Nước đậu nguyên chất 2.000 đồng một bịch Một chai nước đậu được quảng cáo là nguyên chất có giá bán chỉ trên dưới 10.000 đồng, thậm chí có nơi chỉ 2.000 đồng, tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP HCM). Tại nhiều khu vực khác ở TP HCM, loại đồ uống này cũng được bán khá phổ biến. Hầu hết các chủ hàng đều quảng cáo đây là sản phẩm nguyên chất.
Nhiều năm bán các sản phẩm từ đậu nành tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP HCM, bà Hiền cho hay, 1 kg đậu sau khi ngâm sẽ nấu được 2,5 lít nước. Loại nước này đặc sệt vì vẫn còn phần cái. Người bán sẽ lọc và pha thêm nước để bán. Tuy nhiên, tỷ lệ bao nhiêu, mỗi nơi lại khác nhau.
"Nhà làm ăn uy tín bao lâu nay nên thường tôi chỉ pha thêm khoảng 1,5 lít nữa rồi bán. Nhưng có những nơi họ pha nhiều nước hơn để thu lời", bà Hiền chia sẻ.
Hóa chất tạo mùi được bán nhiều ở chợ "thần chết" Kim Biên. Ảnh: Ly Nguyễn.
Theo tính toán, 1 kg đậu nành tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh có giá 38.000 đồng. 2,5 lít nước đậu nguyên chất pha nếu bán theo chai 250 ml với giá 5.000 đồng, người bán chỉ thu về 50.000 đồng, không được bao nhiêu.
Trước cổng khu công nghiệp Tân Bình, người bán nước đậu tên Phương cho hay, giá bán mỗi bịch 200 ml chỉ với giá 2.000 đồng, ly mang đi là 3.000 đồng. Giải thích cho việc bán giá rẻ như vậy, bà Phương nói: “Ở đây chủ yếu bán cho công nhân nên có giá như vậy. Kêu rẻ thì cũng bán rẻ thật nhưng tăng thì ai uống”. Về việc pha thêm nước cho loãng, người bán này khẳng định luôn: "Ở đâu chẳng vậy, pha thêm bán mới có lời chứ bán nguyên chất thì lỗ vốn à!”.
Hóa chất pha đậu nành bán tràn lan
Người viết bài đã có dịp thử hai loại nước đậu nành, một nguyên chất, một bán ở vỉa hè. Mùi vị của hai loại nước này khác nhau. Ly nước nguyên chất thơm dịu mùi đậu nành, có cặn lợn cợn của đậu xay chưa nhuyễn hết, vị hơi ngậy. Ngược lại, ly đậu nành pha sẵn bán ở vỉa hè dạng "take away" (mang đi ngay) dạng lỏng như nước, vị thơm. Loại này cũng không sệt hoặc có bợn như sữa đậu nguyên chất. Khi để lâu, nước và sữa đậu tách ra, phần nguyên chất lắng xuống.
Thấy lạ kỳ khi ly nước đậu nành lỏng như nước suối nhưng lại có mùi thơm nồng như vậy, chúng tôi đến chợ Kim Biên – chợ hóa chất lớn nhất tại TP HCM, mong tìm được câu trả lời. Ban đầu, nhiều cửa hàng khá thờ ơ, nhưng khi khách mua cho hay sắp mở xe nước vỉa hè cần lấy mối thì họ hồ hởi trả lời ngay.
Tại kiot số 2, nam nhân viên giới thiệu loại bột béo để pha thêm vào đậu nành cho ngậy. Theo lời anh này, nếu sợ nhạt chưa đủ thơm, khách có thể mua thêm hương đậu nành.
Các loại hương liệu tạo mùi được bán công khai ở chợ Kim Biên. Ảnh: Ly Nguyễn.
Vậy là ngoài đậu nành, công nghệ chế biến nước đậu “nguyên chất” còn có thêm bột béo và hương liệu để tạo mùi. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua, nhân viên giới thiệu ngay 1 kg bột béo giá 80.000 đồng, 1 lít hương tạo mùi giá 400.000 đồng.
Trước thắc mắc của người mua về mức giá, nhân viên cho biết, chỉ cần một vài giọt nguyên liệu cho cả nồi đã tạo độ thơm cần thiết. Nếu cho nhiều hơn, nước sẽ đắng, không giống vị nước đậu bình thường. Do đó, theo người này, giá trên tưởng đắt hóa lại rẻ.
Cà phê thơm ngon nhờ chất tạo mùi
Có dịp đến chợ Kim Biên, chúng tôi cũng tranh thủ tìm hiểu thêm công nghệ chế biến nhưng thức uống hằng ngày được nhiều người ưa thích.
Tại chợ Kim Biên, các chai, phích nhựa không nhãn mác ghi tên chất tạo mùi hương cho cà phê được bán tràn lan. Các loại hương được bán nhiều gồm có cà phê hương chồn, hương Mo-ka, Pháp vàng… Ngoài dạng lỏng, hóa chất tạo mùi cho cà phên còn có dạng bột màu vàng mịn như đường, mùi thơm rất nồng. Khi người mua hỏi, nhân viên mới trưng loại này ra.
Các loại chất tạo mùi cho cà phê bán công khai. Ảnh: Diễm Mi.
Tại cửa hàng M.H, các chất tạo mùi được bày ngay mặt tiền. Nhân viên báo giá bột tạo mùi 400.000 đồng/kg, chất tạo hương liệu 180.000-300.000 đồng/lít, tùy loại hương. Người này cho biết thêm, lượng pha thì tùy nhưng thường tỷ lệ là 10:0,3 tức là 10 kg cà phê (có pha thêm bột bắp hay bột đậu nành cho giảm nồng độ cafein) pha với 0,3 kg bột tạo mùi.
Theo tính toán của anh này, 1 kg bột tạo mùi 400.000 đồng có thể độn cho 35 kg cà phê đã pha để tạo ra thứ cà phê cho là “nguyên chất”. "Những người sành uống cà phê thường họ nhận ra ngay vì giữa pha và không pha khác nhau độ đắng, thơm, màu (thường nguyên chất có màu nâu cánh gián) nhưng với công nghệ tạo mùi khó biết như vậy thì uống lầm là chuyện thường", anh này chia sẻ.
Sau khi ngửi một lọ hương liệu chúng tôi mua từ chợ Kim Biên, ông Tâm, người lái xe ôm tại bến xe Miền Đông chia sẻ: “Ngày nào cũng uống 2 ly cà phê, thường thì uống chỗ quen. Chỗ này có pha thêm bột bắp để uống cho thơm với nhẹ đô, uống xong không bị rung tay như cà phê đậm chất. Nhưng mà nói pha thêm chất này nọ mà thơm như cà phê thường thì tụi tui cũng khó biết".
Trên báo Pháp Luật TP HCM, Sở Công Thương TP HCM cho hay, các cửa hàng kinh doanh hóa chất quy mô nhỏ tại chợ Kim Biên khó hoặc không thể đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và con người theo quy định. Các điều kiện này gồm kho chứa, phương tiện vận tải chuyên dùng, người kinh doanh có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất.