Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Làng cổ Kon K’Tu - Vẻ đẹp còn nguyên sơ

Sẽ là thiếu sót lớn nếu như bạn lên thăm phố núi Kon Tum mà lại không ghé thăm Kon K’Tu - một trong những ngôi làng cổ xưa vào bậc nhất Tây Nguyên. Những ngày cuối xuân ngôi làng này chìm trong sắc hoa mai anh đào tím hồng, giữa ruộng lúa xanh bát ngát là những mái nhà sàn yên bình, những nụ cười ấm áp,… Tất cả tạo nên vẻ rực rỡ, mà mộc mạc đáng yêu cho Kon K’Tu xinh đẹp.
Nhà rông ở trung tâm làng
Ngôi làng cổ xinh đẹp
 
Đường vào làng Kon K’Tu đẹp như một bức tranh, có đoạn là nương lúa xanh rì rào, có đoạn là vách đồi dựng đứng, còn một bên là con sông ngập nước, thấp thoáng những cô gái mặc váy áo Ba Na vai mang gùi chứa đầy nông sản. Men theo con đường nhỏ, uốn lượn duyên dáng, làng Kon K’Tu hiện ra bắt đầu từ những ngôi nhà sàn lợp mái lá xám đậm chất truyền thống của người Ba Na. Làng ở vị thế rất đẹp, một bên là núi rừng hùng vĩ, một bên là dòng sông hiền hòa ôm vòng theo đường cung lượng, bao bọc lấy ngôi làng. Nhà rông - trái tim của buôn làng được xây dựng trên một khoảng đất bằng phẳng, vuông vức ở trung tâm, từ lâu ngôi nhà rông Kon K’Tu này đã trở thành hình ảnh quen thuộc cho du lịch Kon Tum. Nhà xây dựng đơn giản với bộ khung gỗ chắc chắn, vách bằng tre có thêm lớp đố, ngoài được buộc rất cầu kỳ có giá trị như là một thứ trang trí. Mái lá nhà rông cao chót vót, lợp bằng lá, ngả màu xám đen qua bao nhiêu tháng năm mưa gió, cầu thang là một thân cây gỗ còn nguyên được đục đẽo thành nhiều bậc. Đứng ở phía nào của làng cũng nhìn thấy mái nhà cao đẹp nổi bật, đó là nơi các bô lão tề tựu bàn việc công, nơi dân làng hội họp, tiến hành các nghi lễ, nơi tiếp khách lạ vào làng.
 
làng kon tum
Quang cảnh trên đường vào làng Kon K’Tu
 
Từ Nhà Rông du khách có thể tản bộ ra xung quanh thăm thú cảnh đẹp và cuộc sống của người Ba Na trong làng. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp giữa nhiều ngôi nhà sàn là hình ảnh các mẹ, các chị đang miệt mài bên khung cửi, xung quanh là những cô cháu gái mắt tròn xoe chăm chú theo dõi, học cách dệt. Tiếng đạp chân vào khung cửi gỗ nhịp nhàng, cần mẫn, họ khéo léo phối mầu theo họa tiết riêng trên khăn, túi, áo,... Hàng ngày họ mặc quần áo đơn giản nhưng khi đến lễ hội nhất định họ sẽ diện những bộ váy áo sặc sỡ, do chính mình dệt, vừa thể hiện lòng tự hào trang phục dân tộc mình vừa « khoe thầm » một cách kín đáo sự tài hoa, khéo léo của mình.
 
nhà thờ kon tum
Nhà Thờ
 
Đêm Kon K’Tu ấm áp
 
Người Kon K’Tu rất hiếu khách, ai đến cũng được tiếp đón bằng nụ cười ấm áp, tấm lòng nồng nhiệt. Nếu có nhiều thời gian bạn nên ở lại Kon K’Tu một đêm, thưởng thức trọn vẹn đêm hội cồng chiêng giữa vòng múa xoang, uống rượu cần và nghe già làng kể chuyện những câu chuyện cổ, phong tục tập quán, huyền thoại của người Ba Na. Không phân biệt khách miền xuôi hay miền ngược, khách ta hay khách Tây, ai cũng được mời rượu cần, nếm thử những món ăn đặc sản người Ba Na. Sau khi ngấm men rượu cần, trời về khuya, bếp lửa trước nhà rông đã đượm lửa, là lúc cồng chiêng được đem ra, du khách nắm tay những chàng trai, cô gái cùng múa xoang. Tiếng cồng chiêng hợp âm với nhau thành bản ca trầm hùng vang vọng tiếng núi rừng, làm nền cho điệu múa xoang thêm nhịp nhàng, uyển chuyển. Con trai, con gái Kon K’Tu đã biết múa xoang từ thuở còn bé tý nên ai nấy đều vui vẻ, thân thiệt nắm tay du khách hòa cùng cuộc vui. Chỉ một điệu múa xoang với động tác đơn giản thôi nhưng là sợi dây nối tình đoàn kết, khiến người lạ trở nên thân quen, khiến những bàn tay giá lạnh từ phương xa đến bỗng trở nên ấm áp bên bếp lửa bập bùng. Từ khi không gian văn hóa cồng chiên Tây Nguyên được Unesco công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại, khách tham quan quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’Tu ngày càng nhiều hơn. 
 
nhà kon tum
Một ngôi nhà sàn truyền thống trong làng
 
cá suối nướng lá chuối
Món cá suối nướng lá chuối
 
Người Ba Na hiện nay đã ăn Tết Nguyên đán cùng với đồng bào cả nước nhưng vẫn giữ cho mình tập tục truyền thống, giữ gìn nguyên vẹn lễ hội từ xa xưa. Lễ hội giọt nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh; dân làng đoàn kết. Tháng Giêng hằng năm bà con trong làng lại nô nức bảo nhau chuẩn bị cho Lễ hội giọt nước kéo dài 2 ngày 2 đêm. Ngoài ra còn một số lễ hội quan trọng khác như: Lễ cầu an, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả,…
 
Thiên nhiên hùng vĩ
 
Phía sau làng là dòng sông Đắk Bla, bãi cát trắng xóa rộng khá, bờ bên kia sông là những hàng chuối mọc sát mép nước, cao lên một chút là rừng xanh ngắt. Bến thuyền độc mộc có vài chiếc đang neo đậu, đây là loại thuyền truyền thống của người Ba Na được làm từ một thân cây gỗ to và đòi hỏi bàn tay người thợ phải có kỹ thuật điêu luyện để thuyền cân đối và bền chắc. Buổi chiều, những chiếc thuyền chở nặng chuối, lúa, khoa mì ở trên rẫy về, cuộc sống nơi đây thật yên ấm, trù phú. Nếu bạn thích có thể lên thuyền cùng người trong làng xuôi dòng nước, đi qua nương lúa, nương bắp xanh rì. Vào mùa mưa nước sông dâng lên sát mép bến thuyền, ngược lên phía trên đầu nguồn, dừng chân ở phiến đá rộng phẳng lì, ngắm nhìn dòng sông cuồn cuộn, hai bên cánh rừng nguyên sinh rủ bóng mới thấy được sự hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên.
 
thuyền độc mộc
Bến thuyền độc mộc
 
Đứng trước sự tác động nền kinh tế, làng Kon K’Tu cũng có ít nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc. Hãy đến với Kon K’Tu bạn sẽ để tận mắt ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi rừng, sự êm đềm, mộc mạc của kiến trúc cổ, và nụ cười, ánh mắt nồng hậu, lòng hiếu khách người Kon K’Tu còn theo bạn mãi.
sâm dây kon tum

Tác giả bài viết: Hà Oanh theo Báo Kon Tum

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây