Toà giám mục Kon Tum – một địa chỉ văn hoá đặc sắc
- Thứ hai - 25/07/2016 00:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là một công trình kiến trúc – địa chỉ văn hoá đặc sắc ở thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) mà du khách khó có thể bỏ qua.
Tòa Giám mục Kon Tum có tên gọi đầy đủ là Chủng viện thừa sai Kon Tum. Đây là cơ sở Công giáo lớn nhất khu vực Tây Nguyên Việt Nam. Toà Giám mục Kon Tum có địa chỉ tại số 146 đường Trần Hưng Đạo, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Toà Giám mục Kon Tum quản lý giáo phận Kon Tum bao gồm cả hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.
Nơi này được thành lập nhờ công của của vị Giám mục người Pháp tiên khởi của Giáo phận Kon Tum, Đức Cha Martial Jannin Phước. Hiện ngay trước toà nhà có đặt tượng của ông
Tòa Giám mục là một công trình kiến trúc độc đáo, theo kiểu phương Tây kết hợp với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, được xây dựng vào năm 1935 – 1938.
Công trình trải dài 100m, có ba tầng. Trong đó tầng trệt được xây bằng gạch và bê tông, còn hai tầng lầu trên là hệ kết cấu khung gỗ, mái nhà lợp ngói. Bao quanh công trình là khuôn viên rộng với nhiều cây cối
Công trình có hành lang rất rộng với hệ sàn gỗ và cầu thang gỗ.
Bên cạnh vẻ đẹp tuyệt với của kiến trúc, Toà Giám mục Kon Tum còn đầy lôi cuối bởi không gian độc đáo ở phòng truyền thống. Từ sảnh lầu 1 chính giữa toà nhà có cầu thang gỗ dẫn lối lên không gian này ở lầu 2.
Đây được coi là một bảo tàng nhỏ, trưng bày lịch sử truyền giáo tới giáo phận Kon Tum và Tây Nguyên từ thế kỷ 19; đồng thời cũng trưng bày những hiện vật là vật dụng sinh hoạt, nông cụ, nhạc cụ, tác phẩm điêu khắc, sản vật văn hóa – đời sống của các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn Kon Tum. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong phòng truyền thống đều rất giá trị, có tính nghệ thuật cao
Bản đồ con đường truyền giáo lên Tây Nguyên được làm bằng gỗ
Lịch sử truyền giáo và hoạt động của giáo phận Kon Tum cùng những nhân vật lịch sử.
Các hình tượng khái quát và các hiện vật thực của văn hoá Kon Tum và Tây Nguyên được tái hiện đầy sinh động. Du khách có thể thấy những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum. Đó là những bộ chiêng, ché, trống, đàn; các bộ đồ thờ cúng, đồ gốm hay những dụng cụ đi nương, rẫy, săn bắt, hái lượm… Bên cạnh những hiện vật là những thuyết minh bằng tiếng bản địa.
Trong không gian này, du khách có thể cảm nhận được những giá trị văn hoá của Tây Nguyên qua các hiện vật trưng bày có tuổi đời hàng trăm năm. Tất cả được bài trí mộc mạc, giản dị như một tinh thần của Tây Nguyên.
Bộ sưu tập những bức tượng gỗ là điểm thú vị và lôi cuốn. Những tác phẩm nghệ thuật dân gian này rất đơn giản song lại toát lên sự sinh động lạ kỳ. Và đó là đặc trưng của điêu khắc Tây Nguyên. Có thể thấy những hình ảnh thật gần gũi như giã gạo, đâm trâu,chơi đàn, uống rượu cần…
Những dụng cụ săn bắn và những bộ xương thành quả thu được
Đồ gốm rất phong phú và đa dạng
Nơi đây mang một âm hưởng Tây Nguyên từ quá khứ với đầy màu sắc mê hoặc, rất hùng vĩ nhưng cũng lại thật giản dị, đầy thân thiện.