Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Sản vật của núi rừng Kon Plông

Kon Plông là một huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, nơi đây được thiên nhiên ban cho những điều kiện tuyệt vời: nằm ở độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, không khí mát mẻ, cây cối xanh tươi, hoa lá nở bốn mùa. Rất nhiều du khách ghé thăm nơi đây đều tấm tắc khen tiết trời dễ chịu, khung cảnh thần tiên, như thật như mơ này. Và rồi, vì quá yêu Kon Plông, du khách đã ví von thị trấn Măng Đen là “Đà Lạt thứ hai” như một sự so sánh ngầm về tiềm năng du lịch và tương lai phát triển. Đã lên Măng Đen, ngắm thông xanh bạt ngạt, những con thác trắng xóa, sương mờ ảo, đã ngắm hoa sim, hoa lan rực rỡ mà không có được chút quà mang về tặng người thân thì sẽ làm du khách thấy thiếu đi hương vị mộc mạc của núi rừng, nơi mà mình yêu mến...
Hạt dẻ Kon Plông cũng trở thành sản vật mà nhiều du khách thích thú
Từ những món ngon…
 
Trong những khu rừng vây quanh Kon Plông có rất nhiều cây nứa, tuy cùng họ với tre và lồ ô nhưng cây nứa nhỏ và ngắn hơn nhiều, còn chất lượng măng nứa thì không cần bàn cãi nhiều vì đã nổi tiếng thơm ngon rồi. Thiên nhiên phú cho Kon Plông những điều kiện hết sức thuận lợi để cây măng nơi đây có vị ngon đặc biệt, hiếm nơi nào có được: vừa giòn vừa ngọt lại có vị thanh thanh, ăn hoài không ngán.

 
Khi núi rừng Măng Đen đón những cơn mưa đầu mùa là lúc những mầm măng nhú lên, màu xanh ngắt: măng tre, măng trúc, măng lồ ô, măng sặt,…mỗi loại có hương vị rất riêng nhưng được ưa chuộng bậc nhất phải là măng nứa. Khi lột hết lớp bao cứng bên ngoài cây măng nứa sẽ lộ ra phần thân non bên trong màu trắng xanh, nhìn xinh xắn. Cách chế biến đơn giản nhất là măng nứa luộc, vừa giữ được vị ngọt tự nhiên với màu vàng nhạt và mùi thơm dễ chịu. Măng chín, vớt ra cho ráo nước, chỉ cần pha 1 bát nước mắm tỏi ớt nguyên chất để chấm cũng cảm nhận trọn vẹn đặc sản núi rừng rồi. Cầu kì hơn thì người ta dùng măng nứa để chế biến thành nhiều món như: kho với thịt, làm lẩu, gỏi măng,…Mùa măng nứa mọc nhiều quá, ăn không hết bà con lại đem phơi dưới nắng hoặc sấy trên bếp cho khô, để giành ăn dần. Trước đây, măng nứa là món ăn dân dã, góp phần giúp đồng bào dân tộc địa phương có cái ăn trong mùa mưa thì nay măng nứa đã trở thành món quà quý của núi rừng, tăng thêm sự phong phú cho sản vật rừng Kon Plông. “Tiếng lành đồn xa” vị ngon hiếm có của măng nứa Kon Plông đã khiến nhiều du khách biết đến và ngày càng ưa chuộng. Để phục vụ cho nhu cầu của du khách, hiện nay măng nứa Kon Plông được đưa về phố đóng gói trong những bao bì sạch đẹp, chuẩn bị cho chuyến du hành đến khắp miền đất nước. Bạn có thể tìm mua măng nứa Kon Plông tại những cửa hàng nông sản bên cạnh Trung tâm thương mại Kon Tum, trong siêu thị Vinatex, siêu thị Thành Nghĩa - nhà sách Nguyễn Văn Cừ,…
 
Bên cạnh măng nứa, hạt dẻ Kon Plông cũng trở thành sản vật mà nhiều du khách thích thú khi thưởng thức và lựa chọn làm quà khi trở về. Thông thường, nghĩ tới hạt dẻ người ta thường nghĩ đến địa danh Cao Bằng, vốn nổi tiếng với loại hạt bùi bùi, ngọt thơm từ bấy lâu nay nhưng hạt dẻ Kon Plông cũng có hương vị thơm ngon, chất lượng không kém cạnh gì.
 
Hạt dẻ Kon Plông tuy không to bằng hạt mít như hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) mà chỉ nhỉ bằng ngón tay út người lớn, hạt thon nhọn về một đầu, vỏ ngoài xám nhạt. Nhiều người thích nhẩn nha cái vị bùi ngọt, thơm tho của hạt dẻ này hơn, nhất là trong cái lạnh tháng mười hai tràn xuống thị trấn Măng Đen. Hàng năm cứ vào tháng 10 là mùa hạt dẻ chín, rụng xuống phỉ gốc cây, bà con lại theo nhau vào rừng nhặt hạt dẻ, có ngày may mắn sẽ được cả gùi đầy đến chục kg. Những tối mùa đông, giữa dăng dăng sương mờ phủ đất trời, đứng bên cửa sổ những ngôi biệt thự nhỏ xinh, nhẩn nha cắn từng hạt dẻ rang thơm phức, thủ thỉ kể cho nhau nghe những câu chuyện đường rừng, về huyền thoại tình yêu miền đất Măng Đen xinh đẹp, về thác Pâu Sua hùng vĩ, rừng thông xanh rì rào,…thật là cái thú vui dễ chịu, khiến người ta tạm quên đi những nhọc nhằn, mệt mỏi của guồng quay cuộc sống. Hạt dẻ rang là món ăn vặt, trong chốc lát vui miệng, ngoài ra bạn có thể có thể luộc, nướng, sấy khô hay ninh với chân giò, thịt gà, tạo thêm hương vị thơm ngọt cho món ăn, vị bùi ngậy ngon miệng.
 
…Đến vị thuốc quý
 
Không chỉ nổi tiếng với những món ăn ngon lành, Kon Plông còn là địa danh cung cấp một lượng lớn các loại thuốc quý: cốt toái bổ, sâm dây, sơn tra,..rất được ưa chuộng. Cây cốt toái bổ được người dân địa phương thường gọi là y-bet, là một loại thảo dược phát triển ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, trong điều kiện thời tiết quanh năm giá lạnh. Cốt toái bổ có tên khoa học là Drynaria fortunei J.Sm, họ Dương xỉ, còn có những tên khác như Hầu khương, Hồ tôn khương, Thân khương, Tổ rồng, Tổ phượng,…
 
Thân cốt toái bổ phủ một lớp lông cứng dày màu nâu sậm, lá có mép răng cưa nhọn, lá dài và xẻ thành nhiều thùy tương tự như lá dương xỉ. Từ lâu, cốt toái bổ là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc chữa gãy xương, làm mạnh xương khớp của y học cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên. Cốt toái bổ còn tươi rửa sạch giã nhỏ, bỏ một ít nước vào rồi nướng cho mềm, đắp lên các vết đau hay thận suy biểu hiện như đau lưng dưới, yếu chân, ù tai, điếc hoặc đau răng. Người Rơ mâm (một trong 6 dân tộc thiểu số tại Kon Tum) đã có bài thuốc nổi tiếng bằng cách dùng cốt toái bổ thái mỏng phơi khô hoặc sao qua lửa rồi tẩm rượu để chữa đau xương, đau lưng mỏi gối, khớp sưng đau, ngã chấn thương, bong gân, tụ máu, sai khớp, gãy xương, thận hư, chảy máu chân răng… Nhận rõ tác dụng của loại cây này, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Kon Tum đã sử dụng loại thảo dược này để chữa chữa hành huyết, chỉ huyết, trừ phong, bổ thận và chữa bong gân, gãy xương, chân tay mỏi, tê liệt và trị các chứng thận thấp, đau xương. Hiện nay, cốt toái bổ đã được đóng gói cẩn thận, đảm bảo chất lượng, bạn có thể mua tại thị trấn Măng Đen hoặc các tiệm thuốc bắc ở thành phố Kon Tum.
 
Mùa xuân ở đỉnh núi, ngập tràn màu trắng hoa sơn tra, đến mùa thu thì quả chín rộ, đây lại là một loại dược liệu quý khác của đất Kon Plông. Quả sơn tra tươi có mầu hồng hồng trắng hoặc vàng trong, ngọt, pha vị chát, một chút chua và rất thơm. Người ta thường đem sơn tra tươi về, gọt vỏ, bỏ ruột và hạt, rửa sạch, bổ dọc quả làm 4 hoặc 6, ngâm nước muối trong vài giờ cho ra bớt nhựa, vớt ra, để ráo. Sau đó ngâm với đường sẽ cho loại nước giải khát có màu nâu vàng sóng sánh, vị ngọt dịu và mùi thơm mát. Còn để chế biến thành thuốc thì người ta xắt mỏng quả thành từng khoanh tròn, đem phơi cho hơi héo rồi ngâm với rượu. Để từ 6 tháng đến 1 năm, quả sơn tra hết vị chát, bình rượu vừa có vị chua, ngọt nhẹ của sơn tra và đậm đà của men rượu qua ngâm ủ, uống tới đâu thấm người đến đó nhưng lại không có cảm giác đau đầu, khó chịu. Đồng bào nơi đây thường uống điều độ trước bữa ăn sẽ cho cảm giác ăn ngon, giúp cho giấc ngủ sâu hơn. Người ta còn dùng rựou sơn tra như vị thuốc chữa tiêu thực đầy bụng, cầm tiêu chảy, hạ huyết áp, cải thiện sức co bóp của tim, an thần, cân bằng sinh lý và phòng chống biến chứng do tăng huyết áp.
 
Măng nứa, hạt dẻ, cốt toái bổ, sơn tra hay hàng chục loại sản vật khác của núi rừng Kon Plông vừa là nguồn thu cho đồng bào dân tộc nơi đây, vừa là yếu tố tích cực tạo nên danh tiếng cho miền đất cao nguyên này. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để khai thác những sản vật trên một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng và phát triển danh tiếng. Việc này cần chính sách thiết thực của nhà nước cũng như ý thức khai thác và sử dụng của mỗi cá nhân.

Tác giả bài viết: Hà Oanh Theo Báo Kon Tum

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây