Một thầy Sufi, ông này đang nói chuyện với vài người trong quán cà phê và ông ấy nêu một câu ngạn ngữ xưa của người Sufi: "Cuộc sống là hoàn hảo, mọi thứ đều hoàn hảo, mọi người đều hoàn hảo."
Một anh gù cũng đang nghe, anh ta liền đứng lên và nói, "Trông tôi đây! Tôi là bằng chứng rằng cuộc sống không hoàn hảo. Trông tôi đây! Chẳng lẽ điều đó không đủ để bác bỏ ý niệm của ông rằng cuộc sống là hoàn hảo hay sao? Trông tôi đây - tôi xấu làm sao, tôi khó khăn làm sao. Tôi là thằng gù."
Vị thầy Sufi nhìn và nói, "Nhưng anh là chàng gù tuyệt vời nhất mà tôi chưa từng thấy bao giờ." Chàng gù tuyệt vời nhất. …
Cuộc sống là hoàn hảo. Điều đó không có nghĩa rằng nó phải khớp với ý niệm của bạn về hoàn hảo. Điều đó đơn giản rằng không có gì khác để so sánh với nó, không có lí tưởng nào. Đây là tất cả những gì đang đấy - nó là hoàn hảo.
Hoàn hảo của bạn bao giờ cũng là so sánh. Hoàn hảo đơn giản chỉ là sự kiện đang đấy, nó không phải là so sánh. Bạn so sánh, bạn nói, "Đúng, cái này là hoàn hảo, cái kia không hoàn hảo", và bạn có tiêu chuẩn về cái gì là hoàn hảo?
Một khi bạn bắt đầu nhìn cuộc đời như nó đang đấy, và bạn không có ý niệm về việc đáng lẽ nó phải thế nào, thì mọi thứ đều hoàn hảo. Ngay cả cái bất toàn cũng là hoàn hảo. Điều đó ngụ ý cuộc sống hoàn hảo là điều đơn giản: ngụ ý bạn đừng đem lí tưởng của mình vào nó, bằng không bạn sẽ làm cho nó thành bất toàn; vì khi bạn đem lí tưởng vào thế thì bạn đang tạo ra bất toàn.
Nếu bạn nói con người lí tưởng phải cao hai mét mốt mà con người lại không được như thế, thì có khó khăn rồi. Hoặc nếu bạn có ý niệm là con người phải cao có một mét ba mươi mà con người lại không thế, thế thì có khó khăn. Cuộc sống là đơn giản. Ai đó cao hai mét mốt và ai đó cao mét ba. Cây này cao đến tận mây, cây khác bé tí tẹo. Nhưng tất cả đều hoàn hảo, mọi vật đều như nó phải như vậy, vì không có cái "đáng lẽ phải thế này" trong tâm trí. Cuộc sống như nó đang đấy, không có ý niệm nó đáng phải thế nào.
Vứt bỏ so sánh, vứt bỏ phán xét, bằng không, bạn sẽ vẫn còn khổ, chỉ vì so sánh và phán xét của mình. Nhìn cuộc sống mà không phải là quan toà đi. Bạn là ai mà phán xét? Bạn biết gì về cuộc sống nào? Thậm chí bạn biết gì về chính mình nào? Bạn là ai mà phán xét? Phán xét đến từ ý niệm rằng bạn biết; phán xét là thông thái.
Nhìn cuộc sống bằng trạng thái không biết, nhìn qua trạng thái không biết đi. Nhìn nó trong say mê thán phục - và bỗng nhiên mọi cái đều hoàn hảo. Đôi khi trời đầy mây, nhưng nó hoàn hảo. Và đôi khi trời đầy nắng và nó hoàn hảo. Và đôi khi trời mưa, đôi khi trời không mưa, nhưng nó là hoàn hảo. Cứ như nó hiện thế, nó là phúc lành. Hoà hợp với phúc lành này là mang tính cầu nguyện.