Sâm dây kon tum, sâm dây ngọc linh, đẳng sâm, đảng sâm, hồng đẳng sâm, chuối hột rừng, táo mèo, đương quy, mật ong rừng, ngũ vị tử, măng khô, tiêu rừng, khổ qua rừng, đảng sâm kon tum, sâm rừng, sâm đất, sâm ngọc linh, lan kim tuyến

https://samtuoingoclinh.com


Theo dấu sâm Ngọc Linh trên đỉnh đèo Măng-rơi

Quăng mình lên đỉnh đèo Măng-rơi, chúng tôi chìm trong mớ xúc cảm hỗn độn. Choáng ngợp trước khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thâm u. Ớn lạnh trước những cung đường tử thần đã ngoằn ngoèo lại dựng đứng, trơn trượt.
Đường lên Măng-rơi.
Trĩu nặng ưu tư trước rất nhiều hình ảnh bà con tộc người Xê-đăng sống ở nơi rừng vàng, nơi có nhiều loại dược liệu quý nhưng vẫn cứ quần quật với manh áo, miếng cơm...
 
Măng-rơi là cửa ngõ dẫn vào vùng sâm Ngọc Linh. Nơi này là địa phận giáp ranh giữa 2 huyện Đắk Tô và Tu-mơ-rông của tỉnh Kon Tum. Bầm dập chinh phục Măng-rơi, mới thấy thương cho vùng đất trong quá khứ từng được ví là “Vương quốc Xê-đăng” hùng mạnh ngổn ngang nhiều dấu lặng. Không như lời rao của cánh dân buôn, ở Măng-rơi, chúng tôi chẳng tìm thấy củ sâm Ngọc Linh nào? Chỉ thấy nhiều, rất nhiều đứa trẻ lem luốc lầm lũi trong gió trong sương với đôi chân... to bè, bê bết sình đất và lắm khi tóe máu đang vật lộn với miếng cơm manh áo!
 
1. Thật không may, bây giờ đang là mùa mưa trên đất Tây Nguyên nên hành trình đến với Măng-rơi của chúng tôi khá khó khăn. Từ trung tâm huyện Đắk Tô - cách Sài Gòn gần 700km - muốn vào vùng sâm Ngọc Linh, nhất định phải đi qua tỉnh lộ 676 vượt đèo Măng-rơi. Con xe Min-khơ của anh chàng A Lâm dù đã được đôn dzên, xoáy nòng vậy mà khi giáp mặt với Măng-rơi, đã phải nhiều lần "bò", lắm lúc phải chựng lại với những đoạn đèo dốc  đứng!
A Lâm là người Xê-đăng, nguyên quán tại xã Tê Xăng, là một xã xa xôi cách trở của huyện Tu-mơ-rông. A Lâm lấy vợ là người Cadong ở xã Bờ Y của huyện Ngọc Hồi, và hiện sinh sống tại thị trấn Đắk Tô. Gần 3 năm trước, trên hành trình đi theo dấu sâm Ngọc Linh từ rừng xuống phố, tôi gặp A Lâm tại một quán nước ở gần Hạt Kiểm lâm huyện Tu-mơ-rông.
 
Bận ấy, A Lâm cho biết có người quen ở thành phố Pleiku nhờ tìm sâm Ngọc Linh chính hiệu núi rừng Tu-mơ-rông để hỗ trợ điều trị ung thư bao tử. A Lâm nhận lời ủy thác, mất hơn tuần lễ về quê nhà nhờ cả làng kiếm tìm với cam kết "mua đúng giá thị trường" nhưng chẳng tìm được củ sâm Ngọc Linh nào. Chiến lợi phẩm mà anh thu hoạch được trong chuyến đi bận ấy là mấy ký sâm dây mà cách đây không lâu, Chuyên đề ANTG đã từng có bài viết phản ánh về nạn đầu nậu dược liệu sau khi gom sâm tại rừng, xuất ngược sang Trung Quốc quay ly tâm tách lấy chất rồi đẩy xác sâm về lại sinh quán của nó...
 
Bận ấy, nội dung cuộc chuyện trò với A Lâm, đến bây giờ tôi nhớ rõ mồn một. Tôi nhớ khi được hỏi thăm, A Lâm thật tình từ trước đến giờ chưa từng gặp củ sâm Ngọc Linh nào. "Sâm Ngọc Linh họ rao bán nhiều nhưng người mình quen không tin tưởng. Chỉ thích sâm rừng thôi, giá cao bao nhiêu họ cũng mua. Họ năn nỉ mình quá thì mình đi tìm giúp thôi. Mình nhờ bà con anh em họ hàng đi tìm, rồi đặt người làng đi tìm nhưng chẳng ai kiếm được" - A Lâm, trò chuyện.
 
Bận ấy, khi được tôi kể cho nghe thông tin rằng ở Ngok Linh (hay Ngọc Linh cũng vậy) sâm Ngọc Linh hiếm chứ ở Sài Gòn nhiều lắm, ai muốn mua bao nhiêu cũng có, A Lâm ôm bụng cười khùng khục. Giọng Kinh lơ lớ, anh chàng người Xê-đăng nhắc lại rằng, vì không tin những người rao bán sâm Ngọc Linh trôi nổi nên người quen ở Pleiku mới nhờ anh đích thân kiếm tìm: “Tìm cầu may thôi. Đây là vùng sâm Ngọc Linh mà tìm không có, thì sao ở phố có được. Củ gì đó, không phải sâm Ngọc Linh đâu" - A Lâm, khẳng định.
 
Tôi hỏi củ gì đó là củ gì? A Lâm bảo đó là củ gáy hay còn gọi củ ráy. Củ này theo A Lâm có độc tính rất cao. Uống vào gây ngứa, phù mình, nôn ói. A Lâm bảo trong rừng có rất nhiều củ gáy. Muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Củ gáy rất giống sâm Ngọc Linh, giống như hai giọt nước. Thân chia thành từng mắt như đốt trúc. Củ gáy độc nhưng qua "tài nghệ" hô biến của dân buôn, nó sẽ biến thành sâm Ngọc Linh trị giá hàng chục triệu đồng mà ai đó khi sử dụng đều không ngớt lời khen... rất hiệu quả!
 
A Lâm không biết phương thức xử lý, hô biến thứ củ gáy có độc thành sâm Ngọc Linh như thế nào. Anh chàng này chỉ biết vì củ gáy có độc nên người Xê-đăng chẳng dùng làm thực phẩm, thuốc thang. Vậy nhưng không hiểu sao nhiều người là dân buôn dược liệu sẵn sàng mua cái thứ củ độc này, mua với giá chỉ vài chục ngàn 1kg? Cứ cho là 1 kg củ gáy lúc cao điểm trên dưới 200.000 đồng, sau khi được phù phép mông má thành sâm Ngọc Linh được bán với giá thấp nhất 30 triệu đồng/kg, mới thấy lợi nhuận của việc kinh doanh cái gọi là sâm Ngọc Linh "dỏm" cho thu nhập khủng như thế nào...
Tu mơ rông Kon Tum
Những đứa trẻ người Xê-đăng nhem nhuốc giữa mênh mông rừng già.
2. Mươi ngày trước thời điểm tôi quyết định đến Kon Tum theo luồng sâm Ngọc Linh, tôi nhận được thông tin từ một bạn đọc rằng chị đang có ý mua 1kg sâm Ngọc Linh với giá 50 triệu đồng từ một người là luật sư, và là trưởng một  đoàn từ thiện rất có tiếng ở TP HCM: "Anh ấy không mua bán sâm Ngọc Linh em ạ. Anh ấy đưa đoàn đến khám bệnh, tặng quà cho bà con nghèo ở vùng sâm Ngọc Linh, nhờ đó có quen biết với những người dân tộc chuyên đi rừng tìm sâm Ngọc Linh. Biết sâm Ngọc Linh là sâm quý, nên anh ấy tình nguyện là cầu nối giữa những người dân tộc ấy với ai cần có sâm Ngọc Linh để chữa bệnh, tẩm bổ  mà thôi. Ai cần thì ới anh ấy, anh ấy sẽ đặt những người dân tộc đi lấy, có anh ấy sẽ nhắn".
Từ câu chuyện của chị nọ, tôi đã tìm hiểu và ban đầu biết được danh tính vị luật sư là trưởng đoàn từ thiện nọ. Anh ta đúng là có "lấy giùm" thứ được gọi là sâm Ngọc Linh cho nhiều người. Nhưng những thứ củ được gọi là sâm Ngọc Linh ấy có đúng là sâm Ngọc Linh hay không, rồi một số người tung hô trên trang mạng xã hội của đoàn từ thiện do anh ta phụ trách rằng "sâm dùng tốt lắm" liệu có thực sự khách quan hay không, chuyện hậu xét. Tôi chỉ biết rằng khi được chị nọ cho biết có người trong đoàn từ thiện từng nhờ anh kia lấy giùm "sâm Ngọc Linh" tiết lộ có củ sâm quý ấy được tìm thấy từ núi Măng-rơi, tôi thấy ngộ nên tìm đến "hiện trường" tìm hiểu!
 
Trước khi đến Măng-rơi, tôi alô hỏi A Lâm có biết gì về thông tin trên, A Lâm bảo: "Chuyện lạ không tin được". Thấy tôi hơi bị "máu", can không được nên A Lâm bảo khi nào tôi đến Đắk Tô, muốn đến Măng-rơi thì lấy con chiến mã chuyên đi rừng đi núi của A Lâm mà đi. "A Lâm đi xa rồi, không đi với bạn được" - A Lâm, chân tình giải thích!
 
Không có A Lâm đi cùng, thú thật tôi hơi thất vọng vì trước đó, bên cạnh mục đích tìm hiểu liệu có đúng Măng-rơi có sâm Ngọc Linh hay không, tôi còn có ý muốn được “tận mục sở thị” thứ củ gáy có độc chất được dân kinh doanh ba trợn dùng làm sâm Ngọc Linh dỏm? Không có thổ địa đưa đường và làm bạn đồng hành, đơn thân độc mã vào chốn thâm u, heo hút với nhiều bất trắc hiểm nguy đến từ nhiều mối họa mà dân sơn tràng thường nói "cây đổ, đá đè, hổ vồ, trăn siết, phỉ giết, lũ vây" thì hơi bị oải!
tu mơ rông kon tum
Để có được những sản vật quý này, nhiều đứa trẻ phải bán mạng giữa rừng sâu.
3. Trở lại hành trình chinh phục đèo Măng-rơi. Đèo chỉ dài 10km, nhưng cũng khiến những tay lái lụa... dè chừng. Theo ngôn ngữ của người Xê-Đăng, Măng-rơi hiểu theo tiếng Kinh là đỉnh núi nằm trên khe nước. Cũng có thể hiểu đấy là đỉnh núi có nhiều khe nước. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Dọc dài đường lên Măng-rơi, tôi nhiều bận dừng xe. Và khi ở lưng chừng đèo, khi ở cột mốc giáp ranh bên Đắk Tô - bên Tu-mơ-rông, tôi quăng xe vào một lùm bụi, từ đó dấn bước, theo bóng dáng những người Xê-đăng tìm sâm Ngọc Linh. Ở đây, từ những cụ già đến đứa trẻ, ai cũng có đôi chân thoăn thoắt không biết mỏi mệt của loài linh dương. Tôi theo họ, với hy vọng tìm được manh mối của những củ sâm Ngọc Linh được gắn với nhiều cái nhất thế giới: Quý nhất thế giới, hiếm nhất thế giới, đắt nhất thế giới...!
 
Tại Măng-rơi, trong tiếng gió hú đến rợn người và những cơn mưa rừng xối xả..., hỏi thăm nhiều người Xê-đăng, tôi chẳng thu hoạch được thông tin gì về những củ sâm đắt quý nhất thế giới. "Măng-rơi không có sâm Ngọc Linh đâu. Măng-rơi chỉ có sâm dây thôi" - từ người trẻ đến người già, ai cũng có cùng câu trả lời ấy.
 
- Có người nói tìm thấy sâm Ngọc Linh ở Măng-rơi mà. Ông già biết sâm Ngọc Linh không?
 
- Sâm quý mà, bán được nhiều tiền lắm, sao không biết được. Nhưng không có đâu. Có là ông già biết rồi...
 
Đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa tôi với già làng A Nhen, 78 tuổi, lúc tôi gặp ông bên cột mốc chỉ dẫn lộ trình dẫn vào Tu-mơ-rông. Sau này, tôi gặp ông Nguyễn Tấn Bảng, Chủ tịch UBND xã Đắk Xú của huyện Ngọc Hồi, người từng có thời gian công tác ở vùng Ngọc Linh, ông Bảng cho biết ông chưa từng nghe nói Măng-rơi có sâm Ngọc Linh. Đó rõ là tin thất thiệt. Ông A Phen, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Tu-mơ-rông, cũng có cùng câu trả lời ấy!
 
Trên đỉnh đèo Măng-rơi, không gặp được sâm Ngọc Linh, bù lại tôi được tận mắt nhìn thấy những củ sâm dây được nhiều đứa trẻ người Xơ-đăng lem luốc bày bán ở lưng chừng đèo. Nhìn bọn trẻ ngồi thu lu trong miếng nylon quấn kín che mưa bày vài củ sâm, đọt măng, những bó rau rừng cùng các loại nấm rừng mà các em phải vất vả lắm, “bán mạng” mới có được chờ kẻ lại người qua mua, thấy mà thương quá đỗi! Không được "cồ" như loại sâm dây của một doanh nghiệp ở Lâm Đồng trồng và xuất bán trong siêu thị với giá gần 2 triệu đồng/kg (sâm tươi, loại 3 năm tuổi cỡ ngón tay cái người lớn - PV), sâm dây bày bán ở đây eo ỏng, gầy guộc nhưng rắn chắc. Gọi là "bán mạng" bởi mùa mưa đi rừng rất nguy hiểm. Nguy cơ bị cây đổ, đá đè, lũ cuốn, rắn cắn... có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
 
Lúc này đây tôi chỉ biết hòa mình với những người Xê-đăng lớn bé, hòa trong nhịp sống giữa rừng già thâm u với họ để lắng nghe nhiều câu chuyện buồn đến nao lòng. Chuyện buồn về những bà mẹ Xê-đăng mắn đẻ với cả chục đứa con, con nhiều nuôi không nổi nên để bọn trẻ mới dăm bảy tuổi đầu phải vào rừng tìm rau củ, sâm, nấm đổi gạo. Chuyện buồn về những cánh rừng ngày trước đầy sâm nhưng nay chẳng còn gì, muốn tìm được sâm người ta phải vào tận rừng sâu, phải đánh đổi tính mạng... nhưng chỉ được dăm bảy củ, cái sự khó khổ thì đâu vẫn hoàn đó!
 
Trong gió mưa khắc nghiệt, chôn chân với những nhóm trẻ Xê-đăng ở lưng chừng đèo Măng-rơi, xót làm sao khi tôi biết được có những thời điểm, dân buôn chỉ việc đổi trả chai nước mắm chưa được mươi ngàn lấy củ sâm khủng mà khi về đến chốn thị thành ngay lập tức có giá trên tiền triệu!
 
Mới hơn 2 giờ chiều mà không gian trên đỉnh Măng-rơi đã mù mịt. Mưa tuôn xối xả. Tôi bắt chước những người Xơ-đăng trùm bạt nylon che mưa, ngồi bó gối thu lu bên mớ sản vật đến từ rừng già chờ người mua... Nếu được đưa về thành phố, qua tay dân buôn, những sản vật này sẽ có giá gấp trăm lần giá trị thực tại. Tiếc rằng chẳng có cầu nối nào để giúp cải thiện thu nhập cho người dân nơi đây. Thông tin mà tôi nắm được cho biết sâm quý, nấm quý rồi sẽ được dân buôn thu gom, cung cấp cho các ông trùm để xuất ngược sang Trung Quốc. Trong quy trình đó, các ông trùm càng thêm giàu có. Còn những người Xơ-đăng tôi gặp hôm nay, vì "cuộc chơi", cuộc sống của họ phụ thuộc vào các đầu nậu, giá bán thảo dược quý phụ thuộc vào các đầu nậu, nên họ chẳng dám tơ tưởng gì... Nên với nhiều người lớn và những đứa trẻ Xê-đăng tôi gặp hôm nay, chỉ no cái bụng thôi đã là mơ ước!
 
Thương quá, Măng-rơi, ơi!
sâm dây kon tum

Tác giả bài viết: Theo An Ninh Thế Giới

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây