Kon Tum tiềm năng du lịch chưa được khai phá
- Thứ bảy - 20/06/2015 15:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là một tỉnh còn nghèo nằm ở cực Bắc của Tây Nguyên, ngành Du lịch Kon Tum còn khá non trẻ, hầu hết các sản phẩm du lịch tự nhiên còn rất hoang sơ, chưa chịu tác động nhiều bởi môi trường và bàn tay con người bên cạnh đó người dân nơi đây rất mến khách, có thể nói đó là những điểm mạnh của du lịch Kon Tum.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch của cả nước với những nét đặc trưng riêng của điều kiện tự nhiên và những giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc bản địa, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Kon Tum cũng đã có “Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007 – 2015 và định hướng đến năm 2020”. Cũng theo đó Kon Tum cũng đã sở hữu nhiều giá trị văn hoá bản địa đa dạng, phong phú và các sản phẩm du lịch đặc sắc, là nơi cư trú của 6 dân tộc bản địa như: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, B’râu, Rơ Măm, với mỗi dân tộc đều có những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng tạo nên giá trị văn hóa vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của vùng đất cực Bắc Tây Nguyên. Đặc biệt, một trong những nét văn hóa đặc sắc vô cùng nổi bật và không thể nhắc đến đó là “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá phi vật thể của nhân loại, trong đó tỉnh Kon Tum đã vinh dự đóng góp 2 bộ chiêng Tha của người dân tộc B’râu.
Theo số liệu thống kê, số lượng khách du lịch đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn được phép tham quan và lưu trú theo Quyết định số 1387/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2003 trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với những năm trước.
Tốc độ tăng trưởng du lịch tương đối cao, đặc biệt là lượng khách du lịch quốc tế đang có chiều hướng tăng mạnh: Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2015 ước đạt 30,7%. Lượng khách quốc tế đến Kon Tum năm 2001 chỉ mới 1.337 lượt thì đến năm 2013 đã tăng lên 66.403 lượt, tăng gấp 49,67 lần. Đây là thị trường khách khá phù hợp để phát triển loại hình du lịch cộng đồng hiện nay vì du khách phương Tây thường chọn những điểm du lịch không bị ô nhiễm môi trường, gắn kết với sinh thái. Do đó, du lịch bền vững đã được du khách quan tâm và tạo nên trào lưu du lịch mới. Châu Á - Thái Bình dương là lựa chọn của du lịch thế giới trong tương lai, để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực nói riêng và Việt Nam nói chung, du lịch Kon Tum cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với phát triển bền vững.
Tuy số lượng còn khá khiêm tốn so với các tỉnh bạn hay so với mặt bằng chung của vùng nhưng những con số nêu trên đã cho thấy du lịch Kon Tum ngày càng hấp dẫn và ngày càng thu hút du khách khắp nơi trong nước cũng như ngoài nước. Du khách đến với Kon Tum chủ yếu với mục đích du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí kết hợp với du lịch tham quan ở các vùng có cảnh quan như: Khu vực lòng hồ Yaly, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học như: Vườn quốc gia Chư Mom Ray; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; Rừng đặc dụng Đăk Uy các giá trị văn hóa Việt Nam, hướng về cội nguồn….
Di tích lịch sử Ngục Kon Tum - Ảnh: Nhật Trường
Có thể khẳng định du lịch Kon Tum còn được hấp dẫn với quần thể di tích lịch sử, lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum; Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei; Căn cứ đồi 42; Sân bay phượng hoàng; Đồi C-harlie; Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Kần; Di tích Lịch sử và Danh thắng Măng Đen; Di tích lịch sử cách mạng điểm cao 601, ngã ba Đông Dương và đường mòn Hồ Chí Minh. Hằng năm các di tích này đã thu hút được một lượng khách tương đối lớn cả trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh của các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Nhìn chung, được sự quan tâm của các cấp các ngành, công tác bảo tồn và nâng cấp các di tích lịch sử trên địa bàn đã được chú trọng, khôi phục kịp thời những di tích đã xuống cấp trầm trọng có nguy cơ bị lãng quên. Đến với các Di tích lịch sử, mặc dù do thời gian tàn phá, các dãy nhà lao, nhà ngục giam giữ tại các di tích đã không còn như xưa chỉ còn lại vài nét bao quát chung nhưng đến đây du khách như thấy lại được tinh thần và ý chí cách mạng quật cường của những chiến sỹ cộng sản bị giam giữ, tù đày lại các nhà lao, nhà ngục của bọn thực dân đế quốc.
Tòa Giám mục - Ảnh: Nhật Trường
Hàng năm, Kon Tum đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan các Di tích văn hóa, có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo và mang tính tín ngưỡng tôn giáo đặc sắc như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám mục, Chùa Bác Ái, Cầu treo Kon Klor, Nhà Rông các dân tộc bản địa…; Thưởng thức các đặc sản ẩm thực địa phương, các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống của các dân tộc bản địa…
Kon Tum không chỉ dồi dào tiềm năng du lịch sinh thái mà còn là thế mạnh về du lịch văn hóa với nhiều di tích và các buôn làng cổ truyền nổi tiếng với những nếp nhà sàn nguyên sơ được giữ gìn qua nhiều thế hệ với cuộc sống thanh bình và các sinh hoạt văn hóa đặc sắc vô cùng nổi bật... thực sự là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách gần, xa, trong và ngoài nước.
Hiện nay, trong các tour du lịch ăn khách của các đơn vị kinh doanh Du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều không thể thiếu các điểm du lịch làng văn hóa các dân tộc bản địa, trong đó có xem biểu diễn cồng chiêng do chính các dân tộc bản địa thực hiện vào buổi tối, các tour này thu hút một lượng khách rất lớn kể cả khách nội địa và khách nước ngoài. Và chính phần biểu diễn này như là điểm nhấn quan trọng trong các chương trình du lịch khi du khách đến Kon Tum. Trong những năm qua, lượng khách đến tham quan nhiều và hài lòng nhất phải kể đến các làng văn hóa du lịch Kon Kơ Tu, Kon Jơ Ri, Kon Klor 2 thuộc xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, Làng Plei Lay, Làng Plei Bua, Làng Plei Weh thuộc xã Ya Chim thành phố Kon Tum, các làng Kon Du, Kon Bil, Kon Sơ Kôi, Kon Vi Vang thuộc xã Tân Lập huyện Kon Rẫy, Làng Kon Tum KơPâng - Phường Thống Nhất, Làng Kon Tum KơNâm - Phường Thống Nhất, Làng KonRờBàng, làng KonHơNgoKơTu - xã Vinh Quang, Làng Đăk Răng, Làng Đắk Mế huyện Ngọc Hồi,… ngoài ra còn có các làng mới được đưa vào các tour du lịch nhưng chưa thu hút được nhiều du khách như: Làng Kon Tileo huyện Kon Rẫy; xã Ngọc Réo, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum; xã Hiếu, xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Ngoài ra những sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum thu hút lượng khách đến nhiều góp phần lớn vào ngân sách du lịch của tỉnh nhà như: City tour, Trekking (đi bộ qua rừng) rừng già.
Theo danh mục các tuyến, điểm du lịch được phép tham quan và lưu trú, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 32 điểm du lịch về văn hóa di tích lịch sử, 03 điểm du lịch về lịch sử cách mạng và 02 điểm du lịch sinh thái. Tuyến huyện có 36 điểm du lịch về văn hóa di tích lịch sử, 07 điểm du lịch tham quan về lịch sử cách mạng và 19 điểm du lịch về sinh thái nghỉ dưỡng.
Trong thời gian tới ngành Du lịch Kon Tum sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành mới danh mục các điểm du lịch trên địa bàn được phép tham quan và lưu trú phù hợp với thực tiễn địa phương và đúng tiêu chuẩn quy định tại Luật Du lịch; Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ các tuyến điểm du lịch trên địa bàn và tính điểm cho mức độ hấp dẫn của từng điểm từ đó có cơ sở để thông tin, bảo tồn, gìn giữ và quảng bá cho hình ảnh các tuyến điểm và sản phẩm du lịch của tỉnh nhà.