Báo Chính Phủ: Tu Mơ Rông: Sức sống mới nơi xứ nghèo
- Thứ ba - 07/04/2015 18:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước đây, cuộc sống của người dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) luôn bị cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Vậy mà chỉ trong vòng mấy năm, nhờ được sự chăm lo, hướng dẫn của chính quyền, sự nỗ lực vươn lên mà đời sống người dân đã có sự thay đổi lớn.
Những tấm gương thoát nghèo
Trước đây, gia đình của A Tuấn (thôn Kon H’nông, xã Đăk Tơ Kan) có cuộc sống khốn khó, năm mất mùa phải chạy ăn từng bữa. Từ ngày chính quyền huyện Tu Mơ Rông có kế hoạch trồng cây cao su, đã thử nghiệm cho kết quả tốt, A Tuấn quyết làm theo. Mạnh dạn vay vốn từ người thân, lại được chính quyền hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi, A Tuấn đầu tư trồng hơn 3,5 ha cao su, đồng thời trồng thêm 3 ha mì để “lấy ngắn nuôi dài”. Giờ đây, nhìn vườn cao su hơn 3 năm tuổi xanh mơn mởn, đều tăm tắp của A Tuấn nhiều người không khỏi thán phục.
Một góc Tu Mơ Rông. Ảnh: VGP/Mai Vy
Cùng ở thôn Kon Hnông, xã Đăk Tơ Kan, nhà A Kường không chỉ trồng 1 ha cao su, 5 sào cà phê, bời lời và mấy ha mì để tăng thu nhập mà còn đứng ra làm đại lý thu mua mì của bà con địa phương. Ai có nhu cầu bán mì, A Kường mua để đem đến nhà máy mì ở huyện Đăk Tô bán.
Sau vài năm buôn bán tích lũy được chút vốn, A Kường “tậu” luôn ba chiếc xe tải để chuyên chở mì phục vụ bà con. Hiện nay, bình quân thu nhập hàng năm của A Kường khoảng 500 triệu đồng, một con số mơ ước của không ít người đồng bào dân tộc thiểu số.
“Trước đây gia đình mình nghèo khó, một năm thiếu ăn mấy tháng nhưng nay đã khác rồi. Mình không nhưng làm giàu cho mình mà con hướng dẫn cho bà con ở đây nữa. Mình mới nhận được bằng khen là hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện Tu Mơ Rông”, A Kường khoe.
Ở huyện Tu Mơ Rông, còn rất nhiều hộ có nguồn thu ổn định, nhiều hộ đã có kinh tế khá, làm được nhà kiên cố khi thoát nghèo như trường hợp của anh A Trường, A Cheng, cùng thôn Mô Bành, xã Đăk Rơ Ông. Các anh đều có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Theo thống kê của huyện Tu Mơ Rông, trong 3 năm trở lại đây, đã có gần 2.000 hộ thoát nghèo. Riêng năm 2014, đã có 430 hộ nghèo thoát nghèo. Hiện toàn huyện còn 1.357 hộ nghèo. Các hộ này luôn nhận được khuyến khích và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền nhằm vượt lên khó khăn trong cuộc sống.
Đổi đời nhờ sâm
Tu Mơ Rông được người dân cả nước xem là thủ phủ giống sâm Ngọc Linh quý hiếm. Không chỉ có vậy, giờ đến với Tu Mơ Rông ta còn biết bà con vùng này giàu lên nhờ trồng Hồng đẳng sâm mà ta thường gọi là “sâm dây”.
Bà Y H’lạng, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Măng Ri là người đầu tiên mang giống sâm dây tự nhiên về gieo trồng. Sau 2 năm trồng, gần 2 ha sâm dây của gia đình bà đã chuẩn bị cho thu hoạch.
Bà Y H’lạng bên bình sâm dây thu hoạch. Ảnh: VGP/Mai Vy
“Mỗi 1 kg sâm dây tươi có giá bán 70-100 ngàn/kg và 550 ngàn/kg sâm dây khô. Nếu thu hoạch hết thì gia đình mình cũng thu được vài trăm triệu đồng”, bà Y H’lạng nhẩm tính.
Củ chưa cho thu hoạch nhưng từ năm trước gia đình và đã thu được hàng trăm triệu đồng nhờ bán cho phòng nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông gần 2 tạ quả với giá 300 ngàn/kg. Với số tiền bán quả đó, gia đình bà vừa có tiền chăm lo đời sống, vừa có tiền lo cho hai đứa con ăn học.
“Hai đứa con mình học giỏi lắm, một đang học đại học và một đang học lớp 12. Để con học xong mình đưa nó về xã làm việc giúp bà con luôn”, bà Y H’lạng nói.
Theo bà Y H’lạng, sâm dây có thể trồng xen kẽ cùng các loại cây khác nên một diện tích có thể trồng hai loại cây. Sâm dây được trồng bằng hạt hoặc củ, rất dễ trồng, thời gian từ lúc trồng tới khi thu hoạch khoảng 3 năm. Đặc biệt, sâm dây không có mùa, có thể thu hoạch bất cứ khi nào.
Nhận thấy cây sâm dây là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu của địa phương nên chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã khuyến khích nhiều hộ dân tham gia gieo trồng, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.