Kon Tum đừng để mất lợi thế “sân nhà”
- Chủ nhật - 27/09/2015 19:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế giữa các quốc gia hiện nay, người ta thường nói tới thuật ngữ “sân nhà”. Hiểu một cách nôm na: nói “sân nhà” là nói đến thị trường nội địa, nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước.
Với các doanh nghiệp trong nước, “sân nhà” là thị trường có nhiều lợi thế với họ, do: điều kiện sản xuất, kinh doanh tại chỗ, sản phẩm hàng hóa tiêu thụ tại chỗ, giảm được khá nhiều chi phí lưu thông... Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng thụ hưởng một số chính sách ưu đãi nhất định của nhà nước như đầu tư, vay vốn, bảo hộ... Chưa kể, các doanh nghiệp trong nước có ưu thế đặc biệt khi nắm khá rõ tâm lý, thị hiếu của người dân bản địa để cho ra những sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng mà không cần phải tốn nhiều chi phí, thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.
Sức sống mới bên dòng Đak Blah
Trong khi đó, ở giai đoạn ban đầu của hội nhập, hàng hóa ngoại nhập còn đang gặp khá nhiều bất lợi về rào cản về thuế, kiểm định hải quan cũng như về chi phí lưu thông..., nên sức cạnh tranh vào thị trường nội địa sẽ có những bất lợi, đặc biệt là về giá cả.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước đều biết những lợi thế của mình cũng chỉ là sự nhất thời mà thôi. Bởi, hiện nay các quốc gia trong khối cộng đồng kinh tế ASEAN đang ráo riết xúc tiến cho việc hội nhập sâu ngày một rõ nét hơn. Theo đó, đối với lĩnh vực thị trường sản xuất hàng hóa sẽ ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt. Và, “sân nhà” sẽ không còn là “ưu thế” đối với nhiều doanh nghiệp trong nước nữa. Những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, mẫu mã, chất lượng hàng hóa không cao, thương hiệu không uy tín sẽ có nguy cơ bị phá sản.
Thử góc nhìn hẹp hơn, trong phạm vi một địa phương - đơn cử như tỉnh Kon Tum. Khi chúng ta nói đến khái niệm “sân nhà” là đồng nghĩa nói tới những sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh đang lưu thông trên thị trường nội tỉnh. Như phân tích ở trên, “sân nhà” là một lợi thế, tuy nhiên, trên thực tế thì thế mạnh này đối với nhiều doanh nghiệp của tỉnh cũng chưa được phát huy nhiều.
Sức sống mới bên dòng Đak Blah
Hiện tại, nếu làm một cuộc khảo sát tại các nhà hàng, siêu thị, chợ hay các trung tâm mua bán nội tỉnh, thì sản phẩm hàng hóa được sản xuất và mang thương hiệu của địa phương hầu như còn rất khiêm tốn. Sự “khiêm tốn” này không chỉ về mặt số lượng, chủng loại, thương hiệu mà mẫu mã của các sản phẩm cũng ít bắt mắt hơn so với nhiều hàng hóa của các tỉnh bạn. Trong khi đó, nhìn vào tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thì cơ hội không phải là không có. Đơn cử như chúng ta có nhiều sản phẩm thế mạnh từ rừng, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... mà không phải tỉnh nào cũng có được lợi thế đó. Đánh giá đúng mức thì các mặt hàng có thương hiệu, có tính cạnh tranh ví như cà phê Đăk Hà, rượu sâm Ngọc Linh, rượu sim Măng Đen... bước đầu đã có thương hiệu trên thị trường. Được người tiêu dùng quan tâm, nhưng thực tế cho thấy số lượng chưa nhiều, chưa vươn xa đến các địa phương trong cả nước. Một số sản phẩm khác như tiêu rừng, măng rừng, gạo lứt Măng Đen, một số dược liệu như cốt toái bổ, sơn tra, sâm dây, chuối hột rừng... bước đầu đã có mẫu mã, tên hiệu được bày bán trên thị trường nội tỉnh, nhưng hình thức chưa bắt mắt, chưa thu hút được nhiều khách hàng.
Mới đây, trên Báo Kon Tum (số ra ngày 7/9) có bài viết tiêu đề: “Rượu cần từ làng ra phố”. Khi đọc bài báo này, có lẽ chúng ta buồn nhiều hơn vui. Buồn vì một sản phẩm truyền thống được nhiều người ưa chuộng của địa phương là rượu cần, lại không có“chỗ đứng” ngay tại “sân nhà”. Trong khi đó, sản phẩm mang thương hiệu của rượu cần Tây Nguyên bày bán ở siêu thị (Vinatex Kon Tum) lại là sản phẩm của tỉnh Đăk Lăk. Bài báo nêu nguyên nhân: Chỉ vì thiếu yếu tố chỉ dẫn nguồn gốc, nhãn mác... trong khi những chi tiết này lại vô cùng cần thiết đối với người bán và người mua. Cho nên rượu cần Kon Tum đành chịu thua thiệt.
Qua một số đơn cử nêu trên, thiết nghĩ cũng là những gợi ý nhỏ đối với các doanh nghiệp của tỉnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong việc quảng bá các thương hiệu sản phẩm mang tính đặc trưng ở mỗi vùng, miền của tỉnh. Vẫn biết, hiện tại có không ít doanh nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính, là những rào cản không nhỏ trong việc hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết để mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, chế biến. Song bù lại, các doanh nghiệp của tỉnh cũng có nhiều lợi thế từ các cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh; có lợi thế trong việc đầu tư cho sản xuất, thu mua các sản phẩm tại địa bàn...
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây đó chính là sự tự thân, năng động của các doanh nghiệp. Việc nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao tính cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, đó chính là sự sống còn của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Việc chiếm lĩnh được thị trường “sân nhà” sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp đứng vững. Là cơ sở để các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Kon Tum vươn tầm xa hơn ra thị trường ngoại tỉnh.