Kon Tum: Hấp dẫn Măng Đen
- Thứ năm - 17/12/2015 23:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ TP.Kon Tum, theo QL24 khoảng 50km, chúng tôi đến Khu du lịch Măng Đen thuộc huyện Kon Plông. Hai bên quốc lộ mới được rải thảm nhựa phối cảnh cùng núi rừng nguyên sinh trải dài đẹp như một dải lụa. Lên đến đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra xa, thung lũng Kon Rẫy hiện lên như một bức tranh thủy mặc.
Lợi thế của Măng Đen là hiện nay, diện tích rừng đang được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, với tỷ lệ rừng chiếm tới 90%; trong đó có khoảng 85% diện tích vẫn là rừng nguyên sinh. Đặc biệt, nằm ở độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen còn có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình ổn định ở mức từ 18-220C.
Măng Đen còn đặc biệt quyến rũ bởi rừng thông từ 30 – 70 năm tuổi. Xen kẽ với núi rừng Măng Đen là những dòng suối, hồ, thác nước đẹp thơ mộng, nổi tiếng như: Paish, Dakke, Lô Ba, Toong Zơri, Toong Pô, Toong Đam…
Với những tiềm năng về du lịch như thế, Măng Đen đang ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại. Đầu tiên phải kể đến Măng Đen hiện có hàng trăm ngôi biệt thự nằm giữa đại ngàn nhưng vẫn giữ được nét vốn có của cảnh quan nơi đây.
Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả xứ lạnh và dược liệu phát triển mạnh. Vì vậy, du khách khi đến đây ngoài việc thưởng thức thì có thể mua những sản phẩm đặc trưng nơi đây để làm quà tặng người thân, bạn bè.
Ở Măng Đen có 6 đặc sản và món ăn được nhận bằng xác lập kỷ lục của Tổ chức kỷ lục châu Á, Tổ chức kỷ lục Việt Nam, Hội Kỷ lục gia Việt Nam bao gồm: Rượu vang sim, thịt bò nướng kiến vàng, tiêu rừng, măng khô nứa, gà nướng và cá tầm. Đặc biệt, núi rừng nơi đây còn có nhiều loại dược liệu quý, rất thích hợp cho du lịch kết hợp với an dưỡng, chữa bệnh…
Theo người dân địa phương, núi rừng Măng Đen ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí, mang yếu tố tâm linh. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, ở Khu du lịch Măng Đen luôn có sự hòa quyện giữa thiên nhiên và đời sống tâm linh.
Buổi tối ở Măng Đen, tiếng chuông chùa vang xa trong màn đêm cô tịch nghe như lạc vào cõi hư vô. Hàng năm, thiền viện ở đây tổ chức đại lễ cầu siêu vào trung tuần tháng 2 âm lịch. Tiếp đó, vào ngày 15/9 là lễ hành hương của giáo dân để viếng thăm và cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Vì vậy, trung bình mỗi năm, Măng Đen thu hút khoảng 50.000 – 60.000 lượt người đến tham quan, du lịch.
Yếu tố tâm linh được minh chứng bằng hàng ngàn bộ ghế đá được mọi người mang đến tạ ơn Đức Mẹ đặt kín cả một quả đồi rộng lớn.
Bức tranh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” của Măng Đen thể hiện sự hài hòa của tạo hóa và bàn tay của con người xây dựng nên đã thu hút du khách gần xa đến thưởng ngoạn.