Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


​Thung lũng mất tích Ngọc Linh Kon Tum

Đỉnh Ngọc Linh với những câu chuyện đầy ám ảnh của những già làng người Xê Đăng ở Mường Hoong (huyện Đắk Glei, Kon Tum) mà đến bây giờ họ vẫn chưa lý giải được...
Nhiều ghềnh thác mà đoàn khảo sát phải vượt qua để chinh phục đỉnh Ngọc Linh - Ảnh: Tấn Vũ
Công viên trên đỉnh núi
 
Dù máy định vị đo được độ cao của ngọn núi nơi chúng tôi đang đứng là 2.592m nhưng già làng Hồ Văn Du vẫn khẳng định đó chưa phải là ngọn núi cao nhất.
 
Chưa phải là “nóc nhà miền Nam” thật sự bởi theo già Du, ngọn núi cao nhất nhất định phải có sân bay của Mỹ ngày trước. “Cha tôi kể rằng thời còn chiến tranh những máy bay trực thăng của Mỹ chở cả máy ủi lên đỉnh núi này” - già Du cương quyết.
 
Kiểm tra lại lương thực còn đúng 3 lít nước cho đoàn hơn 50 người, chủ tịch huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu hạ lệnh: “Tiếp tục hành quân. Đã khó nhọc lên đây thì không thể bỏ qua được. Anh em nào không đủ sức có thể rút về theo đường cũ”.
 
Đoàn chúng tôi bắt đầu chia làm hai nhóm. Để đảm bảo cho việc trở về an toàn và xử lý sự cố trên đường đi, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa dẫn đầu một đoàn gồm 11 người xuống núi về lại hướng Nam Trà My. Những người còn lại tiếp tục hành quân.
 
Lấy ống nhòm trong balô, vạch thước kẻ trên bản đồ, đại úy Nguyễn Văn Công quyết định cho đoàn người đi về hướng tây bắc, nơi có ngọn núi mờ mờ trong làn sương phủ. Những người dẫn đường đi trước vừa cầm rựa vạch lối đi, vừa “cắt rừng” để lên đỉnh núi một cách nhanh nhất.
 
Trời đứng trưa nhưng mọi thứ cứ âm u bởi sương sa sát mặt. Hơi thở mang theo những làn khói trắng phì phèo.
 
rừng ngọc linh
 
Sau những con đường vòng vèo hơn nửa giờ vạch núi, người dẫn đường Hồ Văn Lang thả phịch chiếc balô xuống gốc cây mục rồi ngồi thừ xuống đất thều thào: “Lạ. Đi miết răng lại quay về chỗ cũ. Chắc lạc đường rồi. Mây mù quá tìm lối không ra”.
 
Theo kinh nghiệm của người đi rừng, ông Lang rút rựa đẽo vào một cành cây ven đường làm dấu. “Lần này nếu có quay lại chỗ cũ nhớ hướng này mà đi” - ông Lang dặn dò.
 
Gần hết một buổi sáng chúng tôi mới đến được đỉnh núi với kỳ vọng nó phải là “mái nhà miền Nam” đích thực. Trái ngược với những gì trong suy nghĩ, đỉnh núi này là một bãi bằng với bạt ngàn cây hoa đỗ quyên nhưng chỉ cao ngang ngực, có cây cao quá đầu người.
 
Xen lẫn trong đó là những cây thông cổ thụ xù xì gan góc lừng lững chọc trời xanh. Độ cao trong máy định vị hiện lên chỉ 2.590m so với mực nước biển.
 
Cả đoàn dừng chân, riêng già Du vẫn cắm cúi tìm cho được cái sân bay trong suy nghĩ của mình. Rồi ông đưa ra sáng kiến sau này nếu có tổ chức thành những tour tuyến đưa du khách lên đây thì chính thức đặt tên cho nơi này là “công viên thanh niên”.
 
Già Du còn dặn dò những điều đáng suy nghĩ: “Lần sau có đi nhớ đừng chặt cây mắc võng nữa. Đừng xả rác lại nơi đây. Đừng để lại gì ngoài dấu chân. Cũng không mang gì về ngoài những tấm ảnh thôi”.
 
núi ngọc linh
Trên đỉnh Ngọc Linh, được mệnh danh là “mái nhà của miền Nam” - Ảnh: Tấn Vũ
Thung lũng mất tích
 
Trời đã quá trưa, chủ tịch Bửu rút trong balô lá cờ Tổ quốc rồi leo lên một cây thông treo lá cờ trên đỉnh núi như để đánh dấu nơi chúng tôi đến.
 
Hốt một nắm đất đưa lên mũi ngửi, rồi ông Bửu khẳng định đất trên đỉnh này không thể trồng sâm Ngọc Linh được vì độ mùn quá ít, hơn nữa độ che phủ của tán rừng không đạt 70% nên đây sẽ chỉ là “công viên” cho những đoàn người thích khám phá.
 
“Tôi dự kiến mở một tuyến đường xuyên rừng từ Nam Trà My qua Kon Tum. Đường này sẽ xuyên rừng và ở độ cao 1.700m. Từ đường đi có thể leo lên đỉnh đúng một ngày”.
 
Để khám phá cung đường lên đỉnh Ngọc Linh theo hướng nào dễ dàng hơn, ông Bửu quyết định cắt rừng xuống huyện Đắk Glei của tỉnh Kon Tum. Qua ống nhòm, những ngôi làng lô nhô hiện ra xa tít. Phía trước là những vực sâu hun hút.
 
Nhai một miếng lương khô, hớp nước mưa, mỗi người một cây gậy trong tay, chúng tôi mò mẫm đường về xã Ngọc Linh của huyện Đắk Glei khi mặt trời sắp tắt. Nhiều người bắt đầu run chân lập cập bởi con dốc đứng đến độ chân của người đi sau có thể giẫm lên đỉnh đầu của người đi trước.
 
Chiếc balô may mắn đã cứu sống một người trong đoàn chúng tôi khi bất ngờ trượt chân xuống vực sâu hơn 50m. Quai mang của balô đã móc vào một nhành cây và níu cả thân người trước khi rơi xuống vực.
 
Hơn 10 giờ tụt dốc đoàn người xuống được trung tâm xã Ngọc Linh lúc gần nửa đêm. Chúng tôi đói lả và kiệt sức. Mì gói thay bữa cơm khuya.
núi ngọc linh
 
Thấy có khách lạ, già làng A Mướt chống gậy sang thăm. Ông bảo: “Các anh quá may mắn. Nếu đi lạc vào thung lũng Ngọc Rêu ở hướng nam thì chết chắc”.
 
Già A Mướt kể rằng ở đây chưa một ai dám bén mảng lên đỉnh núi vì sợ lạc đường. Bên ngọn đèn hiu hắt, già Mướt kể rằng ngọn núi không chỉ ám ảnh người dân bản địa mà còn chứa đựng quá nhiều điều vô lý không ai lý giải được.
 
Ông kể hồi tháng 4-2006, ông cùng con trai là A Pa đi vào rừng bẫy thú. Trời đang nắng ráo bỗng mây âm u che kín trời, cuồng phong nổi lên, mưa quần quật trút xuống. Hai cha con chạy tìm hang đá trú mưa thì bất ngờ lạc hẳn vào bụng một chiếc máy bay mục nát từ lâu đời.
 
Cha con ông sững sờ khi nhìn quanh còn có cả mũ phi công, bình điện, cánh quạt vương vãi khắp nơi.
 
Hôm sau già Mướt báo tin cho cơ quan quân sự huyện Đắk Glei và một đoàn người vào khảo sát hiện trường.
 
Trung tá A Âu, phó chỉ huy cơ quan quân sự huyện, cho rằng đó có thể là máy bay do thám của Pháp bị rơi trong cánh rừng này. “Chúng tôi cũng không biết loại máy bay gì, chỉ biết có bốn chiếc mũ phi công còn nguyên trong buồng lái” - trung tá Âu kể lại.
 
Ông Đinh Thế Dơ, nguyên chủ tịch huyện Đắk Glei, còn kể rằng đỉnh núi này có quá nhiều điều bí ẩn. Chưa ai biết có cái gì bên trong lòng núi. Ông kể rằng năm 1996 khi còn làm chủ tịch huyện, một hôm có điện mật báo về có máy bay nước ngoài rơi trong thung lũng ở Ngọc Linh.
 
“Từ đó đến nay có nhiều đoàn đến tìm với nhiều thiết bị hiện đại nhưng mọi thứ vẫn biệt tăm. Hồi chiến tranh nhiều trực thăng Mỹ cứ bay vào núi rồi mất tích. Nhiều máy bay rơi khu vực này lắm nhưng chưa ai giải thích được vì sao” - ông Dơ kể.
 
Câu chuyện những chiếc máy bay cuốn hút chúng tôi không dừng lại. Những cơn mưa rả rích suốt đêm ở Ngọc Linh tạnh hẳn lúc trời vừa sáng. Ông Bửu quyết định điều bảy chiếc xe từ huyện Nam Trà My chạy ngược tỉnh lộ 40B để đưa đoàn người quay trở về.

Tác giả bài viết: TẤN VŨ theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây