Những tập tục kỳ lạ ở Tây nguyên - Kỳ 4: Treo đầu trâu sau lễ đâm trâu
- Thứ bảy - 03/10/2015 20:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người Tà Rẻ ở làng Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei (Kon Tum) có tục: khi đâm trâu thì tất cả đầu trâu đều được treo lên ở nhà rông. Tập tục này đến nay đồng bào vẫn còn giữ gìn.
Nhà rông treo hàng chục đầu trâu
Chuyến công tác đi tặng mấy trăm bộ sách giáo khoa khoa cho học sinh nghèo tại làng Xốp Dùi, xã Xốp khi đi qua một nhà rông, anh Ngô Hữu Quốc, hiệu trưởng trường tiểu học Xốp, cho biết: nhà rông này khi nhà văn Nguyên Ngọc về thăm xã đã ngủ lại.
Hóa ra, tác phẩm Rừng Xà Nu, nhà văn Nguyên Ngọc lấy nguyên bản ở đất này. Bây giờ, rừng xà nu còn đó, bạt ngàn, xanh mướt bao bọc xung quanh thung lũng có nhà rông của làng Xốp Dùi của người Tà Rẻ. Phó phòng Giáo dục-đào tạo huyện Đăk Glei, anh Lê Hải Lâm bảo: "Xưa, nai sống ở thung lũng này hàng đàn nên đồng bào bản địa gọi đây là thung lũng Bãi Nai. Bây giờ, nó trở thành trung tâm xã Xốp"
Bước vào nhà rông làng Xốp Dùi, tôi kinh ngạc khi trên vách và mái nhà rông, có hàng chục đầu trâu to có, nhỏ có treo ngược la liệt, từng cặp sừng trâu tua tủa chĩa ra trông như thần linh hộ đền miếu nào của thuở xa xưa. Quan sát thì thấy có đầu trâu còn rất mới, nhưng có cái đã khô đét lại, da trâu đã bong ra chỉ còn sọ đầu. Giữa cái tối lờ nhờ, những hốc mắt trâu thô lố trơ ra, làm những người yếu bóng vía không bao giờ dám bén mảng vào đây.
Đầu trâu treo ở nhà rông
Đưa mắt đếm qua số lượng, ước chừng có trên 30 cái đầu trâu, thầy Quốc bảo: Cứ đâm trâu xong là già làng cho phép chủ tế trâu mang vào treo ở nhà rông.
"Ngày trước nhà rông ở trước sân trường tiểu học, nhưng sau có thanh niên tự tử bằng lá ngón tại nhà rông nên dân làng mới chuyển sang làm nhà rông ở đây. Nếu còn nhà rông cũ, đầu trâu nhiều không chỉ có ngần này", thầy Quốc nói.
Hiệu trưởng trường trung học cơ sở xã Xốp, thầy Đặng Quốc Vũ giải thích thêm: Dân làng đâm trâu không theo chu kỳ và không phải nhất thiết năm nào cũng có. Có lúc thì năm nào dân làng đâm trâu, nhưng có khi vài ba năm mới làm. "Mới kết thúc năm học vừa rồi, dân làng đâm một lúc đến 3 con trâu to tướng. Còn cách đây 3 năm, dân làng đâm đến 5 con trâu", thầy Vũ kể.
Thầy Vũ cũng cho hay, quá trình công tác ở đây nhiều năm, anh chứng kiến nhiều lễ đâm trâu của đồng bào Tà Rẻ. Không giống đồng bào các vùng khác của Kon Tum, khi nào đâm trâu mới dựng cây nêu và buộc trâu vào cây nêu ấy. Đồng bà Tà Rẻ ở thung lũng Bãi Nai thì cây nêu vẫn làm (đâm bao nhiêu con thì dựng bấy nhiêu cây nêu), nhưng ở nhà rông còn có chôn một cây cột lớn, ai đâm trâu thì dắt trâu đến.
Trước khi đâm trâu, già làng ở đây làm lễ khấn trong nhà rông rồi mới ra sân nhà rông này. Sau đó, thầy cúng dùng lá lồ ô nhúng nước vẫy lên đầu trâu đang buộc sẵn hai que lồ ô đã chẻ nhỏ tưa ra ở hai sừng trâu, rồi khấn vái. Sau đó, dùng muối hột xát lên đầu trâu.
Chủ nhà làm lễ hiến tế trâu còn mang một con heo (lớn nhỏ tùy gia chủ, có con to chỉ bằng bắp vế, nhưng có con phải hai ba người khiêng) vật nằm xuống đất rồi cầm dao nhọn đâm một nhát xuyên qua bụng. Sau đó khiêng nguyên con heo đưa lên đầu trâu để máu đỏ chảy xuống đầu trâu.
Hết những thủ tục này thì dân làng mới bắt đầu đâm trâu. Dân làng ở đây sợ nhất là khi đâm trâu nhưng trâu không chết, bị đứt dây chạy mất, phải huy động trai tráng thu hay bệnh tật đau ốm sắp xảy ra. "Theo phong tục ngày xưa, những dũng sĩ đâm trâu của làng này bị loại, và làng tuyển chọn đội khác", A Đời, Bí thư đảng ủy xã Xốp giải thích.
Đầu trâu treo ở nhà rông
Nhà rông, nơi treo đầu trâu của người Tà Rẻ
Thấy tặng "đầu trâu"là… lo!
"Mục đích đâm trâu là để cúng thần linh giúp dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Cứ nhìn vào lễ đâm trâu, năm nào đâm càng nhiều trâu thì năm nào dân làng no ấm", A Đời cho biết. "Nhưng tại sao phải treo đầu trâu tại nhà rông?", tôi hỏi. A Đời bảo: xưa, cứ nhìn vào nhà rông, thấy đầu trâu nhiều chừng nào thì càng chứng tỏ bộ tộc, làng ấy càng giàu có.
Theo A Đời, nhìn bề ngoài tưởng chừng đầu trâu treo bình thường nhưng thực ra, đầu trâu của các gia đình nào, các tộc họ đều treo riêng theo từng nơi trong nhà rông. Ngay cả các gia đình, tộc họ cũng ngầm so đo nhau về đầu trâu nhiều hay ít, sừng trâu to hay nhỏ. Gia đình, tộc họ nhiều đầu trâu hơn, xem như giàu có hơn gia tộc bên kia.
A Đời kể, nay thì những hủ tục hết rồi. Còn ngày xưa, xã Xốp sống như tách biệt với bên ngoài, đồng bào tự cung tự túc. Xung quanh thì rừng thiêng bao bọc nên hủ tục còn nhiều lắm, trong đó nặng nề nhất là tục đàn bà khi sinh nở phải ra rừng đẻ; sinh đôi thì phải bỏ một đứa ngoài rừng để trả cho Yàng; hay làng xảy ra bệnh dịch tả, sốt xuất huyết làm chết nhiều người, sét đánh chết người và cháy làng… Những khi xảy ra thế này, làng Xốp Dùi sẽ tổ chức cúng để "đuổi con ma rừng".
Những khi ấy, làng được rào lại. Ngoài cổng làm thò, bẫy và trang trí nhiều hình thù quái dị, lấy cây dứa rừng làm chông cắm ở cổng làng. Bên trong làng, người Tà Rẻ chuẩn bị tại nhà rông trâu, chuột rừng, rượu ghè… để làm lễ cúng. Thời điểm này là "nội bất xuất, ngoại bất nhập", người lạ không biết dân làng đang "đuổi ma" mà bước chân vào làng là phải ở đây ba ngày ba đêm, khi làng "đuổi ma" xong rồi mới được về.
Làng người Tà Rẻ ở thung lũng Bãi Nai
Khi làng làm lễ đuổi ma, trống chiêng được tấu lên, thầy cúng thì khấn vái, còn dân làng thì dùng nỏ, giáo mác, hô lên rồi đi xung quanh làng làm phép đuổi cho con ma rừng sợ mà chạy ra khỏi làng, trốn vào rừng xấu của nó.
Anh Bùi Ái Trực, công tác ở Liên minh hợp tác xã Kon Tum, cho hay, xưa anh công tác nhiều xã ở huyện Đăk Glei, chứng kiến nhiều chuyện lạ của người Tà Rẻ, trong đó có chuyện "tặng đầu trâu". Ấy là một hôm, anh đang trò chuyện với một gia đình đồng bào thì thấy hai vợ chồng nhà hàng xóm vác đầu trâu máu còn chảy lênh láng vào nhà này tặng.
Chủ nhà tái mặt nên vác đầu trâu ném ra ngoài sân, còn hai vợ chồng hàng xóm kia thì cố mang đầu trâu này vào nhà. Cuối cùng, chủ nhà đành nhận đầu trâu này, nhưng mặt mày buồn bã. Hỏi ra mới hay, năm nay nhận đầu trâu thì sang năm phải đâm trâu cho cả làng ăn. Mà mỗi lần đâm trâu xong, tốn kém rất nhiều, phải làm lụng vất vả mấy năm sau mới phục hồi kinh tế được.
Bí thư Đảng ủy A Đời nói, nhiều hủ tục kể như trên, trong đó có chuyện tặng trâu là của ngày xưa, nay đã hết. Thế nhưng, dù hết hay còn thì người như tôi, chứng kiến cảnh đầu trâu treo ngược hàng chục cái lủng lẳng ở nhà rông Xốp Dùi vùng thung lũng Bãi Nai này, sẽ không bao giờ quên…