Ngày mới ở Đăk Glei - Miền đất cực bắc tỉnh Kon Tum
- Thứ hai - 20/04/2015 21:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đăk Glei là huyện xa nhất của tỉnh Kon Tum, nhắc đến mảnh đất này người ta không thể quên được năm tháng lịch sử hào hùng cùng với những địa điểm như dèo Lò Xo, ngục Tố Hữu, núi Ngọc Linh,... Đăk Glei ngày hôm nay đã vươn mình thức dậy, bắt kịp nhịp phát triển của cả tỉnh, mang dáng vóc của một đô thị mới. Bằng nội lực sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và vốn văn hóa bản địa độc đáo Đăk Glei đang trở thành một trong những điểm đến mới lạ.
Dấu ấn lịch sử hào hùng
Huyện Đăk Glei có vị trí rất độc đáo: Phía Tây giáp với Lào, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi lại nằm liền kề với cửa khẩu quốc tế Bờ Y rất thuận lợi cho việc thông thương phát triển kinh tế. Từ một huyện nghèo, kinh tế khó khăn, văn hóa lạc hậu, Đăk Glei đã vươn lên có những thành tựu đáng kể, năm 2014 tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 1.204 tỷ đồng, tăng 8,26% so với năm 2013. Đến Đăk Glei hôm nay vẫn nguyên những cánh rừng xanh nguyên sơ của khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, giữa những triền núi trắng xóa hoa caphe là màu xanh của lúa nương, là những nụ cười nồng hậu, ấm áp của những đồng bào dân tộc thiểu số. Có vị trí đắc địa trên tuyến quốc lộ 14 huyết mạch giữa các tỉnh Tây Nguyên, Đăk Glei nhanh chóng nắm bắt thời cơ, trang bị cho mình thế và lực để vươn tầm phát triển, phá thế ngõ cụt bao năm.
Đi từ hướng bắc tuyến Quốc lộ 14 vào bạn phải vượt qua đèo Lò Xo dài khoảng 20 km thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đăk Man. Đèo có nhiều khúc quanh liên tiếp, đột ngột rất nguy hiểm mà cũng rất thu hút những người ưa thích du lịch mạo hiểm. Trong cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ ác liệt, đèo Lò Xo là minh chứng hùng hồn cho ý chí, lòng kiên trì, sự dũng cảm của những người lính cách mạng. Với quyết tâm cao độ đảm bảo cho tuyến đường vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường thuận lợi, các chiến sỹ đã đánh đổi bằng máu và nước măt. Hiện nay, đèo Lò Xo được xây dựng chú trọng tu sửa, nâng cấp để giảm thiểu những nguy hiểm, đảm bảo an toàn giao thông cho những chuyến xe xuyên suốt. Nếu đi trên cung đường này bạn cũng đừng quên dừng chân ghé thăm cầu Thác Nước, một điểm dừng chân khá thú vị. Đây là một con thác nhỏ nằm ngay cạnh quốc lộ, có độ cao chót vót, vách đá dựng đứng khiến nước tung ồ ạt, trắng xóa rất đẹp.
Đăk Glei cũng nổi tiếng có di tích lịch sử nhà tù Tố Hữu (nơi từng giam giữ nhà thơ Tố Hữu) thuộc địa phận làng Đăk Glây, xã Đăk Choong. Ngục được xây dựng năm 1932, nằm giữa bạt ngàn núi rừng, bốn bề cây cối phủ kín, nơi thực dân pháp giam giữ, cách ly những nhà hoạt động cách mạng. Gần một trăm năm đã qua đi nhưng ngục Tố Hữu vẫn còn nguyên dấu vết thời gian với những lớp đá màu xám lạnh lẽo, nặng nề như một nhân chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường những chiến sĩ cộng sản trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thiên nhiên hùng vĩ
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh nằm trên địa phận xã Đăk Man, Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh và xã Xốp, được xây dựng với chức năng chính là: Bảo vệ nguyên vẹn nguồn gen động thực vật quý hiếm, đặc hữu; Bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học nổi bật, tăng cường khả năng phòng hộ đầu nguồn của các hệ thống sông lớn; Phục hồi Hệ sinh thái rừng; Tuyên truyền giáo dục và thực thi Pháp luật; giáo dục bảo vệ môi trường; Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên; Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị khoa học - kỹ thuật; Đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm. Khu bảo tồn vẫn giữ được sự đa dạng sinh học, đặc biệt là sự có mặt của các loài đặc hữu như: Báo gấm, Báo lửa, Mang Trường sơn, Culi lớn Chà vá chân xám,…
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh không chỉ là địa chỉ đỏ trong việc lưu giữ các nguồn gen quý hiếm mà còn là điểm du lịch sinh thái tiềm năng. Bên trong khu bảo tồn có những đoạn cây cổ thụ cao vời vợi chắn ánh mặt trời, cây cối đan xen nhau tạo không khí mát lạnh, cảm giác nơi đây cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những con dốc dài, thẳng đứng đột ngột quanh núi, một bên là cây rừng chen chúc, một bên là vực sâu hun hút, phong cảnh thật hùng vĩ. Nếu như đỉnh Phanxipang của dãy Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì đỉnh Ngọc Linh lại được biết đến với cây sâm Ngọc Linh – dược phẩm quý hiếm hàng đầu. Hiện nay, công dụng của sâm Ngọc Linh đã được nhiều người biết dẫn đến nhu cầu sử dụng tăng cao đột ngột khiến cho số lượng sâm tự nhiên đã không còn nhiều.
Vốn văn hóa bản địa độc đáo
Đăk Glei là ngôi nhà chung của các dân tộc anh em Kinh, Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Tày, HLăng,…Nơi đây còn lưu trữ những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Xê Đăng, lễ hội cồng chiêng của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng,... Đồng bào dân tộc ở đây vẫn giữ nếp sống giản dị, nụ cười hồn hậu và tấm lòng thật thà, chất phác. Nếu bạn đến chơi ở làng sẽ được đồng bào đón tiếp nồng nhiệt như khách quý, thưởng thức rượu cần, những món ăn độc đáo như rau dớn, thịt gác bếp, cá chua,… Nổi tiếng nhất là món cá chua đặc sản của người dân tộc Giẻ Triêng, nếu được thử một lần bạn sẽ nhớ rất lâu. Nguyên liệu để làm món này là cá niệng, một loại cá hay có ở các sông suối nhỏ vùng Đăk Glei, được trộn với các loại gia vị địa phương rồi để ngấm trong một thời gian nhất định. Cá có thơm nhè nhẹ, mềm mềm, hơi chua chua, lại lẫn những hạt li ti là thính ngô, vị hài hòa rất ngon. Cá chua để càng lâu lại càng đậm đà vì cá thấm gia vị, cay xé của ớt, tiêu rừng, vị thơm lựng của thính ngô đã lên men.
Những ngôi làng yên bình giữa rừng
Cá chua