Kon Tum: 100 năm lịch sử và phát triển, Sức sống mới bên dòng Đak Blah

Chủ nhật - 27/09/2015 19:23
Sau hơn 3 năm được chính thức công nhận là đô thị loại III, TP. Kon Tum ngày càng khẳng định vị thế là một đô thị phát triển năng động khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức bật của thành phố trẻ đã và đang làm thay đổi từng ngày bộ mặt một đô thị đẹp nằm uốn mình bên dòng Đak Blah.
Một góc Kon Tum bình yên
Một góc Kon Tum bình yên
Một Kon Tum cổ kính và hiện đại
 
Nếu con sông Hàn góp mình làm nên dáng dấp của thành phố biển Đà Nẵng năng động bậc nhất miền Trung thì với thành phố trẻ Kon Tum, dòng Đak Blah cũng có thể ví von như là một “sông Hàn” của riêng mình. Biết rằng, phép so sánh ấy dẫu còn quá nhiều khập khiễng song xét dưới góc độ nào đó, nó cũng có sự hợp lý. Và, nếu như dòng Hàn giang đem lại những nguồn lợi lớn cho TP. Đà Nẵng trong việc khai thác hệ thống cảng sông trong việc giao thương thì dòng Đak Blah lại là bầu nước mát, đem đến sức sống cho những cánh đồng, bản làng người Xơ đăng, Bahnar, Jrai, Jẻ Triêng… đã bao đời gắn bó và làm nên một “Làng Hồ” 100 năm tuổi.
 
Kon Tum có những nét riêng mà chẳng dễ nơi nào có được. Xen lẫn giữa một đô thị năng động và hiện đại với những cung đường rộng mở rợp bóng cây xanh, những mái nhà cao tầng, hệ thống các công trình xây dựng mang đầy hơi thở và dấu ấn kiến trúc của thế kỷ XXI, TP. Kon Tum còn lưu giữ trong mình những nét chấm phá duyên dáng và ấn tượng bởi những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn xưa: Nhà thờ gỗ, Tòa giám mục Kon Tum, chùa Bác Ái, nhà rông của người Bahnar…
nhà thờ gỗ kon tum
Nét kiến trúc độc đáo tại nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Giác
Giống như nhiều đô thị khác trên mảnh đất Tây Nguyên, trong quá trình xâm lược, người Pháp-dân tộc vốn nổi danh thế giới về khả năng cảm quan và tư duy về mặt kiến trúc-đã xây dựng Kon Tum thành một khu trung tâm hành chính ở Tây Nguyên. Các nhà truyền đạo Pháp cũng có mặt tại Kon Tum từ rất sớm. Nhà thờ gỗ Kon Tum, Tòa Giám mục Kon Tum là những điểm đến thú vị bậc nhất của thành phố này được xây dựng bắt nguồn từ những lý do đó.
 
Nhà thờ gỗ Kon Tum được xây dựng từ năm 1913, hoàn thành vào năm 1918. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Bahnar. Điểm độc đáo của công trình kiến trúc gần tròn trăm năm tuổi này chính là, nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người Kinh từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ miền Bắc. Tương tự như Nhà thờ gỗ, Tòa Giám mục Kon Tum là một công trình kiến trúc Phương Tây kết hợp với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống, được thành lập vào năm 1935. Trước 1975, đây là nơi đào tạo giáo sĩ cho giáo phận. Tòa Giám mục là một thế giới tĩnh lặng, lưu trữ những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo của vùng đất Kon Tum. Những công trình kiến trúc cổ xưa này thực sự là điểm nhấn thú vị cho bất cứ ai khi đặt chân tới viếng thăm.
sông dak blah
Dòng sông Đak Blah. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhân sự kiện Kon Tum chào đón tuổi 100, TP. Kon Tum lại được chào đón thêm những công trình mới, tô điểm cho thành phố trẻ thơ mộng và yên bình: Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Công viên giọt nước Đak Blah… Cổ kính xen lẫn một cách hài hòa trong tổng thể một đô thị trẻ, đẹp và năng động, TP. Kon Tum xứng đáng là đô thị trung tâm của địa phương sở hữu đường biên giáp liền với hai nước láng giềng anh em Lào và Camphuchia.
 
Đô thị trẻ vươn mình
 
Gia Lai và Kon Tum vốn là hai tỉnh anh em, mặc dù tính đến năm 2013, Kom Tum đã chào đón sinh nhật lần thứ 100 của mình còn Pleiku-Gia Lai mới đón sinh nhật lần thứ 80 vào hồi tháng 5 năm ngoái. Chịu sự tác động bởi các biến cố, việc sáp nhập, chia tách tỉnh nên hôm nay, trong suy nghĩ của nhiều người, Kon Tum vẫn là “em” bởi được tách ra từ tỉnh Gia Lai-Kon Tum năm 1991.
 
Tuy “mang tiếng” là trung tâm hành chính-văn hóa-xã hội của tỉnh Kon Tum, song sau khi chia tách, TP. Kon Tum vẫn không thể tránh khỏi đối mặt với muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn. Sau hơn 20 năm chia tách thành tỉnh độc lập, Kon Tum nói chung và TP. Kon Tum nói riêng đã và đang có những bước phát triển vượt bậc, trưởng thành về mọi mặt. Theo thống kê, năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Kon Tum đạt 16,68%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: ngành công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 43,64%, thương mại-dịch vụ chiếm 43,57%, nông nghiệp chiếm 12,79%; Thương mại, dịch vụ phát triển ổn định; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,76%. Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa tiếp tục được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng an  ninh và trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững…
thành phố kon tum
TP. Kon Tum chỉnh trang đô thị chuẩn bị chào mừng 100 năm thành lập. Ảnh: Nguyễn Giác
Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc là minh chứng rõ nét cho những con số này. Là một trong những người sống và gắn bó với mảnh đất Kon Tum trải dài qua hai thời kỳ khác biệt “chiến” và “bình”, ông Trần Duyên (61 tuổi) ở tổ 7, phường Duy Tân-TP. Kon Tum, nhận định rằng: “Kon Tum hôm nay khác lắm chứ! Đổi thay nhiều lắm chứ! Làm sao có thể nói hết về sự đổi thay này…”. Ông cho biết, là một người con xứ Nghệ, từng là người lính tham gia chiến đấu tại C1-Trung đoàn 9-Sư đoàn 968, chiến đấu tại mặt trận Lào, rồi kéo về tham gia chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh suốt từ Buôn Mê Thuột, Cheo Reo, Tuy Hòa, Sài Gòn… Sau khi chiến tranh chấm dứt, như một duyên nợ với Kon Tum, ông quay trở lại nơi này và xây dựng cho mình một tổ ấm hạnh phúc. Kon Tum-nơi ông từng đổ máu cũng chính là nơi hạnh phúc của cuộc đời ông được ươm mầm…
 
Chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỷ. Những vùng đất máu ngày nào, từ Đak Tô-Tân Cảnh, Đak Pét, cho đến Măng Đen, Măng Buk, Măng Cành… những con người yêu quê hương, yêu cuộc sống đã nỗ lực không ngừng xóa đi những tàn tích đau thương của cuộc chiến tranh ngày nào. Một Kon Tum anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và ngày hôm nay, khi quê hương đã yên tiếng súng, họ lại trở thành những chiến sỹ kiên cường trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu. 100 năm là một mốc son đáng nhớ. Nó nhắc nhở mỗi người dân Kon Tum hôm nay và ngày mai, tiếp tục và đừng bao giờ ngừng nghỉ những công việc bao năm qua họ đã từng làm, từng cống hiến: Ấy là cùng chung tay, chung sức xây dựng một quê hương Kon Tum giàu mạnh và phát triển.

Tác giả bài viết: Lê Hòa theo Báo Gia Lai

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây