Huyện Kon Plông - Diện mạo và sức sống mới, vững niềm tin đi tới
- Thứ năm - 26/03/2015 14:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vùng đất Kon Plông được ví như Đà Lạt thứ hai của Việt Nam. 40 năm sau giải phóng và 12 năm thành lập huyện, tiềm năng to lớn của vùng đất này đã được đánh thức. Từ hoang sơ thủa nào, Kon Plông đang thay da đổi thịt từng ngày, dần xứng đáng với kỳ vọng là vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum.
Cách đây chưa lâu, để đến được các xã, như Măng Bút, Đăk Ring, Ngọk Tem của huyện Kon Plông, cách duy nhất là đi bộ men theo bờ ruộng, nương rẫy của dân.
Ngay cả những xã gần, như Măng Cành, xã Hiếu mùa mưa bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành ốc đảo. Đây là nguyên nhân khiến người dân không có động lực để phát triển sản xuất, vì có làm ra cũng không tiêu thụ được sản phẩm.
Bởi vậy có thể nói, thành công lớn nhất của Kon Plông 40 năm sau giải phóng và 12 năm thành lập huyện là đã hoàn thiện hệ thống giao thông tới 9 xã và kết nối được với các tỉnh duyên hải miền Trung.
Đánh thức được tiềm năng, cùng với cây lúa nước truyền thống, người dân Kon Plông đã thành công với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, như cà phê, rau hoa xứ lạnh, sắn cao sản, bời lời, cá nước lạnh…Cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhờ thế ngày càng đổi thay tốt đẹp.
Có lối thoát nghèo, mỗi năm Kon Plông giảm được từ 9 đến 10% hộ nghèo. Thời điểm năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện tới trên 68%. Đến năm 2013 đã giảm còn khoảng 40%.
Ông A Lễ, làng Kon Chênh, xã Măng Cành khoát một vòng tay chỉ ra con đường bê tông hồ hởi: “Đường nông thôn mới ra khu sản xuất của làng Kon Chênh đấy. Dài hơn nửa cây số. Nhà nước cho xi măng, cát, đá. Dân làng góp sức, góp ngày công lao động. Trước kia đi lại khó khăn lắm. Có đường đi làm ra cái gì cũng bán được giá. Có tiền mua vật dụng cho gia đình rồi cho con cái đi học”.
Một điều khá đặc biệt, hiện tại dù Kon Plông còn là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 40%, song huyện đã được tỉnh Kon Tum chọn là một trong ba vùng kinh tế động lực. Điều này xuất phát từ tiềm năng riêng có của vùng đất này.
Ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, nhiệt độ tại Kon Plông mát mẻ quanh năm. Tận dụng ưu đãi của tự nhiên, nhất là thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng giá trị cao, 5 năm qua, huyện đã thu hút được 32 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh. Các sản phẩm, như hoa tươi, nấm, vang sim, sâm dây, gạo đỏ…mang thương hiệu Kon Plông đã đến với người tiêu dùng khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Thương hiệu cá tầm Kon Plông cũng đã nhiều người biết đến. Để con cá tầm trở thành vật nuôi thoát nghèo của người nghèo, chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp kỹ thuật, phương tiện máy móc ấp nở thành công cá giống tại chỗ, nghiên cứu hoàn thiện dây chuyền chế biến thức ăn giảm chi phí đầu vào.
Là doanh nghiệp thành công với con cá tầm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ chăm sóc đến xuất bán loại cá này, ông Trần Nhi Kha, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hoàng Ngư Măng Đen cho biết: “Khí hậu ở Kon Plông bình quân khoảng 22 độ C, ban đêm thấp hơn rất thích hợp cho giống cá nước lạnh. Hiện tại doanh nghiệp đã chủ động được nguồn giống. Tháng 11 này bắt đầu ấp một đợt trứng nữa. Một lần như vậy khoảng 20.000 con. Nếu thị trường miền Trung tiêu thụ tốt cá tầm thương phẩm, doanh nghiệp sẽ mở rộng hết diện tích hồ nuôi và tiến hành nuôi trong lồng dưới lòng hồ”.
Một trong những điểm nhấn trong hành trình đi tới của Kon Plông chính là việc năm 2013, Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng sinh thái quốc gia Măng Đen với hầu hết diện tích tự nhiên của huyện.
Theo quy hoạch này, Vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen có quy mô trên 138.000ha, bao trùm gần toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, vùng lõi là đô thị sinh thái Kon Plông với khoảng 14.600ha. Định hướng thu hút đầu tư một số sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; hệ thống nhà hàng, khách sạn chất lượng cao; khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu. Với định hướng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch mạo hiểm, thể thao, dã ngoại, việc tham gia của người dân vào các dịch vụ phục vụ du lịch sẽ được huy động tối đa.
Đây chính là cơ hội để Kon Plông phát huy tiềm năng sẵn có phát triển đi lên. Nhờ có định hướng rõ ràng, người dân địa phương đã bắt đầu có thu nhập từ vẻ đẹp của 100.000ha rừng tự nhiên, 4.000ha rừng thông và hệ thống hồ, thác nước như: Toong Đam, Toong Zơ Ri, Đắc Ke, Pa Sỹ… giờ là điểm đến của du khách gần xa.
Rau hoa xứ lạnh Kon Plông cho giá trị kinh tế cao
Để tận dụng hiệu quả cơ hội, tiếp tục vượt khó vươn lên sớm đưa Kon Plông thoát khỏi diện nghèo, chính quyền địa phương đang nỗ lực với những kế hoạch cụ thể.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông nhấn mạnh: “Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, huyện sẽ ưu tiên tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đến vùng dự án. Huyện hiện nay đã có một tổ hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, thông qua tổ này giúp cho các tổ chức cá nhân giải quyết được một cách nhanh nhất các thủ tục hành chính kể cả các thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Có chính sách đào tạo nguồn lao động tại chỗ để hỗ trợ cho các dự án. Thông qua đây cũng gắn với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo”.
40 năm sau giải phóng và 12 năm thành lập, một diện mạo mới, một sức sống mới đang hiện hữu trên vùng đất Kon Plông anh hùng. Với những cách làm hiệu quả của chính quyền địa phương, như quan tâm chăm lo đến hộ nghèo; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đặt lợi ích của doanh nghiệp, người dân lên hàng đầu; phát triển đi đôi với bảo tồn đa dạng tự nhiên và văn hóa… Huyện nghèo 30a Kon Plông với trên 22.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang vươn lên mạnh mẽ dần xứng đáng với kỳ vọng là vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum./.