Câu chuyện về nhà thờ gỗ Kon Tum bắt đầu từ những tư liệu kể về những năm đầu thế kỷ 20, khi linh mục Giuse Decrouille được giao cai quản xứ đạo Kon Tum. Vào năm 1913, ông quyết định xây dựng ngôi nhà thờ lớn với vật liệu là gỗ cà chít còn được gọi là sến đỏ, sến mủ, sến cát. Công việc xây dựng nhà thờ kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất. Cái tên nhà thờ gỗ cũng bởi toàn bộ nhà thờ đều làm bằng gỗ, chủ yếu gỗ cà chít, đã từng mọc nhiều trong những cánh rừng tại Tây nguyên. Nơi đây hiện nay vẫn được dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum.
Khuôn viên nhà thờ gỗ Kon Tum rộng, với nhiều thảm cỏ xanh bao quanh, hàng cây, vườn hoa, những dãy nhà bao quanh nhà thờ chính. Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Nhà thờ gỗ Kon Tum là tổng hòa kiến trúc theo cả phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu. Cổng chính vào nhà thờ làm theo hình vòng cung, trên nóc có một tháp lớn, mái nhọn. 2 bên là dãy hành lang dài và sâu chạy dọc theo nhà thờ. Theo những người dân địa phương, công trình này được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Những bức tường của nhà thờ đều được xây bằng vữa trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống vẫn thấy khi qua các tỉnh miền Trung. Hành lang lát gỗ rộng chừng 2m, những hàng cột gỗ không chạm khắc tỉ mỉ, màu mè mà giữ nguyên khối, giản dị với những đường nét phóng khoáng đậm chất Tây nguyên.
Nhà thờ gỗ Kon Tum hơn 100 tuổi.
Giáo đường rộng thênh thang, những dãy ghế dài cùng màu với màu tường, màu mái khiến không gian càng trở nên sâu và trầm mặc. Những cửa sổ bằng kính có vẽ hình những nhân vật trong Kinh thánh. Cung thánh được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ít người nhưng đan xen với những nét kiến trúc truyền thống của nhà thờ Công giáo phương Tây với những khung cửa kính màu, vẽ các điển tích trong Kinh thánh khiến nơi đây vẫn mang đầy đủ cảm giác vừa gần gũi mà vẫn thiêng liêng, trang trọng. Trong nhà thờ có trang trí những đồ vật do đồng bào dân tộc ít người làm như những vòng treo, màn, khăn trải thổ cẩm… mang nhiều màu sắc rực rỡ.
Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với 2 hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng 2 của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ 19, gồm nhiều hiện vật, bút tích… của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn.
Ngoài ra, tại đây còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc. Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái cao, bức tượng Đức Mẹ 2 tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây nguyên. Chiếc thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, các tượng thánh bằng gốc rễ cây rừng làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn.
Giáo đường bên trong nhà thờ gỗ Kon Tum.
Không phải ngẫu nhiên chỉ cần tìm kiếm thông tin du lịch về Kon Tum, một trong những nơi du khách nên đến là nhà thờ gỗ độc đáo. Mỗi thời điểm trong năm đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum, mỗi người cũng sẽ chứng kiến được cho mình một điều gì để lưu lại. Vào dịp lễ Giáng sinh, hàng ngàn giáo dân đủ mọi dân tộc tìm đến nhà thờ, họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải có khi cả tuần để tham dự lễ. Đó là những ngày nhà thờ có những phiên chợ náo nhiệt, đầy sức sống. Cảnh mua bán tấp nập với rất nhiều sản phẩm thủ công từ các buôn làng đem theo bày bán. Nếu vào độ tháng giêng, hai, khi mùa hoa đào đậu nở, trên đường tới nhà thờ du khách sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường đầy hoa, bừng lên sức sống mới cho nơi này. Nếu đến vào một ngày lễ, nơi đây vang tiếng kinh giảng bài và những bài thánh ca. Vào một ngày bình thường nào đó, vẫn thấy những hàng ghế 2 bên hông nhà thờ đều đều tiếng giáo dân cầu nguyện, có khi lại có các em học sinh ôn bài học tập.
Ngày nắng, màu gỗ đỏ như càng thêm rạng rỡ dưới nền trời xanh thẳm. Còn nếu tới nơi này đúng khi cơn mưa bất chợt đến, những cơn mưa vô cớ vẫn thường thấy ở miền cao này, người khách trú mưa ngồi dưới những bậc thềm lát gỗ hay tìm một chỗ ngồi trong giáo đường sẽ thấy mình nhỏ bé giữa không gian đại ngàn cao rộng nhưng vẫn thấy được cảm giác bình yên, thanh thản khi xung quanh nghe tiếng đọc kinh đều đều hòa với tiếng mưa. Cũng có khi giáo đường yên bình, tĩnh lặng khiến ta bước đi nghe thấy cả tiếng chân mình, tiếng lòng mình. Đêm về, tản bộ lang thang trong thành phố nhỏ, ngắm nhà thờ gỗ Kon Tum trong những ánh đèn mờ tỏ, giữa tĩnh mịch của không gian lại càng cảm nhận rõ hơn vẻ uy nghi và thiêng liêng của nó sau cả một thế kỷ vẫn vững vàng trước những thử thách của thiên nhiên và thời gian.