Khám phá Kon Tum - ngã ba 3 nước Đông Dương
- Chủ nhật - 13/12/2015 11:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kontum nằm ở cực bắc của khu vực Tây Nguyên, ở ngã ba của ba nước Đông Dương: Lào, Việt Nam, Campuchia. Với vị trí đặc biệt và còn lưu truyền nhiều giá trị về văn hóa cũng như cảnh đẹp núi rừng hoang dã đủ làm xao xuyến biết bao du khách trót yêu phiêu lưu khám phá đến vùng đất của những tục lệ kì lạ.
Tỉnh Kontum là tỉnh biên giới của khu vực Tây Nguyên và miền Trung, hơn thế, Kontum còn là nơi giao nhau của ba nước Đông Dương. Tên tỉnh Kontum được gọi theo dân tộc Bana - là dân tộc bản địa của xứ này - theo tiếng Bana, “Kon” có nghĩa là “làng”, “Tum” có nghĩa là “hồ”, ý chỉ vùng đất của làng này nằm cạnh hồ lớn bên dòng sông Đăkbla. Tên “Kontum” được đa số người đồng bào sinh sống trên vùng đất này: Xơ Đăng, Bana, Je-rieng, Bờ-râu, Rơ-măm, gọi tên nên cái tên “Kontum” được gắn với vùng đất này từ rất lâu.
Đến Kontum dạo chơi khám phá, du khách có thể chọn cách di chuyển bằng xe máy để cảm nhận được cái se lạnh của sương vào sáng sớm và ngắm cảnh sắc hoang sơ hai bên đường. Các cung đường ở Kontum uốn lượn đẹp mắt với những con dốc dài.
Với khí hậu giao thoa giữa vùng nhiệt đới gió mùa của phía nam và khí hậu cao nguyên, khí hậu Kontum có nét trưng hai mùa mưa và mùa khô, nhiệt độ chênh lệch trong ngày chênh nhau đến 9 độ C nên khí hậu thay đổi liên tục, rất đặc biệt.
Hai bên cung đường của Kontum có rất nhiều đoạn có rừng thông xanh mướt, đẹp lãng mạn vô cùng khiến nhiều phượt thủ thích thú. Cảm giác cung đường ấy rất giống con đường lên phố núi Đà Lạt.
Thực ra Kontum còn nhiều cảnh đẹp đa dạng và nên thơ hơn thế...
Những cánh đồng lúa vàng ươm chạy đến chân núi phía xa, rộng lớn và thơm mùi “ấm no”....
Những cánh rừng cao su cây vươn thẳng tắp không thấy điểm dừng, ngút ngàn, ngào ngạt mùi nhựa mới - mùi của “thịnh vượng”.
Những dòng sông, con suối chảy mải miết về nơi xa, thả trôi những con thuyền độc mộc lơ đãng trên dòng nước có màu của “văn hóa của những tộc người Tây Nguyên”.
Những dòng nước cuồn cuộn đổ về xuôi ấy từng chứng kiến những thay đổi lịch sử trên mảnh đất vốn phải gánh nhiều thiệt thòi bởi chiến tranh từ khi con người mới xuất hiện nơi đây. Với vị trí vùng đệm giữa Chiêm Thành và Chân Lạp nên từ xa xưa, các bộ tộc sinh sống trên mảnh đất này đã phải chịu cảnh cướp bóc, chiến tranh và nô lệ đầy cực khổ.
Trong đôi mắt những người già sống trên mảnh đất này dường như còn hằn sâu nhiều sự đau thương khi thấm nhuần những thiệt thòi của dân tộc qua những sự tích, những chuyện khan cha ông kể lại.
Người Pháp đến Kontum từ rất sớm - những năm 1848 đã có những chuyến đi mở đường của các vị linh mục người Pháp và đến năm 1850 đã đặt trụ sở công giáo đầu tiên ở Kontum.
Ở vùng đất có nền công giáo lâu đời này nổi tiếng với một nhà thờ công giáo với kiến trúc đẹp độc đáo được làm bằng gỗ, trứ danh cả một vùng đất Tây Nguyên - Nhà thờ chính tòa Kontum.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1913 bằng gỗ được dựng lên bằng phương pháp thủ công hoàn toàn bằng tay. Hầu hết gỗ được sử dụng trong công trình là loại gỗ Cà Chít, bên cạnh đó tường cũng được trộn vữa với rơm - một kiểu làm vách tường của miền trung Việt Nam.
Nhà thờ Gỗ là một tòa nhà có kiến trúc độc đáo, được pha trộn giữa kiểu kiến trúc Roman và kiến trúc nhà sàn của người Bana - một sự kết hợp tuyệt vời giữa phong cách Châu Âu và phong cách truyền thống Tây Nguyên của Việt Nam. Đó chính là điểm vô cùng đặc biệt của kiến trúc nổi tiếng này.
Kontum là tỉnh lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và nguyên sơ của các đồng bào dân tộc thiểu số bản địa nơi đây.
Đến Kontum, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà rông đặc trưng của người Bana, những ché rượu cần thơm ngon, những cô gái chàng trang trong trang phục thổ cẩm màu sắc múa xoang bên đống lửa trong nhiều lễ hội đặc sắc.
Du khách có thể có những trải nghiệm thực tế khi gần gũi với những người đồng bào dân tộc thiểu số hiền lành chân chất, cùng họ tham gia lễ hội, uống rượu cần và nhảy múa theo tiếng cồng chiêng nguyên đêm.
Cũng chính đặc điểm chủ yếu là đồi núi, chiếm tới ⅔ diện tích của tỉnh gây khó khăn về giao thông đi lại nên còn nhiều nơi vùng sâu vùng xa của Kontum, đặc biệt là các khu vực gần biên giớ người dân còn đói khổ nhiều.
Hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm tự chơi, vô tư cười nói với nhau, mang theo những cặp lồng đựng cơm trưa với những con ếch, nhái, kiến...mà cha mẹ chúng bắt được để làm đồ ăn cho con đi học, nhiều du khách không khỏi kìn lòng mà thấy khóe mắt cay cay. Thương nhiều lắm những khó khăn của đồng bào nơi đây.