Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Kon Tum: Hành trình xuyên núi, về với quê hương của người… tai dài

Xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) là nơi duy nhất trên nước ta có hơn 100 hộ dân đồng bào dân tộc người B’râu sinh sống. Ít ai biết được rằng, trước đây, họ đã có những tập tục mang bản sắc rất riêng không giống bất cứ một dân tộc nào.
Những nếp nhà sàn cổ của tộc người B’râu. Ảnh: Cao Tuân
Bộ tộc xăm mặt
Từ TP Kon Tum để đến được bản Đắc Mế (xã Bờ Y), chúng tôi phải vượt qua muôn vàn khúc cua tử thần bên vách núi thăm thẳm, bên vực sâu hun hút. Chính tại nơi này, hình ảnh những sơn dân với khuôn mặt đầy hình xăm, đôi tai xỏ ngà voi đã thu hút bất kỳ ai đã cất công lặn lội đến nơi núi cao rừng thẳm Tây Nguyên.
Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là căn nhà cổ của bà Y Pan. Bà Y Pan là người có uy tín của bản Đắc Mế bởi trước đây, bà là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đã qua 85 mùa nương rẫy nhưng bà vẫn khỏe mạnh và có trí nhớ minh mẫn.
Mùa rẫy là cách tính tuổi của các tộc người Tây Nguyên thuở sơ khai. Một mùa rẫy tương ứng với 1 năm tuổi. Hỏi về những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc B’râu, bà Y Pan cho biết: “Điển hình nhất là tục xăm hình trên mặt. Trước đây cũng có nhiều người xăm lắm, nhưng bây giờ họ cao tuổi nên hình xăm mờ đi rồi”.
Bà Y Pan kể, ngày xưa không phải ai cũng được xăm mặt mà chỉ những cô con gái nhà giàu đến tuổi cập kê mới xăm mặt thôi. Đó vừa là một cách “trang điểm” cho mình, cũng vừa là cách thể hiện sự phồn thịnh của gia đình. Như cụ bà Nàng Nang, trước đây may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giàu có. Thời niên thiếu, do phong tục của đồng bào, cụ cũng xăm mặt như bao người khác trong làng. Hình thù được người B’râu chọn để xăm rất phong phú, có thể là chân dung, hay một hình tượng nào đó như xăm hoa, xăm hình vuông – hình tròn. Một số người khác lại chọn xăm hình râu quai nón của đàn ông… Hình xăm này phải kì công lắm, từ việc làm mực xăm tới chọn mẫu.
“Để xăm đúng hình mình thích, người B’râu phải vào rừng sâu tìm một loại cây quý lấy vỏ về ngâm nước, sau đó giã vỏ cây đó chế thành mực xăm. Khi đã có mực, họ mới lấy kim châm lên da theo hình mẫu. Xăm xong, phải chờ cho tới khi vết xăm kín miệng mới được đụng vào nước”, bà Y Pan cho biết.
Lạ kỳ người… tai dài
cụ già kon tum
Do trang sức bằng ngà voi quý hiếm nên một số cụ già dùng ống nứa, thậm chí là nắp nhựa để đeo vào tai.
Dẫn chúng tôi về căn nhà sàn cổ của người B’râu, ông Thao Lợi, Trưởng bản Đắc Mế cho biết: “Theo quan niệm của đồng bào dân tộc B’râu chúng tôi thì người trưởng thành lỗ tai phải to rộng, dái tai phải dài mới là tiêu chuẩn để đánh giá cái đẹp. Nhất là với phụ nữ, đây còn là một tiêu chí để đánh giá người đó lười biếng hay chịu thương, chịu khó. Nếu lỗ tai căng được to chứng tỏ người đó siêng năng, chăm chỉ và ngược lại”.
Rồi ông Thao Lợi dẫn chúng tôi đến thăm một số cụ bà trong làng. Theo quan sát, dái tai của những cụ bà này rất rộng và dài, đường kính lỗ tai lên đến hơn 10cm. Các cụ kể, để có thể căng tai, đầu tiên phải dùng dùi nhọn hoặc gai cây chanh để xuyên lỗ ở dái tai rồi dùng nước gừng đun sôi để rửa hàng ngày. Khi vết thương lành hẳn thì dùng lõi gỗ nhỏ hoặc tre để căng dần đến một độ lớn nhất định thì có thể thay thế bằng khuyên tròn để căng cho to dần.
“Lỗ tai căng càng to thì càng đẹp và càng chứng tỏ được sự quyền quý. Thường những nhà giàu có thì căng tai bằng ngà voi, những nhà nghèo thì dùng ống nứa hoặc gỗ để căng tai. Ngà voi căng tai thường được mua của người Thái Lan thông qua trao đổi hàng hóa, nhưng cũng có nơi họ tự săn voi cắt lấy ngà, tự cắt gọt ngắn làm vật căng tai”, cụ Y Hân, một già làng cho hay.
Ngoài ra, phụ nữ dân tộc B’râu còn tự làm đẹp cho mình bằng việc đeo rất nhiều vòng trang sức. Họ quan niệm, càng đeo nhiều vòng thì… càng được nhiều người đàn ông ngưỡng mộ. Nhìn từ đầu đến chân của các cụ, rất nhiều vòng lớn, vòng nhỏ, vòng bạc, vòng đồng đủ các màu sắc. Đặc biệt, một số người còn đeo những chiếc vòng như lục lạc ở cổ chân, mỗi bước đi lại phát ra tiếng nhạc vui tai.
Người cuối cùng đeo hoa tai bằng ngà voi
cụ già kon tum
Cụ Y Pế – người cuối cùng của dân tộc B’râu còn đeo bông tai bằng ngà voi vui vẻ khi chụp ảnh lưu niệm cùng PV Báo GĐ&XH.
Hai năm trước, tại Kon Tum, chỉ còn lại 2 cụ già B’râu giữ phong tục quyền quý xa xưa, đó là đeo khuyên tai bằng ngà voi. Đó là cụ Y Pế (83 tuổi) và cụ Y An (71 tuổi). “Tuy nhiên, cụ Y An đã theo con cái sang Campuchia sinh sống nên hiện tại tộc người B’râu ở Việt Nam chỉ còn duy nhất cụ Y Pế còn đeo bông tai bằng ngà voi quý hiếm”, Trưởng bản Thao Lợi giới thiệu. Khi chúng tôi đến thăm, cụ Y Pế đang đi chợ phiên cùng con dâu bên nước bạn Lào. Phải chờ thêm 2 ngày nữa chúng tôi mới gặp được cụ tại căn nhà mái nứa ven rừng.
Cụ Y Pế kể: “Ngày tôi còn trẻ, trong làng có nhiều người cũng đeo khuyên tai bằng ngà voi. Hồi đó, con gái trưởng thành dù nhà nghèo cha mẹ cũng dành dụm mua đôi bông tai bằng ngà voi tặng con làm của hồi môn. Hoa tai bằng ngà voi rất đắt giá. Một đôi hoa tai bằng ngà voi trước đây có giá trị như một bộ cồng chiêng, rẻ nhất cũng phải đến 15 triệu đồng bây giờ. Đây là bộ trang sức đẹp nhất mà bất cứ một phụ nữ B’râu nào cũng ao ước được đeo. Thời điểm trong làng có nhiều phụ nữ đeo khuyên tai bằng ngà voi lên đến 20 người. Bây giờ, người thì già yếu mà qua đời, người thì theo con cái định cư ở nơi khác nên địa phương không còn nhiều. Năm ngoái, cụ Y Bu chết, thế là giờ còn mỗi tôi lưu lại. Những khi lên nương rẫy, tôi cất kỹ ở nhà, chỉ lấy khuyên tai ngà voi ra đeo khi đến ngày quan trọng của dòng họ, làng mạc”.
Nhiều phụ nữ bản Đăk Mế cho biết, việc đeo khuyên tai bằng ngà voi dù biết là đẹp nhưng quá cầu kỳ, phức tạp và khổ sở. Vả lại ngày nay, việc săn bắt voi là vi phạm pháp luật nên họ không giữ phong tục căng tai nữa. Tuy nhiên, họ vẫn rất tự hào khi kể lại với phóng viên về phong tục này của người B’râu và mọi người luôn trầm trồ khen ngợi bà Y Pế với đôi hoa tai bằng ngà voi đẹp.
“Các anh phải chụp ảnh lưu niệm với cụ Y Pế đi. Sau này cụ về với Yàng (Trời) thì cả tộc người B’râu không còn ai lưu lại phong tục đeo khuyên tai bằng ngà voi nữa đâu”, ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch xã Bờ Y chia sẻ.
Tục xăm mặt, căng tai là một trong những nét văn hóa đặc trưng phản ánh nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của một số tộc người ở Tây Nguyên. Nó đã từng tồn tại một thời gian dài trong lịch sử nhưng ngày nay với cuộc sống thời hiện đại, do sự hội nhập và giao lưu văn hóa, kinh tế rộng rãi nên nhận thức và quan niệm của đồng bào người B’râu cũng đã có nhiều thay đổi. Các chàng trai, cô gái B’râu, Tây Nguyên ngày nay không còn phải khổ sở vì phải chịu những cực hình để “làm đẹp” theo quan niệm xưa. Họ tự do hơn với khuôn mặt tươi tắn và cặp bông tai xinh xắn thay cho vòng lồ ô hay cặp khuyên tai ngà voi nặng trĩu trước đây…
Một trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam
Người B’râu có nguồn gốc lịch sử ở vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, nhập cư vào Việt Nam khoảng 200 năm nay trong vòng 6 – 7 đời. Đến nay, bản Đắk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) là nơi duy nhất còn tồn tại hơn 100 hộ dân người B’râu với khoảng vài trăm nhân khẩu. Đây cũng là một trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam hiện nay.

Tác giả bài viết: Cao Tuân/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây