Hoàn thiện quy trình nhân giống sâm Ngọc Linh hướng đến xây dựng thương hiệu Quốc gia

Chủ nhật - 22/02/2015 19:09
Được mệnh danh là "cây vàng, cây bạc", sâm Ngọc Linh bị săn lùng ráo riết và ngày càng trở nên quý hiếm. Để bảo tồn và phát triển loài cây quý này và hướng đến xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề cây giống.
Qui trình nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng công nghệ phôi vô tính
Qui trình nhân giống cây sâm Ngọc Linh bằng công nghệ phôi vô tính
Năm 1973, đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu 5 đã phát hiện ra sâm Ngọc Linh và sau này được xác định có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv. Một số kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy sâm Ngọc Linh là một cây dược liệu quý với những đặc tính cơ bản gần giống sâm Triều Tiên, có tác dụng dược lý như bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, chống stress tâm lý, chống lão hóa, kháng khuẩn, cải thiện chức năng gan, sâm Ngọc Linh còn là một loại thảo dược có hàm lượng saponon occotillol cao. Trong đó, MR2 chiếm hàm lương hơn 50% tổng số saponin trong sâm Ngọc Linh, có tác dụng chống trầm cảm, chống stress, cải thiện trí nhớ, tác dụng lên hệ thần kinh trung ương và có khả năng chống ung thư…
 
Vì vậy, loài cây này có giá trị kinh tế cao (giá trên thị trường khoảng trên dưới 20 triệu đồng/kg sâm tươi, cao gấp 3-4 lần so với sâm Mỹ, sâm Triều Tiên và giá sâm khô cũng trên dưới 100 triệu đồng/kg). Nhưng do những bất cập trong chính sách và công tác quản lý, cây sâm Ngọc Linh trong tự nhiên hầu như bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng, là một loài thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam và bị cấm khai thác. Mặt khác, do phân bố hẹp, chỉ phân bố ở vùng núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, điều kiện sống khá đặc biệt nên rất khó trồng và phổ biến rộng rãi. Cây tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất chậm, thường sau 5-7 năm trồng mới có thể khai thác sản phẩm. Do đó, việc bảo tồn và phát triển loài thực vật quý hiếm này đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà khoa học và quản lý.
 
Dưới sự phát triển của công nghệ sinh học hiện đại, nhân giống in vitro được áp dụng thành công trên đối tượng sâm Ngọc Linh nhằm tạo nguồn cây giống chất lượng phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển loài cây này. Trong gần 20 năm qua, thông qua việc thực hiện thành công các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện Hàn lâm như: “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grush.)” (Bộ Khoa học và Công nghệ); “Hệ thống nuôi cấy lớp mỏng tế bào trong nghiên cứu chương trình phát sinh hình thái và bảo tồn cây sâm Ngọc Linh” (Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ); “Ứng dụng hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED) trong nghiên cứu nhân nhanh cây Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.)” (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với số lượng lớn phục vụ nhu cầu nhân giống của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Dương Tấn Nhựt, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên đã công bố hơn 30 công trình khoa học trong và ngoài nước về sâm Ngọc Linh.
Qui trình nhân nhanh sinh khối rễ sâm Ngọc Linh chuyển gen.
 
Thành tựu nổi bật trong những nghiên cứu này là nhóm tác giả đã áp dụng những phương pháp mới, hiện đại trong nhân giống vô tính loài cây này; đó là áp dụng phương pháp hệ thống lớp mỏng tế bào (TCL), phát sinh phôi vô tính sâm Ngọc Linh, ứng dụng thành công hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED) trong các giai đoạn sinh trưởng phát triển của loài cây này. Chính vì thế, nhóm tác giả đã nghiên cứu thành công và xây dựng được quy trình nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh, tạo ra nguồn cây giống chất lượng chứa đầy đủ các dược tính như cây ngoài tự nhiên. Bên cạnh đó, hơn 10.000 cây sâm vô tính này đã được đưa về trồng thử nghiệm thành công ở vùng núi Ngọc Linh và hiện sinh trưởng và phát triển rất tốt.
 
Những kết quả ban đầu cho thấy hơn 85% số cây con sinh trưởng và phát triển tốt ngoài tự nhiên; bên cạnh đó, sau 8 tháng trồng đã có 35% cây sâm hình thành củ (dái củ). Ngoài ra, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy in vitro vượt xa nhiều so với cây sâm Ngọc Linh trồng bằng hạt (cây tự nhiên từ khi gieo hạt đến lúc hình thành dái củ mất ít nhất 2 năm). Hơn nữa, khi phân tích hoạt tính của những cây này cho thấy, chúng có đầy đủ hợp chất saponin ở thân, củ, rễ… Hiện nay, đã có những cây sâm in vitro trồng ngoài tự nhiên được 3 năm tuổi, 5 năm tuổi và 8 năm tuổi.
 
Không dừng lại ở đó, trong những năm gần đây, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chuyển gen tạo rễ tóc Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) làm vật liệu cho nuôi cấy bioreactor” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để thực hiện nuôi cấy sinh khối sâm trong điều kiện in vitro trong các hệ thống bioreactor nhằm tạo ra nguồn vật liệu sâm ban đầu nhanh chóng, chứa đầy đủ dược tính như sâm tự nhiên để phục vụ cho các ngành sản xuất dược liệu nhằm thay thế cho nguồn nguyên liệu trong tự nhiên ngày một cạn kiện và thời gian thu hoạch mất đến 5-7 năm.
 
Từ những thành công trong nhân giống và trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh cho thấy một tiềm năng lớn để phát triển nguồn dược liệu quý này, hướng đến xây dựng những sản phẩm về sâm Ngọc Linh mang thương hiệu quốc gia. Rất mong Nhà nước sẽ có những chính sách đầu tư lớn vào loài cây này để đất nước sẽ có vùng sâm bạt ngàn như Hàn Quốc, để nhân dân cả nước và thế giới có thể dùng sâm Việt Nam dễ dàng như dùng sâm Triều Tiên. Từ đó, xây dựng một thương hiệu Quốc gia về sâm Ngọc Linh để có thể sánh vai với nhân sâm Triều Tiên.

Tác giả bài viết: PGS.TS. Dương Tấn Nhựt Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây