Người Tây Nguyên - Đất Tây Nguyên
- Thứ năm - 29/05/2014 09:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi trở lại làng Rắc của đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai ở xã Ya Xia, huyện Sa Thầy dưới chân rừng quốc gia Chư Mo Rai để nhớ lại những ngày đầu tháng 2/2001. Tại đây đã xảy ra một vụ gây rối loạn trật tự xã hội, kẻ xấu xúi giục người vượt biên. Đây là một nhóm tàn quân FULRO do Ksor Kơk cầm đầu đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê Ga tự trị”. Làng Rắc đã có 18 người bị lừa vượt biên sang Campuchia để chờ được đi Mỹ cùng với hơn 1.000 người của 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Ảo tưởng “thiên đường” tan vỡ, bà con vất vưởng ở các trại tị nạn và đến ngày 19/2 thì được trở về.
Thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà - Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Duyên may nghề nghiệp tôi có mặt lúc đón bà con trở về. Khi đoàn xe vừa mới dừng bánh, các nhà báo quốc tế đã vây kín thay nhau phỏng vấn. Trả lời Hãng tin Reuter, AP, BBC… A Thách và Rơ Chăm Khươl lúc đó mới hơn 20 tuổi hay A Brỉ hơn 25 tuổi đều quả quyết do nhớ vợ, nhớ con, nhớ quê hương nên tôi về. A Thách bảo, mình nghe bạn bè rủ đi lấy tiền, đang trong lúc gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn nên tưởng thật đã đi theo họ. Có kẻ hỏi móc máy rằng, có sợ không khi trở về. Mình trả lời: “Về với vợ con, buôn làng, quê hương nên không sợ gì hết” v.v… Với các nhà báo Việt Nam, họ kể về những ngày sống chui lủi trong các ngôi nhà bằng tranh tạm bợ được làm vội vàng, cơm ăn với cá khô; nước tắm giặt không có, không điện; suốt ngày có lính canh, không được đi ra ngoài v.v… Chúng tôi được chứng kiến sự thật mà những người trở về đã bộc bạch, mong cuộc đời lầm lỡ sẽ không bao giờ xảy ra lần thứ hai trong đời.
Từ khi trở về đến nay, cả 15 người đều chí thú làm ăn, tuy chưa giàu có nhưng ai cũng no đủ, ai cũng xây được nhà, có xe máy đi làm rẫy. Khi vượt biên, A Huyh có 6 người con bỏ lại cho chị Y Du chăm sóc, nhưng nay A Huyh đã lên chức ông nội, ông ngoại. Riêng A Brỉ kể rằng mình bị sét đánh, chết đúng một ngày sau đó sống lại. A Brỉ được ông Nguyễn Văn Hoàng - một nông dân quê lúa Thái Bình đi xây dựng kinh tế mới thương, nhận làm con nuôi. Thế nhưng chưa trả được ơn cho bố nuôi đã dại dột theo đám bạn bè vượt biên, thật xấu hổ - anh tâm sự. Sau khi về, anh xây nhà, xây hồ nuôi cá, chăm sóc 2ha sắn, thu hoạch 1 năm, trừ hết mọi chi phí còn dư xấp xỉ 100 triệu đồng. A Brỉ cho biết, cả 15 người trở về, ngoài việc chăm chỉ làm ăn, một số còn tích cực tham gia đội bóng chuyền, tham gia phong trào văn nghệ của xã. Có người còn tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ buôn làng.
A Siu Tiếu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thì bảo họ không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ lo làm ăn yên ổn. Chính họ là lực lượng lao động chủ lực của địa phương đã đóng góp phần công sức không nhỏ vào việc xây dựng xã đạt nhiều thành tích trong những năm vừa qua.
Hai người lính Cụ Hồ
Câu chuyện với Đại tá Phạm Chào, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn Tây Nguyên thật lôi cuốn, dẫn chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về tài thao lược của bộ đội ta trong cuộc đấu trí nghi binh cho trận đánh ở Buôn Ma Thuột. Các trận địa pháo binh 130mm giả được triển khai. Một số xe tăng cũ, xe xích kéo pháo, xe vận tải v.v… được tổ chức cơ động hối hả suốt ngày đêm quanh phòng tuyến. Hai bến phà bằng gỗ được thiết lập tại cầu Diên Bình và sông Đắkbla thuộc tỉnh Kon Tum. Các đơn vị chủ lực chỉ để lại một lực lượng nhỏ liên tục dùng súng cối bắn phá các căn cứ La Sơn, Thanh An, Đồn Tằm và thị xã Kon Tum. Khi lực lượng chủ lực của ta bao vây Buôn Ma Thuột thì Sư đoàn 968 từ Lào về thế chỗ tiếp tục sử dụng hệ thống liên lạc vô tuyến điện liên tục phát đi những bức điện ảo, báo cáo vu vơ, mệnh lệnh giả với tần suất ngày càng cao. Sở Chỉ huy Chiến dịch Mặt trận Tây Nguyên cũng để lại một bộ phận, tiếp tục sử dụng điện đài tại K'Leng, bắc Võ Định báo tin giờ G sắp điểm.
Trong khi đó, lực lượng an ninh giải phóng cho người vào tìm người thân trong khu vực do quân ngụy kiểm soát, phao tin quân giải phóng sắp đánh lớn vào Kon Tum và Pleiku. Còn dân chúng trong các vùng do mặt trận kiểm soát ở xung quanh Pleiku - Kon Tum đã chuẩn bị nhiều cờ, hoa, biểu ngữ với nội dung chào mừng Pleiku và Kon Tum được giải phóng.
Thiếu tướng Đậu Đình Toàn, Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên tiếp lời: Cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột bắt đầu với các trận thọc sâu đánh hiểm của Trung đoàn 198 đặc công vào các mục tiêu: Sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế, khu hậu cứ của Trung đoàn 53 Quân lực Việt Nam Cộng hòa với sự yểm trợ của hỏa tiễn tầm ngắn ĐKB và H-12. Trận pháo kích đã gây kinh hoàng cho cả hai chỉ huy quân ngụy tại Buôn Ma Thuột là Đại tá Nguyễn Trọng Luật và Đại tá Vũ Thế Quang được Tổng thống Thiệu “chọn mặt” trấn giữ vùng đất cao nguyên này. Vào thời điểm đó, nhận định chủ quan của đại tá Quang là: “Cộng quân” chỉ đủ sức dùng đặc công và pháo binh quấy rối rồi đến sáng, họ sẽ rút ra”. Nào ngờ quân giải phóng không rút mà còn tiếp tục bồi thêm những trận bão lửa xuống quân địch, làm cho tình hình chiến sự đi ngược lại hoàn toàn với nhận định trên.
Thiếu tướng Toàn nhớ lại, lúc 12 giờ trưa ngày 14/3, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Như vậy, chỉ sau 8 ngày đêm chiến đấu (từ 10 đến 17/3/1975), toàn bộ vùng đất Tây Nguyên rộng lớn đã được hoàn toàn giải phóng. Cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đỏ rợp trời, phấp phới tung bay trong nhà dân, trên các nẻo đường, góc phố, trên trụ sở chính quyền cách mạng, báo hiệu sự cáo chung những năm dài nô lệ dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân. Tướng Toàn nhắc lại rằng, người Pháp từng nói ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ miền Nam là như vậy.
Trỗi dậy của tuổi trẻ
Nói về mảnh đất Tây Nguyên này mà không nhắc đến Đặng Lê Nguyên Vũ, Vua cà phê Việt - người sáng lập Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên thì thấy thiêu thiếu thế nào, mặc dù với Đặng Lê Nguyên Vũ thì các báo trong và ngoài nước đã nói đến anh rất nhiều.
Vào ngày bộ đội ta nổ súng ở Buôn Ma Thuột, tháng 3/1975, Vũ mới lên 4 và đang ở quê Ninh Hòa, Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. 4 năm sau ngày giải phóng Tây Nguyên gia đình Vũ chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk. Đó là những ngày gian khó.
Anh nhớ lại: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối năm 1981 đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng, chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Tuổi thơ của Vũ là bẻ ngô, chăn lợn và giúp mẹ đóng gạch. Thời đi học của Vũ là thời cuốc bộ trên con đường đất đỏ dài cả chục cây số suốt 9 năm. Mặc dù vậy, Vũ vẫn học giỏi và thi đỗ vào Trường đại học Y Tây Nguyên. Anh nhớ mẹ phải chạy vạy, bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để có tiền cho Vũ đi học.
Vào năm học thứ 3, Vũ bỗng dưng không muốn làm nghề y nữa. Mẹ anh khóc hết nước mắt vì con bỏ học. Nhiều bạn cùng lớp bảo anh hâm, chỉ có 3 người bạn hiểu và chia sẻ được những điều Vũ nghĩ và mơ ước. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho anh được gần 100.000 đồng.
Vũ bỏ học lên nhà ông chú dưới Sài Gòn và bị ông đuổi về Đắk Lắk bằng chiếc vé máy bay kèm câu nói: “Học xong đi đã”. Trên chuyên máy bay trở về, Vũ nghĩ đến ước mơ về mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và “mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn” tại thủ phủ cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk.
Năm 1996, với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, Vũ lập nên tiền thân của Hãng cà phê Trung Nguyên là một cơ sở rang xay với diện tích vài mét vuông và chiếc máy rang cà phê cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Ma Thuột và công việc giao cà phê cho các quán khác. Ngày ngày, Vũ đi giao cà phê bằng xe đạp, rồi sau đó đổi sang đi xe máy. Những quán ấy không có ai, dù mơ mộng nhất lại nghĩ đến anh chàng giao cà phê ngày ấy trở thành ông chủ Trung Nguyên sau này.
Năm 1998, Trung Nguyên lần đầu tiên có quán cà phê ở thành phố Hồ Chí Minh. Với mô hình kinh doanh thành công này, chỉ 2 năm sau, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.
Năm 2003, cà phê hòa tan G7 có mặt trên thị trường và chiến thắng Nestlé trong cuộc thử bằng khứu giác với kết quả 89% nghiêng về G7. Năm 2005, Hãng cà phê Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia. Từ năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu.
Ngày 27/4/2011, cái tên “Cà phê Trung Nguyên” xuất hiện trên Financial Times (Thời báo Tài chính) như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất. Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.
Còn Forbes, lại phác họa chân dung Đặng Lê Nguyên Vũ như một “Vua cà phê Việt” trong đó ca ngợi Vũ là nhân vật “zero to hero” từ vô danh thành anh hùng... Bây giờ Tập đoàn Trung Nguyên vẫn trên con đường phát triển.
Người dịch sử thi
Chúng tôi ngược ra Kon Tum, để tìm gặp AJar, một trí thức hiếm hoi của dân tộc Xơđăng. Quê hương Kon Tum của AJar có tuổi đời hàng trăm năm cũng đã thay đổi từng ngày. Chiếc cầu Pellây nối đôi bờ dòng sông Đắk Bla thơ mộng giữa trung tâm thành phố Kon Tum cung cấp nguồn nước cho Nhà máy Thủy điện Ialy bây giờ không phải là một cầu, mà là hai cầu chạy song song, mỗi cầu dài 7 nhịp bằng bê tông cốt thép trên tuyến đường Hồ Chí Minh xuôi về Nam tạo nên bộ mặt mới của thành phố Kon Tum thời kỳ công nghiệp hóa.
AJar kể với chúng tôi: Trong chiến tranh, vùng đất Võ Định tiếp giáp giữa thành phố Kon Tum với huyện Đắk Tô được coi là vùng “da báo”. Nhiều người dân mỗi khi nhắc lại vùng đất này luôn nhắc tới cụm từ “dốc đầu lâu”. Nhưng giờ đã là di tích lịch sử cách mạng. Đặc biệt, tháng 3/1994, Chính phủ đã có nghị định thành lập huyện Đắk Hà, thuộc tỉnh Kon Tum. Từ một vùng đất mang trên mình đầy dấu vết chiến tranh, nham nhở hố bom, chằng chịt dây thép gai và bom đạn. Thế nhưng, đồng bào các dân tộc thiểu số từ các ấp chiến lược trở về; bộ đội sau chiến tranh chuyển sang làm kinh tế kết hợp với việc đón dân kinh tế mới các tỉnh phía bắc theo kế hoạch của Nhà nước đã đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng huyện mới Đắk Hà khởi sắc. Huyện có hơn 23.000ha đất đai gieo trồng, trong đó, hơn 7.000ha cà phê, hơn 6.700ha cao su và hàng trăm hécta hồ tiêu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 26,53 triệu đồng.
Đặc biệt, tháng 12/2008, chỉ sau 15 năm thành lập, huyện Đắk Hà đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của Kon Tum và Tây Nguyên được nhận danh hiệu cao quý này.
Trò chuyện với ông AJar, dân tộc Xơđăng chúng tôi vỡ ra được nhiều điều thú vị. Đây là một trí thức người dân tộc thiểu số có lối kể chuyện rất hóm. Ông sinh tại làng Kon Jong, xã Ngọc Réo. Từng được vào học Trường Quốc gia Hành chính trước năm 1975, là người thiểu số duy nhất có bằng đại học vào thời điểm đó. Sau khi ra trường, ông làm thư ký cho viên tỉnh trưởng Kon Tum chưa ấm chỗ thì Kon Tum giải phóng. Chỉ sau 1 tháng học tập ông được trở về sum họp cùng gia đình. Ông mừng khôn xiết: “Chính quyền cách mạng đã cứu tôi, cứu cả gia đình tôi” - ông bộc bạch với bạn bè mỗi khi có người nhắc đến.
Rồi ông được cử tri tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum. Với cương vị mới, ông đã cùng Ban Văn hóa Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum hoạt động, giám sát, kiến nghị nhiều ý kiến thiết thực, góp phần vào việc xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội của tỉnh. Chính ông đóng góp phần quan trọng vào việc biên dịch và phiên âm sang tiếng Việt: Trường ca Dăm Duông của dân tộc Xơđăng và Trường ca Dăm Giông của dân tộc Bana - là hai trong tổng số ba bộ kho tàng Sử thi Tây Nguyên, gồm 62 tập với hơn 60.400 trang in. Ông dịch đúng 7 năm từ năm 2000 đến 2007 mới kết thúc. Thật đáng nể, 39 năm sau, thế hệ những người con đất Việt sinh vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước đang nắm giữ các cương vị chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền từ cơ sở đến tỉnh. Họ đang kế tục sự nghiệp cho ông nỗ lực hết mình để xứng đáng với truyền thống hào hùng của dân tộc, viết tiếp những trang sử mới với những chiến công mới trên chặng đường mới, nỗ lực đưa Tây Nguyên và cả nước phát triển không ngừng về mọi mặt.
Hiện tại, địa bàn Tây Nguyên có 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Đến năm 2011, tổng dân số của 5 tỉnh Tây Nguyên là khoảng 5.282.000 người. Tây Nguyên có lợi điểm về tài nguyên thiên nhiên với 2 triệu ha đất bazan màu mỡ rất phù hợp với những cây công nghiệp như cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà. Diện tích cà phê ở Tây Nguyên hiện nay là hơn 290 nghìn ha, chiếm 80% diện tích cà phê cả nước. Đắk Lắk có diện tích cà phê 170 nghìn ha và cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng có chất lượng cao. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ, chủ yếu tại Gia Lai và Đắk Lắk. Tây Nguyên còn là vùng trồng dâu tằm, nuôi tằm tập trung lớn nhất nước ta, nhiều nhất là ở Bảo Lộc Lâm Đồng. Ở đây có liên hiệp các xí nghiệp ươm tơ xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Tài nguyên thủy năng của vùng lớn và được sử dụng ngày càng có hiệu quả hơn. Trước đây đã xây dựng các nhà máy thủy điện Đa Nhim (160MW) trên sông Đa Nhim (thượng nguồn sông Đồng Nai), Đray H’inh (12MW trên sông Serepôk. Mới đây, công trình thủy điện Yaly (700M ) đưa điện lên lưới từ năm 2000 . Thưc hiện Quyết định 167 của Thủ tương Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã thăm dò, đầu tư một số công trình khai thác bô xít, luyện alumin tại Tây Nguyên. |