Thần (Yàng) trong tín ngưỡng dân gian của người Ba Na
- Thứ bảy - 21/02/2015 07:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với quan niệm vạn vật hữu linh, nên từ xưa đến nay người Ba Na tin rằng họ sống giữa một thế giới đầy những thần linh. Tất cả mọi việc có liên quan đến đời sống hàng ngày của con người đều được người Ba Na tin là đang có thần cai quản, trông nom. Những lực lượng thiên nhiên và siêu nhiên này đã tác động vào mọi mặt đời sống tâm linh của họ, được họ chia thành hai bậc khác nhau (Thượng đẳng thần và Hạ đẳng thần) và làm lễ chiêm bái hàng năm.
Thượng đẳng thần: Là những đấng tạo lập ra trời, đất muôn loài và trông nom núi sông, nghề nghiệp làm ăn của con người, được gọi một cách tôn kính như: Yàng Bok, Ză (thần ông, thần bà):
Bok Kơi Dơi (Đấng tạo hóa): Người Ba Na tin rằng trước khi có vũ trụ, đã có ba vị thần là bok Kơi Dơi, ză Kon Keh và bok Glaih. Chính họ là những vị thần đã tạo ra vũ trụ và coi giữ sự sống cho con người. Trong đó bok Kơi Dơi là vị thần có quyền lực cao nhất, đã tạo ra mặt trời và các vì tinh tú như trăng, sao. Bok Kơi Dơi ngày ngày ngự trên chốn mây xanh, không mấy khi hiện hình cho dân chúng thấy, chỉ truyền lệnh cho các vị thần khác coi sóc việt nhân gian. Người Ba Na hay ví thần như vị vua và các thần khác như bầy tôi. Trong các cuộc lễ, tên thần chỉ được nhắc thầm ở ngay phần đầu bài cúng chứ không được đọc rõ thành tên như các vị thần khác vì sợ gọi tên vua là xúc phạm, họ nghĩ cứ để các quan chứng giám rồi sẽ tâu lên. Họ tưởng tượng bok Kơi Dơi như một ông già râu tóc bạc phơ, thường chống gậy đi khắp thế gian để điều khiển vạn vật.
Ză Kon Keh: Là một vị nữ thần và là vợ của bok Kơi Dơi. Theo người Ba Na thì ză Kon Keh là người đã tạo ra trời và đất. Trong lúc chiêm bao có khi họ thấy Thần hiện hình là một bà già ăn bận rách rưới, dơ bẩn hay xuống các buôn làng để xem việc ăn ở, đối xử trong cộng đồng. Cũng như chồng, trong các cuộc lễ, người Ba Na không dám gọi thẳng tên vì theo họ gọi như vậy là không tôn trọng thần …
Bok Glaih (Thần sấm sét): Trên thiên đình, Bok Glaih là vị quan đứng đầu và theo mệnh lệnh của Đấng tạo hóa kiểm soát công việc ở trần gian. Thần ngủ suốt trong mùa khô, đến mùa mưa đến Thần thức dậy. Lúc đó mới bắt đầu đi xem xét khắp muôn nơi, ai ăn ở đúng đạo lý, không phạm vào đều cấm kị của làng thì được thần ủng hộ, ban cho nhiều may mắn. Trái lại, ai ra ý coi thường đạo lý và phạm vào điều kị húy thì sẽ bị Thần dùng sét đánh chết. Cho nên trong các vị thần, người Ba Na rất kinh sợ khi nhắc đến bok Glaih và trong các cuộc lễ, họ không bao giờ quên khấn tên. Thần sấm sét có khi hiện hình là một con dê to lớn, có khi hiện hình là người già với hai tay đầy lông lá.
Ză Pom: Thần là con của bok Kơi Dơi vàză Kon Keh. Sau khi sinh ra, Thần được ở lại trên thiên đình làm thần, còn chị em thì xuống trần gian làm người. Ză Pom là vị thần giàu lòng vị tha, thường hay cứu giúp những người nghèo khổ, khốn cùng cho nên Thần được nhiều người yêu mến. Khi lễ tế người Ba Na thường cầu khấn đến tên bà.
Yàng Xơri (Thần lúa): Cũng có tên là Yàng Đai, là vị thần coi giữ lúa gạo và bếp núc. Thường ở trên nương rẫy, trong lẫm lúa và trong nồi cơm. Người Ba Na rất quý thần lúa và cũng mong thần thương mình vì có thần mới có lúa gạo để ăn. Trong suốt mùa nương rẫy, họ làm rất nhiều lễ để dâng thần. Thần Xơri thường xuất hiện trong hình hài như những đứa con nít, lúc thì trai, khi thì gái có mụn ghẻ đầy mình. Nếu trong giấc mơ mà thấy hình ảnh như vậy là điềm được mùa, còn nếu thấy một đứa trẻ trắng muốt thì là điềm xấu (lúa sẽ gặp hạn hay gió bão mà bị lép đi).
Yàng Đak (Thần nước): Có nhiều thần nước. Vị thần lớn hơn cả là Yàng Kơnang Grai (hình rồng). Dưới vị thần này còn có rất nhiều vị thần khác, mỗi người cai quản riêng một con suối, sông hay hồ. Có hai vị thần thường được người Ba Na nhắc đến nhiều nhất và hay thấy họ ở trong nước hoặc khi nằm mơ đó là Yàng Nhăk (hình rắn) và Yàng Tơlung huk (hình cối). Nhưng khi lễ cúng họ khấn một tên chung là Yàng Đak chứ không kêu tên riêng của từng thần.
Yàng Kong (Thần núi): Các vị sơn thần có rất đông. Mỗi nơi có thần riêng gồm một vị lớn và nhiều vị nhỏ như Yàng Đak . Người Ba Na hay gọi thần núi bằng các tên như: Mơnang Brai, kong Ngut, kong Hareng…
Hạ đẳng thần: Là các vị thần thường ẩn trong một vật thể cụ thể nào đó trên mặt đất. Chức năng và phạm vi quyền phép của thần thường hẹp hơn: Thường chỉ về một phương diện hoặc một khía cạnh nào đó của cuộc sống, của cộng đồng hoặc một giai đoạn nào đó của cuộc sống con người. Vì vậy chỉ có ai kết thân với vị thần nào thì mới khấn họ phù hộ khi có lễ …
Yàng Xatok (Thần ghè): Trong các loại đồ dùng thì người Ba Na xem Ghè là vật linh có thần trú ngụ. Loại ghè cổ này thường có xuất xứ từ người Khơ me hay người Việt làm ra, có màu đỏ như da mía có bốn hoặc tám tai. Ghè Xatok không dùng đựng rượu trong các đám cưới hay đám tang mà chỉ dùng trong các việc tế thần. Thường là những gia đình giàu có hoặc những gia đình thường thấy hình ảnh của chiếc ghè cứ tái hiện trong giấc mơ nhiều lần như một điềm báo và trong giấc mơ ấy có kèm với hình ảnh của một người con trai hoặc gái hoặc cả trai lẫn gái thì họ quyết tâm mua bằng được chiếc ghè quý này dù có phải trả rất nhiều trâu bò hay đất đai và xem Ghè như một vị thần riêng của dòng họ mình.
Bok Klah (Ông cọp): Người Ba Na cũng kêu cọp bằng ông như người Kinh và cho cọp là vật linh thiêng có thể bắt chước được tiếng các loài vật thậm chí cả tiếng người, đôi khi hiện hình thành người… vì lẽ đó họ tin rằng có một vị thần cọp.
Yàng Roih (Thần voi): Voi là con vật to lớn, khôn ngoan. Người Ba Na tin rằng có thần voi, Thần thường đánh những kẻ đến cướp làng, bảo vệ làng bằng cặp ngà của mình. Vì vậy ngày nay chúng ta dễ bắt gặp cặp ngà voi được đặt trước nhà rông hay trong trong khu nhà mồ để chống lại những kẻ xâm phạm hay những cái xấu xa.
Yàng long (Thần cây): Có những cây như cây Da, cây Sung, cây Sao…là những cây to lớn và người Ba Na tin là có thần trú ngụ nên khi làm lễ cúng, họ cũng hay gọi Yàng Long về dự lễ.
Các Thần (Yàng)…chiếm một số rất đông, xuất hiện rất nhiều trong đời sống tâm linh của người Ba Na từ xa xưa. Khi những khả năng trong thực tế bị hạn chế thì họ đã khẳng định quyết tâm chinh phục của mình thông qua trí tưởng tượng phong phú và bằng những biện pháp cụ thể, khái niệm thần linh hay các lực lượng siêu nhiên ra đời. Cách giải thích này đã đáp ứng nhu cầu hiểu biết, thể hiện quan niệm của người Ba Na về vũ trụ quan, nhân sinh quan và qua đó biểu hiện khát vọng chinh phục và chế ngự tự nhiên của người Ba Na từ xưa đến nay.