Từ Kon Plông đến Măng Đen huyền thoại, "Đà lạt thứ 2 của Tây Nguyên"
- Thứ tư - 12/08/2015 10:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kon Plông là một huyện mới thuộc tỉnh Kon Tum, được thành lập từ đầu năm 2002 trên cơ sở chia tách huyện KonPlông (cũ) thành hai huyện Kon Plông (mới) và Kon Rẫy. Với địa hình chủ yếu là đồi bát úp, có cao nguyên Kon Plông trải dài khắp huyện, nhiều sông suối nhỏ, hệ động, thực vật nhệt đới qúy hiếm cùng với khí hậu lạnh, đặc biệt khu du lịch sinh thái Măng Đen được biết đến với nhiều huyền thoại, đã tạo điều kiện thuận tiện để Kon Plông phát triển…
HUYỆN MỚI KON PLÔNG MỞ RA CƠ HỘI MỚI…
Cách thành phố Kon Tum 53km về phía Đông Bắc, huyện Kon Plông được thành lập theo nghị định số 14/2002/NĐ-CP ngày 31-1-2002 của Chính phủ, với tổng diện tích 138.115,92ha chiếm khoảng 14,23% diện tích toàn tỉnh Kon Tum. Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Đông Nam giáp huyện Kon Rẫy, Tây giáp huyện Đăk Tô, Nam giáp tỉnh Gia Lai, Bắc giáp tỉnh Quảng Nam. Kon Plông gồm 9 xã: Đắk Long, Măng Bút, Măng Cành, Ngọc Tem, Đăk Ring, Đăk Nên, Đăk Tăng, Xã Hiếu và Pờ Ê. Trên địa bàn huyện Kon Plông hiện cư trú hơn 20.000 cư dân thuộc 5 dân tộc Xơ Đăng, M’Nâm, Ka Dong, H’Re và Kinh với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống lâu đời còn lưu giữ đến ngày nay.
Nằm ở độ cao 1.000 - 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình năm 18 - 20ºC, Kon Plông là vùng đất có tiềm năng lớn về đa dạng sinh học với tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 117.371ha, chiếm 84,98% diện tích đất tự nhiên. Tài nguyên rừng nơi đây rất đa dạng với 7 loài thực vật đặc hữu và 1 loài có tên trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu, nhiều loài gỗ quý như Trắc, Hương, Huỳnh đàn, Pơ mu…, đặc biệt phong phú dưới tán rừng nhiều loại lâm sản như Nấm hương, Mộc nhĩ, Quế, Sa nhân, Sâm, Trầm… Quần thể động vật rừng cũng rất phong phú với 333 loài động vật, 33 loài thú, 129 loài chim, 20 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và loài bướm, trong đó có 8 loài động vật nằm trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu và 2 loài Vượn bạc má và Gấu chó được ghi trong danh sách các loài thiếu dữ liệu.
Đèo Măng Đen - huyện Kon Plong - phuot.vn
Huyện Kon Plông có vị trí khá thuận tiện trong giao thương, với quốc lộ 24 đi qua nối liền cao nguyên và miền Đông Nam bộ với các tỉnh duyên hải miền Trung, khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Chu Lai. Kon Plông còn là cửa ngõ của Tây nguyên trong giao lưu kinh tế với các nước ASEAN thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, là điểm nhấn du lịch của “Con đường xanh Tây nguyên” với tuyến đường Đông Trường Sơn ngang qua Kon Plông nối đường Hồ Chí Minh đi Đà Lạt dài 50km…
Tại đây có rất nhiều biệt thự bỏ hoang, thích hợp cho ai muốn cảm giác rợn người muốn khám phá – Ảnh: Nhật Trường samtuoingoclinh.com
Khi huyện Kon Plông được thành lập, do chưa xác lập thị trấn nên trung tâm hành chánh của huyện mới đã đóng chân trên địa bàn thôn Măng Đen thuộc xã Đăk Long. Điều này như một duyên tiền định để Măng Đen dần được khám phá và định hình, trở thành trung tâm xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ưu ái ban tặng. Hiện khu du lịch sinh thái Măng Đen là một trong ba vùng kinh tế động lực phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum, sau thành phố Kon Tum và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi; Tổng cục Du lịch cũng đã bổ sung Măng Đen vào chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2005 - 2010.
MĂNG ĐEN HUYỀN BÍ VÀ LINH THIÊNG…
Được ví như “Đà Lạt” thứ hai của Tây nguyên, Măng Đen may mắn giữ được nét hoang sơ với độ che phủ rừng lên đến 85% diện tích đất đai, trong đó có hơn 4.000ha rừng thông nằm đan xen giữa vùng rừng nguyên sinh trùng điệp. Chính nhờ ưu thế thuận lợi này mà Măng Đen đã được đưa vào mạng lưới phát triển du lịch quốc gia. Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện khí hậu, địa hình đất đai… mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, Măng Đen còn được biết đến với những câu chuyện kỳ bí nửa thực, nửa hư khiến cho vùng đất này càng thêm nét huyền bí…
Đức Mẹ Măng Đen – Ảnh: melavang
Nguyên vào đầu thập niên 1980, do chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới của chính phủ Việt Nam, một số người dân sinh sống tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện trong rừng sâu hiện diện bức tượng một bà lạ mà về sau này, căn cứ vào hình dáng và màu sắc người ta đã có thể biết đây là tượng Đức Mẹ Maria mà người Công giáo có cách gọi riêng là Đức Mẹ Fatima. Khi được phát hiện và cho đến đầu năm 1987, bức tượng vẫn còn nguyên nhưng đến cuối năm 1987 thì tượng bị mất đầu và mất tay mà không ai rõ nguyên nhân.
Trung tâm Đức Mẹ Măng Đen – Ảnh: nguồn anson.blogtiengviet.net
Năm 2002 khi huyện Kon Plông mới được thành lập và huyên lỵ được đặt tại Măng Đen, đã có kế hoạch mở rộng tuyến quốc lộ 24 để dùng làm tuyến giao thông chính băng qua địa bàn huyện, nối dài đến tận huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Năm 2004 khi bắt đầu thi công tuyến đường này, những người làm đường đã gặp nhiều hiện tượng lạ khi thực hiện bản thiết kế đi ngang qua vị trí bức tượng, chẳng hạn như xe ủi bị tắt máy chỉ ở một khu vực (!), cuối cùng họ đành phải điều chỉnh tuyến đường để tránh xâm hại đến bức tượng và hiện tượng lạ đã không còn xảy ra.
Những người con đến với đức mẹ Măng Đen - Ảnh: nguồn www.ducme.tv
Trong số những người làm đường, có một tín đồ Công giáo đã bỏ công phục chế phần đầu và đôi tay. Gương mặt được phục chế không còn giống phiên bản Đức Mẹ Fatima thông thường nhưng lại mang dáng dấp một phụ nữ Tây nguyên, phiền muộn và đau khổ. Một điều khó hiểu là đôi tay sau khi phục chế ít lâu đã bị rơi xuống dưới chân tượng, như thể Đức Mẹ không muốn cho phục chế đôi bàn tay mà chỉ muốn để nguyên tư thế cụt này như một lời nhắn nhủ nào đó gởi đến đoàn chiên con cái Mẹ.
Bia đá ghi kinh cầu Đức Mẹ Măng Đen – Ảnh: nguồn giaoxuthanhlinh.net
Trong những năm gần đây Măng Đen rộ lên chuyện Đức Mẹ linh hiển, và những ai tìm đến nơi đây cầu xin đều được Đức Mẹ ban ơn chữa lành nhiều bệnh tật (!). Không rõ thực hư thế nào nhưng thực tế thì ngày nay, rẻo đất nơi những người thợ làm đường chừa lại năm xưa đã trở thành điểm hành hương thu hút khá đông người sùng mộ, mà trong số đó không chỉ là những tín đồ đạo Công giáo. Giữa khung cảnh núi rừng thâm u, tượng Mẹ vẫn đứng đó trong tư thế cụt tay, bao quanh rất nhiều hoa và những dãy ghế đá, đặc biệt rất nhiều những tấm biển “Tạ ơn Đức Mẹ” là bằng chứng cụ thể xác nhận những ơn ích mà người cầu xin đã được nhận lãnh…
KHU DU LỊCH SINH THÁI MĂNG ĐEN
Nằm giữa hai đèo Violăk và Măng Đen, Măng Đen ngày nay được mệnh danh là “Đà Lạt” thứ hai của Tây nguyên. Nơi đây khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn tạo nên vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ với nhiệt độ không cao quá 20ºC. Măng Đen là tên gọi Việt hóa của cụm từ “T’Măng Dieng” của người M’Nâm – “T’Măng” là bãi bằng, đất bằng; “Dieng” là chỗ ở. Du khách muốn đến Măng Đen, từ Kon Tum phải qua đèo Măng Đen, còn đến từ Quảng Ngãi phải vượt đèo Violăk ngoạn mục. Con đường đi giữa bạt ngàn rừng thông dễ khiến du khách tưởng như đang đến với xứ sở Đà Lạt mộng mơ.
Kon Plông hoang sơ – Ảnh: Nhật Trường samtuoingoclinh.com
Tiềm năng du lịch của Măng Đen không phải đến nay mới được phát hiện mà ngay từ đầu thế kỷ XX, khi mở quốc lộ 24 từ Kon Tum về Quảng Ngãi, người Pháp đã biết đến và họ đã cho trồng rừng thông tương đối lớn tại đây. Sau khi đất nước thống nhất, kế hoạch trồng rừng thông cũng đã được triển khai, bổ sung thêm màu xanh cho rừng đại ngàn nguyên sinh với hệ thực vật phong phú và đa dạng. Bức tranh thiên nhiên Kon Plông - Măng Đen còn được tô điểm bởi những nét chấm phá của thác và hồ. Nếu lấy thị trấn Măng Đen làm tâm đểm thì các hồ, thác ở đây đều nằm trong vòng bán kính 10km, với nhiều điểm nhấn thú vị như cơi (thác) Tram, Pa Sỹ, Đăk Ke, Lô Ba; Toong (hồ) Pô, Toong Zơri, Toong Đam…
Thác Pa Sỹ – Ảnh: nguồn wiki
Đánh giá đúng tiềm năng và dự đoán tương lai phát triển của Kon Plông, ngày 7-8-2002, Chính phủ đã có công văn số 4349/VPCP-ĐP1 phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Măng Đen và đến ngày 05-02-2013 Chính phủ đã ban hành quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông (huyện Kon Plông - tỉnh Kon Tum) đến năm 2030.
Măng Đen hoang sơ với khí hậu lạnh – Ảnh: Nhật Trường samtuoingoclinh.com
Với tiềm năng thiên nhiên sẵn có, để phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, huyện Kon Plông đã tập trung xây dựng khu du lịch Măng Đen gắn với quy hoạch thị trấn và tạo vành đai phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tạo môi trường sinh thái bền vững, phù hợp với cảnh quan của khu đô thị du lịch sinh thái. Trong năm 2007 - 2008, chính quyền huyện đã có chính sách thông thoáng thu hút đầu tư vào các lãnh vực du lịch, kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng cơ bản, cấp đất giá rẻ cho nhiều tổ chức, cá nhân với điều kiện phải xây dựng biệt thự ngay trong vòng 6 tháng theo mẫu thiết kế, kiến trúc có sẵn nhằm tạo cảnh quan thoáng đãng, bảo đảm môi trường Măng Đen xanh, sạch, đẹp…
Đa dạng kiểu cách kiến trúc biệt thự Măng Đen nhưng bỏ hoang khá nhiều – Ảnh: Nhật Trường samtuoingoclinh.com
Đáng tiếc là thiện chí của huyện Kon Plông (cấp một lô đất xây biệt thự 1.000m² với giá chưa đến 20 triệu đồng) đã bị những kẻ cơ hội đầu cơ trục lợi nên từ khi cấp đất đến nay tuy thời gian trôi qua đã 6 năm nhưng chỉ mới có 55 biệt thự đi vào hoạt động kinh doanh, số còn lại gồm 141 căn hoặc đang thi công, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện, một số lớn chỉ mới xây dựng được phần khung rồi để đó đã khiến cả một vùng cảnh quan hoang sơ bỗng bị chia nhỏ, băm nát với lố nhố những căn biệt thự … bỏ hoang (!).
● ● ●
Tuy vẫn còn nhiều trì trệ trong việc triển khai nhưng khu du lịch Măng Đen với vẻ đẹp hoang sơ hiếm có vẫn xứng đáng với niềm kỳ vọng của huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum. Hiện nay Tây nguyên được xác định là một trong bảy vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó Măng Đen là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch nổi trội ở Việt Nam được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Đường đến Măng Đen đi giữa rừng thông thật đẹp – Ảnh: samtuoingoclinh.com
Trong những năm gần đây, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia. Hy vọng Măng Đen sẽ sớm hoàn thiện, trở thành điểm đến tâm đắc cho những ai muốn tìm cảm giác thanh bình và thư thái…