Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Du lịch Homestay nhà đồng bào Ba Na ở Kon Tum

Tuy còn khá mới mẻ, song loại hình “du lịch cộng đồng” bước đầu đã được hình thành, phát triển ở một số thôn, làng và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum. Trong căn nhà mang đậm bản sắc ở làng Plei Klăch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, được giới thiệu với du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na vùng bắc Tây Nguyên là niềm tự hào của ông A Biu.
Du khách nước ngoài tập múa xoang ở nhà ông A Biu
Lần đầu tiên đến thăm gia đình ông A Biu ở Plei Klăch, chị Suzan và người bạn đến từ nước Mỹ xa xôi không giấu niềm vui thích, yêu mến. Họ mặc váy áo của người phụ nữ Ba Na, cùng hòa vào nhịp chiêng rộn ràng, bỡ ngỡ những bước chân theo vòng xoang quấn quýt và thử gõ vào chiếc cồng có vẻ đầy bí ẩn một cách  đầy hứng khởi. Bữa trưa đơn giản với mấy ống cơm nấu củi, gà nướng và đặc biệt là món gỏi măng khô… cũng để lại ấn tượng thật khó quên.
Được xây dựng cách đây hơn 10 năm, khu vườn xanh mát có ngôi nhà sàn truyền thống khang trang của gia đình ông A Biu đã được không ít du khách gần xa tìm đến trong hành trình dã ngoại, khám phá về mảnh đất và con người vùng cực bắc Tây Nguyên huyền thoại. Ở đây, mọi người được hòa mình trong không gian cồng chiêng của những lễ hội tưng bừng, rộn rã được đội cồng chiêng gia đình của người nghệ nhân lão luyện trình tấu... Mọi người còn có dịp tìm hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa dân gian, văn hóa cồng chiêng của người Ba Na do chính chủ nhân giới thiệu.
Chỉ đến sau ngày đất nước thống nhất, ông A Biu mới thực sự biết đến cồng chiêng. Ngày ấy, sau chiến tranh, cuộc sống còn rất khó khăn, song theo chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống của Nhà nước, ngoài thời gian lao động vất vả khai hoang làm ruộng, làm rẫy để cho “ấm cái bụng”, bok Thưh, bok Phăr và những người lớn tuổi trong làng lại tập hợp, dạy cồng chiêng cho bọn trẻ với mong muốn “Không để mất đi vốn quý của dân tộc”. A Biu theo học bok Thưr, được truyền dạy từ cách nâng chiêng, nâng cồng, đến cầm dùi, gõ tay... để tấu lên những giai điệu vui tươi, rộn rã, và cả u buồn, sâu lắng... Sẵn khiếu âm nhạc, A Biu tiếp thu rất nhanh, tiếng chiêng ngân thấm vào lòng khiến chàng trai có tâm hồn bay bổng, thêm mê say những giai điệu như đất như nước gần bên mình tự khi nào không hay.
du lịch homestay kon tum
Vợ chồng ông A Biu với nhạc cụ tre nứa truyền thống
Sau giải phóng, A Biu dạy cấp I, dạy bổ túc văn hóa, rồi đảm nhận cương vị phó hiệu trưởng trường cấp I Ngọc Bay, Trường cấp I KRoong (thị xã Kon Tum). Gắn bó với ngành giáo dục hơn 10 năm, cho đến khi căn bệnh nặng lấy  đi hơn 60% sức khỏe, A Biu mới từ giã mái trường. Về làng, ông lần lượt trải qua các cương vị công tác như phụ trách công tác thương binh xã hội - văn hóa xã, Bí thư Đoàn xã, Phó Công an xã....
Nung nấu ý định tạo không gian văn hóa mang bản sắc dân tộc trong chính ngôi làng mình, gia đình mình, năm 2002, Thôn trưởng A Biu đã mạnh dạn đổi 50 bao lúa, kết quả thu hoạch cả một vụ mùa của gia đình để lấy mảnh đất gần 2 sào trên đường 675 đi Sa Thầy của một người dân Plei Klăch. Năm 2003, khi không còn bận bịu công tác ở xã, ông bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện để làm nhà sàn. Ông lặn lội đi tìm kiếm, nhặt nhạnh, mang về từng cây gỗ trôi dạt từ đầu nguồn đến những bờ sông, góc suối; từng cây gỗ  bị bỏ hoang từ lâu nơi nương rẫy và  xin lại những cột kèo nhà sàn cũ của bà con khi chuyển sang làm nhà xây.
Ông A Biu cất công đến nhiều nơi  tìm kiếm, đào về trồng từng gốc cây Sung, cây Lộc Vừng, gốc Đa; lại còn trồng cả các loại cây Khế, Bời lời, dây Tràu bà... cho thêm phong phú. Ông gom góp từng phiến đá, hòn sỏi về tạo hình,tạo dáng; vừa làm nhà, vừa trồng cây, công việc bộn bề, vất vả kéo dài hơn 2 năm trời, nhưng vợ chồng, con cái đều chung sức chung lòng nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt, ông vào tận vùng “Hang Cọp” ở khu vực mỏ đá Đăk Lăch (nơi khởi nguồn sự tích  về hang cọp của đồng bào Ba Na Kon Tum) chở đất ở đó về, đổ thành một chiếc gò nhỏ trong vườn nhà với mong muốn được lưu truyền cho con cháu câu chuyện cổ đặc sắc của đồng bào BaNa bên dòng Đăk Bla hiền hòa. Ông dành dụm từng khoản tiền nhỏ từ nuôi bò, trồng mì, trồng bắp để giữ lại mỗi chiếc chiêng cổ, từng chiếc cồng lâu năm.
Một bộ cồng chiêng của người Ba Na thường có 8 chiếc chiêng loại nhỏ gọi là La chinh và 3 chiếc cồng có núm cỡ lớn, gọi là Puhuh. Ông A Biu mày mò làm trống Táp (loại trống nhỏ dùng tay vỗ hai đầu) bằng gỗ Dừng và da bò, để hòa âm vào nhịp chiêng cho thêm đa thanh, sinh động. Hơn 10 năm nỗ lực kiếm tìm, gìn giữ, đến giờ, ông A Biu đã là chủ nhân của 6 bộ cồng chiêng đánh bằng tay và một dàn chiêng treo quý giá.
Mặc dù còn xa lạ với khái niệm “du lịch cộng đồng”, song nỗ lực gìn giữ và vun đắp của gia đình người đàn ông Ba Na yêu thích, tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc này đã góp phần  để nét đẹp truyền thống được thấm đẫm và lan tỏa./.
 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Nghĩa Hà theo Báo Kon Tum

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây