâu rất ít người. Lại có những vị khách tìm đến khám phá thiên nhiên hoang dã và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào M Nâm ở Kon Plông…
Khách du lịch thăm một làng người Dẻ-Triêng - Ảnh: Hoàng Vũ
Tuy vậy, nếu xét theo yêu cầu của loại hình du lịch cộng đồng, thì cho đến nay, ngoại trừ làng Kon Kơtu, chưa điểm dân cư nào trên địa bàn tỉnh có thể tổ chức cho khách lưu trú, ở tại nhà dân (hay còn gọi là dịch vụ home stay). “Tại không ít điểm thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, khách du lịch chủ yếu tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con, chứ chưa dành thời gian trải nghiệm cuộc sống cùng cộng đồng. Các thôn, làng cũng chưa đủ điều kiện để tổ chức cho khách du lịch lưu trú tại địa phương.”- Ông Lê Huyên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Huyện Ngọc Hồi chia sẻ.
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Để phát triển loại hình du lịch này, điều kiện cơ bản từ phía cộng đồng dân cư bản địa giữ vai trò quan trọng. Thu hút được hay không, không chỉ phụ thuộc vào độ “ hiếu khách” của “chủ nhà”, mà còn được quyết định bởi những điều kiện thuận lợi mà họ mang lại cho du khách. Tỉnh Kon Tum không thiếu những “điểm đến” thú vị, song để có thể gọi mời và “cầm chân” du khách thì vẫn chưa thể “một sớm một chiều”.
Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm nay được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chọn chủ đề "Du lịch và sự phát triển của cộng đồng" chính là sự gợi mở đối với tỉnh Kon Tum trong chiến lược quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này. Để làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Đầu tư, liên kết, quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 nói chung và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng nói riêng, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đã thống nhất lựa chọn 3 điểm du lịch cộng đồng tại 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Đó là, làng Kon Kơtu - Xã Đăk Rơ Wa, Thành phố Kon Tum, làng Đăk Mế - Xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, làng Kon Tu Rằng - Xã Măng Cành, huyện Kon Plông. “ Đề án được xây dựng trên cơ sở khai thác, phát huy các yếu tố tiềm năng văn hóa để phát triển du lịch, gắn với xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới. Nội dung đề án được xác định chủ yếu là gắn du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và kết nối các tua, tuyến du lịch với du lịch cộng đồng. Trong định hướng phát triển du lịch, đặc biệt chú ý khai thác, phát triển các tua, tuyến du lịch trên hành lang Đông Tây qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…”- Ông Nguyễn Đình Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước, song với sự khởi động xây dựng Đề án Đầu tư, liên kết, quảng bá phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, có thể hy vọng vào một tiềm năng sẽ được khơi dậy, hướng tới tương lai không xa ./.