Trâu trong văn hoá Việt Nam

Thứ năm - 22/01/2015 21:07
Từ khi được thuần hóa, trâu là một trong những con vật rất gần gũi với con người. Trong y học, nhiều bộ phận của con trâu có thể giúp bảo vệ sức khỏe con người. Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật, con trâu cũng là một trong những con thú được nhắc đến (súc sanh). Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa Việt, con Trâu Vàng là một linh vật tại SEAGAME được tổ chức tại Việt Nam.
Trâu trong văn hoá Việt Nam
Trong văn hóa đại chúng, hình tượng con trâu phổ biến trong văn hóa phương Đông và gắn bó với cuộc sống người dân ở vùng Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là trong văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp gọi là (Sửu) ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), trâu có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước. Trâu là con vật dùng vào việc lễ tế thần thánh. Trong 12 cung hoàng đạo của phương Tây, có cung Kim Ngưu.
Trâu là một loài động vật thuộc họ Trâu bò (Bovidae). Chúng sống hoang dã ở Nam Á (Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan) Đông Nam Á, miền bắc Úc. Trâu thuần dưỡng, tức trâu nhà được nuôi phổ biến nhất ở vùng nhiệt đới châu Á. Một số nhỏ có mặt ở Nam Mỹ và Bắc Phi châu. Trâu trưởng thành nặng khoảng từ 250 đến 500 kg. Loài trâu rừng hoang dã lớn hơn thế rất nhiều; con cái có thể nặng 800 kg, con đực lên tới 1,2 tấn, và cao tới khoảng 1,8 m. Trâu rừng châu Á có cặp sừng dài nhất trong số các loài thú có sừng trên thế giới.
Trên thế giới có hai nhóm trâu: trâu rừng Châu Phi (Cape buffalo) và trâu Châu Á, tức trâu nước. Đây là hai loài riêng biệt thuộc họ Syncerus (trâu Phi Châu) và Bubalus (trâu Châu Á) ở hai vùng địa lý cách biệt. Châu Á là bản địa của loài trâu với 95% tổng số trâu trên thế giới. Khoảng phân nửa số này sống ở Ấn Độ. Tính đến năm 1992 Á châu có 141 triệu con trâu. Trâu được nuôi lấy sức cày ruộng, lấy thịt và sữa. Sữa trâu có lượng mỡ béo cao nhất trong các loại sữa gia súc ngoài ra da trâu còn được sử dụng để làm trống và sừng trâu dùng làm tù và.
Phương Đông
Theo cách phân chia thời gian năm tháng ở châu Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa thời xưa, con Trâu cũng là một biểu tượng cho một năm. Trong 12 địa chi (thập nhị chi), trâu mang pháp danh là Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác, 12 con vật được đứng trong sách lịch pháp trên nay là đại diện cho các loài. Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm.
Người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, ứng với hành thuỷ, thuộc về mùa Đông. Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng và thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt. Ở văn hóa phương Đông, một trong những tôn giáo lớn là đạo Phật có nhiều câu chuyện về trâu, mượn hình ảnh loài vật này để nói về triết lý, văn hóa, đạo lý sống, đó là tự chăn tâm mình, tự chăn tâm ngã như là thuần phục một con trâu. Biểu hiện cụ thể là bộ tranh chăn trâu gồm 10 bức với 2 dòng trâu tiệm hóa minh họa cho con đường giác ngộ của Phật giáo Tiểu thừa và trâu toàn đen dẫn bày các yếu chỉ thiền cho người học theo tư tưởng Phật giáo Đại thừa.
Người dân tộc Choang có ngày Lễ hồn trâu vào mùng 8-4 âm lịch, nhà nhà dọn sạch sẽ chuồng trâu, các cô gái đưa trâu đi tắm rồi dắt về đi quanh bàn ăn một vòng, sau đó cho trâu ăn bánh ngũ cốc, còn trẻ em thì buộc lên sừng trâu giấy đỏ cầu may.
Dân tộc Động có Lễ tắm trâu vào ngày 6-6 âm lịch, người ta mổ gà, vịt làm cỗ ăn mừng rồi lấy lông cắm vào chuồng trâu để chúc cho trâu sức khỏe, bình an. Cứ đến đầu tháng 10 âm lịch
Người Miêu ở Vân Nam lại diễn tục Trát sừng trâu, trẻ em lấy bánh nếp nướng trát đầy lên sừng trâu rồi cắm kèm theo 2 quả ớt đỏ. Người Miêu cho rằng trâu được trát sừng khi đi uống nước sẽ nhìn được bóng mình và sẽ biết người chủ rất nhớ ơn nó.
Dân tộc Bu-y thì có lễ cúng thần mạ và thần trâu…
Việt Nam
Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003, hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam. Hình ảnh con Trâu kéo cày bừa trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm gíac thị vị thanh bình vùng miền quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua].
Trong những câu chuyện cổ tích có sự hiện diện của con trâu. Câu chuyện Trí khôn của ta đây lý giải nguyên nhân của việc trâu không có răng ở hàm trên. Thời kỳ Vua Hùng dựng nước, con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Tượng Trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ, ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng - hồ Tây (Hà Nội). Theo huyền sử ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi yrâu rước cờ lau tập trận đây là một vị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng.
Thời nhà Lý - nhà Trần, với chính sách trọng nông, khuyến nông, Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật. Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt. Vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền, trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực. Nhiều đình chùa đã chạm khắc và tạc tượng trâu, đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh). Thời nhà Lý, chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa khá sống động. Con trâu luôn gắn với đời sống của người nông dân Bắc Giang. Thành ngữ con trâu là đầu cơ nghiệp nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu đối với nhà nông.
Thời Lê Trung Hưng con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ. Trâu còn hiện diện trong tranh dân gian và trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ XVII, XVIII… Di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp tỉnh, đình Khả Lý Hạ (Việt Yên) còn chạm khắc hình trâu trên cấu kiện gỗ ở cốn mê. Bức chạm trâu kéo cày ở nghè Mẫu Sơn (Lục Nam) cũng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian đẹp ở thế kỷ XVII, XVIII. Có câu chuyện Trạng Quỳnh cho đấu trâu với Tàu, thắng về mưu trí, trâu Tàu to hung dữ nhưng phải chạy thua trước một con trâu nghé.
Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công. Truyện kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát[7]. Danh từ trong tiếng Việt thì Trâu con gọi là nghé. Trâu giống cái gọi là trâu nái. Địa danh Bến Nghé nay vẫn lưu truyền vùng Sài Gòn. Ở Bắc Giang miền đất có nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước từ cổ xưa. Sau này thời hiện đại có tác phẩm tác phẩm Mùa Len Trâu trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ 20, len" trong tiếng Miên có nghĩa là "đi tự do", "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do.
Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân. Ở Bắc Giang từ xa xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Hội làng Phú Khê (Tân Yên) có lệ tế thần thành hoàng bằng trâu sống. Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế thần bằng trâu sống. Việc thờ trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang.
Một số vùng nông thôn Việt Nam có tục lệ là làm Tết Trâu ở các vùng Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngoài ra, trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu... Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) Hải Phòng vào tháng Tám âm lịch có tục chọi trâu rất nổi tiếng ngoài ra còn có Làng Hải Lưu, Huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có lệ chọi trâu khá quy mô. Lễ hội là một phong tục tín ngưỡng để tạ ơn Thần Biển của người dân ở đây. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa. Đó là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trâu còn góp mặt trong đời sống văn hóa.
Con trâu trong hội họa Việt Nam thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và nhiều nhất là sơn dầu và đặc biệt là qua Tranh Đông Hồ. Trong cách vẽ tranh trâu làm cho hình ảnh con trâu sống động hơn, gần gũi hơn. Hình ảnh con trâu sau đó cũng đi vào hội họa Việt Nam với các tác phẩm trâu của nhiều họa sỹ như Nguyễn Sáng với bức Chọi trâu, Nguyễn Tư Nghiêm với tranh Con nghé (1957), trong tranh Bùi Xuân Phái cũng có bóng dáng của con trâu. Có mười bức tranh trâu được gọi là "Thập mục ngưu đồ", vẽ con trâu và những chú mục đồng, mô tả thứ tự quá trình diễn biến trong tâm thức của người vận dụng sự hành thiền trong cuộc sống. Thập mục ngưu đồ là mười bức họa chăn trâu nổi tiếng trong thiền tông.
Trâu là biểu tượng cho hình ảnh cần cù, chăm chỉ, cực nhọc và khoẻ mạnh. Chúng cho sức kéo cày nặng nhọc, trâu còn cung cấp thịt và sữa. Trong tranh của Đông Hồ còn ghi nhận hình ảnh con trâu đi sát với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc để tóc chỏm thổi tiêu trên lưng trâu giữa những cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả. Con trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hay trong thôn xóm mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh của những chú bé mục đồng, những sinh hoạt chăn trâu hay len trâu thì rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, cỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu làng, bên những vựa lúa chín vàng, những trẻ em chăn trâu còn gọi là trẻ trâu. Trong sự diễn dịch bói toán hay trong nếp dân sinh người ta thường cho là người sinh vào năm con trâu thì chịu khó làm việc cực nhọc, chăm chỉ. Về sức mạnh thì lại nói là khỏe như trâu.
Trong âm nhạc Việt Nam, có ca khúc Đường cày đảm đang của An Chung: Trời vừa tinh mơ, dọc bờ rộn tiếng trâu đi. Ta với trâu sương gió quản gì. Bừa kỹ xong gieo luống cho đều. Trâu ơi... Mai lúa khoai nhiều., ca khúc Em bé quê của Phạm Duy, có mấy câu đầu nổi tiếng: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ. Ca khúc Lý con trâu của Lư Nhất Vũ, phỏng theo dân ca Nam Bộ. Bài hát của thiếu nhi như Cánh Đồng Tuổi Thơ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua lời ca về đồng lúa và con trâu: Ngồi dưới áng mây trời bay ngang/Còn con trâu nghé thì lang thang; Bài hát Con Đường Việt Nam, tác phẩm chung của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ nói về khung cảnh miền quê Việt Nam có bóng dáng con trâu gặp cỏ đường chiều, một vài em bé vui chơi thả diều. Phạm Duy thường dùng hình ảnh con trâu trong tác phẩm của ông, như trong bài Bình Ca. Bài Em Bé Quê, hình ảnh con trâu và em bé mục đồng đậm nét quê hương.
Các dân tộc
Đối với người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, con trâu là con vật không thể thiếu trong nghi lễ phong tục, là lễ vật dâng cúng thần linh, ông bà, cha mẹ, thu hút sự chăm lo giúp sức của người thân và bà con láng giềng. Cứ 7 năm một lần, vào tháng 7 lịch Chăm, 1 con trâu trắng dùng làm lễ vật được đem dâng cúng với nghi lễ linh đình tại chân núi Đá Trắng (núi Giang Patao) thuộc làng Như Bình, Phước Thái, Ninh Phước (Ninh Thuận). Ngày nay, lễ đâm trâu vẫn còn được một số gia đình Bà La Môn thực hiện khi họ đã khấn nguyện và có đủ điều kiện về vật chất.
Với người Sán Chay, nhà của người Sán Chay được xây dựng hình dung như một con trâu thần (thuỷ ngưu). Bốn cột chính tượng trưng cho 4 chân, rui mè như là xương sườn, nóc là sống lưng. Thùng cám được đặt ngay chân cột chính, cạnh cửa ra vào chính là dạ dày của trâu thần, người và gia súc bám vào đó mà sống. Bởi vậy, đó là chỗ linh thiêng trong nhà, là nơi thờ thần nuôi của gia đình. Trâu mang đậm yếu tố vật linh trong tính ngưỡng của người Sán Chay.
Đối với người Thái, con trâu đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất và đời sống kinh tế của họ với câu tục ngữ: Con trâu là cái nền nhà (Tôquai tại hương). Khi Tết đến, họ thường cho trâu ăn bánh chưng, lá dong... Con trâu còn được sử dụng vào mục đích tôn giáo, là lễ vật cúng tế trong các đám tang nhà giàu, chức dịch hoặc các bậc cao niên và nhất là trong các dịp cúng bản, cúng mường để tạ lễ Trời Đất, cầu yên cho dân trong bản mường.
Tây Nguyên
Nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên từ xưa đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng tô tem (totemism) của mình. Con trâu có vai trò to lớn trong đời sống xã hội. Tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ, ngày nay vẫn còn ở một vài nơi, như miền Tây Nguyên Việt Nam, còn tục đâm trâu, giết trâu tế Dàng. Đối với các dân tộc Tây Nguyên, việc giết trâu là một cử chỉ thờ cúng của bản làng. Con trâu vừa là con vật truyền thống dâng hiến cho cuộc sống. Lúc sắp bị giết, trâu được chăm sóc. Họ đánh đồng la, thổi kèn khi con trâu bị giết. Giao chiến bên cọc trâu và con trâu, cuộc giao chiến nghi lễ. Khi giết xong, thịt được mang cúng thần, sau đó được phân chia cho bữa ăn tập thể.
Phong tục đâm trâu thịnh hành theo phong tục cổ truyền của những dân tộc miền cao nguyên, đặc biệt là ở 2 vùng Kon Tum hay Gia Lai. Tục đâm trâu là sự thử thách đọ sức mạnh của con người và thiên nhiên. Những buổi lễ này được dân làng cử hành thường vào mùa thu hoạch cuối năm là cơ hội để các trai và gái làng biểu diễn tài năng của mình. Nam thì múa khiên, múa giáo, hay phóng lao. Trong khi nữ thì múa hát (xoang) cổ động cho buổi lễ đâm trâu. Còn người già đảm trách nhiệm vụ cúng tế và đặc biệt là đánh ching (tức chiêng bằng không có núm).
Con trâu tế thần (gọi là Kapô) được cột dưới cột Gưng. Nó có thể chạy quanh cột Gưng thành vòng tròn. Sau lời tế lễ, vị trưởng lão làng ra lệnh bắt đầu hành lễ, các chàng trai khoẻ mạnh như những dũng sĩ đóng khố Ktel (khố hoa) múa khiên, múa lao. Tiếng chiêng đuổi trâu chạy chàng dũng sĩ liền bám theo con trâu phóng những mũi lao ác nghiệt vào con vật hy sinh cho buổi lễ. Theo nhịp ching chiêng nhún nhảy, các cô gái nắm tay nhau xoang (múa) vòng quanh. Họ múa hát vui mừng cho tới khi con trâu bị lao đâm gục ngã quỵ và lời cúng tế dâng lên các thần linh của vị trưởng lão làng chấm dứt rồi thì lễ được kết thúc.
Trâu là vật nuôi gắn bó thân thiết với cuộc sống các dân tộc, người M'Nông (Tây Nguyên) thường dùng trâu để giải quyết các việc lớn trong gia đình, dòng họ và cho cả buôn làng. Mua chiêng bằng trâu, mua ché bằng trâu, dựng nhà, cưới gả, các lễ hội mừng được mùa hàng năm bằng trâu. Trong luật tục, những tội trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định của cộng đồng như xúc phạm thần linh, làm những điều người ta kiêng cữ, loạn luân đều dùng trâu để phạt vạ hoặc cúng xóa tẩy tội lỗi. Huyết trâu hòa với rượu cần, gan trâu, thịt trâu là các cỗ vật linh thiêng để con người thông qua với thần linh, là thức ăn đồ uống mà mọi người trong buôn làng dùng để tẩy rửa xui xẻo, cầu mong bình an và hạnh phúc cho cộng đồng và cho mọi người.
Với người M’nông thì trâu là con vật quý, đứng thứ hai sau voi, nên gia đình nào có trâu trong nhà được xem là giàu có. Họ tin rằng thần trâu, hồn trâu luôn ở bên cạnh, mang lại may mắn cho gia đình và cộng đồng... Con trâu là linh hồn của các nghi lễ quan trọng của đồng bào M’nông. Trâu còn là niềm tự hào mỗi khi có lễ hội, người ta sử dụng trâu làm vật hiến sinh để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn giữa con người với thế giới tâm linh. Trong các gia đình người M’nông, những chiếc sừng trâu vẫn luôn được đặt trang trọng ở một góc nhà.
Đối với Người Cơ Ho hay còn gọi là người Lạch thì con trâu là tài sản quý giá nhất rồi mới đến chiêng, ché. Giống trâu Lang Biang ở xứ này có vóc dáng lớn nhất Việt Nam, được thả vào rừng để tự sinh, tự dưỡng như thú hoang. Trâu đực không dùng để kéo cày mà dành riêng cho việc tế thần. Theo họ thì mỗi con trâu đều có nét mặt, màu lông, dáng sừng và tâm tính riêng, giống như con người vậy. Người Lạch nói riêng và các tộc người thiểu số Tây Nguyên nói chung xem trâu là con vật tổ hoặc vật chuẩn để quy đổi các sản vật, đánh giá mức giàu sang của mỗi gia đình, dòng họ. Trước kia nhiều người còn cà hàm răng trên cho giống với vật tổ. Trong những dịp lễ trọng, trâu được chọn để hiến tế cho thần linh, thay thế con người.
Trong đời sống của người Cơ Tu, con trâu còn là hình ảnh thiêng liêng nối kết ước vọng của con người với thế giới thần linh. Trong tiếng Cơtu, con trâu được gọi là Tơ ri, nhưng con bò thì lại mượn tiếng bò của người Kinh để gọi. Con trâu được người Cơtu xem như của cải quý giá mà nhà gái thách cưới trong lễ hỏi, cưới, tương tự như đồ sính lễ nhà trai tặng cho nhà gái gồm mã não, chiêng, ché. Người dân cũng thường trao đổi, mua bán cái này với cái kia với đơn vị giá là trâu: 1 trâu, 2 trâu. Khi ai đó vi phạm luật tục của làng cũng bị phạt vạ 1 trâu, 2 trâu. Người Cơtu còn có điệu hát Lý khóc trâu và nhạc chuông dành riêng cho việc khóc tế trâu (Boóch tế trâu).
Trong lễ hiến tế trâu, người Cơtu đâm trâu không phải cốt để ăn thịt hay đâm lung tung trên người nó để đùa vui, nhảy múa. Trước khi đâm, người chủ lễ sẽ dùng than vẽ đúng vị trí quả tim (bên phải) của trâu, đó là chỗ cần phải đâm. Và khi trâu ngã xuống, người chủ lễ hoặc già làng cẩn trọng rót nước nóng đúng vị trí quả tim, rồi trịnh trọng phủ chiếc khố đẹp nhất của làng lên mình trâu, không quên những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất dành cho sự ra đi của nó. Cái đuôi trâu cũng được cắt lấy, ném lên cột lễ như bói quẻ để cầu may.
Trong ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu, trâu cũng là một hình tượng chủ đạo trong mô típ trang trí truyền thống. Hình tượng trâu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn biểu tượng của niềm hy vọng đạt đến cuộc sống sung túc, giàu có. Trên nóc nhà làng (nhà gươl), cặp sừng trâu được bố trí ở đầu hồi, hai bên nóc nhà làng, bên cạnh sừng trâu, người ta còn phối hợp thêm cặp chim tring, cặp gà trống, hình người đàn bà nhảy hội. Trên các tấm ván thưng dọc liên kết khung nhà, ở hai đầu tấm ván, người ta thường tạc hình sừng trâu, đầu kỳ đà với đường nét tạo hình uyển chuyển. Con trâu, với người Cơ Tu, con trâu và cặp sừng của nó còn là biểu tượng cho sự hoàn hảo, mong ước vươn đến cuộc sống an lành, giàu sang, no ấm. Người Cơtu khắc hình ảnh trâu lên nơi trang trọng của ngôi nhà chung, là vật dâng cúng thần linh khi người về cõi chết. Khi trâu chết, người Cơtu còn lưu giữ đầu, sừng bằng cách treo ở cây cột cái/cột mệ (Zờ dâng Moong) của Gươi ở vị trí cao nhất.
Ngôi nhà cộng đồng của người Cơtu là Gươi là biểu tượng cho hình ảnh con trâu với toàn bộ cấu trúc ngôi nhà là sự mô phỏng hình dáng con trâu với bốn chân cao có đế vững, mình tròn, sóng lưng oằn xuống với những đốt gai sống nhấp nhô. Bộ xương là hình ảnh của bộ sườn nhà với sống lưng là đòn nóc, các xương sườn là hệ thống vì kèo. Trên đỉnh của ngôi nhà có hai vòng cùng hướng vào nhau như hai cái sừng. Chi tiết hình ảnh con trâu ta sẽ thấy ngay trên hai đầu bậc cấp bằng gỗ khi bước lên Gươi. Hai đầu trâu nhìn chính diện với cặp sừng cong, gờ nổi cao ở hai bên, cái đầu hơi cúi xuống, đôi mắt buồn bên cạnh hai tai được cách điệu cặp xuống. Một kiến trúc rất quan trọng của người Cơtu là khu nghĩa địa nằm phía Tây của làng. Nơi đây, hình ảnh rõ nhất là quan tài (pink) trên nóc hồi nhà mồ với hai đầu trâu. Con trâu được mô phỏng rõ nét và thật hơn bằng khối tròn của thân cây sừng, đầu, tai và đôi mắt gắn bằng miếng thủy tinh, chỉ khác thân nó là chiếc quan tài.
Nền văn hóa khác
Người Ai Cập cổ đại thì trâu rừng tượng trưng cho sức mạnh và sự dũng mãnh. Cũng giống như ở Hy Lạp, trâu được xếp trong danh sách 12 con giáp của người Ai Cập, người Babylon và Ấn Độ cổ đại nhưng thứ tự có khác nhau. Tộc người Mahafales ở phía Nam đảo Madagascar rất coi trọng trâu, đó là biểu tượng của sự giàu có. Trên mộ người ta còn cắm những cột gỗ tạc hình trâu để biểu thị địa vị xã hội của người đã mất. Tại Indonesia, tộc người Balak, người Minang Kabaus trên đảo Sumatra và người Torajas trên đảo Salawesi đều rất sùng kính trâu như một biểu tượng có vai trò lớn trong cuộc sống của họ. Sự tích của người Minang Kabaus kể rằng ông tổ của họ nhờ một con trâu mà đánh thắng được giặc cướp, vì thế dân tộc này quyết định lấy tên là: Trâu chiến thắng (Minang = trâu, Kabaus = chiến thắng). Trong đám cưới của người Batak, bao giờ cũng có tổ chức chọi trâu với ý nghĩa những đặc tính của con trâu chiến thắng sẽ truyền sang đôi trai gái mới lấy nhau.
Ở Châu Phi có truyền thuyết Quái vật mình trâu, đầu bò Catoblepas trong thần thoại Etiopia cổ, Catoblepas có hình dáng là sự kết hợp của mình trâu, đầu bò. Chiếc đầu của Catoblepas luôn hướng xuống đất do cặp sừng quá nặng, bên cạnh đó, chiếc lưng lớn cùng nhiều gai nhọn sẽ bảo vệ chúng khỏi kẻ thù, nó có khả năng giết con mồi bằng hơi thở và ánh nhìn của chúng. Quái vật này thường ăn một loại cỏ có độc tính mọc bên sông, Catoblepas còn có khả năng hóa đá con mồi bằng cách nhìn thẳng vào mắt đối phương.
Văn hóa Phương Tây
Trong Kinh Thánh không nói đến tên con trâu vì vùng Trung Đông không có loài thú vật hình dạng giống Trâu[4]. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh có nhắc đến Bò, cụ thể là trong hang đá ngày lễ giáng sinh hình tượng các con thú vật đứng nằm chung quang đứa bé Giêsu được dựng bày chung quanh luôn có một hai con Bò. Vì Giêsu giáng sinh làm người trong chuồng súc vật giữa cánh đồng Bethlehem, Trâu Bò cũng như con Cừu, con Lừa là nhân chứng cho việc sinh đẻ này. Sau này đi rao giảng Giêsu cũng nói đến hình ảnh con Bò: Thế ngày Sabát, ai trong các ngươi lại không cởi dây dắt Bò lừa rời máng cỏ đi uống nước. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan nói đến hình con vật thứ hai giống như con Bò có cánh dương rộng ra đang đứng bên ngai Thiên Chúa ngày đêm hát ca tụng Người.
Mặc dù không để lại nhiều dấu ấn ở nền văn hóa phương Tây, nhưng trong quan niệm về 12 con giáp của người Hy Lạp, con trâu đực được xếp đứng đầu, tiếp đó là sơn dương, sư tử, lừa, cua, rắn, cá sấu, hồng hạc, vượn, chim ưng, chuột. Tại Tây Âu, người ta coi chiếc tù và làm bằng sừng trâu là biểu tượng của ngành bưu chính vì vào thời trung cổ, các lái buôn do đi nhiều nơi đã kiêm luôn cả việc chuyển thư, bưu kiện, mỗi khi đến một nơi họ lại thổi tù và sừng trâu để mọi người đến nhận hoặc gửi thư.
Thành ngữ về trâu
Con trâu gắn bó với người Việt Nam từ rất lâu do đó trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca có rất nhiều câu nói về con trâu Con trâu, trong ngôn ngữ dân gian cũng đã được điển hình hóa nên thành ngữ, thành chuyện. Con trâu cũng là hình ảnh gắn với nông nghiệp và nông dân và được mượn để ví von, so sánh, để răn dạy nhau trong cách ứng xử, sinh hoạt. Qua kho tàng thành ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của trâu trong nông nghiệp, ở đồng quê cũng như cách đối nhân xử thế, ứng xử sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể là:
Con trâu là đầu cơ nghiệp (Tục ngữ, ca dao Việt Nam), câu này nói lên con trâu rất quan trọng với người nông dân Việt Nam.
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/Trong ba việc ấy ắt là khó thay. Tậu trâu vẫn là công việc đầu tiên, quan trọng bậc nhất của một người nông dân, nó nhấn mạnh cho câu con trâu là đầu cơ nghiệp
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa. Đây là câu ca dao giản dị mà hàm súc, hiện thực và trữ tình. Câu trên là một tiểu đối toàn chỉnh: trên/ dưới, cạn/ sâu. Câu dưới dàn trải, bắt đầu tiểu đối: chồng/ vợ, cấy/ cày, sau cùng con trâu bước ra, chậm chạp, ung dung, trong một nhịp thơ khoan thai hơn: chất trữ tình ưu đãi con trâu vào cuối câu
Thứ nhất vợ dại trong nhà/Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn: Con trâu được liên hệ với người vợ và cùng là một trong những yếu tố quan trọng trong gia đình
Người nông dân còn coi trâu như một người bạn, người bạn thân thiết. Hình ảnh con trâu cũng là hình ảnh của người nông dân Việt Nam: cần cù, chịu thương chịu khó, dãi nắng dầm mưa,
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn việc nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cho lúa trổ (đơm) bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Ruộng sâu, trâu nái: Nói lên sự sung túc, thành công của nhà nông.
Muốn giàu thì nuôi trâu nái/Muốn lụn bại thì nuôi bồ câu: Kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, đầu tư
Sai con toán, bán con trâu
Lạc đường nắm đuôi chó/ Lạc ngõ nắm đuôi trâu: Kinh nghiệm tìm đường
Trâu buộc thì ghét trâu ăn. Quan võ thì ghét quan văn dài quần Nói lên sự ghen ghét, đố kỵ về sự không bình đẳng ấy sinh ra mâu thuẫn.
Trâu đi tìm cọc chứ ai đời cọc đi tìm trâu: Nói lên quan niệm yêu được cưới hỏi của người Việt xưa, theo đó người đàn ông phải là người chủ động trong việc tìm kiếm, ngỏ lời, cưới hỏi chứ không phải là người phụ nữ.
Trâu quá sá, mạ quá thì. Hồng nhan bị bỏ còn gì là xuân: Chỉ về lứa thì, xuân sắc của người phụ nữ, khi tuổi trẻ qua đi.
Cưa sừng làm nghé: Chỉ những người phụ nữ đã già rồi nhưng còn cố tình làm ra vẻ trẻ con, ngây thơ.
Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết để ám chỉ kẻ mạnh xung đột, tranh chấp nhau, kẻ yếu bị tai họa, vạ lây.
Kéo cày thay trâu: Lối ví von sinh động để phản ánh cảnh cơ cực của người nông dân xưa.

sâm dây kon tum

Tác giả bài viết: Theo Wikipedia

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây