Nước sâm hảo hạng được làm từ nước lã và đường hóa học
- Thứ ba - 15/09/2015 13:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giá thành rẻ, mùi vị lại dễ uống nên khá nhiều người đã sử dụng loại nước uống này mà không biết những nguy cơ tiềm ẩn.
Sau khi mua hơn chục chai nước sâm lạnh (loại 330ml) được người bán quảng cáo là nước sâm hảo hạng ngay trước cổng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai về dùng thì ông Nguyễn Khánh Phúc đau bụng mấy ngày liền vì nước sâm này chỉ làm bằng nước lã và đường hóa học.
Một vốn 10 lời
Vào những ngày nắng nóng, các quán cóc vỉa hè hay trên những xe nước đẩy quanh địa bàn Đồng Nai hay Tp. Hồ Chí Minh luôn tấp nập khách mua nước sâm lạnh được quảng cáo rất rầm rộ là uống vào sẽ giải nhiệt cơ thể và tăng cường sức lực. Bình quân giá bán từ 8-12 ngàn đồng/chai loại 330ml.
Chúng tôi ghé vào hỏi thăm một xe nước sâm lạnh bán dạo trước cổng trường Đại học Lạc Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai) thì thấy rất nhiều khách hàng là sinh viên và công nhân vào mua loại nước sâm lạnh này. Những chai nước sâm không có nhãn mác và được làm thủ công.
Người chủ hàng tên Vy cho biết: “Nước sâm này là tự chế biến, không phải của công ty nên không cần phải có nhãn mác, uống vào là biết vì mùi vị dễ chịu và mát ngọt. Mấy ngày nắng nóng bán chạy lắm. Có đồng nghiệp của tôi chỉ bán sâm lạnh này ở trước các cổng khu công nghiệp của Đồng Nai mà kiếm lời nhiều hơn cả làm kinh doanh quán cơm đấy”.
Tiếp tục tới khu vực trước cổng Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) chúng tôi mới thật sự thấy mức lời từ việc kinh doanh loại nước sâm lạnh này. Tại một quầy sâm lạnh, ngay đối diện với cổng Khu công nghiệp, chỉ trong vài tiếng đồng hồ thời điểm công nhân tan tầm, đã có tới trên 60 khách hàng xếp hàng để mua nước sâm lạnh.
Ông Bình, sửa chữa xe máy cạnh quầy bán sâm lạnh này cho biết: “Họ tự chế biến lấy thôi, không có làm theo quy trình nào cả đâu. Cứ sáng sớm tinh mơ hàng ngày lại thấy có người chở đến cả bao tải vỏ chai để họ chế nước sâm vào và bán cho công nhân”.
Trước cổng khu công nghiệp Nhơn Trạch cũng vậy, tấp nập người bán nước sâm lạnh nhưng vẫn đắt hàng. Chị Hải, một người bán nước sâm lạnh ở đây đã lâu cho biết: “Được cái thời tiết ở khu vực này hầu như quanh năm đầu có thể bán được nước sâm lạnh. Vừa mát vừa ngọt nên công nhân họ thích lắm. Có ngày bán được vài trăm chai ấy, hết là lại chế biến được ngay”.
Người bán sâm lạnh này còn thật thà cho biết trước kia đi bán hàng trái cây nhưng rủi ro từ trái cây cao hơn vì nếu không bán được mà ế thì trái cây hay bị hỏng nếu để qua vài ngày, nhưng bán loại nước này thì cứ hết đến đâu là pha chế được ra đến đấy. Đơn giản như cách pha một ly nước chanh, chẳng cần phải đầu tư nên không có rủi ro nào cả. Thao thao nói về việc chế biến nước sâm nhưng khi chúng tôi hỏi cặn kẽ và muốn xem chị chế biến thì người bán nước này xua tay từ chối ngay.
Hảo hạng nhờ hương liệu và đường hóa học
Quanh khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai) lượng người bán nước sâm lạnh hảo hạng cũng khá đông đúc. Đông đúc là thế nhưng bán bao nhiêu đều có người mua hết bấy nhiêu vì ở khu công nghiệp này có đến hàng chục ngàn công nhân làm việc, đặc biệt là các công việc tiêu hao sức lực nhiều nên lựa chọn của họ đối với loại nước sâm lạnh này lại càng nhiều hơn.
Ngay tại sạp chuyên bán nước sâm lạnh phía bên phải cổng khu công nghiệp sau khi bán hết mấy thùng xốp chứa hàng trăm chai nước sâm, người chủ quán này bước vào bên trong tiếp chục pha chế. Trong một bình nước lã chừng hơn 10 lít, chủ quán này bắt đầu chế thêm đường và một loại hương liệu màu vào, sau đó đóng vào chai và lại tiếp tục bỏ vào thùng xốp đá để ướp và bán cho công nhân. Nhiều quán bán xe đẩy khác cũng có cách làm tương tự.
Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này cho biết: “Chúng tôi ở đây nhưng không dám dùng, chủ yếu bán cho công nhân và người vãng lai qua đường mà thôi. Nước uống gì mà chẳng có nhãn mác, không biết sâm gì mà họ tự làm hết”.
Một buổi sáng sớm, chúng tôi quyết theo chân một số chủ bán nước sâm lạnh trước cổng khu công nghiệp Long Thành thì họ tiến thẳng đến chợ Kim Biên, Tp. Hồ Chí Minh, trước tiên vào các sạp bán đường hóa học mua loại đường đặc biệt sau đó chuyển qua các quầy bán hương liệu.
Ông Linh, một chủ quầy bán hương liệu lớn nhất chợ Kim Biên sau khi hỏi han chúng tôi xem có muốn kinh doanh nước sâm lạnh thật sự hay không thì cho biết: “Nước dừa hay trái dừa giờ không mấy người mua nữa rồi. Thịnh hành nhất đó là nước sâm lạnh. Mỗi ngày có đến mấy chục chủ quán, chủ quầy bán nước sâm lạnh trên địa bàn Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh túa về chợ này mua hương liệu và đường hóa học để làm nước sâm lạnh. Loại đường hóa học ở đây 1kg thôi là có thể chế được vài chục chai nước sâm lạnh hảo hạng rồi”.
Loại đường hóa học được các quầy bán sâm lạnh mua về chế biến.
Chủ quán này cùng các chủ sạp hàng trong chợ giới thiệu những loại dung dịch hương liệu đủ màu sắc được đựng trong can nhựa từ 1 lít đến vài chục lít không ghi nhãn mác, địa chỉ sản xuất cũng như hạn sử dụng.
Một chủ quầy bán hương liệu giải thích với chúng tôi rằng 100gam hương liệu màu này chế vào 20 lít nước lã cộng với 2kg đường hóa học là có trên 50 chai nước sâm lạnh hảo hạng loại trên 300ml rồi. Gần đây ngày càng có nhiều người ưa dùng loại nước sâm lạnh nên các loại hương liệu màu, mang mùi vị của các loại sâm được nhiều chủ quán bán hương liệu ở chợ Kim Biên tấp nập nhập về.
Thấy chúng tôi vân vê mãi một lọ hương liệu màu làm sâm lạnh, chị Hải, một người chuyên bán sâm lạnh ở Đồng Nai cho biết: “Chế biến dễ ợt à, cứ bán đi, lời lắm. Chỉ cần bỏ hương liệu và đường hóa học vào nước trắng quấy đều lên là xong. Muốn ngọt, màu sắc đậm thì cho nhiều đường, nhiều hương liệu, muốn nhạt thì cho ít.
Hồi mới đến Đồng Nai xoay sở đủ kiểu cũng không ăn thua, bán quần áo rồi đến giày dép, vậy nhưng bây giờ nhờ những “đồng nghiệp” chỉ cho bí quyết ra chợ Kim Biên tìm mua hương liệu về pha chế nước sâm, nên công việc nhanh hơn, trôi chảy hơn, tự mình làm được tất”.
Rất dễ dàng để mua hương liệu làm sâm lạnh ở chợ Kim Biên.
Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm Lê Huy Hùng thì việc sử dụng nước sâm lạnh trôi nổi rất nguy hại. Một số loại đường hóa học ở chợ Kim Biên có tác hại nhất định đến cơ thể con người.
Nếu thai phụ thường xuyên sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ gây kích thích niêm mạc đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa và trở ngại cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời có thể gây hại tới chức năng thận. Đối với người bình thường sẽ tích tụ và gây nên bệnh tá tràng và một số bệnh lý thông thường khác.
Bên cạnh đó chức năng thải độc của gan, thận cũng sẽ bị suy giảm theo vì tác hại của các loại đường hóa học này. Cùng với đó, một số hương liệu để chế biến nước sâm lạnh thường chứa axit photphoric và phốt phat - loại chất làm tăng nguy cơ loãng xương. Khi phốt phát được bài tiết trong nước tiểu, nó sẽ lấy đi canxi, khiến xương cũng như cơ thể thiếu canxi.