Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Rau dớn trong đời sống người dân tộc bản địa Tây Nguyên

Tháng tư về, núi rừng Kon Tum bắt đầu mùa mưa, bà con đồng bào Giẻ Triêng, Cờ Tu, Ba Na lại rủ nhau vào rừng hái ít nấm, rau dớn mang về. Dưới những vạt rừng âm u, ánh nắng mặt trời chiếu len lói, hay bờ suối ẩm ướt rong rêu, có từng vạt rau xanh ngắt nổi lên những cái tua cuộn tròn, xanh non, mỡ màng. Rau dớn đi vào đời sống người dân tộc nơi đây như một loại rau thiết yếu, không những vậy còn có tác dụng trong y học và là hình tượng trong kiến trúc.
Ngọn non rau dớn
Rau dớn trong ẩm thực
 
Đối với nhiều tộc người, rau dớn là đặc sản để đãi khách trong các lễ hội vua loại rau, nó giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là món . Mỗi lần tổ chức lễ hội của gia đình hay cộng đồng, người ta tranh thủ vào rừng hái rau dớn để chế biến thức ăn. Dưới tán rừng rậm rạp hay bờ suối trơn trượt, ẩm ướt là những nhánh những ngọn rau dớn no tơ mỡ màng, thân hình bụ bẫm, phần trên cùng uốn lại như cái vòi voi, vươn thẳng lên trời. Lá dớn mọc so le, hình ngọn giáo, người ta hái lá non và ngọn rau về ăn, có vị hơi chát, nhơn nhớt nhưng nấu chín lại bùi bùi, thơm ngon. Giữ trọn vẹn vị ngon của rau dớn chính là món rau luộc đơn giản, chỉ cần nhặt những ngọn non, rửa sạch cho vào nồi nước thật sôi, khi vừa chín tới vớt ra cho rau không bị nhừ. Đĩa rau luộc chấm với mắm cua cho thêm tỏi giã dập, vài lát ớt hiểm. Rau dớn luộc màu xanh mướt, vừa giòn sần sật, vừa có vị ngọt, vị chua chát...thật ngon miệng
 
Canh rau dớn thịt bò
 
Rau dớn được đồng bào các dân tộc chế biến thành nhiều món ăn như: rau dớn xào tỏi, rau dớn xào măng chua, rau dớn lam ống nứa… nhưng có lẽ món gỏi rau dớn luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất. Làm món này không khó, chỉ cần rau dớn, ít tôm, thịt luộc, đậu phụng, gia vị. Rau dớn lấy phần ngọn non, rửa sạch, thả vào nồi nước sôi, canh cho rau vừa chín tới thì vớt ra, xóc cho rau bớt nước. Tôm khô, thịt luộc thái mỏng, ướp với hành tím băm nhỏ, nước mắm, bột ngọt, tiêu trộn đều lên rồi xào chín. Rau dớn được trộn đều, nhẹ tay với chanh, tỏi, tiêu, ớt và để khoảng 5 phút cho ngấm rồi rắc lạc rang, mè rang lên cho thêm hấp dẫn và thơm ngon. Món gỏi khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, chát nhẹ của rau dớn hòa cùng mùi thơm của các loại gia vị. Người Cơ Tu còn biết lấy rau dớn ngâm qua nước muối làm nhân bánh tét để khi “tét” bánh ra có màu xanh non điểm xuyết trong lát bánh tét nấu bằng nếp hương trắng ngần, trông rất đẹp mắt.
 
Trước đây, rau dớn chỉ loanh quanh trong bữa ăn của người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Nhưng hiện nay, với danh tiếng về vị ngon đặc biệt, rau dớn ngày càng được nhiều người ưa chuộng, tìm kiếm để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Nhiều nhà hàng sang trọng ở phố thị cũng đưa rau dớn vào thực đơn của mình và rất được du khách ưa chuộng.
 
Vị thuốc trong y học dân gian
 
Rau dớn là một loài thực vật hoang dại thuộc họ Rau dớn (Athyriaceae)dương xỉ. Ở Malaysia cây rau dớn có tên là “Pucuk Paku”, ở Philippines có tên là “Paco” và ở Ấn Độ có tên là “Linguda”. Theo tài liệu nước ngoài thì trong 100 g phần ăn được của đọt cây rau dớn có: Nước: 91,5%, Hydrat carbon: 8% (so chất khô), Năng lượng: 20,26 cal, Protein: 2,4-3,4 %, Calcium: 20-24 mg, Sắt: 6 mg, Tiền Vitamin A: 3.000 µg, Tiền Vitamin C: 12-15 mg. có hình dáng gần giống cây 
 
Đây vừa là một loại rau vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng...Theo đông y, rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt. Ăn rau dớn sẽ làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận trường và làm dịu đau lưng. Rau dớn còn, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, và giúp dễ ngủ, ngủ sâu, giúp cơ thể khỏe mạnh. Thường xuyên dùng rau dớn giúp dễ ngủ, cơ thể thoải mái, khỏe mạnh nên được đồng bào các dân tộc rất ưa dùng và rau dớn là một trong những cây rau - bài thuốc quý ở miền núi. Mùa mưa, rau dớn mọc nhiều, sau khi lấy đọt non nấu canh, phần lá già và cành, người đồng bào dân tộc thường đem băm nhỏ, phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt trong mùa nắng nóng. Ở Malaixia, người ta thường sắc nước cho phụ nữ sinh đẻ uống, để tăng sức đề kháng, nhanh chóng ổn định sức khỏe. 
 
Biểu tượng trong kiến trúc
 
Vì là loài cây thân quen, gần gũi với đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nên cây rau dớn là biểu tượng kiến trúc với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Từ ý nghĩa vật chất, rau dớn trở thành biểu trưng của văn hoá, thành sự thiêng liêng của đời sống tâm linh. Nếu đi dọc các buôn làng người Giẻ Triêng, Ba Na, Cà Tu…bạn sẽ dễ dàng gặp biểu tượng ngọn rau dớn cong vút, tròn trịa trên những mái nhà rông, nhà sàn, thậm chí là nhà mồ. Trong tâm thức nhiều người, ngọn rau dớn cong tròn tượng trưng cho sự ấm cúng, hạnh phúc tròn đầy, viên mãn, cuộc sống no đủ mà con người hướng tới.
 
Biểu tượng rau dớn trên ghè đựng rượu của người Ba Na
 
Biểu tượng rau dớn khá phổ biến trong nghệ thuật trang trí, như trong kiến trúc nhà mồ Cơ Tu, biểu tượng rau dớn được tạc trên những cây kèo, thông thường hai cặp kèo trước đẽo hình đầu trâu, cặp kèo sau đẽo hình ngọn rau dớn uốn cong tròn lại. Còn trong kiến trúc nhà dài Ê đê, ngọn rau dớn được khắc trên những bức phù điều, cầu thang, cột nhà, xà nhà, hoặc trên trang phục dệt thổ cẩm, các loại ghè đựng rượu cần.
 
Là rau của rừng, rau dớn không dễ khi mang về nhà trồng, bởi nó đòi hỏi điều kiện giống như trong tán rừng, mùn đất thật nhiều, độ ẩm cao hay nơi quanh năm rong rêu ướt như bờ suối, khe đá. Có dịp lên Tây Nguyên, du khách đừng quên thưởng thức đặc sản rau dớn được chế biến thành nhiều món ăn ngon lành, độc đáo./.

Tác giả bài viết: Hà Oanh Theo Báo Kon Tum

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây