Kon Plông, điểm nhấn trên đường phát triển
- Thứ hai - 18/05/2015 14:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ðược ví như Ðà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên, song do cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn cho nên 9/9 xã của huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn còn nằm trong diện được hưởng Chương trình 135. Trong những năm qua, với những chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh Kon Tum, nhất là phát huy nội lực của địa phương, Kon Plông hôm nay từng bước chuyển mình, vươn lên thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.
Mở đường thoát nghèo
Cùng chúng tôi lên làm việc với huyện Kon Plông, anh đồng nghiệp cùng cơ quan kể lại, cách đây khoảng mười năm, mỗi đợt đi công tác phải mất cả tuần mới vào được huyện, nếu vào xã chỉ có cách đi bộ, men theo ruộng lúa đi hết cả tháng. Xuất phát điểm từ ngày đầu thành lập, Kon Plông là một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh. Người dân quanh năm chỉ biết làm rẫy, lúa nước vẫn khá xa lạ, cách gieo trồng chọc tỉa phụ thuộc vào thời tiết... Giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa các xã vùng sâu, vùng xa huyện Kon Plông gần giống ốc đảo.
Ðột phá khi "làn gió mới" từ chính sách, chương trình, dự án của Ðảng, Nhà nước được triển khai xuống các thôn, bản đã bước đầu phát huy hiệu quả. Trong năm năm qua, tất cả các xã trong huyện đều có đường ô-tô đến được trung tâm, bất kể các mùa; các con đường huyết mạch được bê-tông hóa, nhựa hóa cứ dần nối các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn như Ðác Rinh, Ðác Nên, Măng Bút, Măng Cành... đã lại gần hơn với đô thị. Khi có đường thì nông sản của bà con trong thôn vận chuyển thuận lợi ra xã, ra huyện, hàng hóa được thông thương. Cùng với đó, hàng loạt các công trình như điện, trạm y tế, thủy lợi cũng theo đường đến gần với người dân... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kon Plông giảm từ hơn 68% năm 2010 xuống 31,15% năm 2014. "Xác định để giúp dân thoát nghèo, đưa cây, con mới vào trồng trọt, chăn nuôi thì việc trước tiên phải xây dựng cơ sở hạ tầng đường liên thôn, liên xã. Chính vì vậy, chính quyền các cấp huyện đặt quyết tâm đầu tư làm đường để "nối" buôn làng với ấm no", Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Ðức Tín nhấn mạnh.
Thôn Kon Leng 1, xã Ðắc Long thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn, trước đây giao thông đi lại cách trở mỗi khi mùa mưa đến gần làm cho đời sống 36 hộ dân (100% số dân là dân tộc MNông) lâm cảnh đói nghèo. Ðời sống đồng bào MNông thật sự "đổi thay" từ khi được địa phương triển khai Chương trình 135, 30a... hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật, đầu tư 800 m đường bê-tông (hơn 1,4 tỷ đồng) chạy qua thôn đã giúp cho người dân nơi đây tiếp cận cách làm ăn, nuôi trồng, nhất là xóa bỏ tính ỷ lại, chờ trợ cấp của Nhà nước.
Anh Nun, Phó trưởng thôn Kon Leng 1 cho biết: Từ khi Nhà nước làm điện, làm đường chạy qua thôn giúp cho giao thương thuận lợi nên đến nay thôn có 46 ha lúa nước, nuôi được hàng trăm con heo, bò... Hiện cả thôn chỉ còn sáu hộ nghèo, nhiều hộ có ti-vi, xe máy, của ăn của để.
Ðột phá thế mạnh, tiềm năng
Một điều khá đặc biệt, dẫu Kon Plông vẫn còn thuộc diện một trong 62 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 31,15%, song huyện đã được tỉnh Kon Tum chọn là một trong ba vùng kinh tế động lực, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 21,71% năm 2015.
Ðể có được điều này chắc phải có cơ sở. Trước hết, xuất phát từ tiềm năng riêng của vùng đất với địa thế trung tâm Kon Plông và vùng sinh thái quốc gia Măng Ðen nằm trên quốc lộ 24, cách TP Kon Tum khoảng 50 km. Nơi đây có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nhiệt độ tại Kon Plông mát mẻ quanh năm; thiên nhiên ưu đãi, nhất là thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng giá trị cao... Ngoài ra vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh với hệ thống sông, suối, thác nước đẹp đã đưa vào sử dụng như thác Pa Sỹ, hồ Ðắc Ke, Toong Ðam; đặc biệt Khu du lịch sinh thái Măng Ðen phù hợp du lịch dã ngoại... Ðây là tiềm năng thuận lợi để Kon Plông trở thành trung tâm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Ðể đánh thức tiềm năng, huyện Kon Plông đã có nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng, mở cửa thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhiều dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh, cá nước lạnh... Trong thu hút đầu tư của huyện, nổi bật nhất Dự án nông trại hữu cơ của Hàn Quốc; dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn Vinamilk; Ðề án trồng cây cà-phê xứ lạnh trên địa bàn bốn xã (Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút, Ðắc Long) với tổng diện tích đến cuối năm 2015 đạt hơn 500 ha. Ðặc biệt huyện tập trung xây dựng chương trình riêng để đưa con cá tầm trở thành sản phẩm giúp người dân thoát nghèo. Cùng với cây lúa nước truyền thống, người dân đã thành công xây dựng thương hiệu Kon Plông với nhiều loại cây trồng, nông sản khác nhau, như ly, lan, dâu tây, đồng tiền, nấm, vang sim, sâm dây, gạo đỏ bắt đầu cung cấp cho thị trường, có chỗ đứng trên địa bàn và vươn ra các tỉnh ở Tây Nguyên.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Nguyễn Văn Lân cho biết: Một trong những điểm nhấn trong hành trình chuyển mình phát triển của Kon Plông chính là năm 2013, Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng sinh thái quốc gia Măng Ðen theo đó, vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Ðen có quy mô hơn 138 nghìn ha, bao gồm gần toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện... Cuối năm 2014, số dự án được thu hút vào huyện Kon Plông là 77 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 17 nghìn tỷ đồng... Ðây chính là cơ hội để vùng du lịch sinh thái Măng Ðen - Kon Plông ngày càng được nhiều người biết đến.