Kon Tum: Huyện Tu Mơ Rông xây dựng mô hình sâm Đương Quy
- Thứ bảy - 19/09/2015 18:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tu Mơ Rông là một huyện nghèo lại nằm ở vùng sâu vùng xa, bà con chủ yếu là người Xê Đăng, đời sống dựa vào nương rẫy là chính nên cái đói khổ cứ quan quẩn. Để thoát nghèo mấy năm trở lại đây, tận dụng điều kiện khí hậu thiên nhiên ban tặng, huyện Tu Mơ Rông đã có những chính sách phát triển các mô hình như nuôi heo sọc dưa, bò sinh sản, trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh… Đặc biệt với mô hình sâm Đương Quy là chủ lực, huyện Tu Mơ Rông đã từng bước thay đổi cuộc sống…
Phát triển sâm Đương Quy
Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Tu Mơ Rông đã chú trọng vào việc tạo phương thức sản xuất, trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Với sự nhiệt huyết của các cán bộ khuyến nông khi hăng hái về từng thôn làng, lên nương rẫy của bà con để cùng làm, cùng ăn. Nhờ vậy, nhiều gia đình từng là hộ nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo và phát triển cuộc sống.
Mô hình Sâm Đương Quy được bà con nhân rộng
Nhận biết được đây là vùng đất phát triển tốt các loại cây dược liệu, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai mô hình sâm Đương Quy. Đó là loài cây thuốc nam, chủ yếu chữa các bệnh cho phụ nữ và nhiều bệnh khác. Chủ yếu dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, người thiếu máu, tay chân đau nhức và lạnh…Loại cây có lá mọc so le, 2-3 lần xe lông chim, cuống dài 3-12cm, 3 đôi lá chép phía trên đỉnh không có cuống. Hoa rất nhỏ màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa…
Hạt giống Sâm Đương Qui được bà con tự nhân giống
Ông A Hơn , Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “ Bằng nguồn vốn sự nghiệp, huyện Tu Mơ Rông đã đầu tư nhiều mô hình để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Trong năm 2014, huyện đã giao cho phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm khuyến nông trồng thí điểm sâm Đương Quy ở xã Ngọc Lây cho một số hộ dân với diện tích hơn 3 sào. Về cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc được hỗ trợ, hướng dẫn, còn bà con chuẩn bị đất đai và được phổ biến kiến thức trước khi trồng. Do mới triển khai nên cho bà con trồng theo tổ sản xuất (10-15 hộ gia đình) để dễ dàng chăm sóc và bồi dưỡng thêm kiến thức để mở rộng mô hình.
Đến năm 2015, mô hình trồng sâm Đương Quy đã mở rộng thêm 3ha cho khu vực bà con toàn xã. Dự kiến sẽ mở rộng mô hình ra một số xã như: Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Ngọc Yêu và Tê Xăng. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho bà con nơi đây bởi đã có thêm một mô hình mới để phát triển và tạo việc làm, tăng thu nhập.”
Trong nghiên cứu khoa học thì 3 năm mới cho thu hoạch nhưng nhìn chung sâm Đương Quy 1 năm đã có thể thu hoạch được và giá trị của nó cũng không kém gì. Mặc dù mới cho thu hoạch được 1 đợt, nhưng sâm Đương Quy đã khẳng định được giá trị của mình. Hiện tại công ty Thái Hoa Kon Tum đang bao tiêu sản phẩm nhưng thị trường bên ngoài cũng đã tự tìm kiếm đến tận rẫy để đặt mua trước.
Giúp dân có việc làm và thu nhập
Việc phát triển mô hình sâm Đương Quy giúp người dân có công ăn việc làm, hạn chế được tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy. Nhưng cái quan trong nhất vẫn là giúp dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Sâm Đương Quy khi thu hoạch bán tươi cũng có giá từ 40-60 ngàn đồng/1 kg, còn bán khô thì từ 250-350 ngàn đồng/1 kg. Mới cho thu hoạch mùa đầu tiên, nhưng mỗi tổ sản xuất cũng kiếm về hơn 60 triệu đồng.
Nhân giống Sâm Đương Quy
Anh A Nô, thôn Măng Rương, xã Ngọc Lây tâm sự: “Năm 2014, được huyện Tu Mơ Rông đầu tư trồng thí điểm sâm Đương Quy trên cho bà con trên địa bàn xã Ngọc Lây và đến nay đã cho thu hoạch rồi. Dù mới năm đầu tiên triển khai trồng nhưng cũng đã cho thu hoạch đáng kể. Năm nay gia đình tôi nhân rộng diện tích trồng sâm Đương Quy lên 5 sào, thay thế cho diện tích trồng mỳ, trồng bắp không hiệu quả trước kia.”
Còn anh A Biên, thôn Đăk King, xã Ngọc Lây chia sẻ: “ Sâm Đương Quy mới năm đầu tiên cho thu hoạch và trồng theo tổ sản xuất nhưng bà con ai cung vui mừng vì đã có được một loại cây trồng cho thu nhập. Năm nay, đã nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên các gia đình tự ương giống và trồng. Đây là loại sâm nhanh cho thu hoạch, nếu không lấy hạt giống là 9 tháng, còn lấy hạt làm giống thì 1 năm là thu hoạch. Bà con chúng tôi cảm ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để có việc làm thường xuyên và tăng thu nhập.
Sâm Đương Quy sắp thu hoạch
Điều đáng nói hơn là người dân nơi đây đã tự ý thức được việc trồng sâm Đương Quy, từng bước giúp họ thoát khỏi cảnh đói nghèo và không vất vả đi rừng như trước nữa. Chỉ mới năm thứ 2 thực hiện song bà con đã tự mở rộng diện tích lên khá nhiều và đã hiểu rõ về kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm.”
Có thể khẳng định rằng chính từ định hướng đúng và được sự quan tâm của các cấp các ngành của huyện cùng với sự nỗ lực của mỗi người, nhân dân Tu Mơ Rông tin rằng sẽ từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo đeo bám từ bao đời nay để từ đó, huyện nhà sẽ vươn lên và tự tin hội nhập kinh tế chung của tỉnh Kon Tum.