Nhà sưu tầm rượu vang Hardy Rodenstock tường chừng như một nhân vật vừa bước ra khỏi một cuốn tiểu thuyết lịch sử ly kỳ: một cự phú với khối tài sản bí ẩn “kiếm được trên sàn chứng khoán”, một người Đức mang cái họ Rodenstock giống như gia đình tài phiệt trong ngành kính chất lượng cao, một người kiệm lời và luôn ăn vận cực kỳ nghiêm túc. Rodenstock cũng nổi danh khắp giới rượu vang từ những năm 1980 với khả năng săn lùng ra những chai rượu vô cùng quý hiếm và những bữa tiệc thử rượu xa hoa.
Trong thế giới rượu vang, có những nhà sản xuất rượu đứng cao hơn hẳn một bậc: cùng là rượu vang từ vùng Bordeaux của Pháp, nhưng những chai rượu mang nhãn Château Lafitte, Château Latour hay Château Margaux luôn có giá trên trời so với những chai rượu thường. Và từ cùng một nhà sản xuất, nhưng những chai có tuổi rượu (vintage) khác nhau sẽ có giá trị khác hẳn nhau.
Hardy Rodenstock lừng danh vì tổ chức những bữa tiệc thử rượu vang kéo dài hết nhiều ngày, với vô cùng nhiều chai rượu quý hiếm, tất cả đều bằng tiền túi của chính mình. Trong một buổi thử rượu thuộc loại xa hoa nhất, những người sành rượu, các nhà phê bình, các chính khách và minh tinh được chiêu đãi tận 125 năm tuổi khác nhau của các chai rượu đến từ Château d’Yquem, loại rượu vang trắng đắt giá nhất thế giới.
Trong số những người bạn và khách tham gia thường xuyên vào các buổi thử rượu của Hardy Rodenstock có Michael Broadbent, nhà phê bình rượu nổi tiếng và giám đốc mảng rượu vang của nhà đấu giá Christie’s.
Rượu vang thường được ví như một thực thể sống. Ngay cả sau khi đóng vào chai, vang vẫn tiếp tục thay đổi về màu sắc và hương vị: nếu bảo quản không đúng cách, một chai rượu sẽ mất hết vị ngon và thậm chí hóa thành giấm. Ngược lại, có những chai rượu sẽ trở nên nuột nà hơn, màu rượu sẫm đi và có ánh óng ả như đá quý, những mùi vị phức tạp và tinh tế hơn sẽ phát triển. Nhiều chai rượu được coi là đặc biệt ngon được đóng từ những năm 40 của thế kỷ 20, và thậm chí có những chai rượu đóng từ thế kỷ 18 khi mở ra vẫn có hương vị tuyệt hảo.
Thế nhưng năm 1985, Rodenstock tìm ra một số chai rượu không chỉ vô giá bởi vì độ tuổi phi thường, mà còn vì chủ sở hữu cũ của chúng: trên những bình rượu thủy tinh có khắc mấy kí tự đơn giản “Th. J”. Giới rượu vang lập tức liên hệ những chai rượu có năm tuổi từ những năm 1780 này với Thomas Jefferson – một trong những người sáng lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và cũng là một trong những người sành rượu đầu tiên của quốc gia này. Thomas Jefferson từng là Đại sứ Hoa Kỳ ở Pháp, và đã mê như điếu đổ món rượu vang Pháp. Trong nhiệm kì đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, ông bỏ ra tận 7,500 đô-la thời ấy (khoảng 150,000 đô-la tiền bây giờ) để thửa riêng rượu từ Pháp về.
Nhà đấu giá Christie’s đặt mức giá khởi điểm cho một chai rượu “Th. J” là 10,000 bảng Anh. Ngày 5/12/1985, Michael Broadbent hạ búa bán chai rượu “Th. J” đầu tiên cho tỷ phú Mỹ Christopher Forbes, con trai của ông chủ tạp chí Forbes, với mức giá 105,000 bảng. Ở thời điểm đó, đấy là chai rượu vang đắt nhất được bán ra ở một cuộc đấu giá.
Rodenstock bán nhiều chai rượu “Th. J” qua các nguồn khác nhau. 4 chai trong số đó về tay Bill Koch, con của nhà tài phiệt Fred Koch và bản thân cũng là một nhà kinh doanh tài ba trong ngành năng lượng. Gần hai thập kỷ trôi qua trong yên bình và những chai rượu “Th. J” có lẽ đã nằm yên trong các hầm rượu triệu đô, không bao giờ được mở ra, nếu như năm 2005, Bảo tàng Boston không xin phép trưng bày bộ sưu tập của Bill Koch. Sau khi truy lùng dấu tích của những chai rượu “Th. J” mà Koch đã mua và không tìm ra dấu tích gì ngoại trừ lời bảo đảm của nhà đấu giá Christie’s, viện bảo tàng này tuyên bố họ nghi ngờ những chai rượu này là giả.
Bill Koch không tiếc tiền thuê người điều tra Rodenstock – thám tử tư ước tính Koch đã bỏ ra hơn một triệu đô la, gấp đôi số tiền ông bỏ ra cho những chai rượu. Người ta tìm ra rằng Hardy Rodenstock tên thật là Meinhard Goerke, nghề nghiệp cũ là một kĩ sư đường sắt. Những chữ “Th. J” trên vỏ chai dường như đã được khắc lên bởi một dụng cụ chạy điện, chứ không phải bằng bánh khắc đồng đạp chân của thế kỷ 18. Năm 2006, Bill Koch kiện Hardy Rodenstock ra tòa án Mỹ vì tội lừa đảo.
Giới rượu vang được một phen chấn động: hàng ngàn ghi chép lúc thử rượu vang, trong đó có hàng trăm ghi chép của Michael Broadbent về rượu vang thế kỷ 18 đều dựa trên các chai rượu của Rodenstock.
Người ta lật lại thêm nhiều những nghi ngờ cũ về Rodenstock nói chung. Nhiều người chỉ ra rằng trái với thông thường, Rodenstock không cho phép khách mời nhổ rượu ra trong những buổi thử rượu của mình. Rodenstock cũng luôn để những chai rượu quý giá nhất đến cuối buổi tiệc khi mọi người đã ngà say.
Có hai cách chính để làm giả rượu vang quý. Cách thứ nhất là thay nhãn cho một chai rượu có giá trị tầm tầm, ví dụ rượu của một năm tuổi không mấy đặc biệt, bằng cái nhãn của một năm tuổi khác quý hơn và đắt giá hơn nhiều của cùng nhà làm rượu đấy. Cách thứ hai là dùng một chai rượu rỗng, và pha rượu mới đổ vào.
Hardy Rodenstock có một chiếc mũi trời phú, nhiều người cho rằng ông ta đã pha trộn khéo léo các loại rượu rẻ tiền hơn, cộng với việc trình diễn tạo dựng danh tiếng hoàn hảo để đánh lừa ngay cả những nhà phê bình tinh tế nhất. Tuy vụ việc vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ ở tòa - Rodenstock tiếp tục dùng tư cách công dân Đức, không xuất hiện tại tòa án Mỹ - nhưng đa phần giới rượu vang cho rằng đây là cú lừa ngoạn mục nhất lịch sử rượu vang.