Sâm rởm trong “thánh địa” Ngọc Linh
- Thứ hai - 31/08/2015 00:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mặc dù tìm sâm Ngọc Linh được cho là còn khó hơn tìm kỳ nam, song trên thị trường vẫn rao bán tràn lan loại dược liệu quý hiếm này.
Thật giả lẫn lộn
Cuối năm 2014, một người bạn từ Hà Nội gọi điện cho PV Báo Giao thông nhờ mua giúp một ký sâm Ngọc Linh. Thông qua nhiều mối liên hệ, chúng tôi gặp một người tên Thanh (TP Kon Tum), một mối được quảng cáo là “tin tưởng” vì có người nói rằng Thanh có bạn làm ở thủ phủ sâm Ngọc Linh (xã Măng Ri, Tu Mơ Rông, Kon Tum). Sau gần một tiếng “chém gió”, Thanh đã đưa ra nhiều bằng chứng để khiến tôi phải gật đầu đồng ý mua 1 ký củ sâm 10 năm tuổi, giá 40 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mang về nhà một đồng nghiệp để khoe thì bạn trợn mắt nói: “Thôi chết, anh bị lừa rồi. Sâm thật giờ làm gì còn nữa”. Tá hỏa, tôi vội điện thoại lại cho Thanh thì không thể liên hệ được nữa…
Đồng cảm với tình cảnh của tôi, anh Nguyễn Văn Nhật (37 tuổi, thị trấn Đắk Hà, Kon Tum) chia sẻ, anh vừa tìm hiểu trên mạng, thấy sâm Ngọc Linh được bán phổ biến 37-45 triệu đồng/kg. Tin tưởng vào những loại giấy chứng nhận đăng công khai, anh Nhật đã mua sâm về bồi dưỡng cho người thân bị ốm “thập tử nhất sinh”, nhưng hiệu quả chẳng thấy đâu!
Để ngọn ngành thật giả, chúng tôi tìm đến Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum (thuộc Công ty Duy Tân, trụ sở đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Kon Tum). Anh Nguyễn Đình Hồng, người có thâm niên 15 năm trồng sâm Ngọc Linh tại vườn sâm núi Ngọc Linh cho biết: “Hiện nay thị trường rất hiếm sâm Ngọc Linh thật. Được rao bán chủ yếu là giống sâm xuất xứ từ Trung Quốc. Bởi vì giống sâm trên địa bàn núi Ngọc Linh chỉ có công ty chúng tôi và Trung tâm Sâm Ngọc Linh (thuộc công ty MTV lâm nghiệp Đắk Tô) trồng và nhân giống. Mọi quy trình nhân giống, trồng đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Và hiện nay cả hai cơ sở này đều chưa bán sản phẩm ra thị trường”.
Tìm sâm khó tựa kỳ nam
Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nằm cách trung tâm TP Kon Tum khoảng 100 km. Toàn xã có 6 làng của người đồng bào dân tộc Xê Đăng, nằm gọn trong thung lũng được bao quanh bởi hệ thống các ngọn núi thuộc dãy núi Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh thật
Những ngày cuối tháng 8, trong cái hơi lạnh hòa với sương mù đặc quánh ở thung lũng, chúng tôi tìm về Măng Ri. Thấy những người khách lạ hỏi về sâm Ngọc Linh, nhiều người dân đã chỉ những hàng quán cho chúng tôi để tìm hiểu. A Thanh, một người quen của tôi căn dặn: “Chỗ này là vùng sâm, nhưng chỉ là sâm dây (Hồng Đẳng sâm) thôi, không có sâm rừng nữa đâu. Nếu có thì chỉ là sâm trồng của bà con thôi, nhưng cũng hiếm lắm”. A Thanh tiếp tục cảnh báo: “Sâm giả đã tràn về tận TP Kon Tum và nhiều nơi khác rồi. Có khi để đánh lừa người mua, họ đem lên đây trồng xen vào sâm rừng cũng nên…”.
Trong ký ức của những người già ở vùng núi Ngọc Linh thì khoảng 15 năm trước sâm rất nhiều. Thế nhưng loại dược liệu quý này đã ngày một cạn kiệt vì sự lùng sục của người dân bản địa. Chúng tôi tìm đến ông A Tôn- trưởng thôn Chung Tam, ông kể: “Khoảng hơn 15 năm về trước, sâm Ngọc Linh rừng lũ khũ (nhiều lắm). Có chuyến đi rừng, cha mình lấy được cả bao tải về để đun nước uống cho khỏe người. Sâm rừng nhiều đến nỗi gần như nhà nào cũng có vài bao lớn phơi khô để trong nhà”.
Ông Nguyễn Thành Long, nguyên Ủy viên thư ký kiêm Chánh văn phòng huyện Đắk Tô (năm 1978) kể lại rằng, ngày trước sâm Ngọc Linh được gọi là sâm Khu 5 có rất nhiều ở Măng Ri: “Nhiều lần mình vào trong các làng nằm dưới chân núi công tác. Khách quý được người dân biếu sâm như một món quà đầy tình nghĩa. Còn nếu mua thì chỉ 10 đồng một mũ cối đầy sâm khô”.
Củ sâm Ngọc Linh giả
Anh Nguyễn Văn Chiến (quê Nam Trực, Nam Định), người chuyên bán các loại sâm ở Măng Ri nói với chúng tôi: “Quán anh không có sâm Ngọc Linh, chỉ có sâm dây thôi. Các quán khác ở đây cũng vậy. Trước đây thỉnh thoảng có người đi rừng kiếm được sâm về mang ra bán nhưng giờ thì cả năm không mua được, nếu có thì chỉ một vài củ nhỏ bằng ngón tay”. Cũng theo anh Chiến, do người dân thấy giá trị của sâm quá lớn nên đã đổ xô vào rừng tìm đến mức cạn kiệt. Đến nỗi, “sâm rừng Ngọc Linh bây giờ tìm khó hơn cả kỳ nam”.
Làm giàu từ trồng sâm
Hiện tại, toàn huyện Tu Mơ Rông đã quy hoạch trên 5 nghìn ha rừng gồm vùng đệm, vùng trồng sâm Ngọc Linh. Diện tích trồng được 178,8 ha sâm Ngọc Linh. Trong đó của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô 7,84 ha, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum khoảng 169 ha, số còn lại của một số hộ dân tự trồng. Ngoài sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện Đắk Tô phát triển trồng mới cây Hồng Đẳng Sâm thêm khoảng 25 ha, bằng nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp 30a.
Một lãnh đạo của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đã xin chủ trương của tỉnh Kon Tum được trồng và nhân giống sâm Ngọc Linh. Việc trồng loại sâm quý hiếm này đã giúp tạo công ăn việc làm cho trên 300 lao động là người dân tộc thiểu số ở xã Măng Ri. Ngoài nuôi ăn, mỗi lao động được hưởng lương hàng tháng tới 3 triệu đồng. Các công nhân được trang bị bảo hộ, áo quần, một số được cấp bảo hiểm xã hội theo quy định nhà nước. Việc tạo công ăn việc làm đã giúp cho đời sống của người dân ngày một nâng cao…”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, dự kiến trong thời gian tới Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum sẽ xin cấp phép thủ tục và đưa vào hoạt động của nhà máy tinh chất sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Ngoài giống sâm Ngọc Linh, người dân các xã Măng Ri, Ngọc Lây, Tên Xăng (Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã biết gieo trồng sâm dây. Hiện trên thị trường, mỗi kg sâm dây tươi có giá bán 70-100 nghìn/kg và khoảng 500 nghìn/kg sâm dây khô. Sâm dây có thể trồng xen kẽ cùng các loại cây khác nên một diện tích có thể trồng hai loại cây. Sâm dây được trồng bằng hạt hoặc củ, rất dễ trồng, thời gian từ lúc trồng tới khi thu hoạch khoảng ba năm. Đặc biệt, sâm dây không có mùa, có thể thu hoạch bất cứ khi nào. Người dân còn thu hái quả sâm dây để bán cho Phòng nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông làm giống.