Về thăm "Rừng xà nu" - Kon Tum
- Thứ hai - 31/03/2014 22:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước ách áp bức, bóc lột dã man của thực dân Pháp, từ trước năm 1945, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã liên tục vùng lên, tự phát chống giặc. Năm 1943, A Mét (Đinh Môn) - già làng Xốp Dùi, dẫn 100 thanh niên khỏe mạnh đi tìm Nước Xu (một phong trào đi lấy nước thần đánh Pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mang màu sắc thần bí), lên núi cao lập làng chiến đấu, trở thành phong trào lan ra cả vùng. Đến đầu năm 1949, cán bộ Việt Minh đã về xã Xốp, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân. Đảng bộ H30 (mật danh huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum trong kháng chiến) được thành lập. Từ một người yêu nước, A Mét đã giác ngộ cách mạng, trở thành người của Đảng. Năm 1954, thực hiện hiệp định Geneve, ông cùng vợ, con tập kết ra Bắc. Không yên lòng khi quê hương bị kẻ thù chia cắt, ngập chìm trong máu lửa, đau thương, năm 1959 trong đoàn quân những người sớm nhất đi B, vào Nam, ông về lại với bà con xã Xốp, xây dựng làng chiến đấu, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Mỹ của nhân dân nơi đây.
Gặp đại gia đình Anh hùng A Mét
Xã Xốp ngày đó có 9 làng, trong đó Xốp Nghét và Xốp Dùi là nơi cửa ngõ vào xã, với các thung lũng giữa núi cao, hiểm trở. Địch vào càn quét phải đi qua địa bàn này trước, nên đây là nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch. Đội du kích Xốp Dùi từng khiến quân thù phải khiếp sợ, kinh hoàng.
Trong thời kỳ chống Mỹ, lực lượng dân quân du kích xã Xốp có lúc lên đến hơn 200 người. “Lớp cha trước, lớp con sau”, người này ngã xuống, người khác lên thay, cùng chung chiến hào diệt giặc. Tình đoàn kết, gắn bó, lòng son sắt thủy chung, niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã làm nên sức mạnh để những chiến binh chân đất ngày này qua năm khác, chịu đựng sự bao vây của giặc, ăn tro tranh thay muối, dùng chông, nỏ, giáo, mác chống lại máy bay, xe tăng, đại bác, bẻ gãy từng cuộc tấn công giành nhau từng tất đất với quân thù. Bị địch liên tục càn quét, các làng kháng chiến xã Xốp phải di dời nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ quân giặc đặt chân được đến làng.
Sau khi gây dựng thành công phong trào đánh giặc của nhân dân xã Xốp, A Mét được điều lên làm huyện đội trưởng H30, chỉ huy nhiều trận đánh, tiêu diệt các đồn Đắk Tả, chốt Đắk Glei, ngục Đắk Choong, cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương làm nên bao chiến công hiển hách cho đến ngày giải phóng tỉnh Kon Tum và đại thắng mùa xuân 1975.
Sau ngày giải phóng, A Mét giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện uỷ, rồi Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đắk Glei, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp dựng xây cuộc sống hoà bình. Dù làm lãnh đạo, với bao đãi ngộ của Nhà nước, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quí, ông vẫn sống như một vị già làng, ở nhà tập thể, những ngày nghỉ lại về với gia đình, với làng quê Xốp Dùi, cùng bà con lên nương, lên rẫy. Bà Y Muối, vợ ông, năm nay đã 80 tuổi, kể: Ông làm việc nhà nước, công việc bận ít khi về nhà, nhưng mỗi khi về đến nhà là ông vận động dân làng đi khai hoang, làm nhiều ruộng, nhiều rẫy, vì vậy mà dân làng hết đói, đất đai để lại cho con cháu đến bây giờ.
A Mét có 3 vợ, 7 người con, 2 gái, 5 trai. Ông mất năm 2000, hưởng thọ 83 tuổi, an nghỉ tại nghĩa trang huyện Đắk Glei. Đầu năm 2012 A Mét đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Ngày nay tại xã Xốp vẫn còn ngôi nhà gỗ đơn sơ, người vợ thứ 3 - bà Y Muối và 5 người con của ông sinh sống. Vợ con người anh hùng huyền thoại một thời vẫn sống lam lũ như bao người dân nơi đây. Tài sản quí giá nhất, được họ nâng niu, gìn giữ là những kỷ vật của người cha còn để lại, gồm mấy ngọn giáo, mác và một thanh gươm dài, sáng loáng.
Anh hùng LLVTND A Mét
Người con trai lớn - ông Đinh Như Rươn, cùng cha tập kết ra Bắc năm nào, sau ngày giải phóng đã trở về phục vụ quê hương, làm bác sĩ, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei, hiện nay đã nghỉ hưu và cư trú tại xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei. Ông Rươn nhớ lại: Khi cùng ba, mẹ ra Bắc tôi mới 3 tuổi. Hai năm sau đó mẹ tôi mất, tôi được vào học Trường Thiếu niên Dân tộc Trung ương ở Mễ Trì, Hà Nội. Năm 1959 ba tôi đến thăm rồi đi luôn. Sau đó các chú bác nói ba tôi đã vào Nam. Sau ngày giải phóng trở về, tôi mới được gặp lại ba. Bác Ngọc (Nhà văn Nguyên Ngọc) mỗi lần đến Kon Tum thường về thăm bà con xã Xốp, thăm ba tôi và gia đình. Năm ngoái trong lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng của ông cụ, bác Ngọc cũng về dự và đến viếng mộ, thắp hương cho ông.
Sau mấy mươi năm trên núi cao kháng chiến, người dân xã Xốp đã trở về làng cũ. Những ngôi nhà ngói mới khang trang, rồi trường học, trạm xá đã mọc lên. Trên những hố bom, bãi đạn, đồn bốt giặc năm nào nay đã lên xanh mùa màng, cây trái. Qua hai cuộc kháng chiến, xã Xốp có 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 67 liệt sỹ, 43 thương, bệnh binh, 69 gia đình có công với cách mạng, 300 gia đình nuôi giấu cán bộ hoạt động, hơn 500 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Năm 2010 xã đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Hiện nay, dân số của xã đã có trên 450 hộ, 1.600 nhân khẩu, tăng gần gấp đôi so với năm 1975. Được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều, nhưng xã Xốp vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm hơn 50% dân số.
Những du kích quân xã Xốp thời chống Pháp, chống Mỹ ngày nay còn hơn 10 người, già nhất đã hơn 80 tuổi, người trẻ nhất cũng đến 60. Bao lần vào sinh ra tử, trên thân thể họ vẫn còn bao thương tật, bao vết đạn thù. Vào những dịp kỷ niệm ngày đại thắng, hay người thân, gia đình có những sự kiện vui buồn nào, họ lại họp mặt, chia sẻ, thăm hỏi, giúp đỡ nhau, ôn lại chuyện ngày xưa cùng “ông già” mang gươm đuổi giặc. Họ lại bước vào cuộc chiến mới, cùng cháu con, dân làng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống hoà bình. Ông A Lương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nói: Cựu chiến binh chúng tôi đi đầu trong phát triển sản xuất, trồng lúa nước, cà phê, bời lời, giúp bà con làm kinh tế, dạy dỗ con cháu nối tiếp truyền thống cha ông, nhiều cháu học hành đỗ đạt về làm cán bộ huyện, cán bộ xã, nhiều cháu xung phong tòng quân, làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ đất nước.
Trên quê hương Xốp Nghét, Xốp Dùi, các em thơ đến trường, tập những nét chữ đầu tiên trên trang giấy trắng, không phải dùng “khói xà nu nhuộm bảng đen học chữ” như các thế hệ cha anh trong chiến tranh. Ngoài kia, rừng xà nu vẫn nối tiếp nhau, rì rầm trong gió, kể em nghe chuyện một thời cây xà nu cũng biết bảo vệ dân làng, xung phong, diệt giặc.
Trong kháng chiến, Tây Nguyên có hai làng chiến đấu tiêu biểu, và ở mỗi làng có một người anh hùng tiêu biểu là làng S’tơr ở Gia Lai với anh hùng Núp, dân tộc Ba Na và làng Xốp Dùi ở Kon Tum với anh hùng A Mét, người Sê Đăng, là hai cây đại thụ sừng sững, tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của vùng đất anh hùng này. (Nhà văn NGUYÊN NGỌC)