Để sâm Ngọc Linh thực sự trở thành “sản phẩm chủ lực”
- Thứ hai - 23/03/2015 17:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sâm Ngọc Linh đã được xác định là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum. Tuy vậy, để cây dược liệu quý hiếm này phát triển tương xứng với vị trí “ thương hiệu quốc gia” của nó trong quá trình xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của địa phương, thực tế vẫn còn không ít vấn đề đặt ra.
Một loại cây đặc hữu quý hiếm
Sâm Ngọc Linh có tên khoa học Panax Vietnamensis là một loại cây đặc hữu, phân bổ chủ yếu quanh vùng núi Ngọc Linh, nơi có độ cao từ 1500m trở lên so với mặt nước biển, thuộc địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Thuốc giấu của đồng bào dân tộc - Ảnh tư liệu
Từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiểu số địa phương đã xem sâm Ngọc Linh là loại “thuốc giấu”có tác dụng trị bệnh tật và bồi bổ cơ thể. Một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực dược học cổ truyền và từng gắn bó với cây sâm Ngọc Linh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận- Trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Nói đến vị trí của sâm Ngọc Linh trong kho tàng dược liệu của đất nước ta, đó là 1 cây thuốc hết sức quý và mang tính đặc hữu của đất nước mình. Nếu chúng ta có một kế sách phát triển hợp lý thì có thể nó không thua gì cây sâm Triều Tiên. Được phát hiện năm 1973, song sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do chưa được quản lý chặt chẽ và chưa có chính sách ưu đãi đặc thù nên sâm Ngọc Linh trong tự nhiên đã bị khai thác bừa bãi, ngày càng suy giảm, cạn kiệt , thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, sâm Ngọc Linh đã được đưa vào danh mục “sách đỏ” Việt Nam cấm khai thác. “Từ năm 2000 trở lại đây, Nhà nước đã có chủ trương tái nuôi trồng lại cây sâm này tại 2 tỉnh- Kon Tum và Quảng Nam, tuy vậy, tốc độ triển khai so với nhu cầu của xã hội vẫn còn chậm”- TS Luận cho biết.
Kết quả đầu tư bước đầu cho “ sản phẩm chủ lực”
Để tạo “bệ phóng” cho sâm Ngọc Linh, Tỉnh Kon Tum đã từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách; tạo điều kiện khôi phục, phát triển loại dược liệu quý hiếm. Tháng 7/2011, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03 –NQ/TU, trong đó, xác định sâm Ngọc Linh là một trong 9 sản phẩm chủ lực được đầu tư phát triển. Ngày 17/4/2013,UBND tỉnh ban hành Quyết định số 629, phê duyệt Quy hoạch Phát triển sâm kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, nâng cao đời sống nhân dân vùng quy hoạch.Tháng 9/ 20013, Dự án Bảo tồng và phát triển sâm Ngọc Linh của Kon Tum đến năm 2022 với tổng kinh phí 567 tỷ đồng được phê duyệt.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, việc khôi phục và phát triển sâm Ngọc Linh đạt kết quả ban đầu. Đã có 177 ha cây sâm Ngọc Linh được trồng. Trong số này, 140 ha thuộc quản lý của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh, gần 8 ha được trồng trong phạm vi Dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô. Bên cạnh đó, bước đầu, có khoảng 4 sào được huyện Tu Mơ Rông hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trồng theo quy mô hộ gia đình tại thôn Lạc Bông, xã Ngọc Lây. Bước đầu, Công ty TNHH Thái Hòa phối hợp với Viện Dược liệu triển khai 04 đề tài cấp nhà nước, trong đó, có Đề án Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh và Đề tài Nghiên cứu, phát triển trồng sâm Ngọc Linh ở một số khu vực có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh với quy mô trồng thử nghiệm 1ha sâm Ngọc linh và 4 ha trồng Hồng đẳng sâm tại huyện Kon Plông.
Cây sâm nhân giống vô tính - Ảnh Sở KH&CN Kon Tum
Theo quy hoạch, địa bàn phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum có tổng diện tích trên 31.700 ha, trong đó, vùng lõi có khả năng trồng gần 17.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Tu Mơ Rông. Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, mở rộng diện tích sâm Ngọc linh lên 500 ha, Dự án Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum định hướng đến năm 2022sẽ đạt từ 800- 1000 ha sâm. Tuy vậy, thực tế, khả năng thực hiện vẫn còn hạn hẹp. Đến nay, diện tích sâm mới đạt 35% chỉ tiêu Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đề ra. Ông Hà Hồng Duy- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định, cùng với cây cà phê xứ lạnh, một số cây dược liệu, mà chủ lực là sâm Ngọc Linh và Hồng đẳng sâm (sâm dây) đã được xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến nay, trên địa bàn, bước đầu hình thành được gần 170 hecta sâm Ngọc Linh và khoảng 10 hecta sâm dây. Tuy vậy, ngoại trừ 140 ha sâm Ngọc Linh thuộc sở hữu của doanh nghiệp, diện tích được người dân khôi phục còn rất khiêm tốn. Ngoài diện tích vườn sâm 140 ha được doanh nghiệp công bố vào năm 2011 sau 13 năm “bí mật” trồng, đến nay, tại địa bàn tỉnh, cũng chưa có thêm doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực này. Khả năng đầu tư cho hộ gia đình ở các xã phía bắc huyện Tu Mơ Rông cũng rất nhỏ lẻ, manh mún. Tại xã Măng Ri- Một trong số “ vùng sâm” trước đây, theo ông Lâm Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã, trong khi đã phát triển được 130 ha cà phê, 120 ha bời lời thì địa phương hiện cũng mới chỉ có 7 ha sâm dây và 2 ha sâm Ngọc Linh.
Để Sâm Ngọc Linh thực sự xứng đáng với vị trí của mình.
Sâm Ngọc Linh được thu hoạch sau 5-7 năm trồng trong điều kiện tự nhiên với những yêu cầu nhất định về giống và kỹ thuật. Việc đầu tư khôi phục và phát triển cây sâm Ngọc Linh phụ thuộc vào sự kết hợp và phát huy hiệu quả các giải pháp cụ thể và đồng bộ về cơ chế đất đai, lao động, vốn liếng, điều kiện kỹ thuật công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển rừng trong vùng quy hoạch… Trong đó, giải pháp về vốn và kỹ thuật công nghệ mang tính quyết định.
Với “ sức nóng” của sản phẩm sâm Ngọc Linh hiện nay, cây giống chính là vấn đề nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bảo tồn và phát triển loài cây dược liệu quý này.Ngoài phương pháp nhân giống truyền thống là gieo hạt và trồng củ ( trồng theo cách gieo hạt mất nhiều thời gian, trồng củ thì chi phí rất cao), nhân giống vô tính được xem là giải pháp tối ưu trong bối cảnh thực tế. Tuy vậy, sau khi Đề tài nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh do Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Tấn Nhựt -Viện phó Viện Sinh học Tây Nguyên làm chủ nhiệm kết thúc từ năm 2011, đến nay, tỉnh vẫn chưa có kết luận chính thức về khả năng có thể ứng dụng hay không kết quả nuôi cấy mô để nhân giống sâm tại địa bàn tỉnh.
Thực tế đặt ra vấn đề, cùng với quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, thì tập trung hoàn thiện Quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất sâm Ngọc Linh là yêu cầu rất quan trọng, cần sớm được đảm bảo. Đó, chính là cơ sở để thực hiện, nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia đối với loại dược liệu này cũng như góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương ./.