Ngược đỉnh Ngọc Linh và khát vọng phát triển cây sâm
- Thứ tư - 22/04/2015 12:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, một đoàn hơn 50 người tổ chức cuộc hành trình lên đỉnh Ngọc Linh mây mù che phủ để có cái nhìn tổng thể, thực tế về một dự án trồng sâm “khủng” với khát vọng từ đói nghèo vươn lên giàu có...
Đoàn khảo sát do Chủ tịch huyện Nam Trà My (Quảng Nam) Hồ Quang Bửu dẫn đầu, gồm các thành phần: công an, quân đội, kiểm lâm, doanh nghiệp, y tế… Trong đó, chuyên gia dược liệu Nguyễn Đức Nghĩa sẽ giúp nhận biết các loài cây thuốc khác có thể hiện diện bên cạnh cây thuốc quý là sâm Ngọc Linh, hay còn gọi là sâm K5, sâm Việt Nam.
Cuộc đi cam go
Lúc 7 giờ sáng, đoàn khảo sát lên đường. Mọi người mang theo lương thực, nước uống, soong nồi, tăng võng, cuốc xẻng, la bàn, thuốc men, có cả 1 khẩu AK… Khởi hành bằng xe ô tô, nhưng chỉ vài tiếng sau, hầu hết tất cả phải xuống đi bộ, đến điểm tập kết đầu tiên là một làng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ có 1 chiếc xe Uoat cũ kỹ đưa được 4 - 5 người đến tận nơi khi vượt qua khoảng 3km đường trồi sụt sống râu và ổ gà. Lúc này, đoàn có thêm sự tham gia của một số trai làng lực lưỡng.
Sau khi nghỉ ngơi, ăn uống xong, đoàn tiếp tục lội bộ, hướng đỉnh Ngọc Linh. Đến 16g 30, đoàn đến độ cao 1.800m. Tất cả hạ trại, chuẩn bị cơm nước và nghỉ nghơi. Do độ cao nên cơm nấu không được chín. Tuy vậy, do đi bộ cả ngày trời, mọi người rất đói nên cơm dù sống vẫn không đủ; một số người phải ăn tạm mì tôm. Ăn xong, mọi người chuẩn bị tăng võng để nghỉ ngơi. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa nhận thấy ở đây xuất hiện nhiều cây thấy quý, như: đơn răng cưa, mua trắng…; nhiều loại rêu lạ mắt vô cùng đẹp. Trời vừa sập tối thì mưa rừng ào ạt đổ xuống, vừa ướt át, vừa lạnh (dưới 150C). Đặc biệt, rừng nguyên sinh với những cổ thụ có thân hình đủ kiểu, tạo cảnh kỳ dị, rùng rợn. Tuy nhiên, mọi người cũng ráng ngủ để ngày mai chinh phục đỉnh Ngọc Linh cao vút, 2.598m.
Treo cờ Tổ quốc trên đỉnh Ngọc Linh
Sáng hôm sau, cả đoàn đi lên đỉnh. Đến khoảng 4 - 5 giờ chiều thì lên gần đỉnh núi. Tuy nhiên, do trời mưa quá lớn mọi người phải tụt lại một vài trăm mét để cắm trại, nghỉ ngơi ăn uống, để sáng mai tiếp tục chinh phục đỉnh và làm lễ thượng cờ. Càng lên cao, trời càng rét căm căm. Mọi người tuy mệt nhưng khó ngủ phần vì trời giá lạnh, phần ẩm ướt, rồi lũ vắt rừng tấn công, có người bị vắt cắn máu đỏ lòm cả lưng.
Sáng sớm, mọi người lên đỉnh Ngọc Linh. Tất cả hân hoan chứng kiến ông Hồ Quang Bửu leo lên cây thông cổ thụ, treo lá cờ tổ quốc, như để minh chứng quyết tâm của mọi người, vượt gian khó chinh chục đỉnh Ngọc Linh (trước đó chỉ một vài người dân địa phương lên đến đỉnh), quyết tâm vượt nghèo khó, thoát nghèo và làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh, hay còn gọi là sâm Việt Nam có chất lượng không tua sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… nếu như không muốn nói là tốt hơn. Lên đến đỉnh đã có người bị trẹo chân (sau đó có người bị ngất xỉu), ai cũng mệt rã rời dù hầu hết ai cũng đang khỏe, một số người có kinh nghiệm đi rừng; nhiều người tập luyện chuẩn bị thể lực trước hàng tháng trời… Điều an ủi là cuối cùng đoàn cũng đã tìm được một số củ sâm rừng, số ít ỏi còn tồn tại nơi hoang dã sau nhiều năm bị săn lùng ráo riết.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết: “Qua khảo sát đo đạc cho thấy đất vùng núi Ngọc Linh rất tốt, thảm thực vật phong phú, độ mùn dày. Diện tích có độ cao thích hợp để trồng sâm (từ 1.200 - 2.400m) là khoảng 12.000ha, còn vùng đệm để trồng những dược liệu và cây trồng khác khoảng 24.000 ha”.
Khát vọng phát triển rừng sâm
Chủ tịch huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu (bên trái) và lương y Nguyễn Đức Nghĩa
Nam Trà My là một huyện thuộc loại nghèo nhất nước. Bao đời nay, dù cố nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng đồng bào các dân tộc anh em ở đây. Những năm gần đây, khi sâm Ngọc Linh được các nhà nghiên cứu khẳng định là có giá trị phòng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe rất cao, dược liệu này trở nên đắt đỏ với hàng chục triệu đồng/kilôgam. Cùng với đó là nạn săn lùng khai thác đến cạn kiệt. Ông Bửu cho biết: “Hiện 90% sâm Ngọc Linh trên thị trường là giả”. Gần đây, Quảng Nam nhận thấy tiềm năng rất lớn về phát triển cây thuốc quý này ở Nam Trà My (cùng với vài địa phương thuộc tỉnh Kon Tum) và lập dự án về bảo tồn, phát triển nó với quy mô lớn, kèm theo khát vọng: đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu sâm đứng thứ hai trên thế giới, sau Hàn Quốc, doanh thu hàng năm đạt vài tỉ đô la Mỹ. Để đạt được kế hoạch này, Quảng Nam và Kon Tum sẽ trồng khoảng 30.000ha sâm Ngọc Linh cho sản lượng 500 - 1.000 tấn sâm/năm.
Trước hết, tỉnh sẽ duy trì những vườn nhân sâm ít ỏi sẵn có để bảo vệ nguồn gen quý, tạo cây giống để nhân giống. Vì giống sâm Ngọc Linh sống ở dưới tán rừng có độ che phủ lên đến 80% nên phải trồng lại rừng với quy mô lớn. Có rừng, còn phải tạo hệ thống đường vào tận nơi vùng đất trồng sâm… Song song đó là kêu gọi các nhà đầu tư về nuôi trồng, chế biến, kinh doanh sâm. Trong dự án trồng sâm này, còn có kế hoạch phát triển du lịch thám hiểm các đỉnh núi, tham quan vườn dược liệu…
Hoa đỗ quyên khoe sắc chốn rừng hoang
Chưa hết, dự án còn nhìn xa hơn là việc nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh đến vùng đất thích hợp khác trong cả nước để cùng thoát nghèo, làm giàu.
Khát vọng to lớn đó đã được khởi động qua nhiều thao tác cụ thể, trong đó có việc những người dân của Nam Trà My, của Quảng Nam và ở những địa phương khác cùng vượt chặng đường dài, lên đỉnh Ngọc Linh như đã nói ở trên. Để rồi một ngày nào đó, người dân Việt Nam được hưởng lợi: giữ gìn sức khỏe từ loại dược liệu quý này và nhiều người, nhiều gia đình, địa phương trở nên giàu có.