Ai cũng có một vị “thần y” trong cơ thể mình
Khi con gái đầu lòng của chúng tôi tròn 1 tuổi, sau một chuyến về thăm quê vào dịp hè năm ấy, khi trở lại Hà nội cháu bị đợt ốm kéo dài hàng tháng liền. Triệu chứng đầu tiên là cháu bị sốt và ho kèm đờm. Chúng tôi lập tức đưa con tới phòng khám nhi, và bác sỹ kết luận cháu bị viêm phế quản cấp do thay đổi thời tiết, và kê cho cháu một đơn thuốc kháng sinh.
Sau 7 ngày dùng kháng sinh, cháu hết đờm và giảm ho, tuy nhiên vẫn sốt ở mức 38-39 độ, và thường sốt nhiều vào buổi chiều. Chúng tôi lại đưa con đi khám lại, và bác sỹ lại tiếp tục kê thêm thuốc, chuyển hết loại kháng sinh này sang loại kháng sinh khác. Tuần tiếp tuần trôi qua, mặc dù vẫn dùng đều các loại thuốc bác sỹ đã kê, nhưng cháu vẫn không giảm sốt…
Trong quá trình đó vì quá lo lắng, chúng tôi lần lượt đưa con đến hầu hết các bác sỹ nhi khoa có tên tuổi ở Hà Nội để khám cho cháu. Và mỗi bác sỹ lại đổi sang một loại kháng sinh mới, cứ thế… Tôi thấy không yên tâm với cách điều trị này, nên có mang sổ y bạ của cháu tới tham vấn một bác sỹ trẻ ở gần nhà. Sau khi xem y bạ ghi lại các lần khám và các loại thuốc mà cháu đã và đang dùng, anh cho biết những bác sỹ đã khám cho cháu đều là có danh tiếng, trong đó có giáo sư chuyên khoa nhi, từng là thầy dạy trước đây. Sau đó anh nói thêm: “Nếu cháu là con tôi, thì tôi sẽ ngừng tất cả các loại thuốc”.
Lúc đó tôi chưa hiểu tại sao anh nói vậy, nhưng vì quá xót con còn nhỏ mà đã phải uống quá nhiều loại thuốc một thời gian dài như vậy, chúng tôi quyết định dừng, không cho cháu uống thêm thuốc nào nữa. Sau 4 ngày, cháu hết hẳn sốt và sức khỏe từ từ hồi phục trở lại hoàn toàn bình thường. Qua trải nghiệm này, chúng tôi rút ra một bài học, việc lạm dụng thuốc tân dược, đặc biệt thuốc kháng sinh sẽ làm cho cơ thể càng thêm suy nhược, và bệnh càng không khỏi. Sau này tìm hiểu thêm, chúng tôi mới được biết, cơ thể con người vốn có khả năng tự thân chữa bệnh lên tới 60-70% tỷ lệ trục trặc và bệnh tật.
Trương Huyền – một học giả chuyên nghiên cứu về bách khoa sức khỏe (ở Trung Quốc) cho biết con người bẩm sinh đã có khả năng tự chữa bệnh, cho phép duy trì thể trạng khỏe mạnh, và hệ thống này được liên tục tái tạo qua thời gian. Mặc dù chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được ngôn ngữ của cơ thể, nhưng cơ thể tự nhiên có thể hiểu đúng ý và chính xác tình trạng sức khỏe của con người. Vì thế, miễn là không can thiệp và làm hỏng hành vi bình thường của cơ thể, bạn có thể tận dụng lợi thế “quyền năng” tự chữa lành để ngăn ngừa bệnh tật.
Quan niệm hiện đại với nhiều phương thức chữa trị tiên tiến khiến con người quên dần khả năng tự miễn dịch của cơ thể. Lâu dần, con người cũng không còn đánh giá đúng năng lực này. Việc dùng thuốc chữa bệnh đã trở nên quen thuộc, tất yếu, bỏ qua khả năng tự chữa bệnh “quyền lực” nhất của cơ thể. Thực tế, việc sử dụng thuốc hay phẫu thuật chỉ là cách ức chế hoặc trì hoãn cơn bệnh. Cơ thể là một thể tuần hoàn. Việc chữa trị nên là đưa cơ thể về gần sát nhất với trạng thái tuần hoàn như đã có.
Muốn thay đổi sức khỏe, cần thay đổi lối sống
20 năm trước, ở tuổi 25-30, trừ vấn đề viêm họng mãn tính, tôi luôn nghĩ rằng sức khỏe của mình là bình thường. Còn trẻ nên có nhiều tham vọng, tôi lao vào công việc, làm việc và làm việc…
Cho đến một ngày, ở nơi tôi làm (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) bắt buộc nhân viên phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại bệnh viện quốc tế Việt-Pháp. Sau một lần kiểm tra, tôi thực sự bị ‘sốc’ khi nhận kết quả về tình trạng sức khỏe của mình. Cùng với tình trạng tăng cân ‘không phanh’ trong vài năm gần đó, một loạt các chỉ số sinh hoá của tôi, như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, men gan và axit uric,.. đều cao vượt ngưỡng. Cơ thể của tôi đã ở giai đoạn đầu của các ‘bệnh rối loạn chuyển hoá’ như cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, gout… Người ta gọi đó là những ‘bệnh của thời hiện đại’, hay còn gọi là ‘bệnh nhà giàu’. Hầu như ai đã mắc những căn bệnh này đều phải dùng thuốc trọn đời!
Thì ra các bệnh rối loạn chuyển hoá này đã ‘lặng lẽ’ đến trong cơ thể của tôi từ lúc nào mà căn nguyên của nó chính là do lối sống và sinh hoạt mất cân bằng. Làm kinh doanh ở Việt nam thường gắn liền với việc tiếp khách, tôi thường ‘nhậu nhiều hơn ăn’, rất ít vận động và hay bị căng thẳng do áp lực công việc… Tôi dừng lại và tự hỏi, mang trong mình một loạt căn bệnh mạn tính, thì những tiện nghi vật chất mà tôi đã mất nhiều năm để tạo ra, còn có ý nghĩa gì không? Với tình trạng sức khỏe như vậy, làm sao tôi có thể làm tốt vai trò trụ cột của một người đàn ông trong gia đình? Cuộc sống của tôi tuy không thiếu về vật chất nhưng lại thiếu về sức khỏe, vậy thì cuộc sống ấy thực chất là thế nào?
Tôi nhận ra rằng, mình cần phải giảm cân, phải thay đổi sức khỏe khi mọi việc chưa trở nên quá muộn. Sau này nhìn lại, đây là một trong những quyết định đúng đắn và may mắn nhất của tôi.
‘Hãy chăm sóc cơ thể của bạn, bởi đó mới là nơi cuộc sống của bạn thực sự diễn ra.” – Jim Rohn, triết gia người Mỹ
Qua trải nghiệm chữa bệnh cho con gái mình, tôi đã hiểu được dùng thuốc không phải là giải pháp tốt. Thay vì chạy theo thuốc, cần đánh thức vị ‘thần y’ ở bên trong cơ thể, để giúp cơ thể tự điều chỉnh, tự chữa bệnh. Tôi chủ động tìm đến các liệu pháp ‘chăm sóc sức khỏe chủ động’, như là các phương pháp tự tập luyện (chạy bộ, tập gym, bơi,..), đồng thời kết hợp dùng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung (food supplements)… Chỉ sau một thời gian ngắn, sức khỏe của tôi bắt đầu có sự cải thiện, các chỉ số chuyển hoá dần dần trở lại bình thường. Trong quá trình đó, tôi cũng chia tay với các thói quen xấu có hại cho sức khỏe. Thực ra có được một lối sống cân bằng hơn và chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn, đó mới là điều có ý nghĩa nhất.
Trong suốt 15 năm qua, trừ khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc tới nha khoa để làm vệ sinh răng, tôi đã không còn phải tới ‘thăm bác sỹ’ như trước đây nữa. Và cũng hơn 15 năm đó, tôi đã không phải dùng tới 1 viên thuốc kháng sinh nào.
Qua trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy điều mấu chốt để có một sức khỏe tốt là cần phải chủ động chăm sóc sức khỏe của mình thông qua chế độ ăn uống và vận động (không đợi có bệnh rồi mới chữa). Và điều quan trọng nhất là xây dựng cho mình một lối sống cân bằng và sinh hoạt lành mạnh, điều đó sẽ ở lại cùng với sức khỏe của bạn theo năm tháng.
‘Dưỡng sinh’ không tách rời ‘dưỡng tính’
“Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật.” – Tổ chức Y tế Thế giới
‘Sức khỏe thể chất’ của tôi đã được cải thiện rất nhiều sau việc chuyển cách thức chăm sóc sức khỏe từ bị động (chữa bệnh) sang chủ động (phòng bệnh), cùng với việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, xét về mặt ‘sức khỏe tinh thần’ hay là sự ‘bình an nội tâm’ thì tôi lại chưa đạt được. Mỗi khi có áp lực hay mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, công việc tôi đều rất khó vượt qua. Tôi tự nhận thấy mình thiếu khả năng kiềm chế bản thân, dễ bị phiền muộn và căng thẳng (stress). Có những giai đoạn còn xuất hiện hiện tượng mất ngủ kéo dài… Điều đó nói lên rằng cách thức chăm sóc sức khỏe của mình còn có chỗ chưa hoàn thiện, còn có phần khuyết…!?
Hippocartes, cha đẻ của y học phương Tây, từng nói: “Lỗi lầm lớn nhất của các Y sĩ là cố gắng chữa trị Thể Xác mà không chữa trị Tinh thần, trong khi Tinh Thần và Thể Xác của một con người chỉ là một mà thôi.”
Tiếp tục tìm hiểu, tôi được biết theo Đông Y cổ truyền, dưỡng sinh còn bao gồm các vấn đề dưỡng tính và dưỡng đức. Sức khỏe và tuổi thọ không chỉ liên quan đến tới các hoạt động sinh lý trong cơ thể con người. Con người còn là một phần tử của tự nhiên và Vũ trụ, để đạt được trạng thái sức khỏe tối ưu, sự thoải mái cả thể chất và tinh thần (Tâm & Thân), thì cần có sự kết nối và hoà hợp với tự nhiên.
Trên thực tế, khi những kích thích tinh thần và phản ứng quá mạnh hoặc quá lâu dài, thì bệnh tật có thể phát sinh. Ví dụ: Quá vui thì hại “tâm”, tức giận thì hại “can”, nghĩ ngợi quá nhiều làm hại “tỳ”, u buồn thì hại “phế”, sợ hãi thì hại “thận”… Bởi vậy, người xưa từng khuyên: “dưỡng sinh không bằng dưỡng tính”.
Bác sỹ người Nhật, Hinorama, hưởng thọ 105 tuổi, từng chia sẻ: “Năng lượng đến từ cảm xúc tích cực, chứ không phải do ăn ngon, ngủ nhiều”. Từ nhận thức này, tôi tìm đến với khí công và thiền định. Vì nhiều lý do khác nhau, một số người còn e ngại với môn khí công, nhưng nếu thực sự tìm hiểu, khí công đơn giản là ‘tu luyện’, tức là tu tâm tính và luyện thân thể. Thật kỳ diệu, chỉ sau một thời gian ngắn tu luyện, tôi đã cảm nhận được nguồn năng lượng mới bên trong cơ thể, cùng với trạng thái tinh thần và tâm tính của mình đã có sự thay đổi rất rõ rệt, theo chiều hướng tích cực. Ngay cả những người thân xung quanh cũng ngạc nhiên về sự thay đổi trong tâm tính của tôi.
Với những gì học hỏi và trải nghiệm trên ‘hành trình tìm lại sức khỏe’, đã giúp tôi NGỘ được rằng ‘tạo hoá sinh ra con người là không có bệnh’. Có bệnh là một trạng thái không đúng đắn, do mất cân bằng của lối sống, và tâm tính dựa trên những chuẩn mực đạo đức không phù hợp. Bởi vậy, muốn thay đổi sức khỏe cần bắt đầu từ việc thay đổi lối sống, đề cao các giá trị đạo đức và tinh thần của bản thân…
Tôi thường chia sẻ với các bạn của mình, nếu muốn thay đổi cuộc sống hãy bắt đầu bằng việc thay đổi sức khỏe, và ai cũng có thể tự thay đổi được sức khỏe của mình. Bởi vì, ‘mọi việc bắt đầu chính mình!’