Sự giàu-nghèo, được-mất, lên-xuống luôn tồn tại song hành, hiện hữu trong đời sống thực tại như một quy luật bất biến của tạo hóa. Con người cũng tùy theo nhân duyên, nghiệp lực và nhân quả của mình mà đón nhận những điều tốt-xấu, vui-buồn khác nhau. Học triết học, đọc giáo lý nhà Phật, rồi chú ý suy tư, chiêm nghiệm, trải nghiệm với cuộc sống tôi mới nhận thức được điều đó.
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở khúc ruột miền Trung, quanh năm hứng chịu nhiều thiên tai bão lụt. Từ nhỏ bản thân đã kém may mắn, chưa đầy bốn tuổi thì một cơn bạo bệnh đã cướp đi người mẹ thân yêu. Cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng quanh năm suốt tháng như một điệp khúc trần ai. Phải chăng chính hoàn cảnh cơ cực ấy đã tôi luyện, hun đúc nên một con người chững chạc trước tuổi, đã làm cho tôi sớm có ý thức tự chủ trong cuộc sống và mưu sinh. Lớn lên được đi học, rồi đi bán nước chè xanh, hái rau, mót củi, làm thuê… những việc đó tôi đều trải qua, và được mệnh danh là đứa trẻ biết lao động “sành điệu” nhất, nhì trong làng lúc đó.
Khi đã trưởng thành, nhiều lúc tâm trạng cảm thấy buồn, cô đơn, trống trải, hụt hẫng như mình vừa đánh mất một thứ gì to tát, hoặc buồn vu vơ không căn cứ. “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Những lúc đó tôi muốn buông xuôi mọi thứ, muốn rũ bỏ tất cả, muốn đi thật xa… Thế rồi, chính nguồn tri thức từ sách phổ thông, giáo trình đại học, đặc biệt là kinh sách Phật giáo đã giúp tôi có sự hiểu biết nhất định về thế giới quan (quan điểm, cách nhìn nhận của con người về thế giới, vũ trụ), đã lấp dần lỗ hổng trong tâm hồn tôi, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua tất cả, tiếp tục vươn lên sống có ý nghĩa, và tôi đã thực sự chiến thắng bản thân mình trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, phức tạp của cuộc sống.
Nay tôi nhìn đời bằng ánh mắt không thiên vị, thực hành sống khoan dung, chia sẻ với mọi người trong điều kiện của bản thân. Với tôi, dù ai đó có cuộc sống sung túc phú quý đến cỡ nào hay nghèo hèn cơ cực khốn đốn đến bệ rạc tôi đều tập nhìn bằng nhãn quan bình đẳng của các nhà hiền triết ngày xưa (mặc dù bản thân chưa đạt đến), cảm nhận mọi vấn đề xung quanh bằng tâm hồn và lý trí khách quan trong sáng, và tôi nghĩ rằng đó là cách sống vui trong mọi hoàn cảnh.
Ba tôi thường khuyên nhủ con cháu: “Phải sống thật, dùng lý trí để soi xét, phân định các lẽ ở đời. Có những người khi đến nhà cao cửa rộng thì tỏ thái độ sợ sệt, khúm núm. Có người thấy nhà cửa người ta tuềnh toàng, rách rưới thì tỏ thái độ hiên ngang, coi thường”. Ba tôi thường nói dí dỏm: Cái nhà là giả, dựng lên đập xuống thật đơn giản, con người mới khó “dựng”, khó “đập” thật đúng với câu nói của người xưa: “Giang sơn dị cải, bản tính nan di” (Sông núi dễ đổi, bản tính khó thay).
Dẫu biết cuộc sống vui-buồn, hạnh phúc hay đau khổ cũng do chính mình tạo tác và phải đón nhận, dù mình hoan hỷ hoặc không. Hàng ngày trong các mối quan hệ ràng buộc với gia đình, dòng tộc, làng xã, cộng đồng xã hội, tôi luôn thực hành sống vui trong hiện tại, thực tập sống “tri túc”(biết đủ) để tạo cho mình một tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng, thanh thản, cho dù cuộc sống phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, gian nan. Tôi đang trên hành trình tìm kiếm lại chính mình, tìm kiếm cái vui, góp nhặt niềm vui trong cuộc sống thường nhật từ những điều nhỏ nhặt, bình dị nhất, với phương châm: “Cái buồn ta gạt, cái vui ta bòn”.