Kon Tum: Nguồn tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn
- Thứ tư - 11/03/2015 09:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cùng với điều kiện tự nhiên và địa hình với sự đa dạng đã tạo cho Kon Tum một nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú và hấp dẫn với các loại hình du lịch có thể khai thác như: Du lịch danh lam thắng cảnh và du lịch di tích lịch sử - văn hoá.
Du lịch danh lam thắng cảnh:
1. Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen:
Trong hành trình trên Quốc lộ 24 từ thành phố Kon Tum đi Quảng Ngãi khoảng hơn 50 km, du khách sẽ đến khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, thuộc huyện Kon Plông. Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá và thắng cảnh.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình hàng năm dưới 200C cùng những rừng thông trải dài, những thác nước nguyên sơ. Măng Đen được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên và hiện đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Xây dựng Măng Đen thanh khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng quốc gia và trở thành vùng động lực kinh tế của tỉnh Kon Tum.
Măng Đen theo tiếng địa phương có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Nằm ở độ cao trên 1.100 m so với mực nước biển, Măng Đen được bao bọc bới những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông đỏ với bạt ngàn sinh cùng hàng chục thác, suối, hồ nước kỳ ảo, trong xanh. Tất cả làm nên nét nguyên sơ mà không nơi nào có được.
Trong thời tiết mát mẻ của một vùng rừng núi mênh mông, bên những rặng thông xanh rì rào, xen lẫn tiếng nước róc rách, cùng các ngôi biệt thự xây dựng theo phong cách Pháp, Măng Đen gợi nhớ cho du khách về một thành phố Đà Lạt mộng mơ. Măng Đen thật sự yên bình, không có nhiều tiếng ồn ào của xe cộ. Đây là một nơi lý tưởng cho những ai muốn tìm cảm giác thư giãn, thanh thản trong tâm hồn.
Tiềm năng du lịch của Kon Plông không phải đến nay mới được phát hiện, mà ngay từ đầu thế kỷ XX, khi mở quốc lộ 24 từ Kon Tum về Quảng Ngãi, người Pháp đã “để mắt” tới vùng đất lý tưởng này. Tại đây, người Pháp đã trồng rừng thông tương đối lớn. Huyện Kon Plông hiện có độ che phủ rừng lên tới gần 80%. Diện tích rừng nguyên sinh, rừng trồng tại khu du lịch sinh thái Măng Đen có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng.
Được bao bọc bởi những đồi thông ngút ngàn, với điểm đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho Măng Đen là khí hậu trong lành, tinh khiết. Chính nhờ điều kiện tự nhiên độc đáo đó, Măng Đen đang là địa điểm tham quan và nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước. Với hồ Đăk Ke thơ mộng nằm giữa rừng thông, với thác Đăk Ke hoang sơ hùng vỹ hay thác Pa Sỹ đẹp dịu dàng…Tất cả đã tạo thành một sức hút riêng cho du lịch sinh thái nơi đại ngàn Măng Đen.
Không chỉ đẹp nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, tại Măng Đen còn ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân Kon Plông trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những đặc trưng văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nâm, Xê Đăng, Kadong cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho mảnh đất này.
Hiện nay, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã hình thành và đưa vào khai thác các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trồng các loại rau hoa xứ lạnh, nuôi cá nước lạnh, đặc biệt đã thành công với dự án nuôi cá Tầm, cá Hồi thương phẩm và nuôi sinh sản giống cá Tầm, cá Hồi.
Ngoài ra, Măng Đen còn phát triển một số sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch lễ hội văn hoá, lịch sử ĐBDTTS Tây Nguyên và một số đặc sản nơi đây như rượu Sim, chuối rừng, sâm dây…; dịch vụ vui chơi gắn với cảnh quan thiên nhiên; xây dựng làng Trung tâm nghiên cứu sinh học; dịch vụ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ; bảo tồn, khôi phục di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc bản địa…
Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen được Chínhphủ đưa vào danh mục các khu du lịch quan trọng của quốc gia. Tại khu du lịch sinh thái này đang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và phục vụ du lịch.
2. Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh:
Nằm ở độ cao gần 2.600 m so với mặt nước biển, Ngọc Linh là ngọn núi cao nhất ở Tây Nguyên, nơi đây có Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, với diện tích gần 29.000 ha thuộc hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, giáp với tỉnh Quảng Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là nơi lưu giữ hệ động thực vật quý hiếm, đặc biệt là thảm thực vật khí hậu ôn đới, trong đó sâm Ngọc Linh là dược liệu quý đặc hữu của Việt Nam và thế giới.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được xem là một trong bốn kho tàng đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Nơi đây cũng được mệnh danh là “lá phổi xanh và nóc nhà” của Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung, có nhiều kiểu rừng như: rừng cây lá rộng, lá kim…Về động vật có 05 loài thú được ghi trong sách đỏ thế giới như khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, báo gấm, hổ, nhím đuôi ngắn và 15 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Với vẻ nguyên sơ và hùng vỹ của núi rừng Tây Nguyên, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu và những du khách ưa thích du lịch mạo hiểm, khám phá.
3. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray:
Được công nhận là vườn di sản của Đông Nam Á; Nằm về phía Tây tỉnh Kon Tum với diện tích hơn 56.000 ha thuộc hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, cách thành phố Kon Tum hơn 30 km. Đây là vườn Quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất trong hệ thống các vường quốc gia trên cả nước.
Với hệ sinh thái rừng đa dạng đã tạo cho Chư Mom Ray một khu bảo tồn có hệ động, thực vật phong phú pàm đam mê không chỉ với du khách mà còn với cả các nhà khoa học.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray nằm ở ngã ba Đông Dương, phía Tây giáp với vườn quốc gai Vina Chay (Campuchia), phía Tây Bắc giáp với khu bảo tồn thiên nhiên Đông An Pha (Lào). Vị trí này tạo cho Chư Mom Ray một tiềm năng lớn về mọi mặt để cấu thành một vùng bảo tồn thiên nhiên hoang dã lớn mang tầm quốc tế, có hệ sinh thái mang tính điển hình của khu vực Đông Nam Á. Có nhiều loài thú lớn, quý hiếm như bò xám, hổ, tê giác…
Thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray rất đa dạng về kiểu và trạng thái rừng, là một trong những khu bảo tồn có hệ thực vật cổ nhất Việt Nam với 508 loài cây thuộc 324 chi, 115 họ…
Khu bảo tồn có nhiều loài thú có móng vuốt, tê giác, bò tót và nhiều loài chim, gồm 352 loài động vật có xương sống ở cạn. Số lượng các loài chim, thú ở đây nhiều gấp đôi so với các khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Tây Nguyên. Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mo Ray có tiềm năng du lịch sinh thái lớn bởi lòng hồ Ya Ly tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp sơn thuỷ hữu tình.
4. Lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Krông:
Lòng hồ thuỷ điện Yaly rộng lớn, có diện tích khoảng 60 km2 nằm trên địa phận các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum. Được hình thành từ việc xây dựng thuỷ điện Plei Krông. Khu vực lòng hồ thuỷ điện Plei Krông có nhiều khu đồi thoải, nhấp nhô tạo phong cảnh sông hồ có khả năng phát triển thành khu đô thị sinh thái.
Du khách có thể xuất phát từ làng du lịch Đăk Bla (TP. Kon Tum) xuôi về làng văn hoá dân tộc Jarai ven lòng hồ Yaly nơi đây vẫn còn nguyên nét văn hoá sơ khai của dân tộc Tây Nguyên. Với cảnh quan thiên nhiên, con người, khu vực lòng hồ Ya Ly thực sự là nơi tham quan, du lịch lý tưởng với những người yêu thích thiên nhiên.
Khu vực lòng hồ Yaly đã và đang phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái như: Dịch vụ du lịch du thuyền trên lòng hồ, câu cá, tham quan thuỷ điện…Đây là điểm du lịch nằm trên tuyến du lịch thành phố Kon Tum - Thuỷ điện Yaly - Gia Lai.
5. Cột mốc biên giới - Ngã ba Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia:
Ngã ba Đông Dương không chỉ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ mà nơi này ngày nay đang trở nên hấp dẫn khách trên hành trình thăm Kon Tum - cực Bắc Tây Nguyên Việt Nam.
“Một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” chính là khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, thuộc huyện Ngọc Hồi, giữa ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Vùng đất này đang trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi có các địa danh đã đi vào lịch sử như ngã ba Đông Dương. Cột mốc biên giới do ba nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia xây dựng trên đỉnh núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển, cách thị trần Plei Kần, huyện Ngọc Hồi khoảng 30 km.
Từ cột mốc ngã ba biên giới, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương. Nếu muốn thăm hai nước Lào và Campuchia có thể làm thủ tục xuất cảnh tại Đồn Biên phòng Việt Nam ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
6. Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi:
Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y bao gồm một cửa khẩu Quốc tế với Lào và một cửa khẩu phụ với Campuchia. Chính vị trí “đắc địa” này đã tạo cho Bờ Y một vị thế “độc nhất vô nhị”, trở thành đầu cầu ngắn nhất, thuận lợi nhất nối Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ (Việt Nam) với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia…đồng thời là cửa ngõ mở ra Thái Bình Dương và vùng Đông Bắc Thái Lan, vùng Tây Bắc Campuchia và Nam Lào.
Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nằm trong vùng lõi của “Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam” gồm 7 tỉnh: Rattanakiri, Stung Treng (Campuchia), Attapư, Sê Kông (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk (Việt Nam).
Sự liên kết giữa Thái Lan với Lào, Việt Nam sẽ hình thành nên những tour du lịch sinh thái, lịch sử độc đáo: Kon Tum đang là địa chỉ du lịch mới hấp dẫn. Miền Trung Việt Nam có con đường di sản văn hoá thế giới Hội An- Mỹ Sơn- Huế- Phong Nha nổi tiếng. Đông Bắc Campuchia, U Bon (Thái Lan) có những vùng rừng nguyên sinh bạt ngàn… sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành du lịch các nước cùng phát triển, thúc đẩyhợp tác du lịch “ba quốc gia một điểm đến”…