Đổi thay Măng Ri - Ngày mới trên cao nguyên Kon Tum
- Thứ tư - 06/08/2014 15:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế nhưng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã và sự giúp đỡ của huyện, tỉnh, của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, đến nay, cuộc sống người dân đã đi vào ổn định. Những ngôi làng tái định cư được xây dựng khang trang. Trên những diện tích lúa nước, lúa rẫy…đã được khôi phục, người dân đang hăng say lao động, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Chúng tôi đến thăm thôn Chung Tam, 1 trong 2 thôn phải di dời bởi nguy cơ sạt lở sau cơn bão số 9/2009 và được chứng kiến đời sống mới của dân làng. Trong ngôi nhà kiên cố mới được xây dựng, hơn 30 hộ dân đã về nơi ở mới, ổn định cuộc sống và tích cực lao động sản xuất. A Tôn vui vẻ mời khách vào thăm ngôi nhà mới khang trang và cho biết: Ngay sau khi chuyển về nơi ở mới, gia đình mình và dân làng đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Hiện nay, ngoài đất sản xuất do Nhà nước cấp, mình còn khai hoang tận dụng những khu đất trống, mở rộng diện tích cây trồng. Bây giờ, gia đình mình đã trồng được 2 sào bời lời, 2 ha mỳ, 1 sào lúa nước và hơn 1 sào sâm dây.
A Lái, thôn trưởng thôn Chung Tam góp thêm: Hiện nay, hơn 30 hộ trong làng đã ổn định tại nơi ở mới. Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng nhà cửa, đường giao thông, nước sạch sinh hoạt, thủy lợi… nên không còn khó khăn như trước, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong đi lại, sản xuất. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao đổi thay.
Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Măng Ri A Tôn khẳng định: Có được kết quả đó, chính là hiệu quả của việc tích cực tuyên truyền của đội ngũ cán bộ xã, sự cần cù lao động của bà con. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, thì cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của đồng bào dân tộc trong xã. Không chỉ có thôn Chung Tam đã ổn định cuộc sống, từng bước phát triển mà các thôn làng trong xã đều có những đổi thay nhiều. Minh chứng là trong năm 2011, toàn xã đã phát triển được hơn 110/68 ha lúa nước; gần 63/42 ha luá rẫy; 62 ha bời lời; 35/29ha cà phê (so với kế hoạch). Đặc biệt, với lợi thế về khí hậu, địa hình, nhân dân trong xã đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh diện tích sâm dây, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Do đó, hiện, toàn xã đã trồng được 16 ha diện tích sâm dây. Đây cũng là loại cây trồng được xã xác định là một trong các loại cây trồng nhằm hướng đến xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Ngoài ra, chăn nuôi cũng được người dân chú trọng với tổng đàn gia súc hơn 800 con, đàn gia cầm hơn 1500 con. Trong năm 2011, toàn xã đã có 36 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn còn trên 65%. Không chỉ phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa cũng phát triển và nhiều đổi thay. Người dân quan tâm đến chuyện học hành của con em với 100% trẻ em trong độ tuổi được ra lớp...Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây cà phê, bời lời, đặc biệt là sâm dây và phát triển chăn nuôi đại gia súc...để thoát nghèo một cách bền vững.
Hy vọng những thành quả của năm qua và đặc biệt khi con đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh xây dựng hoàn thành đi qua xã sẽ là động lực để đồng bào các dân tộc Măng Ri tiếp tục phát huy trong những năm tới để xây dựng một vùng nông thôn ngày càng đổi mới, xứng đáng với mảnh đất của vùng căn cứ cách mạng./.