Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


“Nữ tướng rừng xanh” Kon Tum

Người “thống lĩnh” đội quân 44 kiểm lâm viên ở Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham (huyện Kon Plông, Kon Tum) là một phụ nữ 52 tuổi. Trong khi nhiều nơi rừng đang bị chặt phá thì hai bên đèo Violak những cánh rừng già đang được giữ. Người “thống lĩnh” đội quân 44 kiểm lâm viên ở Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham (huyện Kon Plông, Kon Tum) là một phụ nữ 52 tuổi.
Nữ hạt trưởng kiểm lâm Chu Thị Phiến - Ảnh: T.B.D.

“Đa số người dân địa phương tại chỗ rất hiền lành. Lâm tặc chỉ dữ dằn khi là người ở nơi khác đến. Nhưng cho dù ở hạng nào thì tôi cũng không ngán. Tôi quán triệt cho anh em là cố gắng hạn chế va chạm, làm sao bắt được nó mà mình vẫn an toàn mới là thượng sách. Lính của tôi thằng nào cũng to con, giỏi võ, lâu lâu mà tụi nó không được… đánh nhau là tụi nó lồng lên như trâu đực. Làm kiểm lâm mà thế thì tôi cũng đỡ nhiều lắm.
Bà Chu Thị Phiến

Bà đã có 12 năm làm hạt trưởng hạt kiểm lâm. Bà được người dân vùng này mệnh danh là “nữ tướng rừng xanh” với thành tích hàng trăm lần vây bắt lâm tặc, được nhận hàng chục tấm bằng khen…
“Hổ cái” giỏi rượu
“Nữ tướng rừng xanh” Chu Thị Phiến từng là cán bộ của công ty lâm nghiệp tại huyện Kon Plông, bà xuất thân từ một công nhân lâm trường. Năm 2004, khi thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, người đứng đầu ngành lâm nghiệp đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ của Kon Tum: chọn bà Chu Thị Phiến – lúc đó hơn 40 tuổi, đang là cán bộ – về làm giám đốc kiêm hạt trưởng hạt kiểm lâm, trấn giữ rừng Thạch Nham nằm ở cửa ngõ Quảng Ngãi đi lên Tây nguyên. Lý do: giỏi uống rượu và “dữ” như… hổ cái.
Nhiều cán bộ ở Kon Plông thời đó còn nhớ như in về việc bà Phiến lúc nhận ghế hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thạch Nham đã có cách tuyển chọn lính chẳng giống ai: muốn vào làm cấp dưới của bà thì phải biết… uống rượu.
Phó Ban quản lý rừng Thạch Nham Phạm Ngọc Vinh là võ sư nổi tiếng lì lợm ở làng võ thuật Kon Tum và từng đả bại nhiều đối thủ khắp miền Trung, Tây nguyên. Khi biết bà Phiến về làm hạt trưởng Ban quản lý rừng Thạch Nham, ông Vinh nói rằng chỉ vì mê tính cách quyết liệt, dữ dằn của bà mà ông phải khom người xin được làm lính dưới tay bà.
Ngày ông gõ cửa phòng, bà Phiến hất hàm hỏi: “Mày biết làm gì cho tao?”. “Em là võ sư, em biết… đánh nhau”. Mà kiểm lâm thì giỏi võ là một lợi thế. Bà Phiến im lặng nhìn vị võ sư, rồi bất ngờ ra điều kiện: “Mày biết uống rượu không? Nếu không uống được rượu thì… biến đi”.
Ông Vinh cười vang kể lại khoảnh khắc mình được bà Phiến phỏng vấn: “Nghe bả hỏi có biết uống rượu không thì tôi bảo dạ em có biết chút chút. Bà búng tay, bảo: OK, thế tao với mày cùng uống, xem mày thế nào”.
Bà Phiến lôi từ trong tủ ra hai chai rượu trắng, đặt lên bàn rồi bảo: “Uống đi”. Ông Vinh nói lúc đó thấy rượu, ông hoảng quá nên xin được đi nướng mực để làm mồi. Nghe câu đó, bà Phiến gạt phăng. Khi ông Vinh đang cầm chai thì phía bên kia bàn, bà Phiến đã ngửa cổ làm một hơi, chai rượu nằm phơi đáy. Ông Vinh uống được nửa chai thì nằm gục tại chỗ. Vậy là ông… 
được tuyển.
44 cán bộ kiểm lâm ở rừng Thạch Nham không có ai là nữ, ngoài bà Phiến. Bà Phiến nói rằng thống lĩnh một đoàn kiểm lâm toàn là nam không hề đơn giản. Mà đội quân này ông nào cũng to cao, giỏi võ, giọng ồm ồm như ngỗng đực, do đích thân bà chọn. “Cứ rảnh là tôi đi rừng, buồn quá chả biết làm gì nên cầm rượu đi uống”.
Bà Phiến giải thích việc mình thích lính kiểm lâm biết uống rượu như sau: “Đàn ông có tí rượu vào thì lì lắm. Gặp gái cũng không sợ, gặp lâm tặc lại càng không sợ. Nó (lâm tặc) thấy mình không sợ nó mới chợn, chứ kiểm lâm mà sợ lâm tặc thì làm được… cái quái gì”. Bà Phiến cũng nói rằng người dân sống trong rừng bà hầu hết là người Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nâm… rượu uống cứ như là nước lã, cơm ăn.
Cán bộ muốn nói chuyện, làm “dân vận” được với bà con thì phải biết uống rượu. “Thế bà uống được bao nhiêu lít rượu?” – tôi hỏi. Nữ tướng ngoẻo đầu, cười nghiêng ngả: “Không tính được, có điều là tôi chưa bao giờ say. Cỡ nào cũng không say, ở trên núi này người ta uống không đếm lít mà đếm theo… ngày”.
rừng phòng hộ thạch nham
Dù nằm giáp nhiều khu vực dân cư nhưng rừng phòng hộ Thạch Nham đang được giữ rất tốt – Ảnh: T.B.D.
“Có bả nên rừng
 cũng đỡ lắm”
Rừng Thạch Nham như tấm bạt màu xanh sẫm khổng lồ bao choán từ đèo Violak giáp ranh của Quảng Ngãi rồi kéo dài qua các xã vùng cao của tỉnh Kon Tum. Rừng ở đây toàn là rừng già, nhiều thân gỗ lớn.
Thạch Nham cũng được ví như cái rốn gỗ, tuyến quốc lộ chạy qua đây là con đường trọng yếu, lâm tặc đưa gỗ từ Gia Lai, Kon Tum đi về các tỉnh miền Trung. Để giữ được rừng, không phải chỉ có tâm huyết là đủ mà còn phải cực kỳ lì lợm, dấn thân, sẵn sàng đổ máu bất cứ lúc nào.
Ở Thạch Nham và các ngôi làng xung quanh, người ta còn phong cho bà Phiến là “ma rừng”, là “con hổ cái dữ dằn”. Bà đi rừng cả đêm lẫn ngày, có khi tảng sáng, khi giữa đêm. Hầu hết các vụ phát hiện lâm tặc bà đều đích thân dẫn lính đi tận nơi, có khi cả đoàn lội lọ mọ giữa rừng hai ba ngày, nằm phục lâm tặc, chịu nhịn đói.
Có lần bà nhận được tin lâm tặc đang chặt gỗ trong rừng của mình, gọi điện hỏi cấp dưới thì người này uể oải bảo không có. Trời hửng sáng, bà khoác áo mưa, cầm roi điện rồi lao xe máy tới hiện trường. Sáng hôm đó tay cán bộ kiểm lâm cấp dưới bị đuổi việc.
Ở Kon Plông, nhắc đến bà Phiến, tất cả lâm tặc từ nhỏ đến có máu mặt đều lắc đầu ngao ngán. Nhiều anh em kiểm lâm còn xanh mặt khi kể chuyện cách đây vài năm, một mình bà Phiến đã tự bồng súng AK chạy xe máy xé gió giữa đêm để đón bắt bằng được một xe chở gỗ.
Giữa đường rừng hoang vắng, xe gỗ lâm tặc gầm rú pha đèn toạc màn đêm, bà Phiến chạy phía sau nhá đèn yêu cầu lâm tặc dừng bánh nhưng tài xế nhấn ga lao xe như điên. Nữ hạt trưởng lao xe vọt lên phía trước, cúp đầu xe chở gỗ rồi hét lớn: “Không dừng xe thì tao bắn”. Cuối cùng, tài xế phải dừng xe.
Mùa mưa năm 2013, một nhóm lâm tặc đem cưa lốc vào cắt hai cây gỗ trắc của rừng Thạch Nham ở xã Ngọc Tem. Mưa như trút nước, vừa nhận được tin báo, bà Phiến lệnh: “Chuẩn bị súng đạn đầy đủ. Năm phút sau lên đường”. Khi cả nhóm tới hiện trường, bảy tên lâm tặc vẫn đang xẻ gỗ. Thấy kiểm lâm, một lâm tặc cầm dao lao tới. Bà Phiến trợn mắt, gằn giọng: “Chỉ một phát đạn thôi chúng mày sẽ nát đầu”. Vừa nói xong, bà lệnh cho các kiểm lâm viên to con nhảy vào bắt sống đám lâm tặc giải về trụ sở UBND xã Ngọc Tem.
Bà Phiến kể mười mấy năm đi bắt lâm tặc, nguyên tắc được bà đặt ra cho cấp dưới là: không thỏa hiệp, không buông tay đối với lâm tặc. Chính vì thái độ không khoan nhượng này mà nhiều lần bà bị lâm tặc “xin máu”.
Có đợt đang giữa đêm, có một số điện thoại lạ, sau này bà mới xác minh được là của một trùm gỗ từng bị bà bắt giữ, nhắn tin tới cho bà vẻn vẹn mấy chữ: “Mày chuẩn bị bông gạc, thuốc men đi. Nếu không có sẵn thì nhà tao nhiều lắm, sắp tới sẽ cần”. Trong cuộc họp giao ban đầu tuần, bà đọc lên cho kiểm lâm nghe rồi hỏi: “Có sợ không?”. Mấy kiểm lâm cấp dưới của bà đứng phắt dậy, sôi máu: “Thích thì chơi luôn”.
Nhờ tính tình máu lửa của bà và đội quân dưới quyền nên kết quả kiểm kê mới nhất cho thấy hiện rừng Thạch Nham có tổng diện tích gần 30.000ha, độ che phủ đạt 83% và duy trì ổn định từ trước đến nay (ngoại trừ một số diện tích bị người dân đốt phá khi giao về cho các xã quản lý). Trong vòng 12 năm từ khi thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, số vụ vi phạm lâm luật tại khu rừng này rất ít, chỉ có 7 vụ.
“Bà Phiến dữ như con hổ cái, có bả nên rừng cũng đỡ lắm” – một lãnh đạo Công an huyện Kon Plông từng nói như thế!

Không chơi với thủy điện
Bà Phiến nói rằng nhiều năm nay rừng Thạch Nham gánh chịu liên tiếp các đợt khảo sát để lăm le làm thủy điện. Năm 2010, một doanh nghiệp gặp bà đặt vấn đề: “Trước sau gì tỉnh cũng cho làm. Hiện các thủ tục đã được trình, đề nghị chị cho anh em đưa máy móc vào… san ủi trước”.
Bà Phiến nghe xong đứng dậy đập bàn: “Không bao giờ! Động đến rừng của tôi thì phải giấy trắng mực đen, chìa thủ tục ra đây thì mới nói chuyện đưa quân vào rừng”. Trước sự phản đối gay gắt của bà, dự án thủy điện này phải rút lui.
Nỗi niềm nhan sắc
Năm 2012, khi tỉnh yêu cầu luân chuyển cán bộ, bà Phiến viết thư gửi cấp trên: “Với tất cả tình yêu và nỗi niềm riêng về… nhan sắc, tôi yêu Thạch Nham và tha thiết được ở lại để canh giữ rừng”. Bà Phiến nói ngoài việc bà dữ dằn thì việc bà có thể ở lại Thạch Nham lâu năm là vì bà… quá xấu. “Hơn một nửa thân thể tôi là bớt đỏ. Ông xã tôi bảo ngày xưa ổng chọn tôi cũng là vì… trên đời không ai xấu hơn tôi. Tôi đi quanh năm, ổng bảo ổng yên tâm để cho đi thoải mái vì… chẳng ai thèm làm gì vợ mình. Tôi yêu Thạch Nham đến cháy bỏng, tôi sẽ sống hết tuổi đời của mình ở trên này nếu tổ chức cho phép. Tôi về thành phố và thấy mình lạc lõng, xa lạ như người rừng. Mỗi sáng ngủ dậy, chỉ cần thấy chim hót, sương giăng khắp núi là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Tác giả bài viết: THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn) theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây